Giới trẻ lại quay về sử dụng điện thoại 'cục gạch', liệu đây có phải là xu hướng tương lai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tưởng chừng như đã bị lãng quên trong kỷ nguyên smartphone bùng nổ, điện thoại cơ bản (dumbphone) lại đang âm thầm ‘lội ngược dòng’ và trở thành lựa chọn ưa thích của giới trẻ.

Theo Sputnik, điện thoại cơ bản, hay còn gọi là 'điện thoại cục gạch', có thể sẽ lại trở nên thịnh hành trong tương lai. Lý do là do ngày càng nhiều người trẻ, đặc biệt là thế hệ Z, cảm thấy ngợp với công nghệ và muốn cai nghiện điện thoại thông minh.

Heineken, thương hiệu bia nổi tiếng, và Bodega, chuỗi bán lẻ thời trang, đã hợp tác ra mắt 'Điện thoại nhàm chán' tại Tuần lễ Thiết kế Milan. Mẫu điện thoại này lấy cảm hứng từ những chiếc điện thoại di động cơ bản của những năm 1990, chỉ có các chức năng cơ bản như gọi điện, nhắn tin và nghe nhạc.

'Điện thoại nhàm chán' sở hữu thiết kế vỏ ngoài trong suốt, màn hình lật và điểm nhấn màu xanh lá cây độc đáo. Theo Andrey Tyukavkin, giám đốc điều hành của công ty xây dựng thương hiệu của chiến dịch, chiếc điện thoại này được tạo ra với mục đích mang đến cho người dùng trải nghiệm giao tiếp cơ bản trong những buổi giao tiếp từ xa, loại bỏ các ứng dụng gây xao nhãng thường thấy trên smartphone.

Heineken và Bodega chỉ sản xuất giới hạn 5.000 chiếc 'Điện thoại nhàm chán' và dự định sẽ phân phối thông qua các cuộc thi thay vì bán lẻ thông thường.

“Các tính năng khác vẫn có, bao gồm đèn pin, lịch, đài FM và báo thức. Chỉ vài năm trước đây, đó là tất cả những gì chúng ta cần cho một buổi đi chơi, đúng không nào?”, ông Tyukavkin cho biết.

Xu hướng sử dụng điện thoại ‘cục gạch’ đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Theo Viện phân tích công nghệ Portulans, thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) đang ngày càng quan tâm đến quyền riêng tư khi trực tuyến và lo ngại về rủi ro đối với dữ liệu cá nhân. Đây được xem là một trong những lý do chính khiến họ ưa chuộng điện thoại 'cục gạch'.

Điện thoại 'cục gạch' với chức năng đơn giản chỉ tập trung vào nghe gọi và nhắn tin, không có kết nối internet hay camera, giúp người dùng giảm thiểu nguy cơ bị theo dõi và lộ thông tin cá nhân.

“Gen Z không nhìn nhận công nghệ theo cách mà các thế hệ khác cảm nhận. Mọi người đều nghĩ rằng mọi thứ không ngừng cải tiến và chúng ta cần nâng cấp để bắt kịp xu hướng, nhưng Gen Z có cái nhìn tổng quan hơn về công nghệ, cả cũ và mới, để xem công nghệ thực sự đang làm gì lên cuộc sống của họ”, ông Tyukavkin phân tích.

Thế hệ Z và làn sóng hoài niệm trong thời đại số

Thế hệ Z, hay còn gọi là những người sinh ra từ giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000, đang nổi lên như một thế hệ hoài nghi về thời đại số. Lớn lên trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, họ chứng kiến những tác động cả tích cực và tiêu cực của internet và mạng xã hội. Do đó, họ có xu hướng tiếp cận công nghệ một cách thận trọng hơn so với các thế hệ trước.

Sự hoài nghi này của Gen Z đã thúc đẩy một làn sóng sản phẩm tập trung vào ký ức hoài niệm. Các sản phẩm này gợi nhớ về những thời kỳ đơn giản hơn, trước khi sự bùng nổ của công nghệ số thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Theo Trithucvn, một cựu nhân viên tài chính 29 tuổi, hiện là nhà sản xuất âm nhạc và rapper, cho hay: “Tôi luôn ghét phải ngay lập tức tương tác với mọi người. Nếu bạn gửi WhatsApp cho ai đó và họ không phản hồi ngay lập tức thì bạn nghĩ ngay có điều gì đó không ổn. Tôi đã từng có thời gian sử dụng điện thoại thông minh nhưng tôi luôn quay lại chiếc điện thoại cơ bản này’’.

Theo một công ty nghiên cứu thị trường, Gen Z là thế hệ duy nhất có thời gian sử dụng mạng xã hội giảm kể từ năm 2021. Điều này cho thấy một sự chuyển biến trong cách thế hệ này tương tác với công nghệ và mạng xã hội.

Joe Birch, nhà phân tích công nghệ tại công ty nghiên cứu Mintel, cho hay: “Có bằng chứng cho thấy thế hệ này đang thay đổi hành vi sử dụng điện thoại, cùng với những lo ngại xung quanh tác động tiêu cực của việc liên tục kết nối trực tuyến. Cứ 5 người thuộc Gen Z thì 3 người bày tỏ họ muốn có ít kết nối hơn với thế giới kỹ thuật số”.

Mong muốn thoát khỏi công nghệ và cai nghiện điện thoại thông minh cũng ngày một rõ ràng hơn trong thế hệ trẻ.

Theo một báo cáo được công bố vào năm 2023, trung bình mỗi thanh thiếu niên nhận được khoảng 237 thông báo mỗi ngày và dành khoảng 4,5 giờ cho điện thoại thông minh. Điều đáng lo ngại là kể cả những người sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên cũng thừa nhận họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị, mặc dù đã biết rõ những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn.

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Giới trẻ lại quay về sử dụng điện thoại 'cục gạch', liệu đây có phải là xu hướng tương lai?