Bình luận: Các câu hỏi cơ bản xoay quanh biện pháp giải cứu BĐS của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vẫn còn đó các câu hỏi lớn xoay quanh kế hoạch giải cứu bất động sản (BĐS) đang rất được chú ý của Bắc Kinh. Nỗ lực mới nhất của chính quyền Trung Quốc còn lâu mới trở thành giải pháp cho những vấn đề về kinh tế và tài chính của đất nước này.

Bài bình luận

Các kênh truyền thông phương Tây bình luận rất nhiệt tình về giải pháp mới của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra ở quốc gia này. Phải thừa nhận rằng những gì chính quyền đề xuất gần đây vượt xa mọi nỗ lực trước đó và chắc chắn mang lại nhiều tác động hơn việc không hành động gì, điều mà Bắc Kinh đã thể hiện trong vòng hai năm sau khi cuộc khủng hoảng lần đầu tiên nổ ra với việc vỡ nợ của nhà phát triển khổng lồ Evergrande vào năm 2021.

Tuy nhiên, nếu hành động gần đây của chính quyền Trung Quốc có thể lấn át những hành động trước đó, thì nó vẫn quá nhỏ so với nhu cầu của đất nước này và hơn thế nữa còn gây ra những rủi ro mới cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Bắc Kinh còn lâu mới có thể dừng đau đầu vì những rắc rối kinh tế.

Giải pháp mới nhất này đi cùng với việc Bắc Kinh phát hành khoảng 1 nghìn tỷ CNY (khoảng 140 tỷ USD) trái phiếu siêu dài hạn để tài trợ cho việc chính quyền địa phương mua các căn hộ chưa có người ở trên khắp đất nước. Theo kế hoạch, những chủ sở hữu thuộc chính phủ này sau đó sẽ thay đổi mục đích sử dụng đối với các căn hộ, biến chúng thành nhà ở giá rẻ cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Để khuyến khích việc mua những căn nhà này của người dân, chính phủ sẽ giảm tỷ lệ trả trước tối thiểu bắt buộc và cũng giảm lãi suất tối thiểu cho tài chính cá nhân.

Nỗ lực này vượt xa các biện pháp tầm thường mà Bắc Kinh đã thực hiện vào năm ngoái và chắc chắn khác hẳn việc hoàn toàn không hành động trước đó. Các nhà chức trách tuyên bố rằng kế hoạch mới này sẽ giải quyết lượng bất động sản tồn đọng, giảm bớt áp lực giảm giá đối với các bất động sản, khôi phục sự quan tâm đến việc mua nhà của các gia đình Trung Quốc, đồng thời nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và mức độ chi tiêu.

Tuy nhiên, có nhiều chỗ trống cho sự hoài nghi. Ví dụ, quy mô là một vấn đề quan trọng. Nỗ lực của Bắc Kinh thoạt nhìn có vẻ ấn tượng nhưng lại mờ nhạt khi so sánh với phạm vi vấn đề của Trung Quốc. Ước tính hiện nay có khoảng 7 triệu căn hộ chưa có người ở ở Trung Quốc, chưa kể những căn đã được mua trước nhưng đang mòn mỏi nằm yên trong các dự án chưa hoàn thiện. Theo một số ước tính, tổng số có tới 20–30 triệu căn hộ chưa hoàn thiện và chưa có người ở. Đặt bên cạnh những thực tế này, khởi đầu của chương trình với khoảng 300 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 41 tỷ USD) thực sự có vẻ nhỏ bé.

Ngay cả khi tất cả 1 nghìn tỷ CNY được phân bổ sẽ được đưa vào thị trường vào ngày mai, vẫn cần tới nhiều tỷ nữa để tạo ra khác biệt đối với việc dư cung trong lĩnh vực này. Có lẽ các nhà chức trách đang chờ xem tác động của bước đột phá ban đầu này và có kế hoạch tăng cường thêm nỗ lực nếu mọi việc suôn sẻ. Chắc chắn một kế hoạch như vậy sẽ mang lại sự khích lệ, nhưng vào thời điểm hiện tại, rõ ràng là Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để có được tác động.

