Bổ sung Vitamin D - Tầm quan trọng và thực tại 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vitamin D là một chất dinh dưỡng có được từ thực phẩm và ánh nắng mặt trời. Nó cũng còn là một loại hormone, do cơ thể chúng ta tự tạo ra. Vì vai trò thiết yếu đối với sức khỏe, việc biết cách sử dụng loại vitamin này sao cho đúng là điều rất quan trọng.

Cứ năm người Mỹ, thì có một người đang thường xuyên sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin D. Nhưng, hầu hết lại không biết rằng họ đang không chỉ bổ sung vitamin, mà còn là đang bổ sung một loại hormone.

Mặc dù vitamin D nổi tiếng về tác dụng tăng cường sức mạnh của xương và miễn dịch, câu chuyện về nó lại không hề đơn giản. Sự pha trộn giữa huyền thoại và khoa học thực chứng, thúc giục chúng ta cần có cái nhìn sâu sắc hơn về bản chất và tác động thực sự của nó.

 

Hiểu về vai trò kép của Vitamin D

Trong thế giới các chất dinh dưỡng, Vitamin D đứng riêng, độc lập. Là một chất có nguồn gốc từ ánh sáng mặt trời, nó vừa hoạt động như là một chất dinh dưỡng, vừa là một hormone. Vai trò kép này rất nổi bật. Khi đóng vai trò là một hormone, có chức năng điều phối nhiều chức năng của cơ thể, nó thường không được sử dụng như một loại vitamin bổ sung.

Bác sĩ nội tiết Michael Holick, một chuyên gia hàng đầu về vitamin D, nói với The Epoch Times: "Cơ thể sử dụng vitamin D hiệu quả hơn, khi đó là loại được tổng hợp tự nhiên từ ánh nắng mặt trời, so với vitamin D từ các liều bổ sung thông thường". Sự khác biệt này, là mấu chốt để hiểu được vai trò của vitamin D đối với sức khỏe, cũng như những điều phức tạp của việc bổ sung hormone.

Không giống như hầu hết các chất dinh dưỡng khác, bản chất hormone của vitamin D, làm cho nó có tác động toàn thân rộng rãi hơn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến xương, mà còn ảnh hưởng cả tới chức năng miễn dịch, kiểm soát viêm và tăng trưởng tế bào. Hiểu biết này có vai trò rất quan trọng đối với các hướng dẫn sử dụng vitamin D cho mục đích y tế, bao gồm cả những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn.

 

Không chỉ tác động tới xương

Vitamin D không chỉ đơn thuần có tác dụng tăng cường đối với sức khỏe xương và hệ miễn dịch. Vai trò đa dạng của nó trong cơ thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ điều hòa tâm trạng đến sức khỏe tim mạch.

Trên hết, vitamin D cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi ở ruột, và rất cần thiết cho độ cứng và sức khỏe của xương. Bác sĩ Alex Foxman, một bác sĩ nội khoa đồng thời là chuyên gia chăm sóc dự phòng hàng đầu, nói với The Epoch Times: “Nếu không có đủ vitamin D, cơ thể chỉ có thể hấp thụ được 10-15% canxi”. Không đủ Canxi sẽ làm xương yếu hơn và nguy cơ gãy xương cũng cao hơn.

Hơn nữa, vitamin D đóng vai trò then chốt đối với tình trạng của hệ miễn dịch. Bác sĩ Holick quan sát thấy, "Các thụ thể vitamin D có ở hầu hết mọi loại tế bào, kể cả tế bào miễn dịch". Cần có số lượng thụ thể đầy đủ để đạt được cân bằng phản ứng miễn dịch, cũng như ngăn ngừa các rối loạn tự miễn.

Bác sĩ Nathan Goodyear, một bác sĩ ung thư tích hợp và là giám đốc của Brio Medical, một trung tâm điều trị ung thư tích hợp ở Scottsdale, Arizona. Ông nhấn mạnh vai trò thiết yếu của vitamin D về khía cạnh miễn dịch, cũng như ảnh hưởng của nó đến các bệnh mãn tính, ví dụ như ung thư. “Hệ thống miễn dịch không hoạt động tốt nếu không có vitamin D ở mức tối ưu”. Ông nhấn mạnh vai trò của nó đối với bệnh ung thư, căn bệnh mà một hệ miễn dịch mạnh mẽ có vai trò rất quan trọng.

