Chính sách về khí hậu có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế còn lớn hơn Đại suy thoái 2008-2009

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính sách về khí hậu đang đe dọa kinh tế toàn cầu. Ở các nơi trên thế giới, giá năng lượng đang ảnh hưởng nặng nề tới các công ty. Việc can thiệp vào thị trường năng lượng, thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo không đáng tin cậy, đã được chứng tỏ là một thảm họa.

Sụp đổ kinh tế do chính sách khí hậu

Chính sách khí hậu - không phải biến đổi khí hậu - đã tác động đến hàng nghìn doanh nghiệp trên khắp thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của hàng triệu người, điều mà theo nhiều nhà phân tích, có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế với quy mô còn lớn hơn cả khủng hoảng tài chính 2008–2009.

Theo một bài báo của Wall Street Journal, cuộc khủng hoảng năng lượng là điểm khởi đầu của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, thứ đã bắt đầu ở châu Âu và dự kiến ​​sẽ sớm lan sang Mỹ. Các thất bại kinh doanh quy mô lớn ở Vương quốc Anh và Đức sắp xảy ra, dựa trên dữ liệu khảo sát. Các chính phủ trong khi nỗ lực để phân phối trợ cấp sẽ cần vay nợ đáng kể, điều sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính, trong khi đồng thời, cả lãi suất và chi phí nhiên liệu tiếp tục tăng.

Tại Vương quốc Anh, hơn 75.000 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng có nguy cơ vỡ nợ hoặc có khả năng sa thải nhân viên nếu chính phủ không can thiệp với sự hỗ trợ thích đáng, theo Red Flag Alert, một công ty tình báo tài chính.

“Các doanh nghiệp không thể hấp thụ những chi phí này, và họ sẽ nhanh chóng bị buộc phải đưa ra quyết định về số lượng nhân viên hoặc khả năng thanh toán hóa đơn năng lượng", bà Nicola Headlam, nhà kinh tế trưởng của Red Flag, nói với BBC. “Đó sẽ là hiện thực, và nó sẽ tiến triển rất nhanh”.

Giá năng lượng đang tăng gấp đôi, thậm chí có thể lên tới vài trăm phần trăm, giáng một đòn chí mạng vào các công ty. Chính phủ mới của Thủ tướng Anh Liz Truss đã hứa hỗ trợ cho các hộ gia đình có hóa đơn năng lượng vượt quá mức tăng đột biến 80%, nhưng thông tin chi tiết về hỗ trợ cho các doanh nghiệp vẫn chưa được biết đến.

Chính sách về khí hậu có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế còn lớn hơn Đại suy thoái 2008-2009
Tấm biển phản đối giá nhiên liệu tăng cao trên ô tô vào ngày 04/07/2022 tại Leeds, Anh. Giá xăng và dầu diesel đã tăng đều đặn trong năm nay do giá dầu leo ​​thang do nhu cầu sau đại dịch và các lệnh trừng phạt chống lại Nga, một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. (Ảnh: Cameron Smith / Getty Images)

Ở Đức, vấn đề có lẽ còn tồi tệ hơn, vì các báo cáo chỉ ra rằng 10% đến hơn 30% (tùy thuộc vào cuộc khảo sát) các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với các mối đe dọa “sống còn” trong sáu tháng tới do khó khăn từ các hóa đơn năng lượng.

Tuy nhiên, các chính trị gia háo hức chĩa mũi dùi về phía đông và đổ lỗi giá cả tăng cao là do Nga xâm lược Ukraine và các biện pháp theo sau do Tổng thống Vladimir Putin thực hiện thay vì tính đến tác động của các chính sách biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế của khu vực. “Chúng ta phải cắt giảm doanh thu của Nga mà Putin sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến tàn khốc này”, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết.

Thảm họa khi tập trung vào năng lượng tái tạo

Theo Thỏa thuận Xanh châu Âu và Thỏa thuận Paris, Liên minh châu Âu đã thông qua chính sách chuyển đổi thành một xã hội “trung hòa với khí hậu” (phát thải khí thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Điều này có nghĩa là một sự chuyển đổi mạnh mẽ từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn tái tạo.

Đức rất chú trọng vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió - tuy nhiên, chúng có tính chất theo mùa, rất thất thường và không liên tục khi so sánh với các nguồn ổn định như dầu thô, khí đốt tự nhiên và lò phản ứng hạt nhân. Điều này khiến nước này phụ thuộc nhiều vào các nguồn nước ngoài như Nga để cung cấp khí đốt đáp ứng các yêu cầu hàng ngày. Và khi Nga đóng cửa vòi cung cấp năng lượng để trả đũa việc giới hạn giá nguồn cung được coi là một phần của các lệnh trừng phạt của châu Âu, chi phí năng lượng tăng vọt.

Các chính sách năng lượng can thiệp dựa trên hệ tư tưởng đã thất bại thảm hại và đang đẩy lục địa này vào suy thoái. Ông Jerry Simmons, chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất năng lượng trong nước của Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTD rằng, tại một số khu vực ở châu Âu, người dân đang xếp hàng để mua than cho mùa đông. Ông lưu ý rằng Mỹ cũng mắc phải tội lỗi trong việc nhập khẩu các chính sách như vậy.

“Thỏa thuận mới, được thương lượng này trong chính quyền Biden vừa đổ rất nhiều tiền thuế của chúng ta vào các nguồn tái tạo không đáng tin cậy chỉ là… điều đó thật gây sốc đối với tôi”, ông Simmons nói.

Ông chỉ ra bang California, nơi đang có kế hoạch cấm bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035 và muốn mọi thứ phải chạy bằng điện. Tuy nhiên, bang hiện nay thậm chí không có đủ điện để tránh mất điện.

Chính sách về khí hậu có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế còn lớn hơn Đại suy thoái 2008-2009
Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, nhìn lên khi ông phát biểu với các khách mời tại cuộc họp Offshore Northern Seas 2022 (ONS) ở Stavanger, Na Uy vào ngày 29/08/2022. Cuộc họp diễn ra từ ngày 29/08 đến ngày 01/09/2022, trình bày những phát triển mới nhất ở Na Uy và quốc tế liên quan đến lĩnh vực năng lượng, dầu khí. (Ảnh: CARINA JOHANSEN / NTB / AFP qua Getty Images)

Mặc dù là người phát ngôn trên thực tế của công ty sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, CEO Elon Musk của Tesla vẫn cảnh báo không nên đổ xô vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Thực tế mà nói, tôi nghĩ chúng ta cần sử dụng dầu và khí đốt trong ngắn hạn, vì nếu không nền văn minh sẽ sụp đổ”, ông Musk nói với các phóng viên tại một hội nghị thượng đỉnh về năng lượng ở Na Uy. Chuyển đổi sang năng lượng bền vững và sang một nền kinh tế bền vững là điều mà "sẽ mất vài thập kỷ để hoàn thành".

Bảo Nguyên

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Chính sách về khí hậu có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế còn lớn hơn Đại suy thoái 2008-2009