Công ty Trung Quốc chuyển văn phòng lên vùng núi để ép nhân viên nghỉ việc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vấn đề việc làm ngày một trở nên bức bối ở Trung Quốc. Dường như, tình cảnh khó khăn đang khiến các doanh nghiệp phải dùng tới các biện pháp tiêu cực.

Một công ty ở Tây An (tỉnh Thiểm Tây) bất ngờ chuyển văn phòng từ Khu thương mại trung tâm Tây An (khu CBD) đến dãy núi Tần Lĩnh. Sau khi hơn chục nhân viên buộc phải xin thôi việc, văn phòng công ty lại được chuyển về thành phố. Những nhân viên đã xin nghỉ việc cáo buộc công ty lợi dụng động thái này để từ chối bồi thường tài chính cho nhân viên khi cắt giảm nhân sự, trong khi lãnh đạo công ty khẳng định việc chuyến dời lên khu vực vùng núi chỉ là biện pháp chuyển tiếp tạm thời.

Anh Chang (hóa danh), sống ở Tây An, mới đây đã đăng một video để phàn nàn về sự việc, cho biết công ty quảng cáo nơi anh làm việc ở Tây An đã chuyển công ty đến chân dãy núi Tần Lĩnh nhằm không phải bồi thường cho nhân viên khi cắt giảm nhân sự. Do phải đi lại xa và điều kiện sinh hoạt bất tiện, hơn chục nhân viên đã buộc phải tự nguyện xin nghỉ việc. Nhưng vài ngày sau, công ty lại chuyển văn phòng về thành phố. Các nhân viên rất tức giận khi biết tin này.

Truyền thông Trung Quốc Upstream News mới đây đã phỏng vấn anh Chang, người tiết lộ thông tin trên và người phụ trách công ty có liên quan.

Khi được phỏng vấn, anh Chang tiết lộ rằng địa điểm văn phòng ban đầu của công ty nằm trên đường Jinye, Khu công nghệ cao, Khu thương mại trung tâm của Tây An. Ngày 19/10/2023 (thứ Năm), công ty bất ngờ thông báo tới toàn thể nhân viên rằng công ty sẽ chuyển văn phòng về khu vực Hàng X, XX Làng Mới, đồng thời yêu cầu nhân viên phải có mặt đúng giờ vào lúc 9 giờ sáng ngày 23/10/2023 tại địa điểm mới (thứ Hai). Địa điểm văn phòng mới này nằm ở Thung lũng Ziwu, Quận Trường An, cách lối vào thung lũng 3 km và đi vào vùng đồi thấp dưới chân núi của dãy núi Tần Lĩnh.

Anh Chang cho biết công ty đã thông báo rõ ràng cho nhân viên rằng sẽ không có trợ cấp đi lại khi chuyển văn phòng. Để đến địa điểm mới, các nhân viên chỉ có thể bắt xe buýt chạy ba tiếng một lần, và khi xuống xe sẽ phải đi bộ 3 km trên đường làng miền núi. Nếu không, đi taxi từ ga gần nhất sẽ tốn 50 hoặc 60 CNY (nhân dân tệ).

Sau khi nhân viên thắc mắc về việc này, người quản lý công ty nói rằng, nếu nhân viên không chấp nhận thì công ty sẽ trả lương cho họ cho tháng 9 và tháng 10 để nhân viên có thể nghỉ việc.

Anh Chang cho biết ban đầu công ty có hơn 20 nhân viên, trong đó có bản thân anh. Vì không chịu nổi sự sắp xếp của công ty nên ngày 27/10/2023, 14 người đã ký giấy nghỉ việc. Không ngờ, chỉ 4 ngày sau khi nghỉ việc, họ nhận được tin từ các đồng nghiệp cũ rằng công ty đã chuyển lại về thành phố.

Công ty Trung Quốc chuyển văn phòng lên vùng núi để ép nhân viên nghỉ việc?
Người dân đi lại tại khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 21/4/2022. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Anh Chang cho biết: “Sếp của công ty chưa bao giờ xuất hiện [tại địa điểm mới], mục đích [của động thái chuyển văn phòng] là lợi dụng môi trường khắc nghiệt này để khiến các bạn tự nguyện xin nghỉ”. “Nếu họ không sử dụng phương pháp này, mọi người sẽ bị cho nghỉ việc hoặc gì đó, và thông thường họ [nhân viên] sẽ yêu cầu khoản bồi thường N+1 [bồi thường khi nghỉ việc]".

