Chuyên gia khuyến cáo: Không nên làm sạch trực tiếp 11 món đồ này bằng nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nước là yếu tố cần thiết cơ bản để vệ sinh trong gia đình. Nước có thể được sử dụng đơn thuần hoặc kết hợp với xà phòng và các chất tẩy rửa khác, chẳng hạn như baking soda hay giấm. Nước rất đa năng và được coi là chất tẩy rửa an toàn nhất, so với các chất tẩy rửa thông thường như thuốc tẩy hay nước rửa chén thì nước tương đối dồi dào và rẻ hơn.

Tuy nhiên, đối với một số đồ dùng, vật dụng khi vệ sinh nên sử dụng càng ít nước càng tốt. Vì sử dụng nhiều nước có thể để lại vết nước khiến gỗ bị cong vênh, phá hủy chất bảo vệ làm hỏng bề mặt của các thiết bị. Bề mặt của một số thiết bị hoặc đồ nội thất đã được xử lý đặc biệt, khi lau dọn chỉ sử dụng các sản phẩm tẩy rửa chuyên dụng, không nên sử dụng nước.

11 món đồ không nên làm sạch trực tiếp bằng nước

1. Vải nhung hoặc da lộn

Ghế nhung, đồ nội thất trong nhà như rèm cửa, gối tựa, bọc ghế,... hoặc giày da lộn, sau khi bị ướt sẽ để lại vết rõ ràng. Vì vậy, không thể dùng nước để làm sạch những loại vải mỏng manh này. Ngoài việc để lại vết bẩn, đốm và vết ố, nó còn khiến vải bị co lại và bết.

Ảnh Pixabay

Nếu muốn giữ cho những loại vải mềm mịn này không tì vết, bạn nên hút bụi thường xuyên và dùng bàn chải lông mềm để loại bỏ bụi bẩn trên bề mặt. Đối với các vết bẩn bám sâu, tốt nhất bạn nên sử dụng sản phẩm tẩy rửa được thiết kế dành riêng cho các loại vải này, chẳng hạn như: Chemical Guys và chất tẩy rửa mềm Carpet&Upholstery Stain&Spot Remover Bundle.

Cách làm sạch da lộn

Lấy giày da lộn làm ví dụ, trước khi làm sạch giày da lộn, hãy kiểm tra xem giày đã khô chưa, bởi vì làm sạch giày da lộn khi vết bẩn không khô sẽ làm cho vết bẩn thấm sâu hơn vào chất liệu da lộn, do đó sẽ khó tẩy sạch hơn. Nên dùng khăn giấy hoặc vải mềm để hút ẩm cho giày, tuyệt đối không nên dùng máy sấy tóc hay phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hoặc hoặc các nguồn nhiệt khác để rút ngắn thời gian khô của giày da lộn. Điều này sẽ làm cho chất liệu da lộn bị khô và cứng lại.

Tiếp theo, dùng bàn chải chải theo hướng của lông nhung để loại bỏ bụi bẩn bám trên bề mặt. Nếu vết bẩn cứng đầu, bạn có thể chải qua lại. Đối với vết bẩn đơn giản trên bề mặt, bạn có thể dùng cục tẩy da lộn để chà nhẹ lên vết bẩn. Nếu gặp phải vết bẩn khó xử lý, hãy nhúng vải sợi nhỏ vào giấm trắng và chà nhẹ lên vết bẩn, nhưng không làm ướt toàn bộ mặt giày. Sau khi làm sạch xong, hãy xịt một lớp dung dịch bảo vệ giày da lộn để tạo thêm một lớp bảo vệ chống thấm và chống bụi.

2. Sàn gỗ cứng và sàn chịu mòn

Thông thường, sàn gỗ cứng và sàn chịu mòn đều được xử lý chống thấm, nhưng sau một thời gian sử dụng, bề mặt sàn sẽ bị mài mòn. Nếu lúc này dùng nước để lau sàn thì sẽ làm hỏng sàn. Nếu nước thấm vào sàn thì sẽ khiến gỗ bị phồng lên và chuyển màu thâm đen.

Ảnh jessebridgewater/Pixabay

Cách lau sàn gỗ cứng

Các chuyên gia khuyên rằng, cách lau sàn tốt nhất là vừa xịt dung dịch lau sàn vào sàn vừa dùng cây lau nhà sợi nhỏ lau sàn. Mỗi lần chỉ nên xịt một ít dung dịch lau sàn. Hầu hết các nhà sản xuất sàn đều có hướng dẫn cụ thể về cách lau sàn cho sản phẩm của họ.

