Không còn cảnh các nhà máy Trung Quốc 'giành giật lao động' trong đợt tuyển dụng mùa xuân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau Tết Nguyên đán, người lao động nhập cư trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu ra ngoài tìm việc làm. Nhưng kinh tế suy thoái đã khiến họ khó tìm việc hơn, không còn cảnh các nhà máy “giành giật lao động” trong đợt tuyển dụng mùa xuân như những năm trước.

Hàng năm sau kỳ nghỉ Tết là thời điểm quan trọng nhất để các nhà máy ở Trung Quốc tuyển dụng công nhân, nhưng đợt tuyển dụng mùa xuân năm nay đã có sự thay đổi.

Các nhà máy ở Quảng Đông giảm mạnh tuyển dụng

Tờ Báo Quan sát Kinh tế của Trung Quốc đưa tin, ông Điền Huy (Tian Hui), một lao động nhập cư 38 tuổi, đã bỏ cả ăn Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) và rời quê từ ngày mùng 9 âm lịch (tức ngày 18/2). Mang theo tâm trạng lo lắng, ông Điền đã đến thành phố Đông Quản ở tỉnh Quảng Đông để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Ông Điền cho biết, trước đây, với tuổi tác và tình trạng sức khỏe của mình, vợ chồng ông không phải lo lắng về việc không tìm được việc, nhưng bắt đầu từ năm ngoái đã xuất hiện một số thay đổi, cơ hội tăng ca trong nhà máy đã giảm đi rất nhiều so với những năm trước đó.

Ông Điền cho hay, trong dịp Tết Nguyên đán, có rất nhiều dân làng đi làm xa đã trở về quê. Khi gặp nhau, mọi người đều nói rằng bây giờ ngày càng khó kiếm tiền, rất nhiều nhà máy xảy ra hiện tượng “một tuần làm 4 ngày, nghỉ 3 ngày”, thu nhập cũng ít hơn rất nhiều so với những năm trước.

Hơn nữa, trong thời gian nghỉ Tết, số người đi chơi cờ, đánh bài ở làng của ông Điền Huy cũng giảm mạnh. Trước kia trung bình mỗi ngày có hơn chục bàn chơi thì năm nay chỉ có 2 - 3 bàn.

Vào đêm giao thừa, trước kia làng của ông Điền đốt pháo hoa trong vài tiếng đồng hồ nhưng năm nay đã rút ngắn xuống chưa đầy một tiếng.

Những hiện tượng trên phản ánh rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và mức tiêu dùng của người dân cũng đã suy giảm rất nhiều.

Nhiều quản lý của các công ty sản xuất vừa và nhỏ ở Quảng Đông xác nhận rằng, sau Tết năm nay, hiện tượng các nhà máy sản xuất vừa và nhỏ đổ xô đi tuyển người đã sụt giảm, họ rất thận trọng khi tuyển người.

Ông La Tiểu Hoa (Luo Xiaohua), Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Khiết Quảng Đông, công ty chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thiết bị vệ sinh cao cấp sang thị trường Âu - Mỹ, cho biết, nhìn chung có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không kỳ vọng nhiều vào năm 2024. Họ cho rằng “có thể sống sót là giỏi lắm rồi, chưa nói đến tăng trưởng hay phát triển”, vì vậy họ lại càng thận trọng hơn trong việc tuyển dụng.

Theo bài báo trên, trong 10 năm qua, ngành sản xuất đã mang đến hơn 27% cơ hội việc làm cho 300 triệu lao động nhập cư ở Trung Quốc; nhu cầu tuyển dụng mùa xuân tại các nhà máy giảm mạnh cũng sẽ gây ảnh hưởng tới việc làm của hàng chục triệu lao động. Ngoài ra, do đơn hàng giảm, một lượng lớn lao động nhập cư phải làm việc luân ca nên tiền lương của họ cũng bị giảm.

Ông La cho biết, trong năm 2023, nhiều nhà máy bị thiếu đơn hàng nên đã xảy ra tình huống một tuần “làm 5 ngày, nghỉ 2 ngày” hoặc “làm 4 ngày, nghỉ 3 ngày”.

Theo "Báo cáo Lương tuyển dụng doanh nghiệp Trung Quốc" do nền tảng tuyển dụng Landing của Trung Quốc công bố, từ quý II đến quý IV năm 2023, lương tuyển dụng trung bình ở Đông Quản đã giảm so với cùng kỳ năm 2022, với mức giảm từ 1,3% đến 3,4%.

