Chuyên gia: Các địa phương Trung Quốc phóng đại tăng trưởng GDP giống thời kỳ Đại nhảy vọt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nghi ngờ tiếp tục dấy lên sau khi thông tin về tăng trưởng GDP của các địa phương Trung Quốc được công bố. Các chuyên gia đã chỉ ra sự tương đồng với thời kỳ khoe khoang và phóng đại của các địa phương trong Đại nhảy vọt, một thời kỳ thảm họa về kinh tế.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào 17/1 rằng GDP của nước này đã tăng 5,2% trong năm ngoái, một dữ liệu trái ngược hoàn toàn với tình hình trì trệ của kinh tế Trung Quốc. Phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng tuyên bố rằng có 12 địa phương có tăng trưởng GDP cao hơn mức trung bình quốc gia.

Tuy nhiên, dữ liệu của ĐCSTQ đã bị thế giới bên ngoài nghi ngờ. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc nói phóng đại về tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ về uy tín của ĐCSTQ và làm tăng tốc việc rút vốn nước ngoài khỏi Trung Quốc.

Chính sách khắc nghiệt zero-COVID của ĐCSTQ trong 3 năm qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và sinh kế của người dân Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái sau khi chế độ này đột ngột dỡ bỏ tất cả các biện pháp kiểm soát COVID-19 vào tháng 12/2022, khi các trụ cột kinh tế - xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư - đều chậm lại. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm và thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên liên tục đạt mức cao kỷ lục. Sau khi đạt kỷ lục mới 21,3% vào tháng 6 năm ngoái, chính quyền đã ngừng công bố dữ liệu. Cục thống kê chỉ mới bắt đầu công bố lại tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vào tháng 1 này, báo cáo con số 14,9% cho tháng 12 trong khi sử dụng một tiêu chuẩn thống kê mới, thứ khiến công chúng và thế giới bên ngoài nghi ngờ.

Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường (Li Qiang) tuyên bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos vào ngày 16/1 rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2023 là 5,2% trước khi số liệu chính thức được công bố, trong nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế mở rộng đầu tư vào Trung Quốc. Cục Thống kê Quốc gia đã chính thức công bố tốc độ tăng trưởng GDP vào ngày 17/1, nhưng số liệu này đã bị nhiều người nghi ngờ vì ĐCSTQ có lịch sử lâu dài về việc công bố dữ liệu kinh tế giả. Theo nghiên cứu của Rhodium Group, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc vào năm 2023 có thể chỉ khoảng 1,5%.

Sau thông báo của chính quyền về tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia 5,2%, truyền thông Trung Quốc The Paper đưa tin vào ngày 23/1 rằng dữ liệu kinh tế địa phương cho năm 2023 đã được công bố cho 21 tỉnh và thành phố trực thuộc trong tổng số 32 khu vực, khẳng định rằng tốc độ tăng trưởng GDP của 12 khu vực trong số đó cao hơn so với mức bình quân cả nước.

12 địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 được báo cáo là cao hơn mức trung bình quốc gia là: Hải Nam (9,2%), Nội Mông (7,3%), Cam Túc (6,4%), Cát Lâm (6,3%), Trùng Khánh (6,1%), Sơn Đông (6,0%), Chiết Giang (6,0%), Tứ Xuyên (6,0%), Giang Tô (5,8%), An Huy (5,8%), Hà Bắc (5,5%) và Liêu Ninh (5,3%), trong khi Bắc Kinh (5,2%) có mức tăng trưởng tương tự như mức trung bình của cả nước.

Chuyên gia: Các địa phương Trung Quốc phóng đại tăng trưởng GDP giống thời kỳ Đại nhảy vọt
Một người giao hàng vận chuyển các gói hàng qua các cửa hàng quảng cáo về vận chuyển hậu cần quốc tế đến Nga, tại Trung tâm Thương mại Quốc tế Ritan ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 22/3/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo, công chúng Trung Quốc đã đặt câu hỏi về những con số chính thức. Một người cho biết trong một bài đăng: “Để giúp mọi người nắm rõ về tình huống, dữ liệu GDP thực sẽ không có cho đến ít nhất là tháng 3. Bây giờ những gì chúng ta đang xem xét là những con số ước tính! Một số là ước tính và một số dữ liệu khu vực chỉ bao gồm từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái”.