Các nghiên cứu gần đây, gồm cả các nghiên cứu về khối u hắc tố bào, chỉ ra rằng bổ sung vitamin D có thể cải thiện đáp ứng điều trị và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Ngay cả khi liều lượng khuyến cáo sử dụng hàng ngày hiện nay, vẫn còn chưa đủ cao.

Vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa mức vitamin D thấp với nguy cơ mắc bệnh tim cao. Những người thiếu vitamin D có nhiều khả năng bị tăng huyết áp, suy tim và đột quỵ.

Sức khỏe tâm thần cũng là một lĩnh vực mà vitamin D có vai trò quan trọng. Kimberly Parker, một chuyên gia trị liệu tâm lý, đã nói với The Epoch Times: “Có một mối liên hệ rõ ràng giữa mức vitamin D thấp với tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và rối loạn tâm trạng cao hơn”.

Nó cũng có ảnh hưởng đối với tình trạng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), một biến thể của bệnh trầm cảm, gắn liền với sự thay đổi mùa trong năm. Cô nói, "Tôi đã quan sát thấy các triệu chứng trên bệnh nhân của tôi giảm đi, sau khi họ bắt đầu bổ sung vitamin D một cách thường xuyên".

Hành trình từ Ánh nắng mặt trời đến Nguồn năng lượng cho Tế bào

Vitamin D có vai trò sống còn đối với sức khỏe. Nó tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, mỗi dạng lại hoạt động, chuyển hóa theo một qui trình riêng biệt trong cơ thể. Việc nắm bắt được các dạng chuyển hóa này, đóng một vai trò quan trọng, giúp ta hiểu được cách vitamin D hoạt động trong cơ thể.

Vitamin D từ nguồn gốc ánh nắng, thức ăn hoặc thực phẩm bổ sung, khi đi vào cơ thể sẽ chuyển sang dạng hoạt động. Đầu tiên, nó chuyển thành calcidiol tại gan, rồi thành calcitriol, dạng hoạt động của nó, tại thận. Bác sĩ Holick giải thích, “Calcitriol là dạng chuyển hóa mà cơ thể sử dụng để thực hiện các chức năng khác nhau”.

Điều thú vị là các dạng vitamin D đều đi qua một quá trình chuyển hóa giống nhau trong cơ thể. Mặc dù nguồn gốc có thể khác nhau, nhưng quá trình chuyển hóa của vitamin D trong cơ thể lại tập trung về một mối.

Hiệu quả chuyển hóa vitamin D có thể không giống nhau. Khả năng tạo ra vitamin D3 của da giảm dần theo tuổi tác, hơn nữa còn bị ảnh hưởng bởi sắc tố da, vị trí địa lý và lối sống.

Các tranh cãi trong việc xét nghiệm vitamin D

Loại xét nghiệm máu, có tên là 25-hydroxy vitamin D, là phương pháp thông thường nhất để đo lượng vitamin D trong cơ thể. Xét nghiệm này, phản ánh được cả mức vitamin D từ nguồn ánh sáng mặt trời, từ thực phẩm cũng như từ thực phẩm bổ sung. Trong khi đó, xét nghiệm 1,25-dihydroxy vitamin D, ít được sử dụng hơn, vì nó không đánh giá được lượng vitamin D dự trữ. Do đó, không hiệu quả để theo dõi bệnh nhân.

Xét nghiệm vitamin D máu, đã vọt lên thành loại xét nghiệm tiến hành trong labo phổ biến thứ tám của Medicare. Theo các báo cáo, năm 2023, thị trường xét nghiệm này được xác định ở mức 677,5 triệu USD. Dự đoán, năm 2031, nó sẽ đạt 1,06 tỷ USD.

Từng được dẫn đầu bởi những gã khổng lồ như Abbott, Siemens và Quest Diagnostics, thị trường xét nghiệm vitamin D, hiện đang chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến của các bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà, được cung cấp bởi các công ty nhỏ hơn. Tiến sĩ Holick nhớ lại: “Nhiều năm trước, tôi đã nói với Quest rằng đây sẽ là sản phẩm bán chạy số một của họ”.

