3 dạng thực phẩm cần tránh giúp bảo vệ sức khỏe của tim mạch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dư luận Trung Quốc xôn xao trước thông tin cựu Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường bất ngờ qua đời vì bệnh tim mạch. Điều này khiến không ít người tự hỏi rốt cuộc bệnh tim mạch xuất hiện do nguyên nhân gì? Chúng hình thành và phát triển như thế nào? Làm sao để ngăn chặn sự khởi phát của chúng thông qua chế độ ăn uống?

Các loại và yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu khi cướp đi khoảng 18 triệu sinh mạng mỗi năm - gần gấp đôi số ca mắc bệnh ung thư.

Nó thường được chia thành hai loại chính: những biểu hiện ở tim, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim (đau tim) và biểu hiện ở não, như đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết.

Có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch, bao gồm huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, hút thuốc và uống rượu. Tất cả những yếu tố này đều có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của các bệnh tim mạch.

Nguyên nhân cơ bản của bệnh tim mạch là do tổn thương thành mạch máu. Khi thành mạch máu bị tổn thương, các thành phần khác nhau trong máu, bao gồm các yếu tố đông máu, cholesterol và tiểu cầu có thể tích tụ. Sự tích tụ này góp phần làm cứng mạch máu, có khả năng dẫn đến tắc nghẽn, tiềm ẩn nguy cơ hình thành huyết khối, nhồi máu hoặc vỡ mạch.

Cách phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả

Nếu tránh được các yếu tố gây tổn thương thành mạch máu, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Về cơ bản, có ít nhất ba yếu tố góp phần gây tổn thương thành mạch máu: huyết áp cao, phản ứng viêm mãn tính và stress oxy hóa.

Chúng ta không kiểm soát được các yếu tố di truyền và môi trường, và việc ngăn ngừa những chấn thương bất ngờ có thể là một thách thức. Tuy nhiên, chúng ta có toàn quyền kiểm soát chế độ ăn uống của mình. Các chuyên gia nhất trí về vai trò quan trọng của chế độ ăn uống trong việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Vậy thực phẩm nào góp phần gây ra huyết áp cao, viêm mãn tính và stress oxy hóa trong cơ thể?

1. Tránh thực phẩm làm tăng huyết áp

Huyết áp cao có thể làm thoái hóa các sợi đàn hồi trong thành mạch máu, gây tổn thương. Thực phẩm góp phần làm tăng huyết áp bao gồm:

  • Muối: Hãy chú ý đến lượng muối ăn hàng ngày. Tránh thực phẩm quá mặn, chẳng hạn như đồ hộp, cá hun khói, phô mai và các sản phẩm muối chua.
  • Caffeine: Mặc dù cà phê mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau nhưng tiêu thụ quá mức có thể làm tăng huyết áp. Đặc biệt, những người bị huyết áp cao không nên uống cà phê và trà đậm.
  • Muối natri: Bột ngọt là một loại muối natri. Mặc dù vô hại nếu dùng ở mức độ vừa phải, nhưng ăn quá nhiều có thể làm tăng cảm giác thèm ăn nhiều đồ mặn hơn. Thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp và khoai tây chiên thường có hàm lượng muối natri cao.
  • Đồ uống có đường: Tiêu thụ đồ uống có đường như soda có thể dẫn đến tăng huyết áp. Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến các tình trạng như béo phì và kháng insulin, gián tiếp góp phần làm tăng huyết áp.
  • Rượu: Rượu không chỉ làm tăng huyết áp mà còn góp phần gây ra tình trạng viêm mãn tính và stress oxy hóa. Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, giảm độ nhạy insulin của cơ thể và làm tăng huyết áp.

2. Tránh thực phẩm gây ra phản ứng viêm mãn tính

Phản ứng viêm có thể làm hỏng các tế bào nội mô của mạch máu, dẫn đến viêm mãn tính và gây hại cho thành mạch máu. Tổng cộng có 4 loại thực phẩm có thể gây ra phản ứng viêm mãn tính, bao gồm:

  • Đường: Đường là nguyên nhân chính gây viêm tế bào thành mạch máu. Đường và xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao (bao gồm khoảng 50% fructose và 50% glucose) được sử dụng rộng rãi trong chế độ ăn của phương Tây.

Một số người khẳng định họ không tiêu thụ nhiều đường, nhưng họ đã vô tình kết hợp một lượng đáng kể thực phẩm giàu carbohydrate như gạo, bánh mì, ngô và trái cây vào chế độ ăn của mình. Những thực phẩm này chuyển hóa thành đường trong cơ thể, dẫn đến các tác dụng phụ tương tự với việc ăn thêm đường.

