Hành trình vượt qua ung thư trực tràng giai đoạn cuối của người phụ nữ 70 tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn ba thập kỷ sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối, đến nay đã hơn 70 tuổi, bà Ryoko Mochizuki không chỉ vẫn sống mà sức khỏe còn cải thiện vượt bậc so với thời kỳ trước khi mắc bệnh.

Bà Ryoko Mochizuki là một người phụ nữ Nhật Bản gốc Hoa. Bà được chẩn đoán mắc ung thư trực tràng giai đoạn cuối vào năm 1991. Khi ấy các bác sĩ ước tính bà sẽ không sống quá 5 năm. Ba mươi năm sau, ở tuổi 70, bà không chỉ sống sót mà sức khỏe của bà còn cải thiện vượt bậc so với thời kỳ trước khi mắc bệnh. Vậy bí quyết của bà là gì?

Bà Mochizuki sinh ra ở Trung Quốc. Năm 1967, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi xướng, gia đình bà Mochizuki bị đấu tố do nghề nghiệp trước đây của cha bà là quản lý cửa hàng dưới thời Nhật Bản. Lớn lên trong nghịch cảnh và sự phân biệt đối xử, bà Mochizuki đã rèn luyện được tính cách kiên cường và quyết đoán, không khuất phục trước khó khăn. Bà mong muốn có thể đạt được thành công và thay đổi vận mệnh.

Vào những năm 1980, sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, ĐCSTQ bắt đầu cho phép tư nhân kinh doanh. Quyết tâm thoát khỏi cảnh chán nản khi làm công việc nhà nước, bà Mochizuki và chồng bà bắt đầu hành trình kinh doanh bằng cách mở nhà hàng. Hai vợ chồng bà xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khách hàng, dần dần mở rộng hoạt động kinh doanh cho đến khi đạt công suất phục vụ tối đa mỗi ngày. Cơ sở kinh doanh của bà là nhà hàng vào ban ngày và trở thành vũ trường vào ban đêm. Việc kinh doanh của hai vợ chồng bà phát triển rất tốt.

“Tôi bận rộn từ sáng đến tối, luôn bỏ bữa và làm việc quá sức cho đến khi cơ thể tôi không thể chịu đựng được”, bà Mochizuki nói. Năm 1991, bà đến bệnh viện kiểm tra và được chẩn đoán mắc nhiều bệnh khác nhau như đau đầu do nguyên nhân thần kinh, bệnh tim, viêm gan C và viêm dạ dày. Đến cuối năm đó, bà được chẩn đoán mắc ung thư trực tràng. Chẩn đoán ban đầu là viêm loét đại tràng, nhưng sau đó được xác định lại là ung thư giai đoạn cuối.

Các bác sĩ nói rằng bà Mochizuki chỉ còn sống được nhiều nhất là 5 năm, thậm chí bác sĩ còn nói: "Hãy ăn bất cứ thứ gì bà muốn. Cứ thưởng thức những món ăn ngon và xem mỗi ngày còn sống là một phước lành".

Bà nói: "Một con người kiên cường như tôi cuối cùng đã phải đầu hàng và thừa nhận thất bại. Ở độ tuổi 40, tôi đang đi trên con đường hướng về cái chết. Cuộc sống quá đau khổ. Tôi nghĩ rằng nếu chết đi, tôi sẽ không phải chịu đựng những đau khổ như vậy nữa".

Trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ trực tràng, các bác sĩ phát hiện thêm khối u ở tử cung và buồng trứng của bà. Do đó, bác sĩ quyết định cắt bỏ toàn bộ trực tràng, tử cung và buồng trứng trong một lần phẫu thuật. "Tôi đau đớn la hét vì không được gây mê toàn thân. Sau đó, cơn đau khiến tôi không thể phát ra âm thanh nào nữa; tôi cảm thấy còn đau khổ hơn cả cái chết".

Thế nhưng nghĩ đến những đứa con thơ và cha mẹ già yếu, bà Mochizuki vẫn kiên trì chiến đấu với căn bệnh ung thư. Khi đối diện với những cơn đau, bà tự hỏi: "Mình đã đạt được những gì mình mong muốn, có được danh tiếng và tiền tài, nhưng cơ thể của mình cũng suy sụp vì những điều này. Chúng ta đang sống vì điều gì? Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là gì?"

Sau đó, bà Mochizuki và gia đình chuyển đến Nhật Bản. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi đến đây, bà đã nhập viện tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản, nhưng ngay cả các chuyên gia ở trung tâm này cũng không thể làm gì thêm.

