Đứa trẻ khóc lóc lăn lộn trên sàn, cách xử lý của người mẹ khiến cư dân mạng tán đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến cảnh tượng một đứa trẻ khóc lóc ăn vạ, lăn lộn khắp sàn để gây sự chú ý của cha mẹ và những người xung quanh.

Khi đối mặt với sự nổi loạn của trẻ, cha mẹ thường sử dụng rất nhiều biện pháp, ví như quát mắng, đánh đập, giảng lý luận,... Cách đây không lâu, trên mạng xã hội có đăng tải một đoạn video ngắn về một bà mẹ đã bình tĩnh xử lý cơn gào khóc của con, cách làm của cô nhận được sự tán đồng của cư dân mạng.

Vụ việc xảy ra tại một ga tàu điện ngầm ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), cậu bé vừa lăn lộn vừa khóc trên mặt đất trong một ga tàu điện ngầm đông đúc, mẹ cậu đứng cạnh và bình tĩnh lướt điện thoại di động. Một cư dân mạng để lại lời nhắn: "Cậu bé, nhanh đứng dậy đi, dù con có cố gắng ăn vạ cũng không có tác dụng gì đâu".

Khi đứa trẻ bị suy sụp tinh thần, khóc lóc, nổi cơn thịnh nộ hoặc lăn lộn trên sàn, cách chúng ta nhìn nhận và xử lý là rất quan trọng.

Chuyện gì xảy ra khiến đứa trẻ khóc lóc và lăn lộn khắp sàn?

Sự bộc phát cảm xúc thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là khi chúng mệt mỏi, đói hoặc cảm thấy không thoải mái. Sự bộc phát cảm xúc thường xảy ra nhất ở độ tuổi từ 1 đến 3. Bởi ở độ tuổi này, trẻ chưa có năng lực biểu đạt và quản lý tốt cảm xúc của mình. Đôi khi cảm xúc bộc phát có thể là do trẻ muốn sử dụng hành vi cường điệu này để bày tỏ yêu cầu hoặc mong muốn của mình.

Khi trẻ dần lớn lên, những cảm xúc bộc phát này sẽ giảm dần. Tuy nhiên, do một số trẻ không nhận được sự hướng dẫn và giúp đỡ hợp lý hoặc do trẻ cần thêm thời gian để học cách quản lý cảm xúc bản thân nên những hành vi nổi loạn có thể tiếp tục diễn ra cho đến khi trẻ 4 tuổi. Tất nhiên, cũng có một số trẻ bộc phát cảm xúc thường xuyên và nghiêm trọng hơn do tính cách nhạy cảm và dễ nổi nóng của chúng.

Vì vậy, khi trẻ bộc phát cảm xúc, cha mẹ đừng vội “cạnh tranh” với trẻ, cũng đừng gán cho con mình là “những đứa trẻ hư”. Điều chúng ta cần suy nghĩ thêm là tại sao trẻ lại bộc phát cảm xúc và làm thế nào để cải thiện tình trạng này, từ đó giúp trẻ hiểu được cảm xúc của chính mình.

Vậy khi đứa trẻ khóc lóc, cha mẹ nên làm gì?

Khi trẻ khóc lóc hoặc tức giận rồi ném đồ đạc khắp sàn nhà, cha mẹ thường la mắng, đánh đập hoặc dùng những lý lẽ để giáo huấn trẻ, nhưng thực ra những cách làm này rất khó khởi tác dụng căn bản. Hơn nữa, việc đánh đập, mắng mỏ không chỉ khiến trẻ tổn thương mà còn có thể khiến bạn cảm thấy bực bội, hối hận. Để đối ứng với tình huống này, bạn có thể thử 6 cách làm dưới đây:

1. Cố gắng bình tĩnh và kiềm chế cảm xúc

Khi một đứa trẻ khóc lóc, lăn lộn ở nơi công cộng, người lớn có thể có những cảm xúc nội tâm phức tạp như bất lực, bối rối, cáu kỉnh, v.v. Nhưng dù thế nào đi nữa, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và kiềm chế, ngay cả khi trong lòng bạn rất kích động cũng hãy cố gắng tỏ ra bình tĩnh.

Khi cảm xúc của trẻ bộc phát, nếu bản thân cha mẹ trở nên kích động, thậm chí la mắng, đánh đập con thì sẽ chỉ khiến bầu không khí trở nên căng thẳng hơn và không giúp giải quyết được vấn đề.

Vì vậy, không dễ để người mẹ trong video có thể giữ bình tĩnh trước phản ứng khóc lóc của cậu bé.

2. Ở bên cạnh con để cảm xúc bộc phát dần qua đi

Khi cảm xúc của trẻ mất kiểm soát, trước tiên đừng cố gắng lý luận, vì lúc này con bạn rất khó có thể lắng nghe. Bạn có thể thử ở lại với con, đảm bảo rằng con sẽ được an toàn.

