Hậu quả khi không kiểm tra kỹ vaccine COVID-19 mRNA: Sảy thai, giảm thị lực, nhiễm độc hệ miễn dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong loạt bài “Lời hứa và hiểm hoạ: Những vấn đề đáng báo động về vaccine COVID-19 mRNA”, chúng ta sẽ tìm hiểu những thiếu sót trong quy trình đánh giá công nghệ mRNA. Chính sự thiếu sót này đã tạo tiền đề cho các tác phụ dụng nghiệm trọng liên quan đến những thành phần chưa được kiểm tra độ an toàn như hạt nano lipid, protein gai, các tạp chất như DNA và lipid cũng như phân tử mRNA đã chỉnh sửa.

Lời hứa và hiểm họa: Những vấn đề đáng báo động về vaccine COVID-19 mRNA (Phần 2)

FDA nới lỏng quy định kiểm tra phân phối sinh học và dược động học để chấp nhận một “quả trứng biến đổi gen - bioengineered egg” nhưng chỉ kiểm tra phần vỏ.

Tóm tắt các điểm chính:

  • Vaccine COVID-19 mRNA được sử dụng trên người nhưng có nhiều thành phần chưa được kiểm tra trên mô hình động vật.
  • Dữ liệu thử nghiệm trên động vật cho thấy phân tử mRNA và lớp vỏ LNP tồn tại với nồng độ cao ở mô trong khoảng 72 giờ. Điều này phù hợp với khoảng thời gian xảy ra những phản ứng toàn thân là hai đến ba ngày đầu tiên sau khi tiêm vaccine.
  • Các phân tử chất béo được sử dụng để tạo nên lớp vỏ LNP có khả năng tồn tại trong cơ thể từ 4 đến 5 tháng do có thời gian bán hủy dài. (pdf)
  • Thử nghiệm trên động vật cho thấy tỷ lệ tác dụng phụ tăng cao, gồm có viêm khớp và sảy thai sớm.
  • Cơ quan quản lý y tế đã biết những tác dụng phụ trên mô hình động vật vào tháng 1 năm 2021. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn được cho phép sử dụng ở người, với lập luận rằng vaccine sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với nguy cơ.
  • Các nghiên cứu sau cấp phép nhằm tìm hiểu tác dụng phụ hiếm gặp đã tìm được những bằng chứng về tác dụng phụ viêm cơ tim sau tiêm vaccine, các bệnh lý thần kinh, giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu thấp - low platelet counts) và huyết khối. Đồng thời, một nghiên cứu mới cho thấy nguy cơ mất thị lực tăng gấp đôi sau khi tiêm vaccine.

Những lời trấn an sai lầm của CDC

Như chúng tôi đã thảo luận trong Phần 1, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không yêu cầu hai công ty Pfizer và Moderna tiến hành thử nghiệm phân phối sinh học của mRNA mã hóa protein gai của vaccine. Việc nới lỏng thử nghiệm dược động học và phân phối sinh học của FDA giống như chấp nhận một loại “trứng biến đổi sinh học - bioengineered egg” nhưng chỉ kiểm tra phần vỏ và không kiểm tra các thành phần bên trong.

Bản báo cáo được Pfizer gửi đến FDA (pdf), cơ quan y tế của Úc, Nhật Bản (pdf) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) (pdf) vào tháng 1 năm 2021 có dữ liệu trên mô hình động vật giống nhau, cho thấy lớp vỏ LNP sẽ di chuyển khắp cả cơ thể. Báo cáo này cho biết nghiên cứu này đã dùng một phân tử mã hóa cho luciferase để thay thế và mô phỏng quá trình di chuyển của mRNA.

Có thể bạn chưa nghe từng nghe đến hợp chất luciferase. Hợp chất này là một loại enzyme vô hại có ở đom đóm và nhiều nơi khác trong tự nhiên với khả năng phát quang sinh học - nghĩa là có thể phát sáng trong bóng tối. Do đó, luciferase rất có ích khi sử dụng để mô phỏng các hợp chất sinh học trong mô động vật.

