Cựu quan chức cấp cao: Chắc chắn nợ địa phương sẽ đè bẹp Đảng Cộng sản Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng nợ địa phương của Trung Quốc tiếp tục xấu đi. Một cựu quan chức Trung Quốc đang sống lưu vong ở nước ngoài tiết lộ rằng khi còn ở trong tù, ông đã thảo luận về thời điểm bùng nổ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với một nhóm quan chức cấp cao đang thụ án. Một người trong đó nói rằng, trong tương lai thứ đè bẹp ĐCSTQ chắc chắn sẽ là nợ địa phương.

Vào ngày 25/5, ông Đỗ Văn (Du Wen), cựu Giám đốc điều hành Văn phòng Cố vấn Pháp lý của Chính quyền Khu tự trị Nội Mông, đã đăng trên nền tảng mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong đó vấn đề nợ địa phương đặc biệt nổi cộm.

Ông Đỗ Văn từng phải ngồi tù ở Trung Quốc vì bị buộc tội hối lộ, có liên quan đến công quỹ của chính quyền Nội Mông và bị giam tại Trại tù số 3 Hohhot. Ông Đỗ tiết lộ rằng, khi ở trong tù, ông từng thảo luận với một nhóm bí thư thành ủy và thị trưởng đã ngã ngựa về thời điểm bùng nổ sự sụp đổ của ĐCSTQ. Một trong những bạn tù của ông Đỗ từng giữ chức giám đốc sở tài chính 15 năm và phó thị trưởng trong 5 năm nói rằng: “Anh Đỗ này, theo tôi, trong tương lai, thứ sẽ đè bẹp ĐCSTQ chắc chắn là nợ địa phương”.

Cựu phó thị trưởng này cho biết: “Khu vực chỗ chúng tôi không có công ty lớn nên cũng không có nguồn thu thuế ổn định. Tôi làm phó thị trưởng 5 năm và thường xuyên được mời đi cắt băng khánh thành cho các công ty. Công ty lớn nhất cũng chỉ là một nhà máy sản xuất ván gỗ với mức đầu tư 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 17,57 tỷ VND), anh nói xem có chán không? Nhưng các lãnh đạo nhất quyết muốn làm lớn tiến nhanh, xây dựng cơ sở hạ tầng khắp nơi, mà số vốn cần có thì, động một cái là hàng trăm triệu, hàng tỷ, hàng chục tỷ tệ. Vay tiền rồi, làm dự án xong rồi, GDP địa phương tăng lên rồi, nhưng lấy tiền đâu ra để trả? Còn phải trả lương cho công chức. Bây giờ đã bắt đầu vay nợ [mới] để trả lãi [nợ cũ] rồi, tiền lãi cứ tăng lên như quả bóng tuyết lăn, có thể duy trì trong bao lâu?”.

Ông Đỗ Văn hỏi lại cựu phó thị trưởng kia: "Vậy tại sao ngân hàng lại cho các anh vay mà không cần thế chấp? Lúc các anh vay tiền, không tính đến việc trả lại sao?".

Cựu phó thị trưởng trả lời: "Thế chấp sao? Lấy gì mà thế chấp? Mọi người đều cho vay dựa trên sự tin tưởng vào ĐCSTQ. Hơn nữa, hiện nay có nhiều người bị bắt như vậy, có chủ tịch ngân hàng nào dám không cho chính quyền địa phương vay tiền? Về vấn đề trả nợ, tôi từng đề cập rồi đấy, không thể chỉ nghĩ đến chuyện vay mà không nghĩ đến việc trả, nhưng lãnh đạo nói rồi, lo cái gì, không trả được thì dẹp đi, ít nhất vẫn còn ngồi ở ghế này thì sẽ chẳng sao hết, dù sao thì nếu chính quyền không trả được nợ, họ cũng không lấy một đồng nào từ túi của chúng ta đâu. Theo tôi được biết, một địa phương như thế này, thì toàn tỉnh, toàn quốc cũng đều như thế, đến lúc đồng Nhân dân tệ thậm chí còn không bằng đồng Kim viên khoán, vậy ĐCSTQ không sụp đổ mới lạ!”.

  • Kim viên khoán (Chinese gold yuan) là đồng tiền pháp định ở Trung Quốc từ tháng 8/1948 - 7/1949 do ngân hàng trung ương của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc phát hành.

Ông Đỗ Văn cho rằng không nên đánh giá thấp những người tham nhũng, họ mới là những người thực sự hiểu ĐCSTQ.

