Thương chiến nóng lên, EU điều tra Trung Quốc bán phá giá lysine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thương chiến giữa phương Tây và Trung Quốc nóng lên với tâm điểm là việc EU điều tra Trung Quốc bán phá giá lysine.

Ủy ban Châu Âu ngày 23/5 thông báo đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với lysine nhập khẩu từ Trung Quốc, khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây tiếp tục nóng lên. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc khởi động điều tra chống bán phá giá đối với nhựa nhập khẩu từ phương Tây chưa đầy 1 tuần trước đó.

Lysine là một axit amin đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của con người và động vật. Nó là một trong những axit amin thiết yếu cho cơ thể con người, nhưng cơ thể con người không thể tự tổng hợp được mà phải hấp thụ nó thông qua chế độ ăn uống. Lysine rất quan trọng đối với nhiều cơ chế của cơ thể con người, bao gồm giúp hấp thụ canxi, sắt và kẽm và thúc đẩy hình thành collagen.

Theo Barron's, người phát ngôn của Ủy ban EU cho biết, quyết định này dựa trên "đơn khiếu nại từ ngành công nghiệp EU có chứa bằng chứng về các hoạt động thương mại không công bằng" của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Theo thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về cuộc điều tra chống bán phá giá, công ty Metex của Pháp, nhà sản xuất lysine duy nhất ở châu Âu, đã nộp đơn khiếu nại vào ngày 8/4, cho rằng việc bán phá giá của các nhà sản xuất lysine Trung Quốc được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đã khiến công ty rơi vào tình trạng tài chính nguy hiểm.

Đơn khiếu nại nêu rõ rằng giá của sản phẩm nhập khẩu đã làm giảm số lượng hàng bán ra của Metex, “dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi đáng kể đến hiệu quả hoạt động chung” của công ty.

Bán phá giá là hành vi thương mại xấu của một quốc gia, làm tràn ngập thị trường của quốc gia khác với các sản phẩm được định giá thấp. Đây được coi là một chiến thuật thương mại không công bằng trong cộng đồng quốc tế.

Người phát ngôn cho biết cuộc điều tra chống bán phá giá sẽ quyết định liệu EU có nên áp dụng các biện pháp nhằm chống lại tác động của các hành vi bị cáo buộc là không công bằng hay không.

Cuộc điều tra sẽ bao gồm khoảng thời gian từ ngày 1 /1/2023 đến ngày 31/12/2023 và việc kiểm tra, đánh giá thiệt hại do hành vi bán phá giá bị cáo buộc sẽ bao gồm khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến cuối năm 2023, theo thông báo của EU.

Thương chiến nóng lên

Gần đây, EU đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xe điện (EV) giá rẻ của Trung Quốc vốn đang tràn ngập thị trường EU và cho biết họ đang xem xét áp dụng mức thuế “có mục tiêu” đối với xe điện.

Ngoài ra, EU đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng nhập khẩu khác từ Trung Quốc, bao gồm thép tráng thiếc, thiết bị y tế, ống sắt hoặc thép liền mạch, sàn gỗ nhiều lớp...

Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng có tranh chấp với chính quyền Trung Quốc về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc và việc bán phá giá hàng hóa ở các nước khác, đồng thời đã tăng thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden ngày 14/5 thông báo rằng thuế đối với xe điện của Trung Quốc sẽ tăng lên 100% vào ngày 1/8 và thuế đối với chip máy tính và pin mặt trời sẽ tăng lên 50%, trong khi thuế đối với pin lithium-ion sẽ tăng lên 25%.

Thương chiến nóng lên, EU điều tra Trung Quốc bán phá giá lysine
Ô tô điện xuất khẩu đang chờ được chất lên "BYD Explorer NO.1", một tàu sản xuất trong nước nhằm xuất khẩu ô tô Trung Quốc, tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 10/1/2024. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Đáp lại, vào ngày 19/5, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với chất đồng trùng hợp polyoxymethylene, một loại nhựa kỹ thuật, được nhập khẩu từ EU, Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản. Động thái của chính quyền Trung Quốc được coi là hành động trả đũa phương Tây trước các cáo buộc của họ về các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc cũng như các biện pháp đối phó của phương Tây.