Báo cáo cũng cho thấy sự phân tán rộng của lớp vỏ LNP. Tuy nhiên, CDC lại đưa ra những lời trấn an sai lầm về khoảng thời gian hoạt động sinh học và phân phối sinh học của vaccine bằng những dữ liệu ít ỏi trên mô hình động vật cũng như không có dữ liệu về phân phối sinh học trong cơ thể người. CDC đưa ra lời trấn an mơ hồ và dễ gây hiểu lầm trong khi có những dữ liệu vào thời điểm đó mâu thuẫn với các tuyên bố này. Và cuối cùng, người dân đều cho rằng những thông tin này là sự thật.

Mặc dù trang web chính thức của CDC từng thông báo rằng mRNA sẽ bị ly giải trong vòng vài ngày và protein gai không tồn tại trong cơ thể sau vài tuần tiêm vaccine. Tuy nhiên, không có dữ liệu cụ thể để chứng minh những thông tin này, vì vậy CDC đã loại bỏ những thông tin đề cập đến khoảng thời gian cụ thể và hiện chỉ có thể xem được thông báo này ở phần lưu trữ.

Để hiểu được những tác động của công nghệ vaccine mRNA đến sức khỏe con người, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu quá trình di chuyển của luciferase, protein gai và LNP cũng như thời gian chúng tồn tại trong cơ thể.

Kết quả nghiên cứu với chất phát quang sinh học luciferase

Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) là một cơ quan của Liên minh Châu Âu có vai trò tương đương với FDA. Báo cáo của EMA (pdf) tiết lộ thêm nhiều chi tiết về các nghiên cứu trên động vật. Nghiên cứu cho thấy quá trình di chuyển của luciferase và LNP cũng như nồng độ của những hợp chất này trong các mô sau khi tiêm vaccine.

Công ty Pfizer đã thực hiện nghiên cứu bằng hai phương pháp: đánh dấu phát quang sinh học cho luciferase (thay thế cho mRNA) và đánh dấu phóng xạ cho lớp vỏ LNP.

Các tín hiệu luciferase đạt mức tối đa ở vị trí tiêm trong vòng sáu giờ sau tiêm, gấp 10.000 lần so với nhóm các động vật đối chứng. Hoạt động của luciferase cũng được phát hiện ở hạch bạch huyết và gan. Sau đó, tín hiệu giảm dần vòng trong 72 giờ. (trang 46) Mức độ tín hiệu tiếp tục giảm và đến ngày thứ chín, nồng độ luciferase ở động vật được tiêm thuốc cao gấp bảy lần so với nhóm động vật đối chứng. Nghiên cứu không tiếp tục theo dõi sau ngày thứ chín. Hoạt tính của luciferase tăng cao trong 72 giờ đầu tiên có liên quan đến các tác dụng chúng ta gặp phải khi tiêm vaccine.

Nghiên cứu đánh dấu phóng xạ trên lớp vỏ LNP cho thấy mức độ tín hiệu cao nhất ở hầu hết các mô trong vòng 8 đến 48 giờ sau tiêm. Hầu hết LNP sẽ tập trung ở gan. Báo cáo cũng mô tả thời gian chất này tồn tại trong gan. Khi sử dụng nghiên cứu này để ngoại suy cho người, chúng ta sẽ thấy rằng một loại chất béo trong đó thành phần của LNP (ALC-0315) có thể tồn tại trong gan từ 4 đến 5 tháng (trang 53-54)

Hai nghiên cứu trên động vật này cho thấy rằng mRNA và vỏ LNP tồn tại trong các mô với nồng độ cao nhất trong vòng 72 giờ.

Hình 1. Tác dụng phụ tính theo ngày kể từ mũi vaccine cuối cùng. (The Lancet Infectious Diseases 2022 22802-812DOI: 10.1016/S1473-3099(22)00054-8)

Kết quả nghiên cứu đối với protein gai

Sau khi LNP xâm nhập vào tế bào và giải phóng mRNA, protein gai sẽ được tổng hợp và trình diện trên bề mặt tế bào của chúng ta. mRNA chứa thông tin để tạo ra phân tử protein gai hoàn chỉnh, chứa hai tiểu đơn vị (S1 và S2). Khi hệ miễn dịch phát hiện các tế bào trình diện protein gai sẽ kích hoạt đáp ứng miễn dịch giống như virus lây nhiễm vào tế bào.

Khi những tế bào này bị hệ miễn dịch tiêu diệt, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để liên kết với protein gai. Tuy nhiên, phân tử protein gai, trong đó bao gồm cả tiểu đơn vị S1 sẽ được giải phóng vào máu trong quá trình đáp ứng và tiêu diệt tế bào bị nhiễm của hệ miễn dịch.

