Các công ty Trung Quốc khác sẽ có số phận tương tự TikTok?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát về tư tưởng đối với các công ty tư nhân và không gian Internet, điều tương tự với TikTok có thể xảy ra với các công ty Trung Quốc khác.

TikTok, công ty công nghệ đang là trung tâm của cuộc giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc, hiện phải đối mặt với khả năng ngừng hoạt động hoàn toàn ở Mỹ.

Vào ngày 23/4, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật yêu cầu công ty mẹ Trung Quốc của TikTok, ByteDance, phải bán cổ phần của mình tại TikTok trong vòng một năm nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn. Tổng thống Joe Biden sau đó đã ký dự luật thành luật.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm, phát biểu tại Bắc Kinh hôm thứ 2 (29/4), kêu gọi Hoa Kỳ không thực thi phần luật “liên quan đến Trung Quốc”, đồng thời cảnh báo: “Nếu Hoa Kỳ ngoan cố bám theo đường lối của mình, Trung Quốc sẽ có những bước đi kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ vững chắc lợi ích an ninh và phát triển của mình”.

Đây là trường hợp hiếm hoi Quốc hội Mỹ nhắm vào một công ty công nghệ bằng một đạo luật cụ thể, và là lần đầu tiên Quốc hội bỏ phiếu cho việc ép buộc bán một nền tảng truyền thông xã hội.

TikTok thu thập một lượng lớn dữ liệu từ người dùng Hoa Kỳ thông qua nền tảng của mình và sử dụng thuật toán đề xuất độc đáo để đưa nội dung ưa thích đến người dùng, bao gồm khoảng 170 triệu người dùng ở Hoa Kỳ. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 11/2023, khoảng một phần ba những người trẻ tuổi ở Hoa Kỳ cho biết họ tiếp nhận tin tức thông qua TikTok.

Mức độ phổ biến rộng rãi của ứng dụng này và mối quan hệ chặt chẽ của nó với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm dấy lên mối lo ngại của lưỡng đảng Mỹ rằng Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến một bộ phận lớn dân số Hoa Kỳ thông qua nội dung mà TikTok quảng bá, có khả năng thao túng các cuộc bầu cử và việc hoạch định chính sách công của Hoa Kỳ.

Khi được hỏi liệu ĐCSTQ có sử dụng ứng dụng này để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử hay không, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines đã nói trong một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 3 rằng: “Chúng tôi không thể loại trừ khả năng ĐCSTQ sẽ sử dụng nó”.

Thượng nghị sĩ Maria Cantwell (Dân chủ - Washington), trong bài phát biểu trước Thượng viện hai tuần trước, cho biết: “Quốc hội đang hành động để ngăn chặn các đối thủ nước ngoài tiến hành hoạt động gián điệp, giám sát, các hoạt động ác ý, gây tổn hại cho những người Mỹ dễ bị tổn thương, các quân nhân của chúng ta cũng như nhân viên chính phủ Hoa Kỳ của chúng ta”.

Vào tháng 8/2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh an ninh quốc gia yêu cầu TikTok tách các hoạt động tại Hoa Kỳ khỏi công ty mẹ Trung Quốc và chuyển chúng sang một công ty mới của Hoa Kỳ theo thời hạn đã định. Tuy nhiên, lệnh này sau đó đã bị hủy bỏ bởi phán quyết của tòa án Hoa Kỳ.

Sau nhiều năm gây ra tranh cãi kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tuyên bố của TikTok rằng nó không gây ra rủi ro an ninh cuối cùng đã bị bác bỏ với việc Mỹ đưa ra đạo luật mới. Tuy nhiên, TikTok cho biết họ sẽ thách thức việc thực thi luật mới trước tòa.

“Luật vi hiến này là lệnh cấm TikTok và chúng tôi sẽ thách thức nó trước tòa”, TikTok cho biết trong một tuyên bố vào ngày 24/4.

Các công ty Trung Quốc khác sẽ có số phận tương tự TikTok?
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng hòa - Louisiana) phát biểu với giới truyền thông sau khi một loạt dự luật viện trợ nước ngoài được thông qua tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, Mỹ, vào ngày 20/4/2024. (Ảnh: Nathan Howard/Getty Images)

Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát về tư tưởng

Các nhà quản lý Trung Quốc làm các cách để đảm bảo rằng, mặc dù thành công ở thị trường phương Tây, ByteDance vẫn thấm nhuần tinh thần của ĐCSTQ. Với sự phát triển của nền kinh tế Internet, ĐCSTQ đã thắt chặt quyền kiểm soát đối với các doanh nghiệp tư nhân và không gian Internet.