Người trẻ chi số tiền khổng lồ để mua việc làm

Không chỉ người lao động nhập cư khó tìm việc làm mà thanh niên đã ra trường cũng cũng vậy. Gần đây, chủ đề “Tôi bỏ số tiền khổng lồ để mua việc làm trên Xiaohongshu” đã được lan truyền rộng rãi trên mạng Internet ở Trung Quốc.

Xiaohongshu là một nền tảng truyền thông xã hội và thương mại điện tử, đôi khi nó được gọi là Instagram của Trung Quốc. Tính đến năm 2020, Xiaohongshu có hơn 450 triệu người dùng đã đăng ký và số lượng người dùng hoạt động hàng tháng là hơn 121 triệu.

Điều tra cho thấy, một số công ty ở Trung Quốc đã bí mật định giá các vị trí mà họ tuyển dụng. Ví dụ, các doanh nghiệp tư nhân lớn như Master Kong - nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc - định giá một suất việc làm của họ là hàng chục nghìn nhân dân tệ (10.000 nhân dân tệ bằng khoảng 34 triệu VND); tại các doanh nghiệp nhà nước sản xuất ô tô như FAW Group và Hongqi, giá một vị trí là khoảng 200.000 nhân dân tệ (khoảng 684 triệu VND); còn trong các doanh nghiệp trung ương có biên chế, giá từ 450.000 nhân dân tệ (khoảng 1,54 tỷ VND) trở lên.

Trước hiện thực khó tìm việc làm, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc chọn cách “nằm thẳng”, cũng có không ít người đến chùa thắp hương cầu mong thay đổi vận mệnh. Do đó, xuất hiện hiện tượng "thà cầu Thần Phật còn hơn cầu chính quyền", những bài hát về chủ đề nằm thẳng cũng ra đời và trở nên phổ biến trên mạng xã hội ở Trung Quốc.

Có phân tích cho rằng, những “bài hát nằm thẳng” này là một kiểu “phản kháng mềm”, chúng thể hiện sự bất lực của giới trẻ Trung Quốc đương đại trước hiện thực xã hội và sự bất bình của họ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Người già đã về hưu ở Trung Quốc: Nền kinh tế thực sự bất ổn

Thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đang ảm đạm, cuộc khủng hoảng bất động sản và giảm phát cũng nghiêm trọng chưa từng có. Dữ liệu do chính quyền Trung Quốc công bố gần đây cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 của Trung Quốc đã giảm mạnh nhất trong 14 năm qua, trong khi đó chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm.

Không chỉ giới trẻ, những người già đã nghỉ hưu cũng cảm nhận được sự suy thoái kinh tế hiện nay ở Trung Quốc.

Ông Lý Chính (Li Zheng - bí danh), một công nhân đã nghỉ hưu hiện đang sống ở một thành phố loại III thuộc tỉnh Hồ Nam, nói với NTDTV trong dịp Tết rằng, ngay cả những người cao tuổi như họ, đã nghỉ hưu ở nhà, cũng cảm thấy rõ ràng rằng “Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay thực sự bất ổn".

Ông Lý Chính cho biết, ông sở hữu một căn hộ nhỏ cho thuê ở trung tâm thành phố, rộng 35m2 và trong tòa nhà có thang máy, khách thuê thường là những người trẻ đang đi làm. Năm 2008, giá thuê một tháng là 600 - 700 nhân dân tệ (theo tỷ giá hiện giờ là khoảng 2 - 2,4 triệu VND), nhưng hiện nay muốn cho thuê với giá 400 - 500 nhân dân tệ (khoảng 1,3 - 1,7 triệu VND) cũng khó. Có người từng ra giá 100.000 nhân dân tệ (khoảng 342 triệu VND) để mua căn hộ này của ông nhưng giờ ông đã phải hạ giá xuống còn 60.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu VND).

Ông Lý Chính cho hay, hiện nay không chỉ ngôi nhà nhỏ của ông mà nhiều căn hộ lớn khác trong tòa nhà đó đều đang trống rỗng, không cho thuê được, cũng không bán được. Ông rất lo lắng vì mỗi tháng ông phải nộp hàng chục nhân dân tệ phí quản lý tài sản cho căn nhà này.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Không còn cảnh các nhà máy Trung Quốc 'giành giật lao động' trong đợt tuyển dụng mùa xuân