Hiện tượng protein gai lưu thông trong máu giúp giải thích một số tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm cơ tim và nhiều tác dụng phụ khác, trong đó bao gồm cả các bệnh lý thần kinh hiếm gặp khi nhiễm COVID-19 hoặc tiêm vaccine BNT162b2 và vaccine mRNA-1273.

Ví dụ, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation cho biết “Phân tử protein gai hoàn chỉnh không liên kết với kháng thể tăng cao (33,9±22,4 pg/mL) trong huyết tương của những người bị viêm cơ tim sau tiêm vaccine, ngược lại không có protein gai tự do ở những người đã tiêm vaccine không có triệu chứng (Test-t không ghép đôi; P <0,0001). Như vậy, nói cách khác, protein gai tự do có thể liên quan đến nguyên nhân tại sao một số người trẻ bị viêm cơ tim sau tiêm vaccine.

Nghiên cứu này cho thấy sự khác biệt giữa hai nhóm không phải là do kháng thể trung hòa ở nhóm bị viêm cơ tim mà có thể là do hệ miễn dịch bẩm sinh hoạt động quá mức. Như vậy, dù có quá nhiều kháng thể cũng không phải là nguyên nhân gây ra viêm cơ tim. Các tác giả nghi ngờ rằng tác dụng phụ này có liên quan đến một thành phần của hệ miễn dịch. Đó là hệ miễn dịch bẩm sinh.

Hệ miễn dịch bẩm sinh có chức năng giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, ngay cả trong lần đầu tiên cơ thể tiếp xúc một loại virus hoặc vi khuẩn lạ. “Hàng phòng thủ đầu tiên” này (các cytokine gây viêm) không cần phải được huấn luyện để xác định các vật ngoại lại. Đáp ứng miễn dịch bẩm sinh quá mức có liên quan đến tình trạng dị ứng và cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm cơ tim.

Ngược lại, một số tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng hiện tượng ức chế phản ứng miễn dịch bẩm sinh tự nhiên có thể giúp giải thích một số tác dụng phụ của vaccine mRNA COVID-19.

Bởi vì phân tử mRNA và protein gai do phân tử này mã hóa chưa từng được thử nghiệm trên động vật hoặc nuôi cấy trên mô sống nên chúng ta cũng không có cách nào chứng minh được những giả thuyết này. Như vậy, FDA đã cấp phép cho một sản phẩm mà chưa thử nghiệm đầy đủ độc tính tiền lâm sàng.

Độc tính của lớp vỏ hạt nano lipid?

Báo cáo của EMA cho biết: “Không có nghiên cứu dược động học hay nghiên cứu phân phối sinh học thông thường nào được thực hiện với vaccine BNT162b2” (trang 45). Báo cáo tiếp tục cho biết, các nghiên cứu phân phối sinh học rất quan trọng vì “ALC-0315 và ALC-0159 là những tá dược mới, chưa từng được sử dụng trong các sản phẩm từng được phê duyệt ở EU”. Hai “tá dược” mới này (ALC-0315 và ALC-0159) là các hạt nano lipid được sử dụng để tạo ra lớp vỏ LNP. Đây là những hợp chất mới, khác với các hợp chất PEGylat được sử dụng trong nhiều loại thuốc tiêm.

Trong báo cáo này, EMA cho biết thời gian bán hủy của phân tử lipid ALC-0315 tương đối dài. (trang 46). Thời gian bán hủy là khoảng thời gian cần thiết để nồng độ của một chất giảm xuống một nửa. Ở trang 54, báo cáo của EMA cho thấy rằng thời gian bán hủy của ALC-0315 là khoảng 20 đến 30 ngày và 95% hợp chất này sẽ được loại bỏ trong vòng từ 4 đến 5 tháng.

Có một bản tóm tắt độc lập (pdf) của Cục An toàn Dược phẩm và Sức khỏe Môi trường chính phủ Nhật Bản (tháng 2 năm 2021) nhằm đánh giá tất cả các dữ liệu trước khi quyết định cấp phép. Báo cáo này cho rằng vaccine có “ít độc tính” lên gan, (trang 20), tuy nhiên lưu ý rằng: “độc tính lâu dài khi tiêm lặp lại vaccine Comirnaty chưa được đánh giá” và do đó, nên hạn chế liều tiêm và việc sử dụng lipid trong vaccine không nên được xem là tiền lệ để áp dụng cho các loại vaccine khác.