Ngày 31/12/23, người phụ trách công ty có liên quan là ông Zhang thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng, công ty quả thực đã được chuyển lên “núi” vào tháng 10. Nguyên nhân chính là do công ty đang gặp khó khăn trong hoạt động và giá thuê văn phòng ở khu trung tâm rất đắt nên công ty quyết định chuyển đi. Việc tạm thời di dời địa điểm văn phòng chỉ là “sự chuyển tiếp tạm thời trong một tuần”. Công ty cũng mong mọi người có thể “chia sẻ thành công cũng như khó khăn” vào thời điểm này. “Không ngờ có nhiều người đã đề nghị nghỉ việc và đăng sự việc lên mạng”.

Anh Chang phủ nhận tuyên bố của công ty. Anh Chang nói: “Điều mà chúng tôi được biết lúc đó là giai đoạn văn phòng ở vùng núi có thể rất dài và có thể phải đến năm sau mới có sự thay đổi. Nếu chúng tôi chỉ ở trên núi một tuần rồi quay trở lại văn phòng mới, ai lại có thể không kiên trì được?”

Anh Chang cũng tiết lộ địa điểm văn phòng mới nằm trên tầng 2 của một ngôi nhà của nông dân. Tầng một là nơi một vợ chồng dân làng sinh sống. Làm việc ở đó rất bất tiện. Việc đi vệ sinh rất bất tiện. Có khi phải đi bộ một quãng đường dài mới đến nhà vệ sinh công cộng trong làng. Không có chỗ ăn, nhân viên chỉ có thể ăn mì gói và bánh mì. Anh Chang nhận thấy trời đã tối khi anh tan làm. Nếu nhân viên phải đi bộ trên đường núi không có đèn đường, nữ nhân viên sẽ gặp phải chó hoang đuổi theo, điều này “rất đáng sợ”.

Sau khi nghỉ việc, anh Chang cùng một số đồng nghiệp đã nộp đơn lên cơ quan trọng tài lao động địa phương. Giờ đây, anh đã tung ra tin tức này, "Mục đích ban đầu là giúp nhiều đồng nghiệp hơn tránh được cạm bẫy và cảnh báo cho nhiều công ty hơn".

Sự việc này đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trong cư dân mạng tại Trung Quốc.

Một số cư dân mạng cho rằng: "Việc nghỉ việc theo kiểu này cần sự thương lượng để bồi thường. Công ty trong bài viết chỉ muốn tiết kiệm tiền bồi thường". "Ông chủ thật giỏi tiết kiệm". “Với tình hình hiện tại, không có chút thương xót nào cả [trong thị trường lao động]”.

Một số cư dân mạng còn cho rằng: "Không ai nên phàn nàn. Môi trường chung là như thế này. Tôi chỉ có thể nói rằng công ty thực sự rất nghèo khó và đó là giải pháp cuối cùng". “Thị trường đã buộc mọi người phải làm những gì họ cần trong vài năm qua”.

Người lao động biểu tình vì không được bồi thường nghỉ việc

Xu hướng suy giảm kinh tế hiện nay của Trung Quốc đã dẫn đến việc một số lượng lớn các công ty phải đóng cửa và cắt giảm nhân viên. Các cuộc biểu tình quy mô lớn của người lao động đã nổ ra ở Trung Quốc do bị cắt giảm đột ngột mà không được bồi thường.

Công ty Trung Quốc chuyển văn phòng lên vùng núi để ép nhân viên nghỉ việc?
Khoảng 2.000 người lao động đụng độ với cảnh sát khi họ tổ chức đình công bên ngoài nhà máy cao su KOK Machinery do Đài Loan đầu tư ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, vào ngày 7/6/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc với tốc độ tăng vọt. Theo dữ liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc, trong quý III năm 2023, Trung Quốc đã chứng kiến mức thâm hụt 11,8 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Đây là mức thâm hụt đầu tiên kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi nhận. Suy giảm kinh tế của đất nước được coi là lý do chính cho việc thất thoát vốn.

Xu hướng này đã khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, dẫn đến việc cắt giảm hàng loạt.

Hiện tại, các doanh nghiệp lớn và nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác nhau ở Trung Quốc đang cắt giảm nhân sự, đóng cửa, di dời hoặc tạm ngừng sản xuất. Làn sóng biểu tình nổ ra xuất phát từ hàng loạt vấn đề nảy sinh từ tình trạng thất nghiệp, nợ lương và thiếu tiền đền bù. Tuy nhiên, do sự kiểm duyệt Internet nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân rất khó truyền bá thông điệp biểu tình trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc.

