Chuyên gia: Càng thúc đẩy năng lượng xanh, Mỹ càng phụ thuộc vào Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo ông Rex Lee, cố vấn an ninh mạng tại My Smart Privacy, việc thúc đẩy năng lượng xanh khiến Hoa Kỳ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc và do đó, mang lại lợi ích to lớn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi chính quyền Biden “chạy đua để triển khai năng lượng xanh”, nhu cầu về nguyên liệu để sản xuất pin xe điện — chẳng hạn như lithium và coban — tiếp tục tăng. Trong khi đó, Trung Quốc đang là nhà cung cấp lớn nhất thế giới các linh kiện và nguyên vật liệu cần thiết cho công nghệ năng lượng tái tạo.

Từ năm 2010 đến 2020, thị phần silic đa tinh thể (polysilicon) toàn cầu của Trung Quốc tăng từ 26% lên 82% — trong khi con số đó của Mỹ giảm từ 35% xuống 5%, theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ.

Theo statistics, silic là thành phần chính của các tấm pin mặt trời; vào năm 2021, Trung Quốc chiếm 75% sản lượng mô-đun quang điện (PV) toàn cầu.

Các báo cáo của giới phân tích khoáng sản và của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy khoảng 70% coban được khai thác trên toàn cầu đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo và hầu hết tất cả coban được khai thác ở đó đều được vận chuyển đến Trung Quốc để tinh chế và xử lý sâu hơn. Hiện tại, Trung Quốc xử lý khoảng 80% lượng coban của thế giới, theo tạp chí National Defense của Mỹ.

“Những điều này cho thấy sự phụ thuộc của chúng ta [Mỹ] vào Trung Quốc”, ông Lee nói trong chương trình “China in Focus” của đài truyền hình NTD vào ngày 28/02. “Hiện nay, chúng ta hiểu rằng việc dựa vào Trung Quốc để có được cơ sở hạ tầng quan trọng liên quan đến chuỗi cung ứng không phải là điều gì tốt đẹp, đặc biệt là liên quan đến điện tử và dược phẩm, v.v. Và bây giờ chúng ta lại một lần nữa phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.

Tác động tiêu cực lên môi trường

Vị chuyên gia này cho rằng có những tác động môi trường tiêu cực sâu rộng liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản đất hiếm, cũng như khai thác các khoáng sản quan trọng khác như coban, lithium và niken.

Ông Lee nói: “Tất cả những thứ đó phải được khai thác từ lòng đất và được gom lại tại các nhà máy - nơi tạo ra lượng khí thải carbon lớn. Rất nhiều nhà máy và rất nhiều công ty khai thác này, mặc dù họ ở khắp nơi trên thế giới, phần lớn trong số họ đến từ Trung Quốc”.

Xung đột lợi ích

Theo ông Lee, có nhiều khả năng xảy ra xung đột lợi ích liên quan đến việc vận động hành lang cho luật năng lượng xanh. Ông nói về công ty đầu tư tư nhân BHR của Trung Quốc, trong đó ông Hunter Biden (con trai của Tổng thống Joe Biden) nắm giữ 10% cổ phần tính đến tháng 05/2021, theo hồ sơ công ty. Hunter Biden cũng có một ghế trong ban quản trị công ty.

BHR được cho là được chống lưng bởi các tổ chức tài chính nhà nước lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank).

“Cái tên Hunter Biden thực sự đã xuất hiện khi tôi tiến hành nghiên cứu về những người vận động hành lang, ông ấy xuất hiện không phải với tư cách là cố vấn cho BHR, mà với tư cách là một nhân viên thực sự; ông ấy được liệt kê là nhà vận động hành lang thực sự”, ông Lee nói.

“Vì vậy, có xung đột lợi ích trực tiếp liên quan trực tiếp đến Tổng thống [Joe Biden] và các thành viên gia đình của ông ấy, những người có thể được hưởng lợi từ luật năng lượng xanh này; trong khi Trung Quốc cũng đang hưởng lợi rất lớn từ điều này”, ông Lee nói thêm.

Trung Quốc sử dụng nhiều than đá

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc chính quyền Biden vội vàng chuyển sang năng lượng tái tạo có nghĩa là có tới 1/4 công suất điện đến từ than ở Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ bị đóng cửa vào năm 2029. Tuy nhiên, ông Lee cho rằng than đá sẽ tiếp tục được sử dụng như một nguồn năng lượng trong hàng trăm năm nữa — đặc biệt là khi xem xét mức độ phụ thuộc của Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác vào than đá.

Một báo cáo ngày 27/02 của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch cho thấy vào năm 2022, cứ mỗi tuần, Trung Quốc lại cấp giấy phép cho 2 nhà máy nhiệt điện than mới — mức cao nhất kể từ năm 2015. Công suất điện than đến từ các nhà máy hiện đang trong quá trình xây dựng ở Trung Quốc là lớn gấp 6 lần so với tất cả phần còn lại của thế giới cộng lại.

“Chúng ta [Mỹ] là quốc gia duy nhất đang thực sự giảm sự phụ thuộc vào than đá — cùng với một số quốc gia châu Âu — nhưng tất cả các nước khác trên thế giới đều sử dụng nhiều than đá và họ sẽ không từ bỏ sự phụ thuộc đó”, ông Lee nói.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Càng thúc đẩy năng lượng xanh, Mỹ càng phụ thuộc vào Trung Quốc