Tiến sĩ Morton Tavel, một bác sĩ tim và là chuyên gia về các bệnh nội khoa, tim mạch, đã nói với The Epoch Times: “Hàng năm, hơn 10 triệu xét nghiệm vitamin D máu được thực hiện tại Hoa Kỳ, cho dù những xét nghiệm này không được các tổ chức y tế lớn khuyến nghị”. Ông dẫn ra một nghiên cứu về hệ thống y tế Virginia năm 2020, cho thấy có 10% tổng số bệnh nhân, thường là không có chỉ định, nhưng vẫn được xét nghiệm vitamin D.

Không chỉ ở người lớn, số lượng xét nghiệm vitamin D ở trẻ em đã tăng vọt lên gấp 30 lần trong vòng 15 năm, theo một nghiên cứu của BMJ, mặc dù nó chẳng tạo ra sự thay đổi đáng kể nào tới tỷ lệ của chẩn đoán “thiếu vitamin D”.

Sự gia tăng số lượng xét nghiệm vitamin D như thế này, là trái ngược với các hướng dẫn của hiệp hội y tế, vốn thường không khuyến khích tiến hành xét nghiệm định kỳ ở những người không có triệu chứng, hoặc người có nguy cơ thấp.

Lấy ví dụ, Hiệp hội Nội tiết khuyến nghị, chỉ sàng lọc các nhóm có nguy cơ cao. Lực lượng Dịch vụ Phòng bệnh Hoa Kỳ thì nhận thấy không có đủ bằng chứng để tiến hành sàng lọc đại trà. Chiến dịch có tên Lựa chọn Khôn ngoan (Choose Wisely) cũng như vậy, khuyên không nên tiến hành thử nghiệm ở các nhóm có nguy cơ thấp hoặc là với toàn bộ dân số.

Tiến sĩ Joel Finkelstein, từ Trung tâm Mật độ Xương của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, như ông trước đó đã từng đăng tin trên blog của Harvard Health, bày tỏ sự hoài nghi về việc sàng lọc tình trạng thiếu vitamin D tràn lan, cho rằng, nhiều cuộc kiểm tra ở người khỏe mạnh là không cần thiết.

Ông nói: “Vitamin D đã được thổi phồng quá mức. Chúng ta không cần phải kiểm tra mức vitamin D của hầu hết những người khỏe mạnh”. Ông đặt câu hỏi về cái gọi là nhu cầu vitamin D cao dưới khía cạnh tiến hóa, lưu ý rằng trong thực phẩm tự nhiên không có nhiều vitamin D, cũng như hiện tượng làn da trở nên sẫm màu, nhằm tổng hợp ra ít vitamin D hơn tại những khu vực có quá nhiều nắng.

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ y học chức năng và liệu pháp tự nhiên lại khuyên nên xét nghiệm vitamin D thường xuyên. Trường Cao đẳng Y học Tự nhiên khuyên những người ở những vùng ít nắng nên kiểm tra thường xuyên để có thể duy trì sức khỏe tốt hơn.

Phù hợp với quan điểm này, Tiến sĩ Goodyear nhấn mạnh đến tính “liên quan” của xét nghiệm, đặc biệt là đối với tình trạng viêm và các bệnh mãn tính như ung thư. Ông nói với The Epoch Times: “Vitamin D sẽ luôn thấp ở những vị trí bị viêm nặng, cả cấp tính và mãn tính”. Ông ủng hộ việc theo dõi thường xuyên để có thể bổ sung một cách hợp lý.

Tiến sĩ Goodyear ví việc cơ thể chống lại một đợt viêm nhiễm tương tự như cá hồi bơi ngược dòng, để minh họa cho thách thức gia tăng vitamin D huyết tương trong những tình huống như vậy. Ông so sánh quá trình kiểm soát vitamin D với những thực hành y tế tiêu chuẩn khác, ví dụ như việc kiểm soát huyết áp thường xuyên, nhấn mạnh vào sự cần thiết phải có cách tiếp cận tương tự cho các liệu pháp tự nhiên. Ông nói thêm “Quy trình sẽ bao gồm các bước đánh giá, xác định liều lượng, sau đó tái đánh giá và tái xác định liều lượng”.

Phản ánh quan điểm của Linus Pauling, người được coi là “cha đẻ của vitamin C”, Tiến sĩ Goodyear chỉ trích sự giám sát y tế về dược động học và động lực học trong các liệu pháp tự nhiên. Ông giải thích rằng, cái các bác sĩ được học là liều lượng thuốc phải chính xác, nhưng họ lại thường quên rằng vitamin cũng cần phải như vậy. Ông ủng hộ việc cần có liều lượng thích hợp khi sử dụng vitamin D, tránh trường hợp chỉ áp dụng một liều lượng cho tất cả mọi người.

