Cholesterol - Những quan điểm bất đồng cần xem xét

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giảm cholesterol là một trọng tâm lớn của y học hiện đại. Lâu nay, chúng ta được định hướng rằng nó rất nguy hiểm. Nhưng nó có thật sự đáng sợ đến như vậy không?

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim (NMCT) có liên quan mật thiết đến cholesterol. Đó là lý do tại sao giảm cholesterol là một chiến lược lớn của y học hiện đại.

Tuy nhiên, có một số bác sĩ lại cho rằng cholesterol không nguy hiểm đến mức như chúng ta vẫn tin.

Một trong những người đứng ra thách thức quan niệm truyền thống về cholesterol là Dayan Goodenowe. Là một nhà khoa học thần kinh và nghiên cứu sinh hóa, ông Goodenowe được biết đến với các hệ thống chẩn đoán phòng ngừa và điều trị cho nhiều loại bệnh tật khác nhau.

Trong chương trình sức khỏe Vital Signs của The Epoch Times, ông Goodenowe tuyên bố, sự sợ hãi đối với cholesterol của chúng ta đã trở thành một nỗi ám ảnh không lành mạnh và sai lầm.

"Nó không dựa trên logic hay sự thật đơn giản", ông nói.

Cholesterol, một chất béo dạng sáp được tìm thấy khắp nơi trong cơ thể, đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Cholesterol là thành phần thiết yếu của nhiều hormone, nó góp phần sửa chữa các mô và tham gia vào cấu trúc của tất cả các màng. HDL (lipoprotein mật độ cao) là đặc biệt quan trọng, thường được gọi là "cholesterol tốt". Nghiên cứu cho thấy nồng độ cholesterol HDL cao có thể làm giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Cholesterol toàn phần là tổng lượng hai loại LDL và HDL, cộng với chất béo trong máu. Một quan niệm phổ biến của y học hiện đại là, mức cholesterol toàn phần càng cao thì nguy bị cơ đột quỵ và bệnh tim càng lớn. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, mức cholesterol toàn phần tối ưu kỳ vọng nằm ở mức khoảng 150 miligam trên 100ml máu.

Các chuyên gia y tế đều nhất trí rằng cholesterol là cần thiết cho sức khỏe, với một lượng nhất định. Vấn đề lớn cần quan tâm ở đây là, chúng ta, có thể có quá nhiều cholesterol trong cơ thể. Trong đó, đặc biệt đáng lo ngại là loại lipoprotein mật độ thấp (LDL), vốn được gọi là "cholesterol xấu". Đó là bởi vì LDL góp phần trong xơ vữa động mạch - một thuật ngữ y học chỉ tình trạng xơ cứng của động mạch.

Cấu trúc giải phẫu của một động mạch

Để hiểu được cách xơ vữa động mạch xảy ra như thế nào, trước tiên hãy xem xét cấu tạo của một động mạch. Thực tế, nó giống như một cái ống dẫn được tạo thành từ nhiều lớp đồng tâm. Lớp trong cùng, tiếp xúc trực tiếp với dòng máu, được gọi là lớp nội mạc. Nó được tạo thành từ các tế bào nội mô xếp khít nhau, có tác dụng ngăn rò rỉ.

Ông Goodenowe nói "Những gì xảy ra trong xơ vữa động mạch được gọi là rối loạn chức năng nội mô. Sự sắp xếp chặt chẽ của các tế bào này bị phá vỡ, chúng trở nên rò rỉ".

Ông Goodenowe cho biết, một lớp nội mạc yếu sẽ cho phép vật chất từ dòng máu rò rỉ vào trong lớp thành động mạch, gây ra viêm và hình thành mảng bám. Theo thời gian, thiết diện lòng động mạch bị thu hẹp, lưu lượng máu bị hạn chế và huyết áp tăng cao. Cuối cùng, khi dòng máu hoàn toàn bị tắc nghẽn, có thể xảy ra NMCT hoặc đột quỵ.