Đến tận ngày nay, dù 30 năm đã trôi qua nhưng tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân ung thư đại tràng di căn ác tính vẫn ở mức cao. Một nghiên cứu do Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas thực hiện và công bố vào năm 2023 cho thấy thời gian sống trung bình của bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn cuối tăng từ 22,6 tháng trong giai đoạn từ năm 2004 - 2012 lên 32,4 tháng trong giai đoạn từ năm 2016 - 2019. Điều này có nghĩa là, phần lớn bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn cuối vẫn không thể sống quá 3 năm.

May mắn thay, bà Mochizuki đã tìm thấy hy vọng nhờ vào một môn tu luyện cả tâm lẫn thân của Trung Quốc. Vào cuối năm 1997, một người bạn đã giới thiệu cho bà về Pháp Luân Công. Pháp Luân Công là một môn khí công tu luyện theo nguyên tắc Chân - Thiện - Nhẫn, gồm có năm bài tập nhẹ nhàng trong đó có cả thiền định. Kể từ khi được nhà sáng lập Lý Hồng Chí chính thức giới thiệu với công chúng vào năm 1992, ước tính đến năm 1999 đã có 70 đến 100 triệu người Trung Quốc tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Mochizuki nhớ lại ngày đầu tiên tu luyện Pháp Luân Công, mặc dù trước đó bị mất ngủ kinh niên nhưng bà đã có được một giấc ngủ ngon. "Khi tôi tỉnh dậy, trời đã sáng và ánh nắng tràn ngập căn phòng. Gia đình tôi đều đi ra ngoài. Tôi xem đồng hồ thì đã hơn 10 giờ sáng. Tôi đã ngủ rất ngon. Trước đó, tôi chưa bao giờ có được một giấc ngủ ngon như vậy. Pháp Luân Công thực sự rất kỳ diệu".

Cùng với việc kiên trì luyện tập Pháp Luân Công, sức khỏe của bà Mochizuki dần cải thiện. Bà bắt đầu ăn uống tốt hơn, ngủ ngon giấc và có thể quay lại làm việc nhà. Diện mạo của bà cũng trở nên rạng rỡ hơn. Một ngày nọ, chồng bà Mochizuki phát hiện ngôi nhà sạch sẽ và gọn gàng giống như trước khi bà bị bệnh. Bà nói với chồng: "Em đã khỏe rồi. Không cần phải đến bệnh viện và uống thuốc nữa. Mọi người không cần phải lo lắng cho em mỗi ngày nữa. Bệnh của em đã hoàn toàn biến mất!"

Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Mochizuki đã hồi phục sức khỏe. Bức ảnh cho thấy bà đang đứng trước núi Phú Sĩ.
Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Mochizuki đã hồi phục sức khỏe. Bức ảnh cho thấy bà đang đứng trước núi Phú Sĩ. (Ảnh được sự cho phép của bà Ryoko Mochizuki)

Từ chối nhận trợ cấp chăm sóc sức khỏe quốc gia sau khi hồi phục

Năm 1998, bà Mochizuki quyết định hủy bỏ khoản trợ cấp chăm sóc sức khỏe quốc gia. Do trình độ tiếng Nhật hạn chế, bà phải nhờ một người dì đang làm việc cho chính quyền địa phương giúp mình hủy bỏ chế độ trợ cấp này. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần yêu cầu, đề nghị của bà Mochizuki vẫn bị từ chối. Chính phủ liên tục khẳng định rằng trợ cấp chăm sóc sức khỏe là bắt buộc và không thể từ chối. Dì của bà Mochizuki cũng khuyên rằng: "Hãy đưa tiền cho chúng ta nếu con không muốn nhận".

Bà Mochizuki giải thích: "Là một học viên Pháp Luân Công, con phải tuân theo các nguyên tắc Chân - Thiện - Nhẫn. Yêu cầu đầu tiên là phải chân thật. Bây giờ con đã không còn bị ốm nữa nên không thể tiếp tục nhận trợ cấp chăm sóc sức khỏe". Với sự kiên định như vậy, cuối cùng dì của bà Mochizuki đã giúp bà hủy bỏ chế độ trợ cấp chăm sóc sức khỏe.

Tu luyện Pháp Luân Công kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân ung thư: Nghiên cứu

Trường hợp bệnh ung thư hồi phục của bà Mochizuki không phải hiếm đối với các học viên Pháp Luân Công. Một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên năm 2016 của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ đã phân tích 152 trường hợp học viên Pháp Luân Công mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Nghiên cứu cho thấy tính đến thời điểm báo cáo, 149 bệnh nhân vẫn còn sống và khỏe mạnh. So với thời gian sống dự kiến là 5,1 ± 2,7 tháng, thời gian sống thực tế của nhóm tham gia nghiên cứu được kéo dài đáng kể lên đến 56,0 ± 60,1 tháng. Trong số đó, 147 trường hợp (chiếm 96,7%) báo cáo hoàn toàn khỏi bệnh với 60 trường hợp đã được các bác sĩ điều trị xác nhận.

