5 giải pháp giúp trẻ em tránh lệ thuộc vào điện thoại di động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều phụ huynh đang phải đối mặt với vấn đề khi thấy con cái của họ trở nên khác biệt khi sử dụng điện thoại di động. Dù ban đầu trẻ có thể rất ngoan nhưng khi sử dụng điện thoại, họ trở nên không quan tâm đến mọi thứ xung quanh và dễ cáu gắt khi bị làm phiền. Vấn đề này khiến nhiều phụ huynh trong thời đại hiện nay lo lắng.

Tác hại khi trẻ em sử dụng điện thoại nhiều

Trong quá khứ, các phụ huynh lo lắng về tác hại của truyền hình và trò chơi điện tử đối với sự phát triển của trẻ, nhưng hiện nay, điện thoại di động đã trở thành kẻ thù lớn của giáo dục. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng điện thoại để lướt web, chơi game và truy cập mạng xã hội trong thời gian dài có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm hủy hoại khả năng diễn đạt ngôn ngữ, tư duy logic và ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ của trẻ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự khác biệt rõ rệt giữa não bộ của trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại và trẻ ít sử dụng điện thoại. Trẻ không tiếp xúc nhiều với điện thoại có não bộ phát triển tốt hơn, trong khi trẻ dùng điện thoại nhiều thì não bộ bị teo lại và kém phát triển. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại cũng có thể gây tổn thương cho tế bào não và gây lão hóa, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

Dưới đây là các tác hại của việc sử dụng quá nhiều điện thoại thông minh ở trẻ em, theo Narayana Health:

  • Gặp vấn đề hành vi
  • Nghiện dùng điện thoại
  • Trầm cảm
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Béo phì
  • Chậm phát triển xã hội
  • Các vấn đề về tập trung và thính giác
  • Các vấn đề về hệ thần kinh

Ngày nay, nhiều trẻ em đã trở thành "tù nhân" của điện thoại di động, dù nó mang lại cho họ niềm vui và sự phấn khích ngắn hạn. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại quá nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất. Vì vậy, cha mẹ cần tham khảo những phương pháp để giúp trẻ giảm sự lệ thuộc vào điện thoại di động.

Thách thức lớn nhất mà các bậc cha mẹ phải đối mặt ngày nay là bất lực nhìn trẻ em dán mắt vào màn hình. (Ảnh: pexels)
Thách thức lớn nhất mà các bậc cha mẹ phải đối mặt ngày nay là bất lực nhìn trẻ em dán mắt vào màn hình. (Ảnh: pexels)

Dành cho trẻ tình yêu và sự đồng hành

Hiện nay, có nhiều trẻ lớn lên trong những ngôi nhà "kín cổng, cao tường", chỉ quen kết nối với màn hình điện thoại, máy tính, tivi. Dù về mặt vật chất, trẻ không thiếu thứ gì, nhưng lại thiếu sự chăm sóc, đồng hành của cha mẹ. Vì thế, trẻ coi smartphone như "cứu cánh" để chống lại cô đơn.

Vì vậy, để giúp trẻ tránh xa điện thoại di động, cha mẹ cần dành thời gian chăm sóc con mỗi ngày. Hãy tham gia trò chuyện, chơi trò chơi hoặc hoạt động thể chất với con để giúp trẻ phát triển toàn diện. Vào cuối tuần, cha mẹ có thể dẫn trẻ đi dã ngoại, chơi thể thao hoặc tham quan du lịch nhiều địa điểm khác nhau. Hãy lắng nghe con và tìm hiểu về những niềm vui và khó khăn mà trẻ gặp phải trong học tập và cuộc sống.

Những điều này sẽ giúp trẻ từ bỏ thói quen dùng điện thoại và đồng thời tạo cơ hội cho cha mẹ và con gắn bó và tương tác gần gũi hơn.

Yêu cầu hoàn thành những việc quan trọng trước

Hãy đảm bảo con bạn hoàn thành bài tập về nhà, việc học, công việc nhà trước khi cho phép bắt đầu sử dụng thiết bị di động. Điều này giúp thiết lập các ưu tiên ngay từ khi còn trẻ.

Khi sử dụng điện thoại di động và xem phim, việc rơi vào cơn nghiện là điều đương nhiên. Điều này đặc biệt khó cưỡng lại đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên mà khả năng tự kiểm soát vẫn đang trong giai đoạn phát triển. (Pxhere)
Khi sử dụng điện thoại di động và xem phim, việc rơi vào cơn nghiện là điều đương nhiên. Điều này đặc biệt khó cưỡng lại đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên mà khả năng tự kiểm soát vẫn đang trong giai đoạn phát triển. (Pxhere)

Giới hạn thời gian sử dụng điện thoại

Cha mẹ nên thiết lập các quy định mà con phải tuân thủ nếu muốn sử dụng điện thoại, ví dụ như chỉ được sử dụng điện thoại trong một giờ mỗi ngày sau khi hoàn thành việc học. Sau đó, cha mẹ cần thu lại điện thoại của trẻ.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên khuyến khích con tránh sử dụng điện thoại trong lúc ăn, học hoặc khi ở trong phòng tối, thay vì cấm hoàn toàn.

Cha mẹ phải làm tấm gương cho trẻ

Thực tế, tình trạng nghiện smartphone không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích của điện thoại như gọi điện, nhắn tin... vẫn rất cần thiết.

Điều quan trọng nhất để giúp con tránh xa thói quen sử dụng điện thoại là bản thân cha mẹ là người "tiên phong" làm gương cho trẻ. Sau khi trở về nhà, các bậc phụ huynh nên tạm thời đặt điện thoại xuống và dành nhiều thời gian hơn bên con.

Có lẽ, một đứa trẻ thích cầm sách đọc thay vì lướt điện thoại, là điều mà hầu hết các bậc cha mẹ đều mong ước! (Ảnh: unsplash)

Thưởng nếu trẻ giảm thời lượng sử dụng điện thoại

Trẻ nhỏ vốn thích được khen thưởng, và trong trường hợp "cai nghiện" điện thoại cũng không ngoại lệ. Hãy thử tặng những món quà để khích lệ tinh thần khi trẻ chủ động cắt giảm thời lượng dùng điện thoại hằng ngày.

Chẳng hạn, cha mẹ có thể nói với con rằng: "Nếu con dành 30 phút để chạy bộ cùng mẹ thay vì ngồi lì ở nhà chơi điện thoại thì cuối tuần, cả gia đình ta sẽ đi cắm trại", "Nếu ngày hôm nay con không động vào điện thoại, mẹ sẽ cho con đi chơi với bạn 20 phút sau khi tan học"... Hãy tập trung vào những thứ con bạn thích và sẵn sàng từ bỏ điện thoại để nhận được món quà đó.

Dương Minh tổng hợp

Xem thêm:

 

 



BÀI CHỌN LỌC

5 giải pháp giúp trẻ em tránh lệ thuộc vào điện thoại di động