Bốc ‘xiên que’ bằng tay không, đặt quầy cạnh bãi rác, học sinh vẫn vô tư tiêu thụ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cộng đồng mạng thường gọi các xiên que này với một danh từ khác: “xiên bẩn”. Về mặt nghĩa đen, nó chỉ sự mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn. Bởi các quầy "xiên bẩn" thường có mặt tại nơi có nhiều xe cộ nên rất dễ bám bụi, thậm chí có người đặt quầy ngay gần bãi rác. Thật lạ khi nhiều học sinh vẫn vô tư tiêu thụ.

Các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn liên tiếp diễn ra trên cả nước, trong đó có nhiều nạn nhân là học sinh. Riêng quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 650 người phải nhập viện cấp cứu, 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ này tăng 270%, theo Bộ Y tế.

Mùa hè nắng nóng kết hợp với độ ẩm không khí cao tạo điều kiện sinh sôi và phát triển của các loại vi sinh vật, vi khuẩn hoặc nấm. Không ít trường hợp ngộ độc xảy ra do nguyên liệu chế biến bị nhiễm khuẩn hoặc hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, ngay cả khi được chế biến bài bản và nấu chín kỹ, rủi ro vẫn không thể tránh khỏi, chẳng hạn như vụ ngộ độc của gần 100 công nhân tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dechang Việt Nam (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vào ngày 15/5 vừa qua.

Thực phẩm tươi đã vậy, liệu thực phẩm chế biến sẵn như xiên que mà chúng ta thường thấy ở các quán vỉa hè có thể an toàn hơn không?

Xiên que rẻ nhưng… bẩn!

Các món ăn vặt như viên chiên (cá viên, bò viên, tôm viên...), xúc xích, lạp xưởng có nhiều màu sắc bắt mắt cùng hương vị hấp dẫn, được chế biến vô cùng đơn giản, nhanh gọn bằng cách chiên với dầu và cố định lại bằng những que xiên nhỏ, nhọn.

Chúng thường được bán tại các vỉa hè gần cổng trường, cổng chợ… có nhiều người qua lại, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Giá thành của các xiên que thường khá rẻ, dao động từ 2.000 – 10.000 đồng, hương vị cũng “rất cuốn”. Nhiều học sinh, sinh viên cho biết món ăn sẽ thêm đậm đà nếu ăn kèm thêm sốt chấm chua ngọt và đồ dưa chua. Thông thường, một người chỉ cần bỏ ra 30.000 – 50.000 đồng là đã có thể thưởng thức thoải mái với đủ loại xiên que.

Cộng đồng mạng thường gọi các xiên que này với một danh từ khác: “xiên bẩn”. Từ "bẩn" được dùng với đúng nghĩa đen, chỉ sự mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn. Bởi các quầy "xiên bẩn" thường có mặt tại nơi xe cộ đi lại nhiều nên rất dễ bám bụi trong không khí.

Thêm nữa, nguồn gốc, xuất xứ của các loại viên chiên không rõ ràng, có thể làm từ những loại thịt không đảm bảo chất lượng. Để giữ độ tươi và màu sắc hấp dẫn, chúng thậm chí còn được thêm chất bảo quản và phụ gia. Do đó, loại đồ ăn này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư và ngộ độc.

Nguồn nguyên liệu chưa đảm bảo đã đành, bản thân người bán cũng có nhiều hành vi kém vệ sinh.

Hành vi kém vệ sinh của người bán xiên que

Trên thực tế, tình trạng này diễn ra hàng ngày tại nhiều quầy ăn vặt cạnh trường học ở thành phố Hà Nội.

Người bán thản nhiên dùng tay không bốc các viên thực phẩm đông lạnh đã bị rã đông, chảy nước lõng bõng thả vào chảo dầu, học sinh vẫn vô tư ăn. Những hành vi mất vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nhiễm khuẩn vẫn đang xảy ra và người mua thậm chí cho đó là một điều bình thường.

