Đầu tư FDI của Trung Quốc vào Châu Âu thay đổi ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ năm 2000 đến năm 2023, “Ba ông lớn" của Châu Âu, đặc biệt là Anh Quốc, chiếm phần lớn FDI của Trung Quốc vào Châu Âu. Tuy nhiên, xu hướng đã thay đổi, với các khoản đầu tư gần đây tập trung vào các dự án EV ở Trung Âu.

Một báo cáo được công bố hôm thứ 5 (6/6) cho biết Anh Quốc là điểm đến số một tại Châu Âu đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, và quốc gia này đã nhận được số tiền lớn nhất trong khu vực từ ​​năm 2000 đến năm 2023. Tuy nhiên, tình hình dường như đang thay đổi.

Báo cáo của công ty tư vấn Rhodium Group (Nhóm Rhodium) và viện nghiên cứu Mercator Institute for China Studies (Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator) của Đức cho biết Anh, Đức và Pháp là "Ba ông lớn" tại Châu Âu đối với việc tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc.

Các vụ mua bán và sáp nhập đã giảm mạnh trong những năm gần đây trong bối cảnh bầu không khí địa chính trị thay đổi và khó khăn kinh tế ở Trung Quốc, nhưng "các khoản đầu tư xây mới” (greenfield investment) như các dự án xe điện (EV) đã giúp mức FDI của Trung Quốc không giảm mạnh và thúc đẩy Hungary vượt qua "Ba ông lớn" vào năm 2023 và trở thành điểm đến hàng đầu của FDI từ Trung Quốc tại Châu Âu.

Theo báo cáo, từ năm 2000 đến năm 2023, "Ba ông lớn" chiếm hơn một nửa (55%) tổng đầu tư trực tiếp tích lũy của Trung Quốc vào Châu Âu.

Về giá trị, Vương quốc Anh đã thu hút 75,6 tỷ EUR (euro) (64,4 tỷ bảng Anh, tương đương 81,78 tỷ USD) FDI của Trung Quốc kể từ năm 2000 đến 2023, vượt xa số tiền thu hút được của Đức - 33,2 tỷ EUR (35,92 tỷ USD) - và 21,9 tỷ EUR (23,69 tỷ USD) của Pháp.

Tuy nhiên, xu hướng đã thay đổi, với các khoản đầu tư gần đây tập trung vào các dự án EV ở Trung Âu.

Năm 2017, Vương quốc Anh đã tiếp nhận khoảng một nửa tổng số FDI của Trung Quốc tại Châu Âu. Tỷ lệ này là 29,8% vào năm 2022 và 10,3% vào năm 2023.

Nhìn chung, FDI của Trung Quốc vào Châu Âu đã giảm mạnh trong những năm gần đây, xuống còn 6,8 tỷ EUR (7,36 tỷ USD) vào năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 2010.

FDI từ Trung Quốc vào Châu Âu vào năm 2023 đã giảm so với mức 7,1 tỷ EUR (7,68 tỷ USD) vào năm 2022 và mức đỉnh điểm là 47,5 tỷ EUR (51,39 tỷ USD) vào năm 2016.

Sự sụt giảm này là do sự sụt giảm của các vụ mua bán và sáp nhập (M&A), vốn từng chiếm phần lớn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu.

Vào năm 2023, giá trị của M&A đã giảm 58% xuống còn dưới 1,5 tỷ EUR (1,62 tỷ USD).

Báo cáo cho biết: "Những khó khăn về kinh tế và việc kiểm soát vốn chặt chẽ của Trung Quốc, cùng với việc giám sát chặt chẽ hơn đối với đầu tư nước ngoài vào Châu Âu, đã góp phần làm giảm các giao dịch M&A".

Xe điện và các lĩnh vực chiếm ưu thế

Vào năm 2023, các dự án xe điện theo kiểu xây mới đã chiếm ưu thế trong FDI của Trung Quốc vào Châu Âu, cùng với sự thay đổi về các điểm đến chính trong hai năm qua.

Hungary đã thu hút 44,1% tổng số FDI của Trung Quốc tại Châu Âu vào năm 2023, tăng từ 0,6% vào năm 2021 và 21,3% vào năm 2022, vượt qua "Ba ông lớn", nơi có 35,3% FDI của Trung Quốc vào Châu Âu vào năm 2023.

Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư vào các nhà máy pin của CATL và Huayou Cobalt, trị giá tổng cộng 8,7 tỷ EUR (9,41 tỷ USD).

Hungary, cùng với Pháp và Đức, đã hấp thụ 88% tổng số đầu tư liên quan đến EV của Trung Quốc, báo cáo cho biết.

Ngoài các khoản đầu tư xây mới, các lĩnh vực bao gồm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm tiêu dùng, giải trí và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cũng tiếp tục thu hút đầu tư từ Trung Quốc, với số tiền đầu tư lên tới 3,1 tỷ EUR (3,35 tỷ USD) mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023, báo cáo cho biết.

Con số này trái ngược với mức giảm mạnh trong lĩnh vực giao thông, bất động sản và các lĩnh vực tài chính và kinh doanh, nơi giá trị đầu tư đã giảm hơn 90%.

Báo cáo cho biết: "Các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng và ICT hiện hấp thụ khoảng 70% FDI của Trung Quốc không liên quan đến EV tại Châu Âu, tăng gấp đôi mức 35% từ năm 2014 đến năm 2023".

Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo cho rằng việc giám sát chặt chẽ đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thể sẽ tăng lên, chỉ ra các cuộc điều tra của EU về hoạt động mua sắm thiết bị y tế công của Trung Quốc vào tháng 4 và việc Ủy ban Châu Âu liệt kê công nghệ sinh học là một trong 4 công nghệ quan trọng hàng đầu của Châu Âu cho chiến lược an ninh kinh tế của mình.

Tại Anh, kể từ khi Đạo luật An ninh và Đầu tư Quốc gia 2021 có hiệu lực, chính phủ đã áp dụng khoảng hai chục biện pháp can thiệp, trong đó một nửa là nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế việc Trung Quốc tiếp quản cơ sở hạ tầng hoặc các nhà sản xuất có mục đích sử dụng kép (cả dân sự và quân sự) của Anh.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đầu tư FDI của Trung Quốc vào Châu Âu thay đổi ra sao?