Xác định mức Vitamin D tối ưu

Theo Lực lượng Dịch vụ Phòng bệnh Hoa Kỳ, hiện tại "Không có sự đồng thuận nào về định nghĩa thiếu hụt vitamin D hoặc tổng lượng 25-hydroxyvitamin (25(OH)D) tối ưu trong huyết thanh".

Một số chuyên gia nhìn nhận rằng mức 25(OH)D dưới 30 ng/mL là có thiếu hụt. Các tiêu chuẩn thông thường cho rằng mức 30-60 ng/mL là đủ. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ y học chức năng lại ủng hộ mức vitamin D trong khoảng 50–80 ng/mL mới là tối ưu.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã làm rõ rằng không xác định được mức vitamin D, bởi vì chúng "thay đổi theo từng giai đoạn cuộc đời, theo chủng tộc và dân tộc, và còn tùy theo từng phép đo sinh lý được sử dụng".

Trái ngược với các hướng dẫn này, những ý kiến ​​như của Tiến sĩ Goodyear cho rằng, các khuyến nghị về liều lượng vitamin D hiện tại là quá thấp. Ông gọi mức khuyến cáo hàng ngày hiện nay của Hoa Kỳ là "thiếu hụt ở mức đáng tiếc".

Tiến sĩ Goodyear lưu ý rằng, việc xưa nay chỉ tập trung vào ngăn ngừa còi xương, đã bỏ qua những lợi ích sức khỏe to lớn hơn mà mức vitamin D cao có thể mang lại. Quan điểm này ủng hộ mức tối ưu cao hơn, ngụ ý rằng, các tiêu chuẩn hiện tại không khai thác được hết tiềm năng sức khỏe của vitamin D.

Mức khuyến cáo của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH)

Quá nhiều vitamin D có tốt không?

Vitamin D là thiết yếu, tuy nhiên, cũng có những lo lắng nếu sử dụng quá nhiều, đặc biệt là với thực phẩm bổ sung. Không giống như đối với các vitamin tan trong nước, có thể được đào thải nhanh chóng khi dư thừa, vitamin D tan trong mỡ, có thể tích tụ lại trong gan và mô mỡ đến mức nguy hại, gây ra "ngộ độc vitamin D".

Bác sĩ Holick cảnh báo rằng ngộ độc vitamin D, mặc dù cực kỳ hiếm gặp, nhưng lại rất nghiêm trọng. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không thể gây ra ngộ độc vitamin D, nhưng việc bổ sung quá nhiều thì có thể gây ngộ độc. Ông nói "Bất kỳ lượng vitamin D dư thừa nào do mặt trời tạo ra đều bị mặt trời phá hủy. Bạn không bao giờ có thể bị ngộ độc vitamin D do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhưng bạn có thể bị ngộ độc do dùng thực phẩm bổ sung quá nhiều".

Ngộ độc vitamin D gây ra tình trạng thừa canxi trong máu, dẫn đến buồn nôn, nôn mửa và nhược cơ. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến tổn thương thận, đau xương. Tuy rằng hiếm gặp, nhưng nó có thể gây tử vong.

Một số chuyên gia dinh dưỡng, gồm cả Pam Schoenfeld, khẳng định, dùng quá nhiều vitamin D có thể dẫn đến thiếu hụt retinol, dạng hoạt động của vitamin A. Bà Schoenfeld nói với The Epoch Times, "Hiện trạng bổ sung vitamin D hiện nay thường bỏ qua sự cân bằng phức tạp với các vitamin tan trong mỡ quan trọng khác".

Trong một bài báo, viết cho Weston Price Foundation, bà Schoenfeld cảnh báo, "Các chuyên gia giỏi, biết rằng việc bổ sung vitamin D, đặc biệt là ở mức 5.000 IU mỗi ngày ... là không được khuyến khích trừ khi đảm bảo được lượng vitamin A hấp thụ tối ưu". Quan điểm này, nhấn mạnh sự cân bằng tinh tế giữa các chất dinh dưỡng thiết yếu đó. Nó cho rằng, duy trì được mức độ tối ưu của cả hai là rất quan trọng cho sức khỏe, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai.