Dưới đây là một số hình ảnh chụp được từ hành vi kém vệ sinh của người bán:

Người bán không đeo bao tay, móng tay bẩn, trực tiếp cắm xiên đồ ăn để chiên rán.
Người bán không đeo bao tay, móng tay bẩn, trực tiếp cắm xiên đồ ăn để chiên rán. (Ảnh chụp màn hình video)
Tại một quầy ăn vặt trên đường Nguyễn Trãi, chiếc khăn lau tay của người bán sau mỗi lần chế biến bị ruồi bâu xung quanh.
Tại một quầy ăn vặt trên đường Nguyễn Trãi, chiếc khăn lau tay của người bán sau mỗi lần chế biến bị ruồi bâu xung quanh. (Ảnh chụp màn hình video)
Tại khu vực Thanh Xuân Bắc, nơi tập trung của không ít trường học, các xe đẩy đồ ăn thường xuất hiện ở những nơi có mật độ dân cư cao, nhiều xe cộ. Do các quầy bán thường không đậy kín, nên đồ ăn rất dễ bị bám bụi, khói và ô nhiễm. Một số quầy xiên thậm chí đứng cạnh điểm tập kết của rác thải.
Tại khu vực Thanh Xuân Bắc, nơi tập trung của không ít trường học, các xe đẩy đồ ăn thường xuất hiện ở những nơi có mật độ dân cư cao, nhiều xe cộ. Do các quầy bán thường không đậy kín, nên đồ ăn rất dễ bị bám bụi, khói và ô nhiễm. Một số quầy xiên thậm chí đứng cạnh điểm tập kết của rác thải. (Ảnh chụp màn hình video)
Tại khu vực Giảng Võ, có 5 xe bán đồ ăn vặt trên vỉa hè, bất chấp bụi bặm, khói và ô nhiễm, khách vẫn vô tư mua đồ ăn. Người bán đổ túi đựng xiên đông lạnh ra khay để rã đông trong nhiều tiếng, nước chảy lõm bõm, sau đó chiên lên để bán.
Tại khu vực Giảng Võ, có 5 xe bán đồ ăn vặt trên vỉa hè, bất chấp bụi bặm, khói và ô nhiễm, khách vẫn vô tư mua đồ ăn. Người bán đổ túi đựng xiên đông lạnh ra khay để rã đông trong nhiều tiếng, nước chảy lõm bõm, sau đó chiên lên để bán. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngoài ra, các chủ quán còn nhiều lần dùng lại dầu ăn để chiên. Trên thực tế, khi chiên lại nhiều lần ở nhiệt độ cao, loại dầu này có thể biến đổi thành axit dạng béo không có lợi cho sức khỏe, có thể dẫn đến đầy hơi và khó tiêu.

Dấu hiệu và biến chứng ngộ độc

Tùy theo nguyên nhân, triệu chứng ngộ độc có thể bao gồm:

  • Ngộ độc do vi sinh vật: Trường hợp này, người bệnh sẽ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; các biểu hiện mất nước như khát nước, khô môi; hoặc nhiễm trùng gây sốt, liên tục vã mồ hôi.
  • Ngộ độc do thực phẩm nhiễm hóa chất: Người bệnh sẽ có những triệu chứng khá phức tạp, không chỉ ở hệ tiêu hóa mà còn xuất hiện bất thường ở các cơ quan khác như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, trụy mạch,…
  • Ngộ độc do thực phẩm chứa độc tố tự nhiên: Các thực phẩm vốn chứa sẵn độc tố như sắn, măng, có nóc, cóc… nếu không được chế biến đúng cách khi ăn vào sẽ gây nên những triệu chứng bất thường.

Trong trường hợp nghiêm trọng, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

  • Rối loạn thần kinh: Người bệnh nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, có thể nói ngọng; bị tê liệt cơ, gặp tình trạng co giật, đau đầu, chóng mặt.
  • Rối loạn tim mạch: Người bệnh có thể tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, đau ngực.
  • Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: Thấy máu và chất nhầy lẫn trong phân, đau bụng dữ dội và đau ở các vị trí khác như đau cổ, đau họng, đau ngực.
  • Sức đề kháng giảm sút: Sức đề kháng của người bị ngộ độc suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người lớn tuổi hoặc những người đang điều trị bệnh phải sử dụng các thuốc gây ức chế miễn dịch (đối với các bệnh lý về khớp, ung thư, dị ứng), người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố,… thì tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn.

Bảo Vy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Bốc ‘xiên que’ bằng tay không, đặt quầy cạnh bãi rác, học sinh vẫn vô tư tiêu thụ