Nói cách khác, dù các hợp chất PEGylat đã được sử dụng nhiều trong y học, nhưng lại có rất ít thông tin về việc sử dụng các chất này trong lớp vỏ vận chuyển vaccine LNP, do đó hiện tại không có dữ liệu nào khuyến cáo tiêm lặp lại vaccine như tiêm thêm liều tăng cường ngoài những mũi tiêm cơ bản.

EMA cũng đồng ý rằng: “Vaccine [BNT162b2] chứa hai thành phần mới (lipid cation ALC-0315 và chất lỏng PEGylat hóa ALC-0159) trong lớp vỏ LNP. Và dữ liệu về hai thành phần này vẫn còn hạn chế”. Do thời gian bán hủy của lipid ALC-0315 dài và PEG-lipid ALC-0159 có độc tính, EMA cũng thừa nhận rằng mặc dù không có những lo ngại rõ ràng và tức thời khi sử dụng ở người, nhưng cũng có rất ít dữ liệu và “các bằng chứng hiện tại vẫn không chắc chắn”.

“Độc tính của PEG phụ thuộc vào liều lượng, tần suất, thời gian dùng và trọng lượng phân tử của protein PEG, khả năng sinh miễn dịch của PEG tương đối tốt do trọng lượng phân tử của PEG thấp (<2KDa ). Các dữ liệu khoa học trong giai đoạn này không có lo ngại về khả năng sinh miễn dịch và độc tính miễn dịch của PEG, nhưng những bằng chứng này vẫn chưa chắc chắn”. (trang 134)

EMA lưu ý các tác dụng phụ nghiêm trọng ở nhóm dùng vaccine (21%) cao gấp đôi so với nhóm dùng giả dược (13%). Tuy rằng, chỉ có tần suất thấp (<1%) nhưng các nhóm biến cố bất lợi trên cơ quan/hệ cơ quan sau đây được báo cáo thường xuyên nhất: “Rối loạn chung và biểu hiện tại chỗ tiêm” (11,9% so với 2,9%), “ các phản ứng trên hệ cơ xương” (5,5% so với 2,1%) và “các rối loạn hệ thần kinh” (4,2% so với 2,1%).

Do thành phần có hoạt tính của vaccine (mRNA mã hóa cho protein gai) không được thử nghiệm trong các nghiên cứu trên động vật nên những phát hiện trên mới chỉ thể hiện được độc tính miễn dịch của lớp vỏ LNP. Tuy nhiên, EMA vẫn kết luận rằng nhìn chung những lợi ích chung này cho thấy có thể sử dụng vaccine để bảo vệ người già và những người có bệnh nền.

Tỷ lệ viêm nhiễm và sảy thai được ghi nhận trong báo cáo của EMA

Trong các nghiên cứu về độc tính liều lặp lại, chuột thí nghiệm sẽ được tiêm mỗi tuần một mũi vaccine trong vòng ba tuần. Sau đó các nhà nghiên cứu đã ghi nhận được tình trạng viêm khớp, viêm hạch bạch huyết và những thay đổi trong tủy xương. (trang 49)

Các xét nghiệm độc tính trên hệ sinh sản (trang 50) cho thấy “Có sự gia tăng (khoảng 2 lần) tỷ lệ sảy thai trước khi làm tổ (9,77%, so với nhóm đối chứng là 4,09%), mặc dù tỷ lệ nằm trong phạm vi của những nghiên cứu trước đây (5,1% -11,5 %)”. Nói cách khác, mặc dù tỷ lệ sảy thai ở động vật tiêm vaccine cao gấp đôi so với động vật trong nhóm đối chứng, nhưng tỷ lệ này vẫn nằm trong phạm vi dự kiến từ kết quả những nghiên cứu khác. Chúng ta cũng có thể tìm thấy thông tin này trên trang 55 trong báo cáo của Úc.

Vaccine BNT162b1 là một trong loại vaccine thử nghiệm của Pfizer. Loại vaccine này chỉ mã hóa cho vùng gắn với thụ thể, chứ không phải mã hóa cho protein gai hoàn chỉnh và tỷ lệ sảy thai trước khi làm tổ của vaccine BNT162b1 thấp hơn nhiều (4,8%) so với loại vaccine BNT162b2. Tuy nhiên loại vaccine thứ hai (BNT162b2) lại được chọn tung ra thị trường vì có ít tác dụng phụ hơn.