Về lý do tại sao cuộc điều tra chống bán phá giá của EU lần này tập trung vào lysine, nhà kinh tế người Mỹ gốc Hoa Davy J. Wong đã giải thích với The Epoch Times vào ngày 24/5: “Ngành công nghiệp axit amin thể hiện sự cạnh tranh rõ ràng giữa châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Trên toàn cầu, Trung Quốc nắm giữ hơn 30% thị trường axit amin, đứng đầu, tiếp theo là châu Âu với gần 20% và Bắc Mỹ khoảng 16%”.

Ông nói rằng việc nhắm mục tiêu vào axit amin Trung Quốc phục vụ hai mục đích: “chứng minh tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và giảm khả năng cạnh tranh có hại từ axit amin Trung Quốc tại thị trường Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, châu Âu và Mỹ có khả năng thay thế nguồn cung này mà không ảnh hưởng đáng kể đến người tiêu dùng EU”.

Ông Wong cho biết Trung Quốc sản xuất khoảng 31% hàng hóa của thế giới và thị phần xuất khẩu của nước này trong thương mại quốc tế là 14,2%. Nguồn thặng dư thương mại quốc tế lớn nhất của Trung Quốc tới từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.

Ông nói: “Cái gọi là sự thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc và vai trò là công xưởng của thế giới về cơ bản phụ thuộc vào thị trường Mỹ và EU”.

Thương chiến nóng lên, EU điều tra Trung Quốc bán phá giá lysine
Một người đàn ông đi gần cờ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu tại trụ sở EU vào ngày 15/5/2017 tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: JOHN THYS/AFP qua Getty Images)

Về việc đối phó với các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, ông Wong nhấn mạnh: “Sự leo thang gần đây của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (diễn ra từ năm 2018) đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ cả Mỹ và EU để gây áp lực hiệu quả khiến Trung Quốc phải tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế”.

Ông chỉ ra rằng các cuộc điều tra chống bán phá giá gần đây của EU đối với hàng hóa Trung Quốc cho thấy đây là “một quá trình giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp Trung Quốc”.

Ông Wu Jialong, một nhà kinh tế vĩ mô ở Đài Loan nói với The Epoch Times vào ngày 25/5: “Phương Tây cần một số điều chỉnh, tốn thời gian và chi phí để nhập khẩu từ nơi khác [thay vì từ Trung Quốc] hoặc chuyển dây chuyền sản xuất sang nơi khác. Nhưng các nước phương Tây đã nhận ra rằng họ phải trả cái giá này. Họ thà trả cái giá này còn hơn làm ăn với Trung Quốc. Đây là tình hình hiện tại”.

Khi chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra, ông Wu nói: “Trung Quốc bị thiệt hại trước tiên. Thị trường Trung Quốc đã bị thu hẹp rất nhiều. Thu nhập từ việc làm trong nước, thuế và ngoại hối đều bị ảnh hưởng bởi nó [chiến tranh thương mại]. Nước ngoài cũng sẽ phải trả giá vì nó và phải giải quyết những bất tiện do nó gây ra. Ví dụ, họ phải mất một thời gian và tốn quy trình để chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác để tiếp tục sản xuất. Nếu điều đó khiến nguồn cung trở nên khan hiếm, giá có thể tăng”.

“Chính quyền Trung Quốc nói rằng thế giới không thể hoạt động nếu không có nguồn cung từ Trung Quốc, và điều đó không sai. Đó là về việc phải trả giá. Mọi quốc gia đều phải trả giá và thực hiện những điều chỉnh đáng kể thì vấn đề [phụ thuộc vào Trung Quốc] mới có thể được giải quyết”, ông nói thêm.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thương chiến nóng lên, EU điều tra Trung Quốc bán phá giá lysine