Chuyên gia giải thích: Ý nghĩa thực sự của hạn sử dụng ghi trên bao bì thực phẩm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người đã từng gặp trường hợp này: bạn lấy một gói đồ ăn nhẹ cất trong nhà ra, nhưng lại nhận ra nó đã quá hạn sử dụng được in trên bao bì; hoặc bạn thấy một loại thực phẩm giảm giá trong siêu thị, nhưng hạn sử dụng trên bao bì sắp đến. Vậy, sau khi qua hạn sử dụng được in trên bao bì thực phẩm, liệu nó có nghĩa là thực phẩm đã hết hạn và bạn không nên ăn nó nữa?

Theo Nexstar (Nextstar Media Group) đưa tin vào ngày 3 tháng 3, câu trả lời có phần phức tạp.

Hạn sử dụng trên bao bì thực phẩm có ý nghĩa gì?

Để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng là phải hiểu ý nghĩa của hạn sử dụng. Hạn sử dụng được in trên nắp chai, túi nhựa hoặc các vật liệu bao bì khác của thực phẩm, và thường đi kèm với một trong hai cụm từ: "Best If Used By" (Nên sử dụng trước) hoặc "Best By" (Tốt nhất trước).

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) giải thích rằng hạn sử dụng này không có nghĩa là sản phẩm đã hết hạn. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) giải thích rằng FDA chỉ yêu cầu sữa bột trẻ em có "hạn sử dụng", nhằm đảm bảo "hàm lượng của từng chất dinh dưỡng trong sữa bột không thấp hơn lượng ghi trên nhãn".

Tuy nhiên, FDA cho biết người tiêu dùng thường hiểu sai hạn sử dụng này là thời hạn cuối cùng để sử dụng thực phẩm, dẫn đến việc hàng tỷ USD thực phẩm bị vứt bỏ một cách lãng phí.

Abby Snyder, Phó Giáo sư Khoa học Thực phẩm tại Đại học Cornell, Khoa Nông nghiệp và Khoa học Đời sống, chia sẻ với Nexstar rằng hạn sử dụng là hướng dẫn "thời gian bạn nên sử dụng thực phẩm trước khi chất lượng của nó bị suy giảm".

Andy Hirneisen, Chuyên gia Giáo dục Cấp cao, Trưởng nhóm An toàn Thực phẩm Bán lẻ và Người tiêu dùng tại Đại học Bang Pennsylvania, nói với Nexstar rằng "sau hạn sử dụng, chất lượng (của thực phẩm) sẽ bị ảnh hưởng", nhưng điều này không có nghĩa là sản phẩm "chắc chắn sẽ 'hỏng' hoặc khiến bạn bị bệnh".

Snyder giải thích rằng chất lượng thực phẩm sẽ thay đổi theo thời gian, bao gồm sự phân rã (ví dụ, khi bạn cố gắng lấy tương cà ra khỏi chai nhưng chỉ thấy một chất lỏng màu đỏ như nước) hoặc phát triển một số vi sinh vật có thể khiến thực phẩm không còn ngon miệng, nhưng không nhất thiết khiến nó trở nên không an toàn.

Khi nào thực phẩm không còn an toàn để sử dụng?

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ giải thích rằng nếu thực phẩm được bảo quản đúng cách tại nhà sau khi hết hạn sử dụng, nó "vẫn an toàn và vệ sinh cho đến khi có dấu hiệu hư hỏng rõ ràng".

Bộ Nông nghiệp cho biết các dấu hiệu hư hỏng của thực phẩm bao gồm "mùi, vị hoặc kết cấu thay đổi do vi khuẩn phân rã tự nhiên", và "nếu thực phẩm đã xuất hiện những đặc điểm hư hỏng này, thì không nên ăn".

Nhiều loại thực phẩm có hướng dẫn về cách bảo quản. Ví dụ, nhãn trên tương cà khuyên bạn nên bảo quản lạnh sau khi mở nắp, và điều tương tự cũng áp dụng cho bơ. Các nhà sản xuất có thể khuyên người tiêu dùng đông lạnh một số loại thực phẩm như pizza. Trong khi đó, các loại gia vị như hạt tiêu đen có thể cần được bảo quản ở "nơi khô ráo và thoáng mát".

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chỉ ra rằng nếu không bảo quản thực phẩm theo hướng dẫn khuyến nghị, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh hơn và chất lượng thực phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu bạn cầm một hộp bơ đậu phộng hoặc một chai sữa chua và nhận ra nó đã qua hạn sử dụng một ngày, điều đó không có nghĩa là bạn phải vứt nó vào thùng rác.

Theo giải thích của USDA và FDA, bạn chỉ cần kiểm tra xem thực phẩm vẫn còn chất lượng tốt hay không, hoặc có bất kỳ dấu hiệu hư hỏng nào hay không. Ngay cả với thực phẩm trước hạn sử dụng, đây cũng là một khuyến nghị tốt.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ còn có một ứng dụng FoodKeeper, cung cấp hướng dẫn bảo quản để tối đa hóa độ tươi ngon và chất lượng của thực phẩm, bao gồm thời gian sử dụng và địa điểm bảo quản tốt nhất.

Trong những năm gần đây, các chuỗi cửa hàng lớn ở Anh đã chọn loại bỏ nhãn "Nên sử dụng trước" trên một số loại thực phẩm để giảm thiểu lãng phí thực phẩm.

Vào những năm 1970, các nhà sản xuất bắt đầu sử dụng rộng rãi nhãn hạn sử dụng để giải quyết mối lo ngại của người tiêu dùng về độ tươi ngon của sản phẩm. Từ năm 2019, FDA, cơ quan quản lý khoảng 80% thực phẩm ở Hoa Kỳ, khuyến nghị các nhà sản xuất sử dụng nhãn "Nên sử dụng trước" cho độ tươi ngon và "Hạn sử dụng" cho thực phẩm dễ hư hỏng.

Các cuộc khảo sát vào thời điểm đó cho thấy người tiêu dùng hiểu ý nghĩa của các nhãn này.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng hạn sử dụng “best by” (Nên sử dụng trước) và “use by” (Hạn sử dụng) chỉ áp dụng cho sản phẩm chưa mở nắp. Sau khi mở nắp, thời hạn sử dụng của thực phẩm không còn là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng.

Theo Diệp Tử Vy - Epoch Times tiếng Trung

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia giải thích: Ý nghĩa thực sự của hạn sử dụng ghi trên bao bì thực phẩm