Đồ nội thất bằng gỗ có vấn đề tương tự như sàn gỗ, nếu quá ẩm sẽ làm cho đồ nội thất bằng gỗ phồng lên, uốn cong, nứt và nước sẽ phá hủy chất liệu gỗ. Các chuyên gia cho rằng, nếu bề mặt gỗ được sơn hoặc xử lý bề mặt, việc lau chùi bằng nước sẽ phá hủy lớp phủ bề mặt, vì vậy hãy nhớ chọn chất tẩy rửa được thiết kế dành riêng cho đồ gỗ.

3. Màn hình máy tính, điện thoại di động

Có lẽ nhiều người đã từng muốn dùng nước để loại bỏ bụi bẩn hoặc vết bẩn trên màn hình máy tính hoặc điện thoại, nhưng tuyệt đối không nên làm như vậy. Đầu tiên, thiết bị điện tử không được tiếp xúc với nước, nếu không có thể gây ra tổn hại vĩnh viễn cho các bộ phận bên trong thiết bị. Tương tự như vậy, các sản phẩm điện tử trong nhà, bao gồm TV, điều khiển từ xa và máy chơi game, cũng nên tránh tiếp xúc với nước.

Cách vệ sinh màn hình máy tính, điện thoại

Trên thực tế, khi làm sạch màn hình máy tính, cách đúng đắn là sử dụng vải sợi nhỏ mềm để lau bụi bẩn hoặc mua chất tẩy rửa được làm từ công thức độc đáo (chẳng hạn như xịt làm sạch màn hình Eveo), sau khi làm sạch, màn hình máy tính sẽ không để lại dấu vết. Đồng thời, không nên xịt trực tiếp dung dịch làm sạch dạng lỏng lên sản phẩm điện tử để tránh làm hỏng thiết bị điện tử.

Ảnh Life-Of-Pix/Pixabay

4. Mặt bàn bằng đá cẩm thạch hoặc đá

Nhắc đến việc vệ sinh nhà cửa, chanh và giấm thường là bộ đôi bất bại, nhưng đối với mặt bàn bằng đá cẩm thạch hoặc đá trong nhà bếp, chúng lại không hiệu quả. Trên thực tế, nước cũng không thể được sử dụng để làm sạch mặt bàn bằng đá cẩm thạch hoặc đá, vì đá cẩm thạch và đá là vật liệu xếp tầng mà nước dễ thẩm thấu. Có câu: “Nước chảy đá mòn”, nước sẽ làm mòn lớp bảo vệ của đá và làm hỏng bàn.

Cách làm sạch đá cẩm thạch

Một khi lớp bảo vệ bị mòn, mặt bàn bằng đá cẩm thạch sẽ dễ bị bám bẩn, trầy xước, khiến mặt bàn vốn mịn màng, sáng bóng trở nên xỉn màu. Nước cũng có thể phá hủy chất trám khe nối giữa mặt bàn và tường. Vì vậy, cách tốt nhất để làm sạch mặt bàn bằng đá cẩm thạch hoặc đá là sử dụng vải sợi nhỏ mềm và chất tẩy rửa nhẹ hoặc nước rửa chén.

Ảnh user32212/Pixabay

Tránh sử dụng miếng cọ hoặc miếng bọt biển để làm sạch loại bề mặt tinh tế này. Mặt bàn chất lượng cao có giá thành cao, vì vậy bạn chắc chắn không muốn thấy mặt bàn bị trầy xước hoặc bị hư hại vĩnh viễn.

5. Tường gạch

Tránh dùng quá nhiều nước để làm sạch những viên gạch trần, vì nước có thể hòa tan muối và khoáng chất trong gạch, tạo thành cặn bột khiến tường gạch trông bẩn. Nếu nước thấm vào các vết nứt của gạch và đóng băng, nước sẽ nở ra khiến bề mặt gạch bị nứt, bong tróc.

Cách làm sạch tường gạch

Thường xuyên lau chùi tường gạch bằng nước cũng có thể làm hỏng chất bảo vệ giúp bảo vệ tường gạch, đặc biệt vì tường gạch trong nhà không có khả năng chống mài mòn như tường gạch ngoài trời. Về lâu dài, dùng khăn hoặc chổi hơi ẩm để lau bụi bẩn trên tường gạch mặc dù hơi mất thời gian nhưng hiệu quả làm sạch tốt hơn và bảo vệ bề mặt tường tốt hơn.