Chỉ trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023, đã có hàng chục cuộc biểu tình và đình công trên khắp Trung Quốc liên quan đến việc thiếu trợ cấp thôi việc, cắt giảm đột ngột và di dời các nhà máy sản xuất sang nước khác.

Bản tin Lao động Trung Quốc đưa tin, trong nửa đầu năm 2023, số vụ đình công và biểu tình của người lao động ở Trung Quốc lên tới 741 vụ, gần bằng con số của cả năm 2022 là 830 vụ. Việc biểu tình xuất hiện trong hàng loạt các ngành công nghiệp từ sản xuất đến xây dựng, khai khoáng, vận tải và công nghiệp dịch vụ.

Những cuộc biểu tình như vậy bị ĐCSTQ coi là mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của họ.

Nhà hoạt động dân quyền Trung Quốc tại Mỹ Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), từng nói với cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng: “Điều mà ĐCSTQ lo ngại nhất là việc tính bất hợp pháp của chính họ sẽ bị vạch trần”. ĐCSTQ sử dụng một hệ thống cơ quan chính phủ phức tạp để giám sát người dân và dập tắt mọi hình thức bất mãn chính trị. Bất kỳ hình thức phản kháng nào đều bị coi là đe dọa sự ổn định của chế độ.

Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự, nói với The Epoch Times vào ngày 7/12/23 rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ, với các công ty nước ngoài rời sang các nước khác và các công ty của chính Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, luật chống gián điệp của ĐCSTQ đe dọa bắt giữ người nước ngoài dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý không rõ ràng, điều này khiến nhiều công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.

Ông Lý tin rằng nguyên nhân sâu xa của tất cả những vấn đề này là do những hành vi thối nát của ĐCSTQ. Ông nói: “Việc cắt giảm hàng loạt dẫn đến số lượng các cuộc biểu tình ngày càng tăng, nhưng ĐCSTQ cố gắng che đậy chúng. Chế độ càng làm điều này thì càng trở nên kém minh bạch và điều này chỉ tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng rời khỏi thị trường Trung Quốc. Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn”.

Căng thẳng về việc làm khiến thanh niên ‘kiệt quệ'

Công ty Trung Quốc chuyển văn phòng lên vùng núi để ép nhân viên nghỉ việc?
Một người phụ nữ nghỉ trên bàn tại hội chợ việc làm vào ngày 9/6/2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Vấn đề việc làm đang là chủ đề căng thẳng tại Trung Quốc. Những bức bối được thể hiện rõ qua khó khăn về việc làm của tầng lớp thanh niên, vốn là một nhóm người dễ bị tổn thương. Thanh niên Trung Quốc dường như đã “kiệt quệ" vì thất nghiệp, và các trào lưu tiêu cực liên tiếp xuất hiện.

Mặc dù các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kêu gọi "ổn định việc làm" trong những năm gần đây, nhưng tình hình việc làm của thanh niên Trung Quốc vẫn ngày một tồi tệ. Năm 2023, 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đã tham gia thị trường việc làm. Tuy nhiên, trước “mùa tốt nghiệp khó khăn nhất” trong lịch sử, việc sinh viên đại học thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đã trở thành chuyện phổ biến.

Tác động của các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong vài năm qua vẫn còn đó, nhiều ngành vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Do đó, không có đủ việc làm cho sinh viên đại học tốt nghiệp.

Chụp ảnh “xác sống” (zombie) khi tốt nghiệp đã trở thành xu hướng mới để sinh viên đại học thể hiện sự bất lực của mình. Đông đảo bạn trẻ chọn cách “nằm ngửa" (sống mà không có mong muốn đạt được thành tựu gì) và trở thành “thanh niên 4 xấu”, những người “không yêu, không lấy chồng, không sinh con, không mua nhà”.

Bộ Giáo dục của Trung Quốc hôm 5/12/2023 công bố rằng 11,79 triệu sinh viên đại học Trung Quốc sẽ tốt nghiệp vào năm 2024, tăng 210.000 so với năm 2023, thiết lập một mức cao mới.