Nghiên cứu này cho thấy tu luyện Pháp Luân Công có thể kéo dài đáng kể thời gian sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cũng như giúp giảm nhẹ triệu chứng.

Tu luyện Pháp Luân Công giúp tăng cường hệ miễn dịch: Nghiên cứu

Một nghiên cứu trước đó cho thấy luyện tập Pháp Luân Công có thể tăng cường hệ miễn dịch. So với những người khỏe mạnh, các học viên Pháp Luân Công có cơ chế điều hòa hai chiều độc đáo ở tế bào bạch cầu trung tính. Trong điều kiện bình thường, tế bào bạch cầu trung tính của học viên Pháp Luân Công có tuổi thọ dài hơn và hoạt động thực bào mạnh hơn so với người bình thường, giúp những tế bào này thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể hiệu quả hơn.

Có một điều rất thú vị là khi có tình trạng viêm, tế bào bạch cầu trung tính của các học viên Pháp Luân Công sẽ chết theo chương trình sớm hơn sau khi đã loại bỏ mầm bệnh, vì vậy giúp giảm viêm nhanh hơn.

Lợi ích sức khỏe khi thực hành Pháp Luân Công không chỉ đến từ năm bài tập mà còn liên quan rất nhiều đến sự thăng hoa tâm tính của người tập. Các nghiên cứu hiện đại đã xác nhận rằng tâm tính, quan điểm về hạnh phúc và những giá trị đạo đức của một người có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của họ.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) cho thấy những người có mục tiêu sống rõ ràng và có khuynh hướng vị tha sẽ biểu hiện gen gây viêm và tăng biểu hiện các gen chống virus ít hơn, cho thấy khả năng chống viêm và chống virus cao hơn so với những người xem trọng hưởng thụ vật chất.

Tìm thấy niềm vui sống và ý nghĩa cuộc đời

Bà Mochizuki cho biết nhờ việc đọc “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Công và học cách sống theo các nguyên tắc Chân - Thiện - Nhẫn, tính cách và quan điểm sống của bà đã thay đổi đáng kể.

“Trước khi tu luyện, tôi luôn muốn là người giỏi nhất trong mọi việc và nghĩ rằng mình có thể làm tất cả mọi thứ. Khi gặp phải đối xử bất công, tôi sẽ tức giận với người khác, đổ lỗi tất cả mọi chuyện cho người khác. Sau khi tu luyện, khi gặp vấn đề, phản ứng đầu tiên của tôi là tự kiểm tra bản thân, đánh giá xem mình đã sai sót ở đâu hay liệu mình có nghĩ đến người khác hay chưa, chứ không quá quan tâm đến “được mất” của cá nhân tôi . Bây giờ tôi luôn vui vẻ và mang lại niềm vui cho những người xung quanh”, bà Mochizuki nói.

Điều quan trọng hơn chính là bà đã tìm được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. “Con người được sinh ra không phải để chống lại nhau hay chỉ đơn giản là sống qua ngày. Thay vào đó, chúng ta nên sống chân chính vì bản thân mình. Ý nghĩa của cuộc sống là quay trở lại với bản chất chân chính, khám phá sự bình an bên trong”, bà nói.

Du khách Trung Quốc từ chửi bới đến cảm động

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Mochizuki đã tham gia nhiều hoạt động khác nhau để ủng hộ các học viên Pháp Luân Công đang bị đàn áp ở Trung Quốc. Để vạch trần tuyên truyền sai lệch về lại Pháp Luân Công của của ĐCSTQ, bà thường đặt bảng thông tin tại các điểm du lịch và phân phát tài liệu tiết lộ sự thật cho du khách Trung Quốc.

Một lần nọ, một thanh niên Trung Quốc đến gần bà và nói: "Bà chết đi! Tôi sẽ bắn chết bà khi bà quay lại Trung Quốc". Bởi vì biết rằng sự thù địch của chàng trai trẻ đối với Pháp Luân Công bắt nguồn từ những tuyên truyền của ĐCSTQ, bà mỉm cười bình tĩnh và đáp lại: "Cháu trai, thật tội nghiệp cho cháu, thật sự rất đáng thương". Ánh mắt hung dữ của chàng trai đột nhiên dịu lại và anh ta cúi đầu bước đi. Khoảng nửa giờ sau, nhóm du lịch Trung Quốc quay trở lại. Chàng trai trẻ đến gần, lấy một tờ báo, lặng lẽ bỏ vào túi và nhẹ nhàng nói: "Cảm ơn bà".

Buông bỏ tâm oán giận với mẹ chồng

Khi bà Mochizuki trở nên khoan dung và nhẫn nhịn hơn, gia đình bà cũng hòa thuận hơn.