Tuy nhiên, các nhà phê bình, giống như Bác sĩ Holick, lại thách thức quan điểm này, cho rằng không có bằng chứng đáng kể nào hỗ trợ tuyên bố rằng Vitamin D gây ảnh hưởng xấu đến lượng vitamin A. Ông lưu ý: "Điều đó đơn giản là không đúng".

Những vấn đề cần quan tâm khi bổ sung Vitamin D

Lối sống trong nhà hiện đại ngày nay, cộng với chế độ ăn ít vitamin D, góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D trên diện rộng. Người Mỹ, mặc dù có chế độ ăn cân bằng, nhưng vẫn có khoảng 1/4 người lớn và 70% trẻ em không đạt được lượng vitamin D cần thiết.

Trước những thách thức này, bổ sung vitamin D là một cân nhắc quan trọng. Các khuyến nghị hiện tại đề xuất sử dụng 400 đơn vị quốc tế (IU) cho trẻ em đến 12 tháng tuổi, 600 IU cho người từ 1 đến 70 tuổi và 800 IU cho người trên 70 tuổi.

Bác sĩ Holick ủng hộ việc bổ sung như một giải pháp đơn giản, đặc biệt là đối với những người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ông gợi ý nên đưa vào cơ thể mỗi ngày tổng cộng 2000-3000 IU từ các nguồn thức ăn, ánh nắng mặt trời và thực phẩm bổ sung.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyên gia, đều đồng ý rằng bổ sung là cần thiết cho tất cả mọi người. Tiến sĩ Tavel nói với The Epoch Times "Mặc dù nhiều nghiên cứu đã liên kết mức vitamin D thấp với nhiều bệnh lý, nhưng, khi các nhà khoa học cố gắng dùng nó để ngăn ngừa, hoặc điều trị các bệnh lý thì loại thực phẩm bổ sung 'kỳ diệu' này lại thất bại thảm hại".

Ánh nắng mặt trời, nguồn vitamin D đầu tiên và chính yếu, có thể đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể chỉ với một thời gian tiếp xúc tối thiểu với ánh nắng. Tiến sĩ Tavel lưu ý, "Lượng vitamin D dự trữ của bạn thường đủ cho khoảng 10 đến 12 tuần". Điều này đặt ra câu hỏi, liệu việc bổ sung liên tục có cần thiết không?

Cuộc tranh luận về thiếu hụt vitamin D rất phức tạp. Tiến sĩ Tavel chỉ ra rằng "quan niệm phổ biến, cho rằng phần lớn người dân Mỹ đang thiếu hụt vitamin D, có thể là do cách hiểu sai về mức vitamin D bình thường do Viện Y học Hoa Kỳ đặt ra cách đây hơn một thập kỷ". Điều này đã dẫn đến con số ước tính tỷ lệ thiếu hụt quá cao, và còn có thể dẫn đến việc bổ sung không cần thiết.

Tuy nhiên, ông giải thích, cũng có những trường hợp cụ thể mà việc bổ sung là có lợi. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra nhu cầu 400 IU vitamin D mỗi ngày cho trẻ sơ sinh bú mẹ. Bổ sung Vitamin D cũng có lợi cho những người đang bị bệnh hoặc người bị hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Bác sĩ Tavel cảnh báo, việc bổ sung quá nhiều có liên quan đến tăng nguy cơ té ngã và các nguy cơ khác. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng lượng vitamin D đưa vào cơ thể.

Hỗ trợ cho ý kiến của Tiến sĩ Tavel, nghiên cứu của Tạp chí New England Journal of Medicine không thấy nguy cơ gãy xương giảm đi, ở những người lớn khỏe mạnh có bổ sung 2000 IU vitamin D, so với nhóm không bổ sung.

Sự cần thiết đối với vitamin D thay đổi tùy theo từng người. Tiến sĩ Tavel nhắc nhở rằng, "Trong phần lớn lịch sử loài người, con người lấy vitamin D chủ yếu từ ánh nắng mặt trời". Ông nhấn mạnh khả năng tự điều chỉnh của cơ thể đối với loại chất dinh dưỡng này.

Quyết định bổ sung vitamin D ra sao, đòi hỏi phải có sự đánh giá cho từng cá nhân, tư vấn với bác sĩ và tham khảo các hướng dẫn. Nói chung, sự kết hợp giữa chế độ ăn, ánh nắng mặt trời và thỉnh thoảng bổ sung là đủ đối với hầu hết mọi người, theo như tuyên bố của Tiến sĩ Tavel.