Vào tháng 10/2016, Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp tư nhân cũng nên thành lập các chi bộ Đảng. Một năm sau, Văn phòng Thông tin Internet Nhà nước (SIIO) của ĐCSTQ đã triệu tập một cuộc họp tại Bắc Kinh để thảo luận chi tiết về việc “thực hiện xây dựng Đảng” cho các công ty Internet. Các công ty tư nhân, trong đó có doanh nghiệp công nghệ cao, đua nhau thành lập các chi bộ đảng nhằm tránh sự trừng phạt của chính quyền.

Trong vài tháng năm 2017 và 2018, Toutiao, một nền tảng truyền thông thuộc sở hữu của ByteDance, đã bị SIIO kỷ luật. Vào tháng 1/2018, trang tổng hợp tin tức phổ biến này đã tạm thời bị đình chỉ hoạt động cùng với hơn 1.000 tài khoản vì “bị nghi ngờ vi phạm luật pháp và quy định”, một cáo buộc thường được dùng để chỉ việc bày tỏ quan điểm chính trị không phù hợp với quan điểm của ĐCSTQ. Vào tháng 4, ứng dụng có 263 triệu người dùng này đã bị đình chỉ trên các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc trong ba tuần.

Sau cuộc đàn áp gay gắt hồi đầu năm nó, Toutiao đã đăng tuyển 2.000 biên tập viên nội dung, nêu rõ rằng công ty “ưu tiên các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc hơn”.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát đối với các công ty công nghệ — cho dù là về nội dung, chẳng hạn như trong trường hợp của Toutiao, hay dưới danh nghĩa bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, quyền của người tiêu dùng và luật chống độc quyền.

ĐCSTQ hiện yêu cầu hầu hết tất cả các công ty Trung Quốc tiến hành IPO bên ngoài Trung Quốc đều phải trải qua cái mà họ gọi là “rà soát an ninh mạng”.

Các biện pháp quản lý mới tăng cường việc quản lý các thuật toán được sử dụng bởi các nền tảng truyền thông xã hội của ĐCSTQ, đồng thời tuyên bố rằng chúng phải “lan tỏa năng lượng tích cực”.

Cụm từ “lan tỏa năng lượng tích cực” có nghĩa là chỉ những tin tức miêu tả ĐCSTQ dưới góc nhìn tích cực và thể hiện sự thịnh vượng của Trung Quốc mới được phép công bố.

Vào đầu năm 2024, có thông tin tiết lộ rằng đài truyền hình nhà nước China Central TV (CCTV) của ĐCSTQ đã mua 1% cổ phần của Douyin, một ứng dụng tương đương với TikTok của Trung Quốc. “Cổ phần vàng” sẽ trao quyền phủ quyết cho CCTV đối với Douyin.

Không chỉ là TikTok

Theo luật mới, để tồn tại ở Mỹ, TikTok phải được bán bởi công ty mẹ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc mua bán sẽ cần có sự chấp thuận của ĐCSTQ, trong khi Bắc Kinh đã cho thấy rõ rằng họ phản đối việc ép buộc bán TikTok. Bắc Kinh đã sửa đổi các quy tắc kiểm soát xuất khẩu để cho phép ngăn chặn một thương vụ mua bán vì lý do an ninh quốc gia.

Ông Richard Windsor, nhà phân tích công nghệ và người sáng lập công ty nghiên cứu Radio Free Mobile, cho biết: “Nó [lệnh cấm TikTok] sẽ đặt dấu chấm hết cho quá trình mở rộng toàn cầu của ByteDance, vì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy nhà nước Trung Quốc coi trọng tính bảo mật của thuật toán hơn sự thịnh vượng tài chính và hoạt động mở rộng toàn cầu của ByteDance”.

Ông nói thêm: “Ý nghĩa ở đây là cuộc đấu tranh ý thức hệ đang diễn ra trong ngành công nghệ sẽ trở nên khốc liệt hơn”.

Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc làm việc tại Hoa Kỳ và là cộng tác viên của The Epoch Times, nói rằng ĐCSTQ có quyền kiểm soát và thao túng ByteDance theo ý muốn, giống như tất cả các công ty Trung Quốc khác. Điều đó khiến TikTok trở thành rủi ro bảo mật đối với Hoa Kỳ.

Ông Đường nói: “Cho dù TikTok được bán hay bị cấm, ByteDance sẽ mất thị trường Mỹ, từ đó chấm dứt quá trình toàn cầu hóa của nó”. Cuối cùng, các biện pháp trừng phạt sẽ có tác động rộng hơn, hạn chế sự mở rộng quốc tế của các công ty Trung Quốc chừng nào ĐCSTQ còn tồn tại. Ông nói thêm: “Điều này không chỉ áp dụng cho TikTok”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các công ty Trung Quốc khác sẽ có số phận tương tự TikTok?