Sau khi mẹ chồng chuyển đến ở cùng, bà Mochizuki ngày càng khó chịu với những lời mắng mỏ vô cớ của bà cụ. Nhớ lại việc trước đây mẹ chồng không chịu giúp đỡ khi mình gặp khó khăn tài chính cộng thêm những rắc rối hàng ngày do mẹ chồng gây ra khiến bà ngày càng bất mãn.

Lúc đầu, bà Mochizuki cảm thấy không thể chịu được và thường xuyên cãi nhau với mẹ chồng. Để tránh xung đột, thậm chí bà còn ở lại nhà con gái ở Úc trong 3 tháng. Thế nhưng sau đó, bà Mochizuki đã quyết tâm đối xử với mẹ chồng bằng Thiện và Nhẫn. Dù mẹ chồng mắng mỏ thế nào, bà vẫn chọn im lặng. Khi mẹ chồng đổ nước tiểu vào bồn rửa hoặc làm bừa bãi sau khi đi vệ sinh, bà Mochizuki vẫn dọn dẹp mà không phàn nàn. Bà thường nhớ những lời dạy trong "Chuyển Pháp Luân" rằng: “Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành”.

Sau khi buông bỏ oán giận, bà Mochizuki cảm thấy nhẹ nhõm và hoàn cảnh cũng dần cải thiện. "Tôi cảm thấy trái tim mình đã thay đổi và ngôi nhà của chúng tôi cũng trở nên yên bình hơn. Bà ấy không còn cãi nhau với tôi nữa. Bây giờ, bà ấy có người chăm sóc do chính phủ cử đến và tôi không cần phải đi cùng bà ấy đến bệnh viện hay đi mua đồ tạp hóa nữa".

Tha thứ không chỉ là một đức tính tốt mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Một nghiên cứu cho thấy những người có sự tha thứ, sẵn sàng đối xử tốt với những người đối xử tệ bạc với họ, sẽ có mức độ căng thẳng thấp hơn và có sức khỏe thể chất tốt hơn. Trong một cuộc khảo sát trên 1.000 người Mỹ lớn tuổi, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ba năm sau lần đánh giá đầu tiên, những người không sẵn sàng tha thứ có sức khỏe giảm sút nhiều hơn so với những người sẵn sàng tha thứ.

Thay đổi tư duy để cải thiện sức khỏe

Các chuyên gia y tế công nhận rằng suy nghĩ là một yếu tố quan trọng trong điều trị ung thư. Một bài báo được đăng trên Tạp chí Trends in Cancer của ba chuyên gia từ Đại học Stanford chỉ ra rằng chẩn đoán ung thư thường có tác động nặng nề đến sức khỏe tâm thần của bệnh nhân với tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và lo lắng cao gấp hai đến ba lần so với những người bình thường.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều có tâm lý tiêu cực. Mặc dù có các triệu chứng lâm sàng như nhau nhưng một bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy rằng tai họa đang ập xuống, từ đó dẫn đến lo âu và trầm cảm; tuy nhiên một bệnh nhân khác có thể sẽ coi ung thư là một cơ hội để có những thay đổi tích cực trong cuộc sống.

Các chuyên gia cho rằng chúng ta có thể sử dụng các phương pháp can thiệp tâm lý để giúp bệnh nhân điều chỉnh suy nghĩ trong điều trị ung thư. Phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân nhận ra rằng cơ thể của họ có tiềm năng phục hồi, sức mạnh nội tại và khả năng tự chữa lành. Cách suy nghĩ này sẽ giúp bệnh nhân tham gia các hoạt động có lợi cho sức khỏe và giảm nỗi sợ ung thư tái phát.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được công bố trên Tạp chí Journal of Clinical Oncology năm 2021 cho thấy so với nhóm đối chứng, những người sống sót sau ung thư vú và ung thư phụ khoa giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm như mệt mỏi, mất ngủ và các triệu chứng vận mạch sau 6 tuần tham gia thiền định.

Khi nghĩ về trải nghiệm chiến đấu với bệnh ung thư của mình, bà Mochizuki hy vọng những bệnh nhân ung thư có thể đối mặt với thử thách này bằng một tâm trí bình tĩnh. "Cuối cùng, ai cũng phải đối diện với cái chết, chỉ khác nhau về cách thức. Khi tâm trí của bạn bình tĩnh, mọi chuyện sẽ không còn quá khó khăn", bà Mochizuki nói.

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Tác giả: Ellen Wan

Ellen Wan làm việc cho The Epoch Times tiếng Nhật từ năm 2007.



BÀI CHỌN LỌC

Hành trình vượt qua ung thư trực tràng giai đoạn cuối của người phụ nữ 70 tuổi