Một người khác nói: “Vậy tại sao tôi vẫn nghèo như vậy? Tây Quảng Đông và Bắc Quảng Đông cực kỳ nghèo”.

Một người khác đặt câu hỏi: “Tại sao GDP của Sơn Đông, Tứ Xuyên và Hồ Nam lại cao như vậy? Tôi đã từng đến những nơi này và nhận thấy thu nhập của người dân địa phương không cao, sự phát triển của một số nơi còn khá lạc hậu!”

Tái hiện ‘Đại nhảy vọt’?

Nhà kinh tế vĩ mô người Đài Loan Henry Wu nói với The Epoch Times rằng dữ liệu địa phương nên có trước dữ liệu quốc gia. “Nhưng hiện tại, chính quyền trung ương đã đặt ra tốc độ tăng trưởng GDP cho năm ngoái là 5,2%, và sau đó chính quyền địa phương phải tìm cách đưa ra dữ liệu này để Cục Thống kê có thể làm cho dữ liệu phù hợp với mục tiêu”.

“Giống như trào lưu khoe khoang, cường điệu hồi đó [thời kỳ Đại nhảy vọt]. Chính quyền địa phương đã báo cáo 'các báo cáo vệ tinh' và làm cho dữ liệu trở nên đẹp đẽ theo yêu cầu của cấp trên. Vì vậy, dữ liệu này không có giá trị phân tích”.

Trong “Đại nhảy vọt”, một chiến dịch do lãnh đạo ĐCSTQ lúc đó là Mao Trạch Đông phát động vào năm 1957 nhằm vượt qua phương Tây về năng lực nông nghiệp và công nghiệp trong vòng 3 đến 5 năm, chính quyền địa phương của ĐCSTQ trên cả nước đã phải làm sai lệch dữ liệu ở quy mô lớn đến mức độ phi thực tế để đáp ứng các mục tiêu, điều được gọi là “phóng vệ tinh”. Chiến dịch này là một thảm họa lớn, gần như phá hủy nền nông nghiệp và kinh tế của đất nước, dẫn đến nạn đói lớn kéo dài 3 năm khiến 30 triệu người Trung Quốc chết đói từ năm 1959 đến năm 1961.

Chuyên gia: Các địa phương Trung Quốc phóng đại tăng trưởng GDP giống thời kỳ Đại nhảy vọt
Các nhân viên của khách sạn Shin Chiao ở Bắc Kinh xây dựng một sân khách sạn và một lò luyện thép nhỏ và thô sơ trong thời kỳ "Đại nhảy vọt" vào tháng 10/1958 ở Trung Quốc. (Ảnh: Jacquet-Francillon/AFP/Getty Images)

Ông Liang Shaohua, cựu giám đốc tuân thủ của Tập đoàn quản lý tài sản Trung Quốc, cũng nhận thấy điểm tương đồng. Ông nói với The Epoch Times: “ĐCSTQ liên tục yêu cầu giới truyền thông nói tích cực về nền kinh tế Trung Quốc và không thể nói những điều tiêu cực về nó. Điều này cho thấy nền kinh tế đang rất tồi tệ và không cho phép người dân nói ra tình hình thực tế. Giờ đây khi chính quyền công bố những số liệu tăng trưởng cao này, rất ít người tin vào chúng. Điều này cũng gợi lại những ký ức lịch sử chung của nhiều thập kỷ trước khi ĐCSTQ thúc đẩy việc “vượt qua người Anh và người Mỹ trong 3 đến 5 năm” khiến các quan chức địa phương báo cáo sai về việc thu hoạch hàng chục nghìn kg ngũ cốc trong 1 mu [0,165 mẫu Anh hay 666.7 mét vuông]”.

Ông Liang cho biết: “Năm 2023, toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, thị trường chứng khoán cũng đạt mức thấp mới, xuất khẩu, bất động sản và các ngành sản xuất không được cải thiện. Bây giờ người ta nói đã có sự phát triển lớn về kinh tế, đây là điều chẳng có ý nghĩa gì cả”.

