Trung Quốc: Người lao động di cư vật lộn đòi nợ tiền công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc nợ tiền công lao động vốn là một vấn đề nhức nhối dai dẳng tại Trung Quốc. Tình hình đối với những người lao động di cư là đặc biệt nghiêm trọng, khi mà họ phải vật lộn để trang trải chi phí sinh hoạt.

Vào thời điểm Tết Nguyên đán đến gần hàng năm, các trường hợp lao động di cư đòi nợ tiền công ở Trung Quốc thường tăng mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với suy thoái và chính quyền tìm cách tuyên truyền cho câu chuyện về một tương lai kinh tế tươi sáng, năm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tích cực ngăn chặn các báo cáo về tranh chấp tiền công.

Ông Zhang Dong (hóa danh), một công nhân di cư, nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung: “Trong lĩnh vực xây dựng, nhiều công nhân đã không nhận được bất cứ thứ gì trong vài năm”.

Ông nói thêm rằng chính quyền đã kiểm duyệt tin tức về các cuộc biểu tình phản đối việc chậm trả tiền công.

Một chủ doanh nghiệp nhỏ đến từ Thâm Quyến được xác định là ông Yang Nan, cho biết các nhà thầu phụ có thể là những bên đã giữ lại tiền công của lao động di cư, đặc biệt là trong các ngành như bất động sản và cơ sở hạ tầng.

Ông lưu ý rằng thực sự không có nhiều thông tin về tranh chấp tiền công và bảo vệ quyền lợi trên mạng, điều có thể là do Cục Quản lý Không gian mạng đã đầu tư đáng kể vào hoạt động duy trì ổn định Internet trong những năm qua.

“Tôi có một người bạn phát triển phần mềm cho chính quyền, giúp họ lọc ra một số hình ảnh hoặc văn bản [bảo vệ quyền lợi] nhất định. Anh ấy đã kiếm được hàng triệu vào năm ngoái. Do đó, người dân có thể thiếu kênh để truy cập hoặc xem thông tin này”, ông Yang nói.

Cũng có thông tin từ cư dân mạng Trung Quốc cho biết rằng thông tin về tranh chấp tiền công đang bị trấn áp trên mạng. The Epoch Times cũng đã tiến hành một cuộc tìm kiếm trực tuyến với các từ khóa như “tranh chấp tiền công” trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc và kết quả thu được là rất ít. Tuy nhiên, một số video đã được lưu hành ra nước ngoài.

Một đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy cảnh tượng xảy ra vào đêm giao thừa ngày 9/2, bên ngoài Tòa thị chính An Hương, tỉnh Hồ Nam. Hơn chục xe cảnh sát xếp hàng dài, nơi các công nhân bức xúc phong tỏa cổng cơ quan chính phủ để phản đối việc nợ tiền công.

Một video khác cho thấy các công nhân xây dựng từ Cục Kỹ thuật Xây dựng Thứ ba Trung Quốc ở Thường Châu, Giang Tô, cố gắng đòi tiền công vào đêm trước Tết Nguyên Đán.

Ngoài ra còn có một đoạn video xuất hiện mô tả một vụ việc xảy ra vào ngày 10/2, tại Đạt Châu, Tứ Xuyên, nơi một quản đốc của Dazhou Shenjian Development Group Co., Ltd., một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc quận Đồng Xuyên, bị các công nhân bắt giữ sau khi ông này hành hung một công nhân xây dựng đang đòi nợ tiền công.

Tháng 12 năm ngoái, một phân tích của cư dân mạng Trung Quốc đã xác định rằng hầu hết công nhân xây dựng di cư ở Trung Quốc không nhận được tiền công hàng tháng đúng hạn và hầu hết họ đều gặp khó khăn trong việc kiếm đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản là 1.000 CNY (nhân dân tệ) (139,23 USD).