Một câu hỏi cơ bản hơn gắn liền với chương trình này. Bởi vì Bắc Kinh có kế hoạch bán những căn hộ này với những điều khoản có lợi cho người mua có thu nhập thấp và trung bình, điều này đặt ra câu hỏi về khả năng trả nợ của những người mua này và do đó, về những rắc rối tài chính trong tương lai. Nếu cách duy nhất người dân có thể mua nhà là khi các yêu cầu tài chính và chi phí được giảm bớt, thì điều đó có nghĩa là những người mua này sẽ tiếp tục cần trợ giúp để hỗ trợ việc mua nhà của họ (họ sẽ cần trả nợ trong tương lai). Tuy nhiên, không có gì trong chương trình cho thấy sự sẵn sàng cung cấp cho họ sự hỗ trợ như vậy. Do đó, có khả năng lớn là trong tương lai, Trung Quốc sẽ chứng kiến ​​một chuỗi vỡ nợ từ những người mua này, và chúng sẽ thay thế cho những vụ vỡ nợ từ các nhà phát triển, thứ hiện đang đè nặng lên thị trường tài chính và nền kinh tế Trung Quốc, và đồng thời cũng là điều kế hoạch của Bắc Kinh hứa hẹn sẽ khắc phục.

Có lẽ một câu hỏi cơ bản hơn nữa vẫn tập trung vào nguồn cung nhà ở nói chung. Chương trình này dường như không đưa ra kế hoạch nào đối với những bất động sản mà những gia đình có thu nhập thấp và trung bình này sẽ bỏ lại khi họ mua những căn nhà mới vừa được chính quyền địa phương mua và sửa. Không có thông tin gì về việc phá bỏ những căn nhà trống này. Do đó, hoàn toàn có thể xảy ra việc nỗ lực to lớn nhằm sử dụng các đơn vị nhà ở mới hiện đang bỏ trống sẽ chỉ dẫn đến tình trạng dư thừa các đơn vị nhà ở cũ mới được bỏ trống mà có lẽ vẫn còn sử dụng được.

Cũng không chắc rằng chương trình này, ngay cả khi nó cực kỳ thành công, có thể thực hiện được điều như Bắc Kinh hy vọng, đó là khiến các hộ gia đình mở ví và tiêu dùng với tốc độ mạnh mẽ hơn đáng kể so với hiện tại. Suy cho cùng, nỗi lo lắng về bất động sản chỉ là một trong những yếu tố cản trở người tiêu dùng Trung Quốc. Những năm tháng khó khăn của lĩnh vực bất động sản đã khiến giá nhà hiện tại giảm xuống đủ để tạo ra tác động đáng kể tới giá trị tài sản ròng của hộ gia đình. Tính đến tháng 4, khoảng thời gian gần đây nhất có dữ liệu, giá nhà vẫn tăng tốc đi xuống, giảm ở mức hơn 3% hàng năm trong tháng 4. Ngay cả những chương trình giải cứu tốt nhất cũng sẽ mất khá nhiều thời gian để xoay chuyển tình thế này. Trước thực tế như vậy, các hộ gia đình Trung Quốc sẽ vẫn quan tâm đến tiết kiệm hơn là chi tiêu trong thời gian tới.

Ngoài ra còn có di sản của các biện pháp zero-COVID do Bắc Kinh áp đặt cho đến đầu năm 2023. Sự gián đoạn trong hoạt động kinh tế do các biện pháp cách ly và phong tỏa tạo ra đã làm xói mòn niềm tin của người lao động Trung Quốc rằng họ có thể mang thu nhập thường xuyên về nhà. Cảm giác đó và tác động làm giảm chi tiêu của nó sẽ chỉ biến mất một cách từ từ. Vào tháng 4, doanh số bán lẻ, mặc dù tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã giảm tốc và không đi theo cách Bắc Kinh mong muốn.

Nỗ lực mới nhất này của Bắc Kinh, tuy chưa thỏa đáng, nhưng thực sự vẫn đáng được hoan nghênh, sau những nỗ lực tầm thường của năm 2023 và việc không hành động trong năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, nó còn lâu mới trở thành một “giải pháp” cho những rắc rối kinh tế và tài chính của Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc muốn quay trở lại thời kỳ thịnh vượng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hứa với người dân của nước này, Bắc Kinh sẽ phải làm nhiều hơn thế và chắc chắn phải làm nhiều hơn những gì họ đã làm cho đến nay.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Các câu hỏi cơ bản xoay quanh biện pháp giải cứu BĐS của Bắc Kinh