Một số bệnh lý mất thị lực có tương quan với vaccine

Một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature đã xác nhận “mối tương quan chặt chẽ giữa vaccine mRNA và tình trạng tắc mạch máu võng mạc”. Võng mạc là một phần của mắt có vai trò tiếp nhận ánh sáng và chuyển đổi thành các tín hiệu thần kinh, sau đó biến đổi thành hình ảnh trong não.

Võng mạc được bao phủ bởi các mạch máu nhỏ, và khi những mạch máu này bị tắc do bệnh lý tim mạch hoặc bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến mất thị lực. Sự tắc nghẽn những mạch máu nhỏ này có thể do tình trạng sưng phù, co thắt, lưu lượng máu kém và huyết khối tắc mạch (có cục máu đông). Nhiễm SARS-CoV-2 cũng liên quan đến bệnh lý tắc mạch máu võng mạc.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tiêm vaccine có thể gây ra tình trạng tắc mạch máu. Nghiên cứu trên đã sử dụng hồ sơ y tế của khoảng 6 triệu người để tìm hiểu mối liên hệ lâu dài giữa vaccine và tình trạng tắc mạch máu. Nhóm tác giả đã chọn 745.041 người đã tiêm vaccine và 3.874.458 người chưa tiêm vaccine, cuối cùng tạo thành nhóm so sánh với hơn 500.000 người trong mỗi nhóm.

Trong nhóm những người đã tiêm vaccine, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 415 trường hợp từ 18 đến 64 tuổi và 1108 trường hợp trên 65 tuổi. Điều này cho thấy nguy cơ tắc võng mạc cao gấp ba lần trong vòng 12 tuần sau khi tiêm vaccine và cho đến 2 năm sau, nguy cơ này vẫn cao gấp 2 lần so với những người không tiêm vaccine. Không có sự khác biệt về nguy cơ tắc mạch máu võng mạc khi sử dụng các loại vaccine mRNA khác nhau (Pfizer so với Moderna) và nguy cơ tắc mạch vẫn tăng dù tiêm mũi một hay hai mũi. Nguy cơ cao nhất xảy ra trong hai tuần đầu tiên và kéo dài trong vòng 12 tuần. Nguy cơ này giống nhau ở nam giới và nữ giới cũng như giữa các chủng tộc/sắc tộc khác nhau.

Các tác giả của nghiên cứu suy đoán rằng có thể cấu trúc giống nhau giữa protein gai và protein người đã gây ra tình trạng tắc mạch.

Tóm lại, các báo cáo này đã nêu lên nhiều vấn đề mà chúng tôi thảo luận trong loạt bài này.