Khi đề cập đến các loại vật chất rò rỉ vào thành động mạch do lớp nội mạc bị suy yếu, LDL chắc chắn là một chất góp phần gây tắc nghẽn động mạch. Đó là lý do tại sao các bác sĩ cố gắng giảm thiểu cholesterol để chống lại bệnh tim và đột quỵ.

Tuy nhiên, ông Goodenowe chỉ ra rằng rối loạn chức năng nội mô, gây ra bởi stress oxy hóa, mới là nguyên nhân gốc rễ của bệnh tim mạch. Ông nói rằng cholesterol chỉ đơn thuần là một triệu chứng của vấn đề tiềm ẩn.

"Cholesterol không liên quan gì đến rối loạn chức năng nội mô" ông nói.

Gan tạo ra hầu hết cholesterol mà cơ thể cần sử dụng. Phần còn lại được bổ sung từ thực phẩm giàu cholesterol. Nếu việc thay đổi chế độ ăn là không đủ để giảm cholesterol của bệnh nhân xuống ngưỡng mục tiêu 150, thuốc statin sẽ thường được kê để giảm chỉ số này xuống.

Tuy nhiên, ông Goodenowe cũng chỉ ra các nghiên cứu cho thấy nồng độ cholesterol quá thấp cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Một nghiên cứu thuần tập tiến cứu (prospective cohort study), được công bố trên tạp chí Scientific Reports năm 2019, đã nhận thấy mức cholesterol toàn phần lý tưởng của 12,8 triệu người trưởng thành thực sự nằm trong khoảng từ 210 đến 249 - cao hơn khoảng 100 điểm so với quan điểm của hầu hết các bác sĩ.

"Khi bạn tiến hành một phân tích cholesterol - và nó được thực hiện ở hơn 160 quốc gia - mà hầu như, mỗi lần thực hiện, kết quả mà phân tích này cho ra đều là ‘mức cholesterol tối ưu’ của những người có tỷ lệ tử vong thấp nhất", ông Goodenowe nói. (Chú thích: có vẻ như những phân tích này mặc định mức cholesterol của người có tỷ lệ tử vong thấp là mức "tối ưu")

Nói như vậy không có nghĩa là cholesterol cao đồng nghĩa với sức khỏe tốt hơn. Nghiên cứu cho thấy khi mức cholesterol tăng lên đến nồng độ 300 và 400 miligam trên 100ml, tất cả các nguyên nhân gây tử vong đều tăng lên. Ngược lại, khi mức cholesterol toàn phần giảm xuống dưới 200, tất cả các nguyên nhân gây tử vong lại cũng tăng lên.

Sự trỗi dậy của Statin

Theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Cell, thì trong gần một thế kỷ qua, khoa học y tế đã chứng minh rằng LDL là kẻ đứng sau các mảng xơ vữa động mạch, đưa đến căn bệnh tim. Trước đó, vào những năm 1930, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, mức cholesterol cao có liên quan đến sự gia tăng gấp 20 lần tỷ lệ NMCT ở độ tuổi trung niên.

Tại Hoa kỳ, trong nỗ lực làm giảm cholesterol thì loại công cụ được ca ngợi nhất , chính là các thuốc statin, nhóm thuốc được kê đơn nhiều nhất.

Thuốc hạ cholesterol, bắt đầu được tìm kiếm kể từ những năm 1950. Đến những năm 1980, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt loại statin đầu tiên. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn một enzym trong gan gọi là hydroxymethylglutaryl-CoA reductase, có tác dụng làm giảm khả năng tạo ra cholesterol của cơ thể.

Kê đơn statin đã trở thành một thực hành có tính tiêu chuẩn, phổ biến trong y học hiện đại - và các chuyên gia y tế tin chắc rằng statin có những lợi ích to lớn. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) dựa vào các nghiên cứu khoa học và lịch sử sử dụng nhiều năm trên toàn thế giới của loại thuốc này, chứng minh rằng statin làm “giảm nguy cơ NMCT hoặc đột quỵ; giảm nhu cầu phẫu thuật, nhu cầu nong mạch hay đặt stent cải thiện dòng máu; và giảm tử vong do NMCT”.