Sự mở rộng của ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung Vitamin D

Thị trường thực phẩm bổ sung vitamin D đang phát triển nhanh chóng. Giá trị ước tính năm 2023 là 1.56 tỷ USD. Dự kiến đạt 2.78 tỷ USD vào năm 2033, mức tăng trưởng là 5,9% mỗi năm. Động lực thúc đẩy sự phát triển này gồm có dân số già hóa, nhận thức về sức khỏe được nâng cao và nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm giàu vitamin.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngành công nghiệp này đang đổi mới công thức, đổi mới cách thức sử dụng, chẳng hạn như kẹo dẻo, bình xịt, miếng dán, kem bôi và viên nang liều cao. Sự đa dạng này đáp ứng các sở thích và nhu cầu khác nhau, dễ sử dụng và hấp thụ tốt hơn.

Sự phát triển của ngành này còn được thúc đẩy bởi hoạt động tiếp thị và quảng cáo mạnh mẽ. Các công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, tích cực quảng bá thực phẩm bổ sung vitamin D như là chìa khóa cho sức khỏe, định hình quan điểm của người tiêu dùng, và thúc đẩy mở rộng thị trường.

Trong khi sự tăng trưởng của thị trường phản ánh những thay đổi trong nhận thức về sức khỏe, thì nó cũng đặt ra những lo ngại về việc tự kê đơn chất bổ sung, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận cân bằng đối với việc tiêu thụ vitamin D.

Những nguồn Vitamin D tốt nhất

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là yếu tố then chốt để tạo ra vitamin D. Tia cực tím B (UVB) chuyển hóa cholesterol trong da thành vitamin D3, và sau đó thành calcitriol là dạng cơ thể sử dụng được. Điều thú vị là vitamin D do da sản xuất lưu lại trong máu lâu gấp hai lần so với vitamin hấp thụ từ thức ăn hoặc thực phẩm bổ sung.

Hiệu quả tạo vitamin D của cơ thể dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời, thay đổi theo thời gian, theo mùa và vị trí địa lý. Nó diễn ra tốt nhất là vào khoảng giữa 10 giờ sáng và 3 giờ chiều trong những tháng ấm áp. Tuy nhiên, ở phía trên vĩ độ 37 độ Bắc, khả năng tạo ra vitamin D trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 là không đáng kể.

Một nghiên cứu năm 2022 kết luận, "Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, có thể bù đắp đáng kể lượng vitamin D cho những người không có đủ nguồn cung từ thực phẩm. So với chi phí và thời gian phải tiêu tốn để tạo thành thói quen bổ sung vitamin D, thì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở mức độ vừa phải hàng ngày, dường như là một phương pháp đơn giản và không tốn kém để áp dụng cho công chúng".

Ứng dụng Dminder giúp người dùng xác định thời gian tắm nắng tối ưu để tổng hợp vitamin D. Nó cung cấp dữ liệu theo thời gian thực dựa trên vị trí, thời gian và thời tiết.

Thực phẩm, cho dù ít hơn, cũng góp phần cung cấp vitamin D. Cá béo và nấm mọc nơi có tia UV là những nguồn cung cấp chính. Phối hợp các loại thực phẩm này sẽ giúp duy trì lượng vitamin D, đặc biệt là trong thời gian ít nắng.

Thực phẩm bổ sung, một nguồn vitamin D khác nữa, đặc biệt có lợi cho những người ở vùng vĩ độ cao. Một nghiên cứu cho thấy rằng, trong khi cả ánh nắng mặt trời và thực phẩm bổ sung vitamin D3 dạng uống, đều làm tăng mức vitamin D, thì thực phẩm bổ sung lại hiệu quả hơn do tính tuân thủ. Nói một cách đơn giản, có nhiều người dùng thực phẩm bổ sung hơn là dành thời gian tắm nắng.

Thực phẩm bổ sung có dạng D2 (từ thực vật) và D3 (từ động vật). D3, giống như vitamin D do cơ thể tạo ra dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời, thường được khuyên dùng để nâng cao và duy trì mức vitamin D một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, Bác sĩ Holick khẳng định rằng, "liều sinh lý của D2 và D3 đều làm tăng mức vitamin D trong máu như nhau", bác bỏ thông tin lưu truyền về tác động khác nhau của chúng đến sức khỏe. Ngoài ra, ông xác nhận rằng thận chuyển hóa cả hai dạng này một cách bình đẳng.

