Chờ mãi lạm phát không giảm, Phố Wall 'sốt ruột' kêu gọi Fed điều chỉnh lạm phát mục tiêu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến chống lạm phát của Fed kéo dài dai dẳng nhưng lạm phát vẫn kiên trì ở mức trên 3%, lạm phát tiêu dùng cá nhân còn ở mức 2,7%, cao hơn mức mục tiêu 2% rất nhiều, điều này khiến Fed không thể giảm lãi suất như kỳ vọng. Phố Wall kêu gọi Fed điều chỉnh lạm phát mục tiêu.

Cuối tuần trước, thứ Sáu ngày 26/04/2024, báo cáo về chỉ số lạm phát của Mỹ đã gây hoang mang cho các nhà đầu tư trước thực tế là lạm phát tiếp tục tăng nhẹ, khó lòng giảm về mức mục tiêu 2% như Fed đề ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Fed sẽ không sớm bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 như kỳ vọng. Như vậy, thị trường, các định chế tài chính và nhà đầu tư sẽ phải chịu đựng các khoản lỗ trên giá trị thị trường từ khối tài sản tài chính (có lãi suất cố định, dài hạn) mà họ đang nắm giữ.

Vào tháng 3/2024, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân ở Mỹ (PCE) đã tăng 0,3% so với tháng trước; mức tăng này bằng với mức kỳ vọng thị trường. So với cùng kỳ 2023, vào tháng 3/2024, PCE vẫn ở mức tăng 2,7%, thậm chí cao hơn dự báo là 2,6%. Trong khi đó, PCE lõi (không gồm giá năng lượng và lương thực), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, vẫn ổn định tăng 0,3% so với tháng trước đó.

Rõ ràng, mặt bằng giá (loại trừ năng lượng và thực phẩm) đã ở mức mới; nói cách khác, đợt khủng hoảng giá năng lượng và lương thực trước đó dường như đã kịp ngấm vào giá tiêu dùng, dịch vụ khác trong rổ tiêu dùng của người Mỹ. Ngoài ra, tình trạng nợ công của Hoa Kỳ luôn thiết lập kỷ lục mới, thâm hụt ngân sách kéo dài, cũng thúc đẩy tình trạng lạm phát trở nên "khó trị" hơn nhiều so với tưởng tượng lạc quan của thị trường, nhà đầu tư và công chúng; những người chịu ảnh hưởng bởi các tuyên bố chính sách từ chính trị gia hay các phân tích chỉ nhắm vào việc thúc đẩy đầu tư.

Trang Market Watch đã phỏng vấn các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính Phố Wall sau khi bản tin về lạm phát tiêu dùng cá nhân của Mỹ công bố. Các tổ chức tài chính, nhà đầu tư đều thể hiện sự sốt ruột khi lạm phát mãi chưa thể chạm tới mức mục tiêu 2% của Fed. Phố Wall có ký do để lo ngại mức lãi suất chính sách cao nhất trong 23 năm qua (5,5%) đang khiến danh mục đầu tư tài chính chịu lỗ nặng. Ngân hàng Silincon Valley (SVB) chịu lỗ 18 tỷ USD chỉ sau 1 năm Fed tăng lãi suất; SVB đã phá sản vào tháng 3/2023. Hiện tại, thêm một năm nữa trôi qua, sức chịu đựng của NHTM, các thị trường tiền tệ mở của Mỹ suy giảm sau khi Fed ngừng chính sách hỗ trợ các các tài sản tài chính có lãi suất cố định dài hạn sau vụ đổ vỡ hồi tháng 3/2023. Lúc này, thị trường, các tổ chức, nhà đầu tư bắt đầu khuyên Fed thay đổi mục tiêu lạm phát.

Bà Anna Rathbun, giám đốc đầu tư của CBIZ Investment Advisory Services, cho biết các nhà hoạch định chính sách [ám chỉ Fed] sẽ “bị kẹt giữa một tảng đá [lạm phát mục tiêu 2%] và tình khó khăn [của thị trường tài chính, việc làm]”. Bà Rathbun chia sẻ với Market Watch rằng: “Việc thay đổi mục tiêu lạm phát 2% [hàm ý đưa mục tiêu lạm phát cao] sẽ mở ra cơ hội cho ít nhất một lần cắt giảm lãi suất của Fed vào cuối năm 2024”.

Ông Chris Diaz, đồng giám đốc nhóm thu nhập cố định chịu thuế toàn cầu của Brown Advisory chia sẻ rằng hiện không một ai trên thị trường có thể chắc chắn về đường đi của lạm phát trong 6 tháng tới. Rõ ràng lạm phát ở Mỹ có thể "chạy theo mọi hướng". Quan điểm của ông Diaz trùng với quan điểm của nhiều chuyên gia khi lạm phát ở Mỹ chịu tác động của xung đột địa chính trị toàn cầu ngày một căng thẳng, lan rộng.

Lạm phát ở Mỹ dường như bị kẹt ở mức 3%, Phố Wall đã đặt nghi vấn về viễn cảnh Fed vừa kiềm chế được lạm phát vừa có thể hạ cánh mềm.

Giám đốc điều hành JP Morgan Chase & Co. Jamie Dimon gần đây cho biết ông cảm thấy kém lạc quan hơn những người khác về việc nền kinh tế tránh được suy thoái. Một vài tuần trước, ông Dimon đã cảnh báo trong lá thư thường niên gửi các cổ đông rằng lợi suất trái phiếu kho bạc chuẩn có thể đạt tới 8% hoặc cao hơn, một phần do áp lực lạm phát.

Đây là cảnh báo rất xấu với thị trường vốn nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Chỉ với mức lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ trên 4% như hồi tháng 3/2023 đã có tới 3 NHTM vừa và nhỏ của Mỹ sụp đổ. Điều gì xảy ra với hệ thống tài chính Hoa Kỳ, thị trường tài chính lớn nhất toàn cầu, nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ lên tới 8% như cảnh báo của CEO JP Morgan Chase& Co?



BÀI CHỌN LỌC

Chờ mãi lạm phát không giảm, Phố Wall 'sốt ruột' kêu gọi Fed điều chỉnh lạm phát mục tiêu