Bình luận: Chính sách ‘phát thải ròng bằng 0’ sẽ sớm khiến người Canada nghèo và lạnh cóng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một đất nước có thể đi từ sung túc đến nghèo đói nhanh hơn rất nhiều so với từ nghèo đói đến sung túc. Châu Âu và phần lớn châu Á đã chứng kiến điều đó sau Thế chiến II. Nếu chúng ta phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng đáng tin cậy và có giá cả phải chăng cũng như các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nó, thì sẽ phải mất hàng thập kỷ nghèo đói để xây dựng lại tất cả mọi thứ.

Bài bình luận

Thuế carbon ngày càng cao đánh lên xăng và dầu diesel thực chất là một loại thuế bổ sung áp lên năng lượng (bên cạnh loại thuế hiện có mà quý vị phải trả mỗi khi mua xăng dầu). Việc hoàn thuế carbon (carbon tax rebate) hàng năm của Canada chỉ đưa lại cho chúng ta [người dân Canada] một tỷ lệ phần trăm nhỏ trong số tiền - vốn đã bị tăng lên do lạm phát - mà chúng ta phải trả ở cả hiện tại và tương lai.

Trong thập kỷ tới, mục tiêu chính trị về mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 sẽ khiến người Canada và con cái của chúng ta nghèo hơn thế hệ cha mẹ họ, mà không mang đến tác động đáng kể nào đến chống biến đổi khí hậu hoặc đến mức CO2 của hành tinh. Như đã thấy ở Anh, cũng như ở Đức và các nước EU khác, việc các nhà lãnh đạo trong hoạt động chuyển đổi xanh (chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh) ưu tiên sản xuất các loại điện phụ thuộc vào thời tiết (năng lượng mặt trời và năng lượng gió), kết hợp với các chính sách phát thải khí nhà kính bằng 0 khác, là một thảm họa. Nó sẽ làm tăng giá thực phẩm, khiến việc vận chuyển hàng hóa và con người trở nên đắt đỏ hơn nhiều, đồng thời làm tăng hóa đơn sưởi ấm và chiếu sáng của chúng ta.

Ở một đất nước phía bắc lạnh giá như Canada, ngay cả những người Canada thuộc tầng lớp trung lưu cũng sẽ sớm phải lựa chọn giữa việc sưởi ấm ngôi nhà hay nuôi sống gia đình. Giống như ở châu Âu, những người có mức thu nhập thấp nhất sẽ cần đến các khoản trợ cấp xã hội khổng lồ (điều mà rất không bền vững khi nền kinh tế lao dốc) hoặc phải chịu cảnh nghèo đói hàng loạt.

Năng lượng xanh không đáng tin cậy

Bởi vì các nhóm ủng hộ khí hậu và các luật sư của họ tôn vinh cái gọi là năng lượng xanh, nên các đề xuất của họ thường loại trừ và ngăn cản việc sản xuất điện hạt nhân - một nguồn năng lượng đáng tin cậy không phát thải duy nhất hiện có. Họ không đề xuất bất kỳ giải pháp thay thế nào. Chúng ta có nên chặt phá rừng để làm trang trại năng lượng mặt trời và “nhiên liệu sinh khối” (cụ thể là đốt viên gỗ làm từ các loại cây) không? Nước Đức, sau khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và chuyển sang “xanh”, mới đây đã phải phá bỏ một khu rừng 12.000 năm tuổi để mở rộng một mỏ than. Liệu chúng ta có tiếp tục đi theo con đường của Đức cho đến khi phải xây dựng lại ngành sản xuất than không? Hy vọng là không!