Trung Quốc: Người lao động di cư vật lộn đòi nợ tiền công
Một người lao động di cư vác đồ đạc của mình trên vai gần ga xe lửa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 2/3/2010. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN/AFP qua Getty Images)

Chậm trả tiền công là một vấn đề nhức nhối dai dẳng ở Trung Quốc, thường xuất phát từ sự chậm trễ trong việc thanh toán của chính quyền địa phương, từ đó buộc các công ty ký hợp đồng phải hoãn thanh toán cho các công ty thầu phụ.

Vào ngày 9/11/2018, cố Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thúc giục một chiến dịch đặc biệt nhằm giải quyết các khoản thanh toán quá hạn từ chính quyền địa phương và thiết lập một cơ chế lâu dài để ngăn chặn và giải quyết vấn đề nợ chưa thanh toán đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vào tháng 3/2019, ông Lý cũng nói với chính quyền địa phương: “Trên 50% số tiền quá hạn cho doanh nghiệp phải được thanh toán vào cuối năm và không được phép có trường hợp nợ tiền mới”.

Những tuyên bố tương tự đã được truyền thông nhà nước của ĐCSTQ đưa tin hàng năm, tuy nhiên, việc ngăn chặn tin tức về việc chậm trả tiền công dường như là biện pháp hiệu quả hơn đối với chính quyền.

“Trong số các cuộc đình công và biểu tình của người lao động vào năm 2023, những cuộc đình công và biểu tình trong ngành sản xuất đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 438 vụ việc (24%). Ngành xây dựng một lần nữa chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 945 (53%)”, theo báo cáo của Bản tin Lao động Trung Quốc do tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hong Kong công bố vào ngày 31/1.

Theo báo cáo, lĩnh vực dịch vụ cũng ghi nhận 208 trường hợp, tăng 12%, tiếp theo là vận tải và hậu cần (115 trường hợp, tăng 6%), giáo dục (36 trường hợp, tăng 2%) và khai thác mỏ (22 trường hợp, tăng 1%).

Nhiều người lao động tại Trung Quốc không có tâm trạng ăn mừng năm mới vì họ đang mất niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc. Các cuộc biểu tình, làn sóng công nhân đòi nợ tiền công nhấn mạnh sự suy thoái kinh tế của đất nước khi người dân phải vật lộn để kiếm sống.

Trong một trường hợp biểu tình đòi tiền công khác, Trung tâm thu mua đồ dùng khách sạn quốc tế Hongtian ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đã nợ tiền công của người lao động di cư. Người lao động tụ tập bên ngoài công ty vào ngày 17/1 để yêu cầu được trả tiền công.

Tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, các công nhân tại dự án xây dựng Shengjin Huating giai đoạn II bị nợ tiền công trong 3 năm. Họ giăng biểu ngữ bên ngoài bộ phận bán hàng vào ngày 16/1 để đòi tiền công.

Trung Quốc: Người lao động di cư vật lộn đòi nợ tiền công
Người lao động di cư tìm kiếm cơ hội việc làm dọc lề đường ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, vào ngày 30/9/2015. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Nợ gần 1 triệu USD tiền công trong hơn 4 năm chưa trả

Gần đây, truyền thông Trung Quốc nhận được khiếu nại rằng Công ty TNHH Tập đoàn Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh đã nợ hơn 60 lao động di cư hơn 6,5 triệu CNY (nhân dân tệ) (0,91 triệu USD) tiền công chưa trả trong hơn 4 năm. Người phụ trách công ty liên quan đã trả lời giới truyền thông và nói rằng có nhiều tranh cãi xung quanh khoản tiền công và cần phải có thêm "thông tin liên lạc".

Theo một bài báo của Lu Media vào ngày 12/1, ông Peng, sống ở Bắc Kinh, gần đây đã phàn nàn với giới truyền thông rằng một đội lao động do ông dẫn dắt đã bắt đầu làm việc tại địa điểm dự án mạng lưới đường ống hỗ trợ của Nhà máy nước tái chế thị trấn mới Mật Vân từ tháng 9/2017 đến năm 2019. Các dự án kỹ thuật liên quan đã được hoàn thành vào tháng 11/2019. Tuy nhiên, tổng thầu công ty Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh đã nợ đội lao động hơn 6,5 triệu CNY, và số tiền đến nay vẫn chưa được trả. Hơn 60 công nhân chưa nhận được tiền lương đúng hạn.

