Có con ruồi đậu trên đầu quý cô này à? Bức tranh khó hiểu từ thế kỷ 15

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhìn vào bức tranh thế kỷ 15 "Chân dung một quý cô của gia đình Hofer", bạn sẽ nhận thấy ngay một điều kỳ lạ. Bức tranh này được vẽ bởi một họa sĩ người Đức. Trong đó có một chi tiết đặc biệt là chiếc khăn xếp màu trắng của nhân vật trong tranh rất sống động nhưng trên khăn xếp lại có một con ruồi.

"Tại sao người phụ nữ này lại có một con ruồi trên đầu? Họa sĩ này đang chơi trò gì?” - Francesca Whitlum-Cooper, phó giám tuyển tại Phòng trưng bày Quốc gia London, đặt câu hỏi trong video.

Bà Whitlum-Cooper giới thiệu về bối cảnh của tác phẩm này. Vào thời điểm đó, vẽ tranh chân dung “đắt không tưởng”, ngay cả đối với những người giàu có. Những bức chân dung cá nhân chỉ có thể được vẽ một hoặc hai lần trong đời, và bạn cần phải mặc bộ quần áo đẹp nhất và thể hiện khía cạnh đứng đắn nhất của mình.

Để vẽ một bức chân dung, người ta có thể phải ngồi hàng giờ và người họa sĩ phải vẽ rất lâu mới hoàn thành tác phẩm. Hãy nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu một nghệ sĩ cố tình đưa một con ruồi vào bức chân dung quý giá của bạn.

Chân dung người phụ nữ trong gia đình Hofer, một bức tranh sơn dầu thế kỷ 15 được Phòng trưng bày Quốc gia ở London sưu tầm. (NG722 "Chân dung một quý cô của gia đình Hofer", Trường Swabian của Đức, được tạo ra vào khoảng năm 1470, © Phòng trưng bày Quốc gia, London)

Bức tranh này được vẽ vào khoảng năm 1470 bởi một họa sĩ sống ở Tây Nam nước Đức. Nó đại diện cho những gì các nghệ sĩ đã theo đuổi trong nhiều thế kỷ, đó là đóng băng thời gian và ghi lại khoảnh khắc của sự thật.

Bà Whitlum-Cooper tin rằng mọi thứ về bức chân dung đều được thiết kế để truyền tải sự sang trọng: chiếc váy của người phụ nữ là vải dệt thổ cẩm với những chiếc cúc kim loại phức tạp. Bức chân dung được vẽ rất tinh xảo, khuôn mặt người phụ nữ trẻ mịn màng, không có nếp nhăn và đeo một chiếc nhẫn vàng đắt tiền. Một chiếc khăn xếp màu trắng không tì vết hẳn phải được giặt và ủi nhiều lần là một dấu hiệu khác của một cuộc sống thịnh vượng.

Bà Whitlum-Cooper nói: "Nhìn vào chiếc khăn xếp đưa chúng ta trở lại với... con ruồi khó chịu này, với đôi mắt to xấu xí và đôi cánh trong suốt, được vẽ chi tiết đến mức không chỉ có thể nhìn thấy những cái chân mảnh khảnh của con ruồi mà còn cả bóng của những cái chân trên chiếc khăn xếp. Tại sao họa sĩ lại thêm một con ruồi trên đầu quý cô đáng yêu này?”.

Phóng to: Chân dung một con ruồi trên khăn xếp. (NG722 "Chân dung một quý cô của gia đình Hofer", Trường Swabian của Đức, được tạo ra vào khoảng năm 1470, © Phòng trưng bày Quốc gia, London)

Bà nghĩ đó là một trò đùa. Bà cho biết trò đùa này rất thông minh: một mặt, con ruồi bị lừa khi nghĩ rằng chiếc khăn xếp là thật. Ngoài ra, phản ứng đầu tiên của khán giả là họ thực sự nghĩ rằng có một con ruồi và muốn đuổi nó đi.

Bà Whitlum-Cooper nói: “Chúng ta đã bị lừa. Mọi thứ trong tranh sơn dầu đều có tính chất hai chiều. Người họa sĩ đã sử dụng kỹ năng xuất sắc của mình để vẽ ra một bức tranh vô cùng chân thực. Chúng ta có thể thoáng tin, dù chỉ trong một giây, rằng thực sự có một con ruồi đang đậu trên bức tranh".