Cơ sở lý luận cho các chính sách phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là: chúng rất cần thiết nếu chúng ta muốn cứu hành tinh khỏi thảm họa biến đổi khí hậu - mà nguyên nhân của biến đổi khí hậu được nêu ra chỉ là do đốt nhiên liệu hóa thạch. Do đó, việc đạt được mức ròng bằng 0 được coi là mục tiêu cao cả để phương Tây theo đuổi, được các tổ chức phi chính phủ lớn và nhận được nhiều tài trợ về biến đổi khí hậu ủng hộ nhiệt tình. Điều này, đến lượt nó, đã ảnh hưởng đến kết quả chính trị của các cuộc bầu cử. Các đảng chính trị muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo - đạt được bằng cách khiến cử tri sợ hãi với “cuộc khủng hoảng khí hậu nóng lên toàn cầu” - đã chiếm ưu thế trước những đảng mà cân nhắc đến những tác động tai hại lâu dài của các chính sách phát thải ròng bằng 0.

Nhiều người thiệt mạng vì lạnh hơn vì nóng

Cứ mỗi cái chết có liên quan đến thời tiết nóng, thì có 9 hoặc 10 cái chết có liên quan đến cái lạnh. Việc Canada trở nên ấm áp hơn một chút trong thế kỷ tới sẽ thực sự cứu được nhiều mạng sống. Chúng ta nên hỏi các chính trị gia của mình rằng có bao nhiêu người Canada có thu nhập thấp sẽ chết cóng trong nỗ lực vô ích của đất nước nhằm đạt được mức ròng bằng 0? Có bao nhiêu đứa trẻ phải chịu đói và lạnh vào mùa đông? Nhiều cộng đồng người bản địa (First Nations) ở phía bắc sống sót qua mùa đông lạnh giá là nhờ vào các máy phát điện diesel. Giờ đây có bao nhiêu cộng đồng trong số này nên bị bỏ rơi để đạt được mức ròng bằng 0?

Canada chỉ chiếm 1,6% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Canada không thể chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu bằng cách loại bỏ lượng khí thải CO2 của đất nước. Tại sao? Khoảng 80% năng lượng toàn cầu vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch, ngay cả sau hai thập kỷ chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khoảng ⅔ dân số thế giới — tức là 5,4 tỷ trong số 8 tỷ người sống ở các nước đang phát triển — đang tăng nhanh việc sử dụng than và khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng, thải ra CO2 ở mức mà dễ dàng vượt quá mức cắt giảm khiêm tốn mà Canada có thể đạt được (thậm chí với cái giá phải trả là rất đắt cho mức sống của người Canada).

Trên hết, các chính sách khí hậu - được xây dựng nên do hoảng loạn - của Canada sẽ chỉ là chuyển điều kiện sống cá nhân của chúng ta và có thể cả công việc của chúng ta sang Trung Quốc, Ấn Độ (và một số nước đang phát triển khác), có nghĩa là con cái chúng ta trong tương lai sẽ nghèo như trẻ em ở Trung Quốc và Ấn Độ trong quá khứ.

Chấm dứt mức ròng bằng 0 không sớm thì muộn

Không sớm thì muộn, sự tàn phá của chính sách khí hậu hiện tại của chúng ta sẽ cần phải được hạn chế lại. Điều này đã bắt đầu ở châu Âu và sẽ bắt đầu ở đây [Canada]. Câu hỏi duy nhất là việc thúc đẩy mức ròng bằng 0 sẽ gây ra tình cảnh nghèo đói đến mức nào trước khi người Canada nhận ra và chấp nhận rằng tình trạng này là không thể tiếp diễn.

Chúng ta chỉ có nhiều nhất một thập kỷ để cứu nhiều người trong chúng ta khỏi sự tàn phá do các chính sách này gây ra, trong khi giới tinh hoa vẫn không bị ảnh hưởng gì bởi các chính sách. Và khí hậu thì vẫn tiếp tục làm điều nó luôn làm: luôn biến đổi.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch

Tác giả Andrew Roman là một luật sư tranh tụng đã nghỉ hưu với hơn 40 năm kinh nghiệm về các vấn đề môi trường, điện, cạnh tranh và hiến pháp. Ông là tác giả của hơn 100 bài báo về pháp luật và một cuốn sách luật, đồng thời đã làm chứng với tư cách là một nhân chứng chuyên môn trước các ủy ban của Thượng viện và Hạ viện Canada.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Chính sách ‘phát thải ròng bằng 0’ sẽ sớm khiến người Canada nghèo và lạnh cóng