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nợ địa phương của Trung Quốc đạt 92 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (12,6 nghìn tỷ USD) vào năm 2022, chiếm 76% sản lượng kinh tế của Trung Quốc, tăng từ mức 62,2% vào năm 2019.

Chuyên gia: Các địa phương Trung Quốc phóng đại tăng trưởng GDP giống thời kỳ Đại nhảy vọt
Một khu phức hợp chung cư chưa hoàn thiện ở thành phố Tân Trịnh ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, vào ngày 20/6/2023. (Ảnh: Pedro Pardo / AFP qua Getty Images)

Ông Wu cho rằng Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng: khủng hoảng bất động sản, khủng hoảng nợ và khủng hoảng niềm tin, cuối cùng dẫn đến khủng hoảng thất thoát dòng vốn và khủng hoảng thất nghiệp. “Để thu hút nguồn vốn nước ngoài, chính quyền đã nói dối cộng đồng quốc tế rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn tốt nên họ đã tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế không thể tin được là 5,2%”.

Ông Wu chỉ ra rằng nó sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho ĐCSTQ. “Đầu tiên, uy tín của ĐCSTQ sẽ sụp đổ và người dân sẽ không còn tin vào dữ liệu chính thức nữa. Đây là một hậu quả ngay lập tức. Thứ hai, vì không thể tìm thấy dữ liệu chính thức đáng tin cậy nên các tổ chức đầu tư nước ngoài khó đánh giá khách quan triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Khi môi trường kinh doanh của Trung Quốc xấu đi, nguồn vốn bên ngoài sẽ không còn chảy vào nữa”.

Ông Liang cho rằng ĐCSTQ muốn sử dụng dữ liệu đẹp để thu hút vốn nước ngoài, “nhưng các nhà đầu tư rất thông minh và rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc không ngừng gia tăng. Các doanh nhân nước ngoài sẽ không đầu tư chỉ vì ông Lý Cường kêu gọi họ đầu tư ”.

Vào cuối năm ngoái, ĐCSTQ đã đưa nội dung “làm sai lệch thống kê” vào quy định kỷ luật. Ông Liang cho rằng ĐCSTQ đề ra quy định không được phép gian lận và hành vi gian lận phải bị trừng phạt, “nhưng nó vẫn phải phục vụ cái gọi là tình hình chính trị chung. Bây giờ tình hình chung của ĐCSTQ cần có một nền kinh tế có vẻ tốt và cho thấy sự tăng trưởng kinh tế, nên những thứ khác trở nên không quan trọng”.

Con số GDP toàn quốc là ‘không thể tin được’

Trước khi các con số tăng trưởng GDP địa phương được công bố và gây nên sự nghi ngờ trong công chúng, con số tăng trưởng GDP toàn quốc của Trung Quốc cũng đã bị nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi.

Ông Cai Shenkun, một nhà bình luận nổi tiếng về các vấn đề thời sự của Trung Quốc hiện đang cư trú tại Mỹ, cho biết tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về mức tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) 5,2% đã làm dấy lên nghi ngờ ở cả trong và ngoài nước.

“Tôi tin rằng các học giả và doanh nhân ở Trung Quốc đều thấy con số này là không thể tin được”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình tiếng Trung “Pinnacle View” (Cái nhìn Đỉnh điểm) của NTD phát sóng vào ngày 20/1.

Ông Cai giải thích rằng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) tuân theo đường lối tuyên truyền chính trị của ĐCSTQ để duy trì sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với đất nước.

“ĐCSTQ đã nhắc đi nhắc lại rằng dữ liệu tăng trưởng kinh tế có liên quan đến sự ổn định của chế độ, vì vậy mọi dữ liệu đều phải tuân theo quy định của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ”.

Ông Cai giải thích rằng đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và nhu cầu trong nước là các yếu tố thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

“Vậy tại sao ông Lý Cường lại đưa ra những con số tích cực như vậy?” ông Cai nói. “Ông Lý Cường đang cố gắng khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn đến Trung Quốc vào thời điểm này. Ông Lý Cường thực ra đang tự lừa dối chính mình và những người khác. Đơn giản là ông ấy không thể khiến thế giới bên ngoài tin vào con số tăng trưởng kinh tế như vậy”.

