Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện nước trên bề mặt tiểu hành tinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hệ Mặt trời của chúng ta là tập hợp các vật thể từ các hành tinh và mặt trăng cho đến sao chổi và tiểu hành tinh. Người ta cho rằng có tới một triệu tiểu hành tinh quay quanh Mặt trời và nước ở trên chúng đã bốc hơi từ lâu. Một nghiên cứu gần đây sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng hồng ngoại SOFIA đã phát hiện ra nước trên các tiểu hành tinh Iris và Massalia, theo Universe Today.

Trong số một triệu tiểu hành tinh thì Iris, với đường kính 199 km, được cho là lớn hơn khoảng 99% các tiểu hành tinh khác. Nó quay quanh Mặt trời trong vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc ở khoảng cách trung bình 2,39 đơn vị thiên văn (khoảng 434 triệu km), mất 3,7 năm để hoàn thành một quỹ đạo.

Massalia có kích thước tương đương với Iris với đường kính khoảng 135 km và có quỹ đạo tương tự Iris.

Thông thường, các tiểu hành tinh trong hệ Mặt trời khác nhau một chút về thành phần và cấu trúc. Càng gần Mặt trời thì các tiểu hành tinh silicat không có nước chiếm ưu thế, trong khi càng xa Mặt trời thì các tiểu hành tinh băng đá lại phổ biến hơn.

Khám phá sự phân bố của các tiểu hành tinh giúp hiểu được thành phần và sự chuyển giao của các nguyên tố trong tinh vân mặt trời trước khi các hành tinh và tiểu hành tinh hình thành. Nếu chúng ta cũng có thể hiểu được sự phân bố của nước trong hệ Mặt trời, thì điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu được sự phổ biến của nó trong các hệ thống ngoại hành tinh và khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái đất.

Dữ liệu được thu thập bởi SOFIA – Đài quan sát thiên văn hồng ngoại tầng bình lưu đã ngừng hoạt động vào năm 2022 – đã tiết lộ sự tồn tại của nước trên các tiểu hành tinh Iris và Massalia. Đây không phải là lần đầu tiên SOFIA thực hiện một khám phá kiểu này. Vào tháng 10/2020, SOFIA đã xác định được sự tồn tại của nước trên Mặt trăng.

Sử dụng Camera hồng ngoại vật thể mờ (FORCAST), SOFIA đã phát hiện dấu hiệu của các phân tử nước trên bề mặt tương đương với khoảng 350 ml nước trong một mét khối đất.

Tác giả chính của bài báo, Tiến sĩ Anicia Arredondo từ Viện Nghiên cứu Tây Nam, Texas, Hoa Kỳ, xác nhận rằng, dựa trên cường độ của các vạch quang phổ, thể tích và mức độ phổ biến của nước trên các tiểu hành tinh tương tự như trên Mặt trăng. Tại đó, nước cũng bị giữ lại do tạo ra sự liên kết với các khoáng chất cũng như bị hấp thụ bởi silicat.

Các nhà khoa học cũng phân tích dữ liệu từ hai tiểu hành tinh mờ hơn là Parthenope và Melpomene, nhưng không thu được kết quả cuối cùng do có quá nhiều nhiễu. Có vẻ như thiết bị FORCAST thiếu độ nhạy cần thiết để xác định đặc điểm quang phổ của nước trên các tiểu hành tinh này, nếu thực sự có sự hiện diện của nước.

Cần phải phân tích sâu hơn để hiểu đầy đủ về sự phân bố của nước trên khắp hệ Mặt trời. Sau nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb có chất lượng quang học cao hơn và ít nhiễu hơn nhiều để tìm hiểu thêm.

Theo Universetoday



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện nước trên bề mặt tiểu hành tinh