Ảnh Pixabay/Daria-Yakovleva

6. Kính áp tròng

Rõ ràng, kính áp tròng không thể làm sạch bằng nước nhưng nhiều người vẫn cho rằng việc bảo quản kính áp tròng trong nước qua đêm là được. Các giải pháp bảo trì phù hợp cho kính áp tròng thường chứa các thành phần kháng khuẩn có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Các bác sĩ nhãn khoa cho biết, nếu đeo kính áp tròng trong một ngày, trên bề mặt tròng kính sẽ có một lượng nhỏ vi khuẩn bám trên bề mặt. Nếu ngâm kính trong nước sẽ chỉ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đến ngày hôm sau khi đeo kính, khuẩn lạc sẽ di chuyển đến giác mạc, gây viêm loét giác mạc.

Hơn nữa, nước máy không được vô trùng như dung dịch bảo quản kính áp tròng, trong nước có thể chứa vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng, nếu ngâm kính trong nước máy, những vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng này sẽ bám vào kính áp tròng.

Ảnh Gedesby1989/Pixabay

7. Đồ da

Tốt nhất nên làm sạch da bằng chất tẩy rửa da chuyên dụng thay vì nước. Khi da gặp nước, vết bẩn hoặc sự đổi màu sẽ đọng lại trên bề mặt và chất liệu của da cũng sẽ bị hư hỏng. Theo thời gian, độ ẩm quá cao sẽ khiến da bị biến dạng, đồng thời làm mất đi lượng dầu tự nhiên của da, do đó da sẽ dần bị khô và cuối cùng trở nên giòn. Khi làm sạch vết bẩn trên da, có thể dùng một ít nước nhưng không bao giờ được ngâm da trong nước.

Cách làm sạch đồ da

Các chuyên gia khuyên, nên bắt đầu với một bàn chải lông mềm và nhẹ nhàng chải theo nếp của da để loại bỏ bụi bặm bám trên bề mặt đồ da. Sau đó đổ một ít nước cất vào âu nhỏ, nhỏ vài giọt chất tẩy rửa tự nhiên, nhúng miếng vải sợi nhỏ vào dung dịch nước cất xà phòng rồi lau nhẹ lên da theo chuyển động tròn, không dùng lực quá mạnh và không để da hấp thụ quá nhiều nước cất xà phòng.

Ảnh congerdesign/Pixabay

Tiếp theo, làm ẩm một miếng vải sạch bằng nước cất và lau sạch xà phòng còn sót lại trên da mà không để da thấm quá nhiều nước. Sau đó, dùng khăn khô, sạch để thấm khô phần nước thừa trên da, tránh sử dụng máy sấy tóc để sấy khô da. Da sau khi được làm sạch, để ở nơi thoáng mát, khô ráo cho đến khi khô hoàn toàn.

8. Bếp gas

Vệ sinh bếp gas bằng nước tưởng chừng nhanh chóng nhưng các chuyên gia không khuyến khích làm điều này. Bởi vì bộ đánh lửa của bếp gas rất nhạy cảm với nước, một khi bị ướt, nó sẽ không bật được và còn phát ra tiếng lách tách liên tục. Sau đó, phải chờ cho độ ẩm trên bộ phận đánh lửa khô thì bếp gas mới hoạt động lại bình thường.

Cách vệ sinh bếp gas

Ngoài ra, dùng nước để làm sạch lòng bếp gas sẽ làm hỏng lớp phủ của lòng bếp vĩnh viễn. Đó là lý do tại sao các chuyên gia khuyên bạn khi làm sạch lòng bếp, không nên xịt trực tiếp chất tẩy rửa lên lòng bếp, mà nên xịt một ít chất tẩy rửa lên khăn lau rồi dùng khăn lau lòng bếp. Nếu mặt bếp bếp gas là chất liệu kính, khi lau chùi cần chú ý không để lại vết xước trên mặt kính.