Ông Peng cho biết: “Từ khi kết thúc dự án 4 năm trước đến nay, tiền công của công nhân vẫn chưa được trả. Tôi không biết phải làm sao”. “Một số công nhân đã qua đời và chưa nhận được tiền công mà họ xứng đáng được hưởng".

Theo ông Peng, đội lao động do ông dẫn dắt được một bên trung gian giới thiệu và tiếp quản một số dự án thuộc dự án mạng lưới đường ống hỗ trợ. Theo những gì ông được biết, dự án này có "liên kết" với một người tên Si Moumou, người này đã sử dụng hồ sơ năng lực của công ty Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh để thắng thầu, sau đó phân bổ công việc cho các đội lao động khác nhau để hoàn thành, và ông Peng đã nhận một số dự án.

Ban đầu, ông Si Moumou trả một nửa số tiền thanh toán theo tiến độ của dự án, trị giá khoảng hơn 6 triệu nhân dân tệ theo đúng hợp đồng. Nhưng sau đó ông Si từ chối tiếp tục trả tiền. Về cách thanh toán cho dự án trong giai đoạn đầu, đôi khi có người thanh toán bằng tiền mặt và chuyển khoản, và đôi khi công ty Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh thanh toán bằng séc. Sau đó, các dự án liên quan đã được hoàn thành nhưng số tiền công hơn 6,5 triệu nhân dân tệ vẫn còn nợ cho đến ngày nay.

Ông Peng cho biết: “Ông Si Moumou khẳng định rằng dự án lỗ hơn 10 triệu CNY và ông ấy không có tiền”.

Ông Peng nói với truyền thông Trung Quốc rằng theo những gì ông biết được, Cục Thủy lợi quận Mật Vân ở Bắc Kinh đã phân bổ số tiền này cho công ty Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh. Trong những năm qua, ông đã nhiều lần liên lạc với ông Si Moumou và công ty Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh để đòi nợ tiền công lao động. Tuy nhiên, công ty Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh đã yêu cầu ông Peng tìm đến ông Si Moumou để hạch toán trước khi phân bổ số tiền. Ông Si Moumou chỉ đơn giản là từ chối thừa nhận số tiền 6,5 triệu CNY. Vấn đề này hiện đã đi vào bế tắc.

Về vấn đề này, người phụ trách Dự án mạng lưới đường ống hỗ trợ Nhà máy nước tái chế thị trấn mới Mật Vân của công ty Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh, một người có họ Zhou, cho biết, đơn vị hiện đang tính toán nhưng giữa hai bên đang có tranh chấp lớn về lượng tiền công và cần phải liên lạc thông tin thêm.

Về danh tính của ông Si Moumou, ông Zhou cho biết, ông Si Moumou từng là nhân viên của công ty Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh, nhưng ông này đã từ chức và không tồn tại cái gọi là mối quan hệ “liên kết" giữa ông Si và đơn vị.

Tuy nhiên, khi một phóng viên truyền thông Trung Quốc hỏi ông Si liệu ông có phải là nhân viên của công ty Cầu đường Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh hay không, ông nói rằng ông không phải là nhân viên của công ty và rằng ông có mối quan hệ như là người cung cấp lao động cho công ty.

Tin tức liên quan đã gây được sự chú ý rộng rãi trong cộng đồng mạng. Cư dân mạng Trung Quốc đã thảo luận về vấn đề này, và hầu hết tất cả đều bày tỏ sự thông cảm với những khó khăn mà người lao động di cư phải đối mặt trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Họ đồng thời lên án các công ty cố tình không trả tiền công cho người lao động di cư. Một số cư dân mạng cũng bày tỏ lo ngại về việc thường xuyên xảy ra tình trạng nợ tiền công như vậy.