Chuyên gia: Các địa phương Trung Quốc phóng đại tăng trưởng GDP giống thời kỳ Đại nhảy vọt
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu trước đại hội trong cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 16/1/2024. (Ảnh: Fabrice Coffrini / AFP qua Getty Images)

Theo ông Cai, liên quan đến đầu tư nước ngoài, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đã giảm hơn 10% vào năm 2023 so với năm trước, mức giảm chưa từng thấy trong vài thập kỷ qua. Ông Cai cho biết, vào năm 2021, trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, các nhà máy Trung Quốc phải hoạt động ngoài giờ và đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất lịch sử với hơn 300 tỷ USD. Ông nói thêm, vào năm sau, khi nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi sau các đợt phong tỏa do đại dịch, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 180 tỷ USD và đến năm 2023, con số này giảm xuống còn 15 tỷ USD.

Ông Cai trích dẫn dữ liệu công khai cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong suốt năm ngoái.

Ông Cai nói: “Những người trong chúng tôi có hiểu biết về tình hình thực tế ở Trung Quốc biết rằng tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ hiện nay, theo ý kiến của tôi, là khoảng 50% [tỷ lệ đang được báo cáo chính thức là 14,9%]”.

“Tôi tin vào năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp khó khăn lớn hơn năm ngoái”.

Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập, nói với “Pinnacle View”: “Có một tình huống đặc biệt ở Trung Quốc. Đó là, trong giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, không có ai trong phe Tập Cận Bình hiểu rõ về kinh tế…”. Ông cho rằng, những người hiểu về kinh tế đã rời bỏ đội ngũ lãnh đạo của ĐCSTQ.

“Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã đạt đến điểm nguy hiểm và nguy cấp. Trong hoàn cảnh này, tôi muốn nói rằng không ai tự tin rằng nền kinh tế vẫn sẽ tốt vào năm 2024”.

Chuyên gia: Các địa phương Trung Quốc phóng đại tăng trưởng GDP giống thời kỳ Đại nhảy vọt
Một người đàn ông đứng bên rào chắn tại một khu chung cư chưa hoàn thiện ở thành phố Tân Trịnh, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 20/6/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc không thể phục hồi?

Trong khi đó, vào ngày 8/1, Tập đoàn Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới. (Bắc Kinh vẫn đang loay hoay giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch).

Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Nó lưu ý rằng “các dấu hiệu cảnh báo về những bất ổn ngày càng sâu sắc” đã được quan sát thấy vào năm 2023, bao gồm sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài, việc Moody’s hạ triển vọng, giao dịch bất động sản trì trệ và thị trường chứng khoán suy thoái. Những lo ngại hiện tại về rủi ro địa chính trị leo thang, các chính sách mơ hồ và mâu thuẫn của Trung Quốc cũng như các biện pháp đàn áp về mặt pháp lý được duy trì dự kiến sẽ tiếp tục làm giảm sự quan tâm đến việc tái đầu tư vào Trung Quốc trong suốt năm 2024.

Báo cáo của Eurasia Group chỉ ra cơ cấu nhân khẩu học không thuận lợi của Trung Quốc, lợi thế chi phí lao động ngày càng giảm, gánh nặng nợ nần đáng kể, đặc biệt ở cấp chính quyền địa phương, sự phụ thuộc vào đầu tư nhà nước để tăng trưởng và những nỗ lực của phương Tây nhằm “giảm thiểu rủi ro” là những yếu tố bổ sung sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc.

Báo cáo cũng dự đoán về sự mờ nhạt đi trong động lực của việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch, sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản, sự chậm lại trong nhu cầu quốc tế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và sự tiếp tục xuất hiện của các hiện tượng như sự vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc và việc đóng cửa các ngân hàng.

Báo cáo còn dự đoán rằng việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình và việc ưu tiên an ninh hơn tăng trưởng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư mà còn cản trở khả năng phản ứng của Bắc Kinh trước các lỗ hổng kinh tế và tài chính. Cùng nhau, những yếu tố này dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, “làm lộ ra những lỗ hổng về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Các địa phương Trung Quốc phóng đại tăng trưởng GDP giống thời kỳ Đại nhảy vọt