Nếu chế độ ăn uống của bạn được cân bằng, thỉnh thoảng ăn những thực phẩm như vậy không phải là vấn đề. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm với insulin, các thực phẩm này có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food & Function chỉ ra rằng, những con chuột được nuôi bằng chế độ ăn giàu sucrose hoặc fructose có các tác dụng phụ tương tự về chuyển hóa carbohydrate, mất cân bằng chất chống oxy hóa, tình trạng viêm và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

  • Carbohydrate tinh chế: Carbohydrate tinh chế, bao gồm gạo trắng, bánh mì và đồ nướng, cũng có thể gây viêm trong cơ thể. Những thực phẩm này đã mất hầu hết chất dinh dưỡng và chất xơ, về cơ bản giống với đường. Một số cá nhân bị dị ứng với gluten, dẫn đến phản ứng viêm nặng hơn.
  • Thịt phi hữu cơ: Nhiều người có xu hướng nhấn mạnh quá mức đến việc ăn thịt hoặc protein động vật có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, vấn đề thực sự không nằm ở protein hay chất béo động vật mà nằm ở cách nuôi động vật.

Động vật được nuôi bằng cỏ tự nhiên có thể ăn ở mức độ vừa phải mà không gặp vấn đề gì - protein động vật tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu động vật được nuôi bằng kháng sinh, hormone và các loại thức ăn khác nhau thì việc ăn thịt như vậy có thể gây bất lợi cho cơ thể.

  • Dầu thực vật: Dầu thực vật có hại cho sức khỏe hơn dầu động vật vì nó trải qua nhiều quá trình xử lý hơn, làm tăng đáng kể nguy cơ viêm thành mạch máu.

3. Tránh thực phẩm góp phần gây ra stress oxy hóa

Căng thẳng oxy hóa xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều gốc tự do thông qua các phản ứng oxy hóa. Các gốc tự do không ổn định này thu giữ các electron từ các tế bào của thành mạch máu, gây tổn thương. Thực phẩm chế biến sẵn là thủ phạm chính gây ra stress oxy hóa trong cơ thể.

Tỷ lệ thực phẩm siêu chế biến trong chế độ ăn uống của chúng ta không ngừng tăng lên. Những thực phẩm này bao gồm nhiều loại sản phẩm, bao gồm bánh mì, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thịt chế biến sẵn (như thịt gà và cá viên), đồ ngọt và món tráng miệng, đồ ăn nhẹ (mặn), ngũ cốc ăn sáng, mì ăn liền và súp, rau đóng hộp có phụ gia, trái cây sấy khô, nước ngọt và đồ uống có đường.

Những thực phẩm được chế biến kỹ này thường chứa nhiều sulfit, có liên quan đến các chất lên men được sử dụng trong quá trình sản xuất chúng. Những sulfit này có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn khử sunfat trong ruột, gây ra các phản ứng oxy hóa trong máu của cơ thể.

Một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu năm 2021 đã tiết lộ mối tương quan giữa việc tăng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 2.020 người (không có bệnh tim mạch từ trước) trong 10 năm. Kết quả cho thấy những người tiêu thụ trung bình 7,5, 13 và 18 khẩu phần thực phẩm siêu chế biến mỗi tuần có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch lần lượt là 8,1%, 12,2% và 16,6%.

Báo cáo nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Advances in Nutrition cho thấy, phụ gia thực phẩm và các chất gây ô nhiễm dạng mới được tạo ra trong quá trình chế biến thực phẩm có thể là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các con đường sinh học chính bao gồm thay đổi nồng độ lipid huyết thanh, thay đổi sự tương tác giữa hệ vi sinh vật đường ruột và hệ vi sinh vật chủ, viêm, stress oxy hóa, béo phì, rối loạn đường huyết (lượng đường trong máu bất thường), kháng insulin và tăng huyết áp.

Phòng ngừa là chìa khóa

Tóm lại, điều chỉnh chế độ ăn uống là một biện pháp quan trọng để ngăn ngừa hiệu quả các bệnh tim mạch.

Trong số các loại thực phẩm được đề cập, có hại nhất là đường, tiếp theo là rượu, thực phẩm siêu chế biến, dầu thực vật chế biến quá mức và cuối cùng là thực phẩm chế biến xuất hiện dưới nhiều tên gọi khác nhau với hàm lượng đường và sulfit cao.

Điều cần thiết là tránh những thực phẩm không lành mạnh này trong cuộc sống hàng ngày, từ đó giảm nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch.

Theo Jingduan Yang - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

TS.BS Jingduan Yang là một bác sĩ tâm thần chuyên về y học tổng hợp và y học cổ truyền Trung Hoa cho các bệnh mãn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Integrative Psychiatry", "Medicine Matters" và "Integrative Therapies for Cancer". Đồng tác giả "Facing East: Ancient Secrets for Beauty+Health for Modern Age" của HarperCollins và "Clinical Acupuncture and Ancient Chinese Medicine" của Oxford Press. Bác sĩ Yang cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Phương Bắc (Middletown, New York) kể từ tháng 7 năm 2022.



BÀI CHỌN LỌC

3 dạng thực phẩm cần tránh giúp bảo vệ sức khỏe của tim mạch