Cha mẹ hết tiền, du học sinh Trung Quốc đối mặt với áp lực 'cắt hỗ trợ tài chính'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, nhu cầu trong nước trì trệ và khủng hoảng bất động sản đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và thu nhập của tầng lớp trung lưu ở nước này. Điều này cũng gây áp lực tài chính cho việc du học tự túc của các du học sinh Trung Quốc.

Nhiều du học sinh Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính do cha mẹ ở Trung Quốc không còn có thể hỗ trợ họ. “Cắt hỗ trợ tài chính du học” đã trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc.

Xiao Zhang tới Mỹ du học từ năm 2019, cô chưa bao giờ tưởng tượng rằng một ngày nào đó mình sẽ phải làm việc bán thời gian để trang trải học phí đại học.

Theo hãng tin tài chính Mỹ CNBC, cô du học sinh Trung Quốc 24 tuổi này hiện đang theo học ngành thiết kế tại một trường đại học ở tiểu bang Alabama. Trước đây, chi phí học tập của cô đều được cha mẹ ở Trung Quốc chi trả. Nhưng vào tháng 10 năm ngoái, cha mẹ cô nói với cô rằng họ đang phải đối mặt với vấn đề về dòng tiền và không thể tiếp tục hỗ trợ tài chính cho việc học của cô ở Mỹ. Lúc đó, Xiao Zhang chỉ có đủ tiền để trả ba tháng tiền thuê nhà. Ngoài ra, cô còn phải đóng học phí cho một học kỳ nữa.

“Tôi không có thời gian để buồn vì tôi cần kiếm tiền nhanh nhất có thể để trả học phí và tiền thuê nhà”, Xiao Zhang nói và cho biết thêm rằng cha cô đã đầu tư vào ngành dược trong thời kỳ đại dịch Covid-19 nhưng sau đó đã chịu tổn thất rất lớn. Sau khi đầu tư thua lỗ, cha cô đã phải nói với cô rằng ông không thể hỗ trợ việc học của cô ở Mỹ nữa và sẵn sàng mua cho cô một vé máy bay để về nước.

Khó khăn tài chính đột ngột xảy đến, Xiao Zhang đành bắt đầu tìm kiếm các công việc bán thời gian, chẳng hạn như bảo mẫu hoặc công việc trong khuôn viên trường, nhưng việc này không hề dễ dàng. Phải một tháng sau cô mới tìm được một công việc tạm thời ở một tiểu bang khác.

“Từ tháng 11 (năm ngoái) đến tháng 1 (năm nay), tôi phải làm việc từ 7h sáng mỗi ngày”. Cô Zhang nói: “Thời gian đó tôi rất mệt và không có thời gian học. Nhưng ít nhất tôi cũng đã kiếm đủ tiền để trả học phí cho học kỳ tiếp theo”.

Trường hợp của Xiao Zhang không phải là cá biệt. Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu, những trường hợp như cô Zhang ngày càng nhiều. Bloomberg trước đó cũng đã phỏng vấn nhiều du học sinh Trung Quốc. Những du học sinh này đều kể những câu chuyện tương tự, rằng cha mẹ họ ở Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính và khó có thể trả được khoản học phí đắt đỏ của họ ở nước ngoài. Emily Xiong là một trong số đó.

Bloomberg đưa tin, cô Xiong đang theo học lớp dự bị ở thành phố Birmingham, Anh và hy vọng có thể học đại học ở nước ngoài. Khi cô về nhà vào kỳ nghỉ đông, cha cô nói với cô rằng công việc kinh doanh của ông đang gặp khó khăn, ông buộc phải bán hết tài sản của mình để trang trải cuộc sống và ông còn đang phải trả những hóa đơn y tế đắt đỏ. Mặc dù Xiong đã quay trở lại Birmingham nhưng mẹ cô nói với cô rằng cô cần cân nhắc việc du học ở Malaysia, nơi có học phí thấp. Cô Xiong cho biết, dù học ở Anh sẽ tốt hơn nhưng cô chỉ có thể lựa chọn trong khả năng của cha mẹ.

Cheersyou, một công ty tư vấn giáo dục ở New York, nói với Bloomberg rằng trước khi dịch bệnh xảy ra, việc đi học ở nước ngoài hiếm khi là một vấn đề đối với du học sinh Trung Quốc, nhưng trong số những du học sinh Trung Quốc được công ty này tư vấn gần đây, có 10% đã thay đổi kế hoạch du học do thiếu tài chính.

Các nhà kinh tế cho rằng, tình hình tài chính khó khăn của những du học sinh này đã làm nổi bật sự bấp bênh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Khi tình hình kinh tế xấu đi, họ hầu như không có gì để dựa vào. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây đã mang lại cho nhiều hộ gia đình Trung Quốc một cảm giác giả về an toàn tài chính, nhưng họ lại không có sự đa dạng về tài sản như tầng lớp giàu có thực sự.

Kể từ năm ngoái tới nay, thẻ gắn (hashtag) “Cắt hỗ trợ tài chính du học” trên Xiaohongshu - một nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc - đã nhận được 4,622 triệu lượt xem. Khi ngày càng nhiều du học sinh Trung Quốc rơi vào cảnh khó khăn do bị cắt hỗ trợ tài chính từ gia đình, nhiều người đã lên Internet tìm kiếm sự giúp đỡ và xin ý kiến tư vấn.

Có thể kể đến các chủ đề được gắn thẻ “Cắt hỗ trợ tài chính du học” trên nền tảng Xiaohongshu như sau: “Làm thế nào để tự cứu mình khi du học ở Anh bị cắt tài chính?”; “Học đại học ở Mỹ bị cắt tài chính, trong nhà không còn một xu"; "Bị cắt tài chính du học, gia đình trung lưu bất ngờ sụp đổ", v.v.

Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm. Với 70% tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc gắn liền với bất động sản, sự sụp đổ của ngành này đã khiến nhiều gia đình Trung Quốc đảo lộn, từ đó ảnh hưởng tới việc du học của con cái họ.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cha mẹ hết tiền, du học sinh Trung Quốc đối mặt với áp lực 'cắt hỗ trợ tài chính'