Bác sĩ Holick, cũng đề cập đến lịch sử quản lý loại thực phẩm bổ sung này ở Hoa Kỳ. Ông giải thích rằng, do quy trình phê duyệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trước đây, cho tới nay, vitamin D2 vẫn là loại duy nhất được phép lưu hành. "Không ai từng nhận được sự phê duyệt cho D3", ông lưu ý, nhấn mạnh đó là do quy định, chứ không phải vì sức khỏe. Điều này dẫn đến sự thống trị của vitamin D2 trên thị trường.

Mặc dù ánh nắng mặt trời là nguồn vitamin D chính, nhưng nắng không phải lúc nào cũng ổn định. Do đó, chế độ ăn và thực phẩm bổ sung đóng một vai trò thay thế quan trọng, nhằm đảm bảo đủ vitamin D để duy trì sức khỏe tốt nhất.

Những lưu ý quan trọng khi bổ sung Vitamin D

Biết cách bổ sung vitamin D sao cho tốt nhất, đồng thời giảm thiểu rủi ro là điều rất cần thiết:

Đặc tính tan trong chất béo:

Trái với niềm tin phổ biến của mọi người cũng như nội dung của nhiều khuyến nghị, Tiến sĩ Michael Holick cho rằng, việc hấp thụ vitamin D không phụ thuộc vào chất béo có trong thức ăn. Ông dẫn chứng các nghiên cứu cho thấy, khả năng hấp thu từ sữa tách béo, sữa ít béo lại tốt hơn là từ sữa toàn phần. Do đó, vitamin D có thể được uống cùng hoặc không cùng với chất béo từ thức ăn.

Sự kết hợp với các chất dinh dưỡng khác:

  • Vitamin K: Nghiên cứu cho thấy, sử dụng vitamin D và K cùng với nhau có thể tăng cường sức khỏe xương và giảm nguy cơ vôi hóa động mạch.
  • Magiê: hỗ trợ chuyển hóa của vitamin D. Vitamin D liều cao có thể làm magiê tụt giảm trầm trọng. Có đầy đủ Magiê là yếu tố thiết yếu để có thể sử dụng hiệu quả vitamin D.
  • Vitamin A: Vitamin A và D, đều tan trong mỡ, hoạt động cùng nhau. Tuy nhiên, chưa có sự đồng thuận về việc sử dụng hai vitamin này cùng nhau.
  • Thời Gian Dùng Thuốc: Một số người đề nghị sắp xếp thời gian dùng vitamin D tương ứng theo nhịp sinh học. Họ đề xuất chỉ dùng vào ban ngày để tránh rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, Bác sĩ Holick cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy vitamin D gây rối loạn giấc ngủ. Do đó sử dụng vào bất cứ thời gian nào cũng an toàn.
  • Lựa chọn Loại Vitamin D: Trong khi D2 (ergocalciferol) có nguồn gốc từ thực vật và thực phẩm bổ sung, thì D3 (cholecalciferol) lại đến từ sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các sản phẩm từ động vật. Tiến sĩ Holick tuyên bố cả hai dạng đều có khả năng làm tăng và duy trì mức vitamin D như nhau.
  • Tham Khảo Các Chuyên Gia Y Tế: Trước khi bắt đầu bổ sung vitamin D, cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế, để xác định liều lượng thích hợp, đánh giá tương tác tiềm ẩn với các loại thuốc hoặc tình trạng sức khỏe khác.

Mặc dù thực phẩm bổ sung có thể hữu ích, nhưng nên hợp với các nguồn vitamin D tự nhiên và một lối sống cân bằng để có được sức khỏe tổng thể tốt.

Theo Sheramy Tsai, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch

Sheramy Tsai, BSN, RN, là một y tá dày dạn kinh nghiệm với sự nghiệp viết lách kéo dài hàng thập kỷ. Là cựu sinh viên của Middlebury College và Johns Hopkins, Tsai kết hợp chuyên môn viết lách và điều dưỡng của mình để mang đến nội dung có sức ảnh hưởng lớn. Sống ở Vermont, cô cân bằng cuộc sống nghề nghiệp của mình với cuộc sống bền vững và nuôi dạy ba đứa con.



BÀI CHỌN LỌC

Bổ sung Vitamin D - Tầm quan trọng và thực tại