Ảnh Pixabay/zsuzsannasolti

9. Đồng thau và bạc

Mặc dù đồng thau là hợp kim của đồng và kẽm, nói chung, nó có độ bền và khả năng chống ăn mòn cao hơn nhưng làm sạch không đúng cách sẽ gây ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như dùng nước để làm sạch đồ dùng hoặc nhạc cụ bằng đồng thau sẽ khiến đồng thau mất đi độ bóng, để lại vết nước, ăn mòn và hình thành gỉ đồng màu xanh lá cây.

Điều tương tự cũng xảy ra với đồ dùng bằng bạc, đồ dùng bằng bạc bị mất độ bóng sẽ ít bóng hơn sau khi làm sạch bằng nước. Nước sẽ làm mòn lớp phủ bảo vệ của đồng thau hoặc đồ dùng bằng bạc, tình trạng hao mòn sẽ không xuất hiện ngay lập tức, nhưng sau một vài năm, bạn sẽ thấy rằng bạc và đồng thau bắt đầu mất độ bóng và thậm chí bị hư hỏng vĩnh viễn.

Cách làm sạch đồng thau và bạc

Các chuyên gia khuyên bạn nên dùng khăn lau bạc hoặc khăn đánh bóng để làm sạch đồ bạc, còn để làm sạch đồng thau thì nên dùng chất tẩy rửa đánh bóng đồng thau (như Weiman Brass Polish).

Nếu không có khăn lau bạc hoặc chất tẩy rửa đánh bóng đồng thau, các bà nội trợ có kinh nghiệm khuyên bạn nên tự chế chất tẩy rửa, chẳng hạn như giấm kết hợp với baking soda, sau đó dùng khăn lau mềm để lau chùi, có thể giúp khôi phục lại độ bóng của đồ dùng bằng đồng thau hoặc bạc.

Ngoài ra, có người khuyên nên ngâm đồ bạc trong sốt cà chua trong 5-10 phút, sử dụng tính axit nhẹ của sốt cà chua để loại bỏ các vết bẩn oxy hóa trên đồ bạc, sau đó rửa sạch sốt cà chua bằng nước, rồi dùng khăn nhẹ nhàng lau khô đồ bạc.

Ảnh info254/Pixabay

10. Đèn và ổ cắm

Làm sạch đèn và ổ cắm bằng nước có thể gây điện giật hoặc hư hỏng đèn, đồng thời cũng có thể khiến đèn và ổ cắm bị rỉ sét và ăn mòn. Các chuyên gia cho rằng, việc đèn tiếp xúc với nước sẽ làm hỏng bóng đèn và ổ cắm, đồng thời làm hỏng hiệu suất cách điện của dây đèn, khiến đèn bị hỏng và có thể gây ra hỏa hoạn.

Cách vệ sinh bóng đèn

Cố gắng dùng vải khô hoặc chổi mềm để nhanh chóng làm sạch đèn và ổ cắm, sau đó dùng xà phòng nhẹ, cộng thêm vải lau hơi ẩm để làm sạch sâu. Trước khi làm sạch sâu, hãy tháo phích cắm, sau đó tháo đèn, làm sạch từng phụ kiện riêng lẻ và cuối cùng lau khô tất cả các phụ kiện bằng khăn.

Đầu tiên hãy dùng vải khô hoặc giẻ mềm để lau nhanh đèn và ổ cắm, sau đó dùng xà phòng nhẹ và khăn lau hơi ẩm để làm sạch sâu. (Shutterstock)

11. Lụa

Cho dù đó là vết bẩn trên áo lụa, nệm hay ga trải giường, đừng chà sạch bằng nước. Mặc dù các sản phẩm lụa thường được cho là có thể giặt được, nhưng lụa có thể hình thành các đốm nước, thậm chí co lại hoặc đổi màu vĩnh viễn khi tiếp xúc với nước. Vì vậy trước khi giặt sản phẩm lụa, nên đọc kỹ nhãn hướng dẫn giặt giũ.

Thông thường lụa nhuộm sẽ bị phai màu sau khi giặt, nếu muốn thử giặt đồ lụa bằng tay tại nhà, tốt nhất nên nhúng tăm bông vào nước rồi bôi vào mặt trong của sản phẩm lụa hoặc nơi kín đáo để xem có phai màu không. Nếu có phai màu, tốt nhất là đưa đến tiệm giặt khô, dùng phương thức làm sạch chuyên nghiệp.

Theo Ân Thi - The Epochtimes
Ngọc Liên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia khuyến cáo: Không nên làm sạch trực tiếp 11 món đồ này bằng nước