Trên trang web của HHS dành riêng cho bệnh tim, cơ quan này tuyên bố rằng, "Nguy cơ NMCT hoặc đột quỵ của một người càng cao thì lợi ích của statin càng lớn. Lợi ích này tăng lên theo thời gian sử dụng statin. Nhìn chung, dùng statin có thể giúp giảm một nửa nguy cơ NMCT hoặc đột quỵ của một người”.

Tuy nhiên, ông Goodenowe lại tranh luận rằng lợi ích của statin là không rõ ràng. Ông nói rằng cơ sở chứng minh ban đầu cho thuốc statin, phần lớn được hỗ trợ bởi một nghiên cứu cho thấy hạ cholesterol có thể cải thiện kết quả điều trị ở những người mắc bệnh tim mạch đang tiến triển.

Thử nghiệm mà Goodenowe đề cập ở trên, chỉ tập trung chuyên sâu vào những người được chẩn đoán bị bệnh tim đang tiến triển, thế nhưng, kết quả của nó lại được áp dụng cho toàn bộ dân số - với gợi ý rằng bất kỳ ai hạ được mức cholesterol đều có thể mong đợi một kết quả là sức khỏe sẽ tốt hơn.

Ông Goodenowe nói: "Cả thế giới đổ xô vào quan tâm vấn đề này bởi vì, chính lúc đó, Merck đang phát triển các loại statin mà kết quả từ các nghiên cứu của họ, lại rất giống với kết quả của thử nghiệm nói trên. Họ, đã lấy dữ liệu của những người bị tăng cholesterol máu có tính gia đình để ngoại suy cho toàn dân, mà không thực hiện bất kỳ nghiên cứu dịch tễ học cỡ lớn nào để xem xét tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân hay tử vong do tim mạch".

 

Diễn giải số liệu thống kê

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt Lovastatin, loại thuốc statin đầu tiên, vào năm 1987. Kể từ đó, hàng loạt các loại statin khác đã ra mắt thị trường, trở thành một trong những loại thuốc thành công nhất của ngành dược phẩm.

Trong gần 40 năm qua, các bác sĩ và bệnh nhân đã tin tưởng sử dụng statin. Tuy nhiên, ông Goodenowe tin rằng thành công của loại thuốc này phụ thuộc nhiều vào cách giải thích số liệu hơn là hiệu quả thực sự.

Lấy ví dụ, các nghiên cứu về tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân được đề cập trước đây cho thấy những người có lượng cholesterol trong máu từ 210 đến 250 có sức khỏe tốt nhất. Bây giờ, hãy tưởng tượng, trong số những người thuộc khoảng 210 đến 250 này, lấy ra một nhóm và cho dùng statin để giảm cholesterol xuống còn 150. Sau đó, đem so sánh họ với một nhóm người khác vốn có mức cholesterol tự nhiên, không dùng thuốc, chỉ ở vào khoảng 150.

Mặc dù trên giấy tờ thì cả hai nhóm đều có cùng một con số, nhưng những người có cholesterol tự nhiên cao hơn (nhóm dùng statin) luôn có kết quả tốt hơn. Khi so sánh cả hai nhóm, bệnh nhân trong nhóm dùng statin luôn có tỷ lệ tử vong thấp hơn và có dấu hiệu sức khỏe tim mạch tốt hơn.

Ông Goodenowe nói: "Họ sử dụng thông tin này để quảng bá statin theo hướng tích cực. Vấn đề là những người phải dùng statin để hạ mức cholesterol xuống 150, thì thực tế mức khởi đầu của họ không phải là 150. Thực tế họ là người có cholesterol 220 giờ đây đã giảm xuống 150 [nhờ statin]".