Công ty Trung Quốc chuyển văn phòng lên vùng núi để ép nhân viên nghỉ việc?
Sinh viên tốt nghiệp tạo dáng chụp ảnh khi màn hình kỹ thuật số chiếu bài phát biểu của người sáng lập Công ty Công nghệ Xiaomi Lôi Quân trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Vũ Hán vào ngày 20/6/2023 tại Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Ông Liu Yuanchun, hiệu trưởng Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, đồng thời là một nhà kinh tế, đã cảnh báo vào tháng 6/2023: “Thất nghiệp ở thanh niên không chỉ là vấn đề mang tính chu kỳ mà còn là vấn đề mang tính hệ thống và vấn đề xu hướng”.

Ông nói: “Chúng tôi đánh giá vấn đề thất nghiệp ở thanh niên có thể kéo dài trong 10 năm tới và sẽ tiếp tục trầm trọng hơn trong ngắn hạn”. Ông tiếp tục: “Nếu không được xử lý đúng cách, nó sẽ gây ra các vấn đề xã hội khác ngoài lĩnh vực kinh tế và thậm chí trở thành ngòi nổ cho các vấn đề chính trị".

Ngày 17/7/2023, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Vào tháng 8/2023, Cục Thống kê đã ngừng công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc với lý do “các phương pháp thống kê cần phải được tối ưu hóa”.

Theo số liệu kinh tế của Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp khảo sát ở thành thị trong tháng 6 là 5,2%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16 đến 24 tăng lên 21,3%; tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 25 đến 59 tuổi là 4,1%.

Vấn đề thất nghiệp ở thanh niên sẽ không tự được giải quyết bằng cách ngừng công bố dữ liệu. Ngược lại, điều đó có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng niềm tin.

Mặc dù dữ liệu về thanh niên thất nghiệp đã biến mất nhưng những người thất nghiệp này thì không biến mất. Thay vào đó, họ xuất hiện trong các thư viện ở các thành phố lớn. "Chỉ số Thư viện" đã trở thành công cụ để quan sát tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc.

Có rất nhiều video trực tuyến cho thấy các thư viện công cộng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và các thành phố khác đã trở thành nơi ẩn náu cho những người thất nghiệp. Ở đây có máy lạnh, nước nóng và ổ cắm sạc miễn phí. Nhiều sinh viên đại học chưa tìm được việc làm và những người trung niên mất việc đang chen chúc trong thư viện, học bài để thi tuyển sau đại học hoặc giả vờ đi làm. Giống như nhân viên văn phòng, họ đến sớm và về muộn mỗi ngày. Sự khác biệt duy nhất là họ không có việc làm và không được trả lương.

Trong khi đó, năm 2023 cũng là một năm mà trạng thái tinh thần chung của giới trẻ Trung Quốc thu hút nhiều sự quan tâm. Các báo cáo cho thấy những người trẻ tuổi có nguy cơ gia tăng bị trầm cảm hay tự tử.

Một số nhà phân tích truyền thông nước ngoài tin rằng giới trẻ Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giáo dục và việc làm. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cũng đẩy áp lực to lớn lên mức cao kỷ lục.

Công ty Trung Quốc chuyển văn phòng lên vùng núi để ép nhân viên nghỉ việc?
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc vào ngày 11/04/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Khi tình hình việc làm ngày càng trở nên trầm trọng, những trào lưu như “việc làm chậm”, “trẻ em toàn thời gian”, “thanh niên 45 độ” liên tục xuất hiện. Thuật ngữ mới nhất “thanh niên 45 độ” từng trở thành một chủ đề tìm kiếm nóng. “Nằm ngửa” là 0°, còn phấn đấu hết mình là 90°. Loay hoay tìm một vị trí giữa “nằm ngửa" và phấn đấu hết mình chính là trạng thái 45°, mô tả tình thế tiến thoái lưỡng nan của thanh niên Trung Quốc, những người “không thể đứng thẳng nhưng cũng không thể nằm ngửa”.

Học giả Xia Zhuzhi, phó giáo sư Khoa Xã hội học tại Đại học Vũ Hán, cho rằng trạng thái loay hoay của “cuộc sống 45°”, không có đường lên hay xuống, khiến ông nhớ đến khái niệm “tầng lớp trung lưu” trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội học, vốn chủ yếu đề cập đến người lao động cổ cồn trắng ở các thành phố. Những bạn trẻ mới gia nhập nhóm này sau khi ra trường thường phải chịu rất nhiều áp lực nhưng những ước muốn của họ thay đổi quá nhanh và cơ hội thì phân bố không đồng đều. Trong thực tế xã hội này, tinh thần của con người rất dễ rơi vào trạng thái bị kiệt sức.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Công ty Trung Quốc chuyển văn phòng lên vùng núi để ép nhân viên nghỉ việc?