  1. Lớp vỏ LNP được phân tán khắp cơ thể, trong đó chủ yếu tập trung tại gan. Liệu lớp vỏ này sẽ bị phân giải hay vẫn giữ nguyên cấu trúc? Lớp vỏ LNP sẽ tồn tại trong cơ thể bao lâu? Phản ứng miễn dịch với LNP có liên quan đến tình trạng mất thị lực sau khi tiêm vaccine không?
  2. LNP có thể vượt qua hàng rào máu não (BBB) giống với tiểu đơn vị S1 của protein gai (trên chuột). Hậu quả khi LNP và tiểu đơn vị S1 vượt qua được hàng rào máu não là gì?
  3. Hạt nano lipid ALC-0315 có thời gian bán hủy dài (khoảng 6 tuần trong gan). Liệu có đúng là 95% phân tử này sẽ đào thải khỏi cơ thể con người trong vòng 4 đến 5 tháng không?
  4. EMA tuyên bố rằng độc tính miễn dịch có liên quan đến thành phần polyethylene glycol (PEG) (trang 134). Đây là lần đầu tiên PEG-lipid ALC-0159 được sử dụng làm thành phần để sản xuất vaccine ở người. PEG-lipid ALC-0159 sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch như thế nào?
  5. mRNA sẽ tồn tại trong cơ thể bao lâu? Phân tử này có nằm trong lớp vỏ LNP cho đến khi vào tế bào hay không? Và có thể thoát ra khỏi lớp vỏ LNP hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu mRNA lưu thông trong máu? (Điều này sẽ được thảo luận trong Phần 3 của loạt bài)
  6. Protein gai tự do được phát hiện ở những bệnh nhân viêm cơ tim, nhưng tình trạng này vẫn không được kiểm soát. Protein gai sẽ tồn tại trong cơ thể bao lâu? Và sẽ di chuyển như thế nào trong cơ thể? Protein gai hoặc tiểu đơn vị S1 đã gây ra bệnh viêm cơ tim hoặc những tác dụng phụ khác bao gồm cả những bệnh lý thần kinh như thế nào? (Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này trong Phần 4)
  7. Báo cáo của EMA lưu ý rằng các liều vaccine dùng trong thử nghiệm lâm sàng không có những tạp chất trong loại vaccine sản xuất theo quy trình thương mại. Những loại tạp chất này gồm các đoạn RNA mã hóa cho các phân tử protein khác, có thể gây ra tác dụng phụ, trong đó bao gồm cả phản ứng dị ứng mà chúng ta sẽ thảo luận sau các phần sau. Những tác dụng phụ này thường gặp ở nữ hơn nên cần đánh giá kỹ nguy cơ này bằng nhiều thông số khác (Sẽ được thảo luận trong Phần 5)
  8. Yếu tố nào đã tác động lên các dây thần kinh ngoại biên và gây ra bệnh liệt mặt? Có những nghiên cứu mới nào mô tả tác dụng phụ về thần kinh, tim mạch, sinh sản và tự miễn? Chúng ta có thể làm gì để giảm nguy cơ cho những tác dụng phụ có thể xảy ra trong tương lai?

Những tác dụng phụ được EMA ghi nhận vào tháng 1 năm 2021 cho thấy rằng cần thực hiện đầy đủ các nghiên cứu trên động vật và các nghiên cứu độ an toàn và phân phối sinh học trên người trước khi cấp phép cho các sản phẩm vaccine.

Ngoài ra, báo cáo của EMA cũng phát hiện được sự khác nhau giữa các lô vaccine. Điều này yêu cầu cần thêm báo cáo từ các công ty sản xuất. Ai sẽ cập nhật những thông tin này cho công chúng? Tại sao FDA không áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt dành cho “liệu pháp di truyền” đối với vaccine mRNA? Nói cách khác, tại sao vaccine lại được phê duyệt đặc biệt khi sử dụng công nghệ của “liệu pháp di truyền”?

Các nghiên cứu bắt buộc vẫn có thể thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn. Hơn nữa, với khoản thu khổng lồ khi phân phối vaccine trên toàn cầu, tại sao không đẩy nhanh các nghiên cứu hậu thị trường? Một trong những biểu hiện của việc nới lỏng quy định nữa là: FDA cho phép các nghiên cứu sau khi đưa vaccine ra thị trường được nộp báo cáo về tỷ lệ mắc và diễn biến tự nhiên của bệnh viêm cơ tim do vaccine sau tháng 9 năm 2024.

(Còn nữa)

Trong phần tiếp theo: Chúng ta sẽ tìm hiểu cấu trúc của LNP trong Phần 3 và đánh giá xem cấu trúc này sẽ khiến LNP ngưng kết hoặc phân rã như thế nào, cả hai hiện tượng trên đều có thể tạo ra huyết khối.

Lời hứa và hiểm họa: Những vấn đề đáng báo động về vaccine COVID-19 mRNA (Phần 1)

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm của nhóm tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Các tác giả: Allison Krug, Dr. Ram Duriseti, Xiaoxu Sean Lin and Yuhong Dong
Allison Krug là một nhà dịch tễ học và một nhà quản lý dự án có kinh nghiệm thực hiện các chương trình y tế dân số. Cô là tác giả chính trong nghiên cứu phân tích rủi ro-lợi ích phân tầng đầu tiên của việc tiêm vaccine mRNA ở thanh thiếu niên và là biên tập viên cho hơn 400 bài báo nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí được bình duyệt và có hệ số tác động cao. Cô cũng là người sáng lập và giám đốc điều hành của Artemis Biomedical Communications, LLC



BÀI CHỌN LỌC

Hậu quả khi không kiểm tra kỹ vaccine COVID-19 mRNA: Sảy thai, giảm thị lực, nhiễm độc hệ miễn dịch