Học tập người xưa qua 'Nữ đức tu thân'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôn Trung Sơn từng nói “Nhìn người phụ nữ biết được sự thái bình, an nguy của thiên hạ, nhìn người mẹ biết được sự hưng suy của gia đình”. Nam giới đều kỳ vọng kết hôn với người phụ nữ dung mạo và phẩm hạnh câu toàn; con cái mong ước mẹ mình hiền đức, ôn nhu; cha mẹ hy vọng con gái của mình dịu dàng, trí huệ. Những mong muốn này của con người từ xưa đến nay chưa bao giờ thay đổi, duy chỉ có một thứ biến đổi chính là con người hiện đại đã thay đổi chuẩn tắc và phương pháp giáo dục người con gái, xã hội hiện đại rất khó nhận biết biết thế nào là hiền thục, lương thiện, trí huệ.

Từ xưa đã có rất nhiều sách liên quan đến nữ giáo (giáo dục phụ nữ), nữ đức (đức hạnh của phụ nữ).

Sách “Nữ giới” – Đông Hán Ban Chiêu có viết: “Trong đời sống hằng ngày, phụ nữ có bốn quy phạm hành vi cần phải có là phụ đức, phụ ngôn, phụ dung và phụ công. Tao nhã, hiền thục, thanh khiết, trầm tĩnh, cung kính, cẩn thận, giữ tiết tháo, cử chỉ đoan chánh, tâm biết hổ thẹn, lời nói, việc làm đều có quy củ, phù hợp lễ nghi, đây chính là phụ đức".

Nữ đức cũng gọi là khôn đức, đất là khôn, nuôi dưỡng và chứa đựng vạn vật. Trong lịch sử rất nhiều cuốn sách cổ như “Nữ giới”, “Nữ huấn”, “Nữ hiếu kinh” “Nữ nhi kinh”… đã mô tả cụ thể hình tượng nữ tính mẫu nghi thiên hạ của khôn đức như thế nào, làm thế nào để bồi dưỡng những đức tính lương thiện của người phụ nữ như “ôn, lương, cung, kiệm” (ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm).

Lựa lời mà nói, không nói lời khó nghe, cho dù là lời tốt cũng phải chọn thời điểm thích hợp mới nói ra, sẽ không khiến người phản cảm, đây chính là phụ ngôn.

Y phục dù cũ hay mới cũng phải giặt cho sạch sẽ, phục sức tươi sáng thanh khiết, tắm gội đúng lúc, giữ thân thể sạch sẽ, đây chính là phụ dung.

Chuyên tâm may vá, dệt vải, không nói đùa cười cợt với người khác, chuẩn bị rượu và thức ăn ngon, tiếp đãi khách chu đáo, đây chính là phụ công.

Làm được bốn điều này thì người phụ nữ đã lập được đại công.

Là người phụ nữ tính tình dịu dàng, thong dong, càng nhiều lời thì càng tổn thất, chi bằng kiệm lời. Người giỏi biết kiềm chế, nhất định phải thận trọng hơn.

Người xưa có câu: “Một người nếu có thể giảng đạo lý cho người khác bằng tâm thái vui vẻ, ôn hòa, thì dù là người có tính cách kiên cường như đá cũng cảm động mà tự thay đổi. Nếu nói những lời chanh chua, cay nghiệt, làm tổn thương người khác, thì tai họa sẽ mạnh mẽ như lửa lớn thiêu rụi cỏ trên bình nguyên, vô phương cứu vãn”.

Người xưa còn có câu: “Miệng người nếu có thể thường đóng giống như cửa nhà, không dễ dàng đa ngôn loạn ngữ, thì lời nói ra sẽ bền lâu. Lời người nói ra như bát nước đổ đi không thể lấy lại”.

Từ đó có thể thấy người xưa rất nghiêm khắc yêu cầu người phụ nữ nói năng thận trọng.

Trong giáo dục của người xưa còn có một yêu cầu rất quan trọng nữa đối với người phụ nữ là “ti nhược”, “ti” chỉ sự khiêm nhường, “nhược” chỉ sự mềm yếu; khiêm nhường và mềm yếu là đại biểu cho đức hạnh quan trọng nhất của người phụ nữ. Ti nhược ở đây chính là chỉ “hậu đức tải vật” (đức dày chứa đựng vạn vật), nhược thể hiện rõ ràng phẩm hạnh “thượng thiện nhược thủy”. Nếu như người phụ nữ xưa không làm được khiêm nhường, thiện lương, mềm yếu thì cũng chính là mất đi nữ đức.

Người xưa sau khi sinh hạ con gái ba ngày, thì đặt con ngủ ở dưới giường, lấy con thoi dệt vải bằng đất nung cho con làm đồ chơi. Để bé gái ngủ ở dưới giường thể hiện rằng con gái nên biết yếu mềm, khiêm nhường, dùng con thoi dệt vải làm đồ chơi thể hiện bé gái cần phải có đức tính lao động cần cù, giữ đạo cần kiệm trong gia đình.

Ban Chiêu. (Miền công cộng)

“Nữ nhi kinh” cũng viết:

“Nữ Nhi Kinh, hãy nghe tinh. Sáng dậy sớm, ra khỏi phòng. Nấu nước trà mời mẹ cha. Chăm tắm rửa, yêu sạch sẽ. Học vá may, chớ lười biếng”.

“Cha mẹ mắng, chớ nói năng. Trước anh chị, xin dạy bảo. Việc lửa đèn, phải cẩn thận. Mặc quần áo, cũ như mới”.

“Tu bản thân, như đi băng”; “Đứng hay ngồi, phải đoan chính. Cất bước đi, cần chắc chắn”.

Thời xưa, những phụ nữ có giáo dưỡng đều được yêu cầu động tác phải nhàn tĩnh, tâm thái tường hòa, chuyển động dịu dàng, uyển chuyển. Cử chỉ đoan trang, cung kính. Lễ tiết thời xưa có nguồn gốc từ các nghi lễ nhà Chu, có những yêu cầu rất cụ thể đối với phụ nữ trong mỗi trường hợp về cách đứng, ngồi, đưa tay, cầm chén trà ra sao, cách di chuyển, điều chỉnh ngữ điệu âm thanh và nét mặt nụ cười như thế nào.

Còn nhiều yêu cầu cụ thể khác như: đối đãi với người khác phải khiêm nhường, cung kính, không thể sơ suất với bất kỳ ai. Gặp việc tốt thì luôn nhường người khác hưởng, bản thân không tranh đua. Làm điều tốt cho người khác cũng không được khoe khoang, gặp việc ủy khuất cũng không tranh biện. Thời thời khắc khắc dè dặt cẩn thận, kính nể phục tùng.

Hằng ngày dậy sớm nhất, chăm lo việc nhà, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng không bụi bẩn, làm cơm canh thơm ngon vừa vị, thu xếp bản thân sạch sẽ chỉnh tề. Mỗi đêm sắp xếp cho người trong nhà nghỉ ngơi hết rồi mình mới đi nghỉ.

Những cô gái được bồi dưỡng theo cách này thì làm sao có thể không làm cho gia đình thịnh vượng và hạnh phúc chứ? Trước những yêu cầu trên thì người hiện đại chỉ có trố mắt không nói nên lời! Cái tôi bị phóng đại hoàn toàn không thể chấp nhận được việc đặt bản thân vào vị trí thấp nhất-cũng là vị trí cao thượng nhất.

Theo Lan Nhược - ChanhKien.org
Ngọc Liên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Học tập người xưa qua 'Nữ đức tu thân'