Di tích thủy tinh được tìm thấy trong vụ đắm tàu ​​La Mã cổ đại cách đây 1900 năm vẫn còn nguyên vẹn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Văn hóa Ý gần đây đã thông báo rằng một nhóm khảo cổ quốc tế hợp tác đã tìm thấy thành công một con tàu được cho là đã chìm ở Địa Trung Hải 1900 năm trước. Con tàu chở hàng ngàn đồ dùng bằng thủy tinh La Mã và một số đồ vật đã được trục vớt.

Vào tháng 7 năm nay, các nhà nghiên cứu Pháp và Ý đã tiến hành khảo sát một khu vực dưới đáy biển giữa Cap Corse (tiếng Ý: Capo Corso) ở Pháp và đảo Capraia ở Ý. Họ đã triển khai hai tàu ngầm điều khiển từ xa (ROV) ở độ sâu 350 mét để chụp ảnh và quay video độ phân giải cao về nơi được cho là có xác tàu La Mã. Họ cũng thu thập được một số mẫu vật cổ từ địa điểm này.

Đồ thủy tinh La Mã được cho là 1.900 năm tuổi đã được tìm thấy tại địa điểm xác tàu chìm. (©Manuel Añò-ProdAqua)

Bộ Văn hóa Ý cho biết trong một thông cáo báo chí rằng một "kho báu" gồm hàng ngàn đồ vật bằng thủy tinh La Mã được bảo quản nguyên vẹn như chai, đĩa, cốc, bát và bình cổ cao kiểu La Mã hoặc Hy Lạp. Ngoài ra, hai chiếc chậu bằng đồng cũng được phát hiện.

Nhiệm vụ khảo cổ dưới nước hợp tác này được thực hiện bởi Cơ quan Quản lý Quốc gia về Di sản Văn hóa Dưới nước thuộc Bộ Văn hóa Ý và Cục nghiên cứu Khảo cổ Dưới nước và tàu ngầm (DRASSM) thuộc Bộ Văn hóa Pháp. Nhà khảo cổ học từ Viện Khảo cổ Dự phòng Quốc gia Pháp (Inrap) cũng tham gia vào hoạt động này.

Con tàu đắm được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2012 bởi kỹ sư tài năng kiêm nhà sáng tạo ROV Guido Gay trong vùng lãnh hải Ý. Con tàu được đặt tên là "Capo Corso 2" và đã được báo cáo cho Bộ phận Khảo cổ Dưới nước và tàu ngầm của Pháp. Sau đó, các nhà nghiên cứu Pháp đã tiến hành khảo sát khu vực này vào năm 2013. Vào năm 2015, nhiệm vụ đo ảnh và lấy mẫu nhỏ được tiến hành.

(Bên trái) Tàu nghiên cứu hàng đầu của DRASSM "Alfred Merlin"; (bên phải) Máy dò tìm dưới nước điều khiển từ xa Arthur. (©Manuel Añò-ProdAqua)

Vị trí của xác tàu đã và đang là chủ đề tranh luận trong một thời gian dài. Vào tháng 6 năm 2016, DRASSM đề xuất hợp tác với Bộ Văn hóa Ý để thực hiện khảo sát chung. Dự án hợp tác này bắt đầu vào năm 2022.

Mãi cho đến tháng 7 năm 2023, tàu nghiên cứu chủ lực "Alfred Merlin" do DRASSM cung cấp mới được triển khai thành công. Cùng thời điểm đó, các nhà nghiên cứu sử dụng hai tàu ROV để tiến hành khảo sát dưới nước.

Mời bấm vào để xem các video liên quan

Hai robot tiên tiến, Arthur và Hilarion, đã đóng vai trò quan trọng trong việc khám phá xác tàu La Mã 1900 năm tuổi ở Địa Trung Hải.

Arthur, một robot nhỏ gọn và nhẹ, có khả năng lặn sâu đến 2.500 mét. Nó được trang bị camera độ phân giải cao để ghi hình ảnh chi tiết, cũng như hệ thống cánh tay robot để hút trầm tích và thu hồi các vật thể.

Hilarion, do nhà khảo cổ học Dennis Degez của DRASSM điều khiển, hỗ trợ Arthur bằng cách ghi hình toàn bộ quá trình khảo sát.

Máy dò tìm điều khiển từ xa Arthur khám phá tàn tích của một vụ đắm tàu ​​ở La Mã. (©M.Añò-V.Creuze-D.Degez)

Sau khi khảo sát ban đầu, Arthur bắt đầu dọn dẹp bùn cát ở một số khu vực để xác định các di vật dễ dàng hơn. Cuối cùng, cánh tay robot tinh chế của Arthur đã thu hồi thành công một số vật phẩm.

Bộ Văn hóa Ý cho biết: "Xác tàu 'Capo Corso 2' và kho báu nguyên vẹn của nó là một thách thức đối với tất cả các nhà nghiên cứu tham gia, họ sẽ viết nên một chương mới trong lịch sử thương mại Địa Trung Hải." Và họ cũng cam kết "hoàn thiện các công nghệ mới để tiếp tục khám phá và nghiên cứu môi trường đặc biệt này, vốn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng."

Dựa trên hàng hóa được vận chuyển, các nhà nghiên cứu suy luận rằng con tàu La Mã này có thể đã khởi hành từ một cảng ở Trung Đông (có thể là Lebanon hoặc Syria) và đang trên đường đến bờ biển Provence của Pháp.

Các nhà nghiên cứu Ý và Pháp đang kiểm tra những chiếc amphorae (là một loại vật chứa có đáy nhọn) được phục hồi từ một vụ đắm tàu. (©Manuel Añò-ProdAqua, ©M.Añò-V.Creuze-D.Degez)

Thông cáo báo chí cho biết, các nhà khảo cổ đã trục vớt thành công nhiều đồ vật từ xác tàu bao gồm những Bình cổ hai quai "hình củ cà rốt" có đặc điểm rõ ràng của phương Đông, đặc biệt là một loại bình được tìm thấy ở Beirut và một số bình khác có nguồn gốc từ Gaul (Pháp). Đồ vật còn bao gồm nhiều tấm kính thô với kích cỡ khác nhau, nặng khoảng vài tấn.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại của con tàu đắm vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất đến đầu thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. "Capo Corso 2" là con tàu La Mã thứ hai được biết đến chứa hàng hóa thủy tinh như vậy. Đồng thời, nhiệm vụ khảo cổ gần đây cũng lần đầu tiên ghi nhận hệ sinh thái sinh học bên trong xác tàu chìm.

Trong tương lai, việc nghiên cứu sâu hơn về hàng hóa và các vật phẩm có thể giúp xác định chính xác niên đại của con tàu và lộ trình nó đã đi qua trong hành trình cuối cùng của nó.

Theo Trương Vũ Phi- Epoch Times tiếng Trung
Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Di tích thủy tinh được tìm thấy trong vụ đắm tàu ​​La Mã cổ đại cách đây 1900 năm vẫn còn nguyên vẹn