Bà Whitlum-Cooper chỉ ra rằng người phụ nữ này đã sống cách đây hàng trăm năm trong một môi trường hoàn toàn khác so với ngày nay, nơi hình ảnh có ở khắp mọi nơi và mọi người đều có điện thoại di động có thể chụp ảnh.

"Người họa sĩ giống như đang nói, 'Hãy xem cách tôi ghi lại khoảnh khắc trong thế giới xung quanh mình'".

Bức chân dung này của một nghệ sĩ người Đức giấu tên thể hiện chi tiết một con ruồi đậu trên chiếc khăn xếp màu trắng. (NG722 "Chân dung một quý bà của gia đình Hofer", Trường Swabian của Đức, được tạo ra vào khoảng năm 1470, © Phòng trưng bày Quốc gia, London)

Việc trêu chọc người xem và làm cho các đồ vật hư cấu trông thật và đáng tin cậy có thể bắt nguồn từ nguồn gốc của hội họa.

“Truyền thống phương Tây cho rằng hội họa bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên”, bà Whitlum-Cooper cho biết và tiếp tục nói về khái niệm “chủ nghĩa ảo ảnh cấp tiến”, trong đó các nghệ sĩ tạo ra những hình ảnh chân thực đến mức ngay cả tự nhiên cũng nhầm lẫn chúng là thật.

Bà tin rằng người phụ nữ trong bức chân dung chắc chắn đã biết đến trò đùa này: "Người nghệ sĩ không thể bỏ con ruồi vào bức tranh mà người phụ nữ không hề hay biết. Tôi nhìn khóe miệng cô ấy hơi nhếch lên, rồi nhìn con ruồi, và tôi cảm thấy rằng cô ấy biết chuyện gì đang xảy ra và muốn đùa giỡn với mọi người cũng như khiến bạn bè và gia đình mỉm cười khi họ nhìn thấy bức tranh".

Phóng to: Hoa lưu ly trên tay phụ nữ. (NG722 "Chân dung một quý cô của gia đình Hofer", Trường Swabian của Đức, được tạo ra vào khoảng năm 1470, © Phòng trưng bày Quốc gia, London)

Danh tính của người phụ nữ trong bức tranh vẫn còn là một điều bí ẩn nhưng cô ấy đang cầm trên tay một bông hoa lưu ly tinh tế. Bà Whitlum-Cooper tin rằng loài hoa này có liên quan đến tình yêu và bức tranh có thể đã được vẽ để kỷ niệm lễ đính hôn hoặc đám cưới. Loại hoa này có thể cung cấp thêm cho chúng ta manh mối.

Bà nói: "Tên loài hoa này trong tiếng Anh là 'xin đừng quên tôi', mang hàm nghĩa lưu giữ ký ức về một người nào đó. Bức tranh này có phải là để chúng ta nhớ đến người phụ nữ này sau khi cô ra đi không? Không rõ ràng lắm".

Bức chân dung này hấp dẫn và chứa đựng sự ám chỉ. Bà Whitlum-Cooper cho biết bức tranh này thuộc sở hữu của chồng Nữ hoàng Victoria, Hoàng tử Albert, người đã tặng nó cho bà như một món quà và sau đó ông đã khuyến khích bà tặng nó cho quốc gia.

Bà nói: “Dù câu chuyện của quý cô này là gì thì bức tranh cũng đến với chúng ta thông qua một câu chuyện tình yêu. Bức tranh này hoàn toàn không phải là bức chân dung lớn nhất trong bộ sưu tập bảo tàng của chúng tôi và nó cũng không phải là bức tranh quan trọng nhất, nhưng nó là một tác phẩm đáng được đánh giá cao".

Bà Whitlum-Cooper cho biết bức tranh "Chân dung một quý cô của gia đình Hofer" không chỉ khiến bà luôn mỉm cười mỗi khi nhìn vào mà nó còn nhắc nhở bà rằng “những nghệ sĩ giỏi luôn khiến chúng ta phải cảnh giác”.

Theo Anna Mason - The Epoch Times

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Có con ruồi đậu trên đầu quý cô này à? Bức tranh khó hiểu từ thế kỷ 15