Giám đốc Pháp lý ByteDance từ chức, tập trung chống lại luật ép bán TikTok

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vị Giám đốc Pháp lý sẽ trở thành cố vấn đặc biệt để giúp TikTok lật ngược đạo luật ép buộc ByteDance thoái vốn.

Ông Erich Andersen, Giám đốc Pháp lý của TikTok và công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc, sẽ từ chức vào tháng 6 để tập trung vào việc chống lại các nỗ lực nhằm ép buộc việc bán ứng dụng TikTok ở Mỹ, công ty cho biết hôm thứ 6 (26/4).

Ông Andersen sẽ vẫn ở lại công ty và trở thành cố vấn đặc biệt để dẫn dắt nỗ lực của TikTok nhằm lật ngược đạo luật được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào thứ 4 (24/4), theo đó ByteDance có 270 ngày để thoái vốn khỏi ứng dụng video ngắn TikTok ở Hoa Kỳ nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.

TikTok cho biết trong tuần trước rằng họ có kế hoạch đệ đơn kiện để thách thức đạo luật trên, nhưng từ chối cho biết khi nào họ có kế hoạch thực hiện điều đó.

Ông Andersen là người đóng vai trò quan trọng trong lần thách thức thành công trước đó của công ty vào năm 2020 trước nỗ lực cấm TikTok của chính quyền Trump cũng như lần thách thức vào năm ngoái dẫn đến việc một thẩm phán chặn lệnh cấm của bang Montana.

TikTok, cho biết họ chưa chia sẻ và sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ với chính quyền Trung Quốc, chuẩn bị thách thức đạo luật trên cơ sở Tu chính án thứ nhất và người dùng TikTok cũng dự kiến ​​sẽ tham gia hành động pháp lý một lần nữa.

Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư (Shou Zi Chew) đã khen ngợi ông Andersen và cho biết ông rất vui khi ông Andersen “đã đồng ý đảm nhận vai trò cố vấn đặc biệt để tập trung vào nhiệm vụ rất quan trọng này mà công ty chúng tôi phải đối mặt”.

Ông Châu cho biết hôm thứ 4 rằng công ty hy vọng sẽ thắng trong lần thách thức pháp lý này, nhằm ngăn chặn đạo luật có thể cấm ứng dụng được 170 triệu người Mỹ sử dụng.

Việc ký thành luật đạo luật mới này của ông Biden đặt ra thời hạn bán TikTok là vào ngày 19/1 - một ngày trước khi nhiệm kỳ của ông hết hạn - nhưng ông có thể gia hạn thời hạn thêm ba tháng nếu xác định ByteDance đang đạt được tiến bộ.

Được thúc đẩy bởi những lo ngại lan rộng trong các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người Mỹ hoặc giám sát họ bằng ứng dụng này, dự luật đã được thông qua với tỷ lệ áp đảo.

Cuộc chiến kéo dài 4 năm về TikTok là một mặt trận quan trọng trong cuộc chiến về Internet và công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giám đốc Pháp lý ByteDance từ chức, tập trung chống lại luật ép bán TikTok