Trung Quốc: Người lao động di cư vật lộn đòi nợ tiền công
Một công nhân di cư ở lối vào khu nhà ở của ông ở cạnh một khu phố trung lưu của Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 1/7/2022. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Chiến đấu để sinh tồn

Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư người Trung Quốc và là một nhà bình luận thời sự ở Canada, cho biết các chiến dịch biểu tình hay bảo vệ quyền lợi gần đây ở Trung Quốc thu hút “nhiều hơn” người tham gia và các sự kiện này “dữ dội hơn bao giờ hết”.

Ông nói thêm rằng nhiều người hiện đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực, thiếu nguồn tài chính để hỗ trợ gia đình, trả tiền học cho con cái, trang trải chi phí y tế và trả các khoản thế chấp.

Ông Lại nói: “Những cá nhân này chỉ có thể đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đòi nợ lương và yêu cầu cơ hội việc làm”.

Hơn nữa, bằng cách quay trở lại thời kỳ Mao Trạch Đông, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình “đã ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hợp tác với Trung Quốc”.

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một cựu học giả về lịch sử Trung Quốc hiện đang cư trú tại Úc, tin rằng các cuộc biểu tình lan rộng trong người lao động chủ yếu xuất phát từ “ý chí sinh tồn” của họ.

“Tầng lớp đặc quyền trong ĐCSTQ đã cướp bóc tài sản xã hội, trong khi những người lao động Trung Quốc ở tầng đáy xã hội đã bị đẩy đến giới hạn của họ. Không thể đảm bảo các nhu cầu cơ bản và sự sống còn của mình, họ buộc phải đứng lên”, ông Lý nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Ông nói, hệ thống phúc lợi xã hội của Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ và không thể cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho tầng lớp lao động nghèo. Ông đồng thời nói thêm rằng “họ phải chiến đấu để sinh tồn”.

Trung Quốc: Người lao động di cư vật lộn đòi nợ tiền công
Một người lao động di cư mang vác đồ đạc của mình ở ga xe lửa vào ngày 18/2/2005 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)

Dẫn đến sự sụp đổ của Bắc Kinh?

ĐCSTQ đã áp dụng một cách tiếp cận nặng tay để đàn áp những người bất đồng chính kiến và những người biểu tình nhằm duy trì sự cai trị độc tài của mình.

Tuy nhiên, khi người dân đấu tranh vì sự sinh tồn, họ không còn sợ hãi sự đàn áp của ĐCSTQ nữa, ông Lý nói và nói thêm rằng đây là điều mà Bắc Kinh lo sợ.

“Sự phản kháng này của người dân là chân thực và họ không sợ sự đàn áp bạo lực của ĐCSTQ. Đối với họ, sự phản kháng có thể dẫn đến cái chết, nhưng nếu không có sự phản kháng thì cái chết là điều không thể tránh khỏi. Vậy tại sao họ lại không kháng cự?!”

Theo ông Lại, ĐCSTQ không thể dập tắt hiệu quả tất cả các chiến dịch biểu tình trên toàn quốc.

“ĐCSTQ đang phải đối mặt với những thách thức trên diện rộng, với các làn sóng thất nghiệp và cắt giảm nối tiếp nhau ảnh hưởng đến nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau. Các cuộc biểu tình và các vụ việc bảo vệ quyền lợi đang bất ngờ xuất hiện liên tục, với tình trạng hỗn loạn bùng phát khắp nơi trên cả nước. ... Tôi có thể thấy trước rằng ĐCSTQ không có cách nào để xử lý chúng”.

Ông cho rằng, ở một mức độ nào đó, tình trạng này gây ra mối đe dọa đáng kể cho sự cai trị của ĐCSTQ.

“Như một câu nói cổ của người Trung Quốc đã nói, ‘Nếu người dân không sợ chết, thì việc đe dọa họ bằng cái chết cũng chẳng ích gì’”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Người lao động di cư vật lộn đòi nợ tiền công