Nếu tình huống cho phép, bạn cũng có thể cố gắng sử dụng giọng điệu bình tĩnh và nhẹ nhàng để nói với con, rằng bạn hiểu cảm xúc của chúng. Ví dụ, nếu trẻ luôn thất bại ở bước cuối cùng khi xếp lego và trở nên buồn bã, thậm chí mất kiểm soát cảm xúc, bạn có thể thử nói với trẻ: "Khi mảnh ghép cuối cùng bị đổ xuống, mẹ biết cảm giác rất là khó chịu, đúng không con?", sự đồng cảm này có thể khiến trẻ cảm nhận được sự an ủi, từ đó ngăn ngừa những cơn bộc phát cảm xúc sau này.

3. Kiên trì giữa ranh giới và quy tắc

Khi trẻ bộc phát cảm xúc, người lớn vẫn nên tỉnh táo, lý trí và đưa ra những đánh giá hợp lý về tình huống này; không nên thỏa hiệp một cách mù quáng hoặc dễ dàng thay đổi các quy tắc hay ranh giới mà họ thường đặt ra chỉ vì trẻ bộc phát cảm xúc.

Đối với những trẻ lớn hơn một chút, chúng có thể ý thức được nguyên nhân và kết quả của sự việc hơn. Nếu mỗi khi trẻ khóc và nổi cơn thịnh nộ, bất kỳ yêu cầu nào của chúng đều được đáp ứng, điều đó có thể khiến trẻ cảm thấy rằng, miễn là chúng làm điều này thì chúng có thể đạt được mục đích của mình.

Ví dụ, nếu trẻ khóc và nổi cơn thịnh nộ để yêu cầu một thứ gì đó, nếu cha mẹ xác định rằng món đồ đó thực sự không phù hợp với trẻ thì không thể cho trẻ chỉ vì trẻ khóc, tránh khiến trẻ cảm thấy rằng: “Chỉ cần con quấy khóc là con sẽ được bất cứ thứ gì con muốn”.

Vì vậy, khi trẻ nổi giận hoặc khóc lóc, đôi khi cha mẹ hãy xử lý bằng cách bình tĩnh rồi 'lơ đi', giả vờ như không nhìn thấy, đợi cảm xúc bộc phát của trẻ qua đi.

Từ đoạn video trên, người mẹ đã kiểm soát được cảm xúc của mình, cô giả vờ như không nhìn thấy và bình tĩnh lướt điện thoại, một số cư dân mạng bình luận rằng: "Điều này khiến đứa trẻ hiểu rằng, khóc lóc để đạt được mục đích của mình trong trường hợp này là vô dụng".

4. Hướng dẫn trẻ biểu đạt và kiểm soát cảm xúc

Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ hãy chú ý quan sát, khám phá và ghi lại những điểm khiến trẻ bộc phát cảm xúc, sau đó cố gắng tránh càng nhiều càng tốt. Ví dụ, trẻ có xu hướng mất bình tĩnh mỗi khi mệt mỏi hoặc buồn ngủ, trước khi ra ngoài, cha mẹ tốt nhất nên sắp xếp trước thời gian, lựa chọn khoảng thời gian thích hợp để trẻ ăn ngủ đủ, hoặc là khi chọn đồ chơi cho trẻ, hãy quan sát nếu thấy trẻ khó chơi quá, khiến trẻ dễ bực bội, cha mẹ hãy thử dùng những đồ chơi khác để đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ.

Ngoài ra, sự bộc phát cảm xúc của trẻ còn liên quan đến việc trẻ không có khả năng biểu đạt và quản lý tốt cảm xúc, vì vậy, chúng ta nên chú ý hơn đến việc hướng dẫn, khuyến khích trẻ học cách thể hiện cảm xúc của mình. Ví dụ, nếu bạn thấy con mình có tâm trạng thất thường, bạn có thể thử hỏi chuyện gì đang xảy ra, tại sao trẻ cảm thấy tức giận và trẻ đang muốn gì? Khi trẻ dần học được cách biểu đạt và kiểm soát được cảm xúc của mình, hãy khen ngợi và khẳng định kịp thời.

5. Không khoan nhượng trước những hành vi gây rối hoặc tự gây tổn thương

Khi một đứa trẻ khóc lóc và nổi cơn thịnh nộ, nếu trẻ làm hại bản thân hoặc người khác thì phải ngăn chặn càng sớm càng tốt, đối với tình huống này cha mẹ không được lơ là và khoan nhượng.

Ví dụ khi tức giận, trẻ đập đầu vào tường hoặc lao ra đường thì cha mẹ nên ngăn trẻ dừng lại, sau đó bế trẻ ra chỗ an toàn để trẻ biết rõ rằng điều này là tuyệt đối không được phép.

Theo Tống Vân - Aboluowang
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đứa trẻ khóc lóc lăn lộn trên sàn, cách xử lý của người mẹ khiến cư dân mạng tán đồng