Tác Dụng của Statin

Các tác dụng có lợi của statin có bị phóng đại quá mức hay không thì còn chưa rõ, nhưng rõ ràng, chúng có ảnh hưởng đến cơ thể - và một số bằng chứng cho thấy chúng có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Statin là chất ức chế ti thể, nghĩa là, chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình tạo ra năng lượng của tế bào, và do đó có khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng "Statin có một số tác động đến ti thể, bao gồm làm giảm coenzyme Q10, ức chế các phức hợp chuỗi hô hấp, tự hủy ti thể theo chương trình, rối loạn chuyển hóa canxi [Ca2 +] và biểu hiện carnitine palmitoyltransferase-2".

Việc sử dụng statin có liên quan đến khởi phát bệnh tiểu đường và mất trí nhớ do sự cản trở quá trình hoạt động của ti thể. Các tác dụng phụ thường gặp của statin bao gồm nhức đầu, đau nhức và yếu cơ (bệnh cơ), mệt mỏi, các vấn đề về tiêu hóa và giấc ngủ.

Đối với những người đang sử dụng statin, ông Goodenowe khuyên nên dùng thêm một vài loại thực phẩm bổ sung để làm giảm tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như các vitamin nhóm B. Tuy nhiên, ông nói rằng chất bổ sung quan trọng nhất chính là Coenzyme Q10.

"Nó (Q10) đã được nghiên cứu một cách sâu rộng nhất trong vai trò là yếu tố trung hòa bệnh cơ do statin ở những người sử dụng loại thuốc này" ông Goodenowe nói.

Các chất bổ sung khác bao gồm N-acetyl-cysteine và acetyl L-carnitine. Ông Goodenowe gọi chúng là "phân tử hỗ trợ ti thể".

Ngoài tác dụng làm giảm cholesterol, statin còn có thể giảm triglyceride - cũng liên quan đến bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, ông Goodenowe nói rằng có những cách tự nhiên hơn để giảm triglyceride so với sử dụng statin.

Một phương pháp, được ông đề xuất, là ăn kiêng hạn chế thời gian, còn được gọi là nhịn ăn gián đoạn - một phương pháp thực hành hạn chế số giờ bạn có thể ăn trong ngày.

Huấn luyện sức bền, chẳng hạn như nâng tạ hoặc các hoạt động khác giúp xây dựng và duy trì khối lượng cơ bắp, cũng có thể hữu ích. Theo ông Goodenowe, luyện sức bền giúp giảm triglyceride bởi vì các axit béo giải phóng ra được cân bằng.

"Chúng được hiệu chỉnh để phù hợp với nhu cầu sử dụng năng lượng của cơ thể bạn," ông Goodenowe nói.

Cho dù bạn có quyết định dùng statin hay không, ông Goodenowe nhấn mạnh rằng chúng ta không nên tiếp tục coi cholesterol là kẻ thù. Nó có một số chức năng và thậm chí còn là dấu hiệu của sức khỏe tốt.

"Cholesterol là một phân tử mà cơ thể phải tự tạo ra. Chúng ta, rõ ràng, có thể nêu ra mức cholesterol tối ưu là bao nhiêu, vì mức tối ưu là mức mang lại cho chúng ta sức khỏe, sức sống và sự sống còn tốt nhất", ông Goodenowe nói. "Vì vậy, nếu bạn không thể tạo ra đủ lượng cholesterol như vậy, thì tức là phải đang có một nguyên nhân gì đó (đằng sau), khiến bạn chịu căng thẳng".

Theo Conan Milner, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch

Conan Milner là phóng viên sức khỏe của Epoch Times. Ông tốt nghiệp Đại học bang Wayne với bằng Cử nhân Mỹ thuật và là thành viên của Hiệp hội Thảo dược Hoa Kỳ.



BÀI CHỌN LỌC

Cholesterol - Những quan điểm bất đồng cần xem xét