Trước đó, cuộc khủng hoảng liên quan đến nợ địa phương của Trung Quốc đã liên tục bị các nguồn tin ở Trung Quốc vạch trần.

Gần đây, một đoạn video về bài phát biểu của học giả nổi tiếng Trung Quốc, ông Ôn Thiết Quân (Wen Tiejun), đã được lan truyền trên Internet ở nước này. Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc tích tụ nợ như thế nào? Ông Ôn đã tiết lộ trong video kể trên.

Ông Ôn nói: “Những lãnh đạo theo đuổi tăng trưởng cao sẽ để lại rất nhiều nợ nần khi giao lại quyền cho người kế nhiệm. Cán bộ trước thu hút được đầu tư, đạt được thành tích chính trị và được thăng chức; cán bộ kế nhiệm sẽ phải đối mặt với một khoản nợ lớn khi lên nắm quyền.

“Nếu không muốn bị lộ khoản nợ này thì phải làm sao? Phải trưng thu đất. Trưng thu được đất rồi thì tới ngân hàng thế chấp, mới có thể rút được 70% giá đất, có số tiền này thì mới làm đẹp sổ kế toán của người tiền nhiệm được. Không phải là trả hết nợ trước, mà là thỏa thuận với ngân hàng, tôi sẽ trả lãi [của khoản nợ trước], anh hãy chuyển khoản nợ của nhiệm kỳ trước thành khoản vay mới của nhiệm kỳ này.

“Các ngân hàng sẵn sàng làm như vậy, bởi vì sổ nợ giải quyết ổn rồi, tài sản xấu của ngân hàng hoặc các khoản cho vay xấu đã quá hạn sẽ không bị lộ ra, những mâu thuẫn trong món nợ của địa phương cũng sẽ không bị lộ. [Quan chức] nhiệm kỳ trước lên chức rồi, đắc tội với họ cũng không có lợi gì, tới nhiệm kỳ này thì làm sao? Phải tiếp tục mang tài nguyên đến ngân hàng thế chấp, lại vay tiền thì mới có vốn để phát triển”.

Ông Ôn chỉ ra: "Chính quyền nhiệm kỳ này phải đối mặt với điều gì? Đó là gánh nặng nợ khổng lồ mà các chính quyền trước đây đã tích lũy thông qua phương thức cân đối sổ sách. Hiện tại có bao nhiêu nợ? Tính theo [dữ liệu] bề mặt thì nợ chính quyền là 50 nghìn tỷ đến 60 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 7 - 8,44 nghìn tỷ USD). 'Nghìn tỷ' là một con số không hề nhỏ. Nợ chính phủ chiếm tỷ trọng khá cao trong GDP. Nếu tính cả nợ tư nhân thì e là càng rắc rối hơn”.

Bài phát biểu của học giả nổi tiếng Trung Quốc, ông Ôn Thiết Quân (Wen Tiejun), về nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc.

Tính đến cuối năm 2023, số dư nợ của các chính quyền địa phương được chính quyền Trung Quốc tiết lộ đã vượt 40 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,5 nghìn tỷ USD). Đây chỉ là số nợ hiện trên sổ sách, số dư nợ tiềm ẩn có lẽ còn lớn hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall ước tính, tổng nợ ẩn chưa thanh toán của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc vào khoảng từ 7 đến 11 nghìn tỷ USD.

Ngày 16/4 năm nay, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của 6 ngân hàng quốc doanh Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực, do lo ngại về khả năng hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc khi ngành ngân hàng chịu áp lực.

Ngày 10/4, Fitch Ratings đã hạ triển vọng tín nhiệm nợ nước ngoài dài hạn của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực với lý do: nền kinh tế Trung Quốc không còn có thể dựa vào mô hình tăng trưởng trong quá khứ và đang phải đối mặt với sự bất ổn định, tài chính công của nước này cũng xuất hiện rủi ro.

Vào tháng 12 năm ngoái, Moody's cũng hạ triển vọng tín nhiệm của 8 ngân hàng Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực. Moody's dự đoán, chính quyền Trung Quốc sẽ có chọn lọc hơn trong việc phân bổ sự hỗ trợ dành cho các thực thể đang gặp khó khăn về tài chính, việc này sẽ dẫn đến rủi ro về lâu dài là gây thêm căng thẳng cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như các chính quyền khu vực và địa phương.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cựu quan chức cấp cao: Chắc chắn nợ địa phương sẽ đè bẹp Đảng Cộng sản Trung Quốc