Được, chưa chắc là phúc. Mất, cũng chưa chắc là họa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tái ông mất ngựa, làm sao biết đó là phúc trá hình? Câu chuyện này mọi người đều đã nghe nói qua. Đạo lý họa phúc gắn bó, mọi người cũng đều hiểu rõ, nhưng khi vào cuộc sống thực tế, rất nhiều người liền quên mất.

Đức Phật dạy đời người có tám nỗi khổ, một trong số đó là nỗi khổ không đạt được điều mình mong muốn. Đại đa số phiền não của thế nhân, đều bắt nguồn từ những thứ không đạt được. Luôn cho rằng người khác tốt hơn mình, mình không có những thứ người khác có, không thể có được thứ mình thích. Nếu may mắn có được thì lại lo mất, suốt ngày sống trong nỗi lo được mất, điều này sẽ gây ra áp lực và phiền não vô cùng cho mình.

Kỳ thực, có nhiều thứ không như chúng ta tưởng tượng, được cái gì chưa chắc đã là phúc, mất đi chưa chắc đã là tai họa.

Ảnh Pixabay

Người xưa có câu rất hay: “Trời muốn hại người thì trước phải khoe khoang chuyện phước nhỏ; trời muốn phúc người thì trước phải báo trước tai họa nhỏ”.

Có đôi khi một người rất thuận lợi muốn gió được gió, muốn mưa được mưa, cái gì cũng được, nhìn giống như rất có phúc khí, nhưng thật ra là tai họa. Bởi vì, khi con người quá thuận lợi, thường sẽ nảy sinh tâm lý ngạo mạn; lạc quan mù quáng, tự cho là đúng, kiêu ngạo, bắt đầu coi trọng bản thân, cảm thấy mình có bản lĩnh hơn người. Thất bại và tai họa liền theo đó mà đến.

Một số người làm việc gì cũng không suôn sẻ, không đạt được điều mình muốn, nhưng họ không cam chịu, không từ bỏ mà vẫn giữ vững chính đạo và nỗ lực tiến về phía trước. Từ đó rèn luyện thể chất, tinh thần và ý chí của mình, và cuối cùng đạt được thành công lớn. Mạnh Tử nói: “Sinh trong hoạn nạn mà chết trong an lạc”. Người quá thuận lợi, chưa chắc là chuyện tốt, đau khổ nhiều một chút, cũng chưa chắc là chuyện xấu.

Ví dụ, khi một người đàn ông yêu một người phụ nữ, anh ta cảm thấy cô ấy rất xinh đẹp và hấp dẫn. Anh ta luôn muốn có được cô ấy, theo đuổi cô ấy một cách mãnh liệt. Nhưng sau khi kết hôn, phải mất một thời gian mới nhận ra rằng người phụ nữ tuy xinh đẹp nhưng lại luôn bất cẩn, tính tình thất thường, ham hưởng thụ, ái mộ hư vinh, còn không hiểu hiếu thuận với cha mẹ. Vì con cái, không thể tùy tiện ly hôn, người đàn ông thấy hối hận vô cùng. Trong trường hợp này, bạn nói lấy được là phúc hay không lấy được là phúc? Nếu không lấy được, không kết hôn, anh ấy sẽ luôn cảm thấy lấy được mới là hạnh phúc. Lúc chưa đạt được luôn cảm thấy mình thật xui xẻo.

Ảnh Pixabay

Đôi khi, mất chưa hẳn là một thảm họa. Ví dụ, trên thế gian sức khỏe là điều quan trọng nhất đối với con người, đó là lý do tại sao ngành chăm sóc sức khỏe hiện nay rất phổ biến. Nhưng đôi khi bệnh tật không hẳn là điều xấu, chỉ khi bị bệnh, con người mới hiểu được sự vô thường của cuộc đời; học cách trân trọng cuộc sống và thời gian, chú ý hơn đến chế độ ăn uống của mình, trở nên khiêm tốn, không tự cho mình là đúng.
Xưa nay, trong và ngoài nước rất nhiều người thành công, đều thân tàn chí kiên, làm ra sự nghiệp mà người khỏe mạnh bình thường đều không hoàn thành. Những chuyện như thế này nhiều không đếm xuể.

Cho nên, trong cuộc sống dù mười phần thì tám chín phần không như ý muốn, nhưng chúng ta nhất định phải duy trì một tâm thái bình thường, giống như trong Thái Căn Đàm đã nói: "Không quan tâm hơn thua, nhàn nhã ngắm hoa nở hoa tàn trước đình; đi hay ở vô tình, mạn tùy vân quyển vân thư", tâm tình như vậy, mới có thể khiến chúng ta càng thêm ung dung đối mặt với cuộc sống.

Theo Vương Hoà - Aboluowang - Nguồn: Chinese Studies Miscellanies
Ngọc Liên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Được, chưa chắc là phúc. Mất, cũng chưa chắc là họa