Sau Tết, lao động ngoại tỉnh ở Trung Quốc không biết phải đi đâu về đâu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau ngày mùng 5 Tết (tức ngày 14/2), nhiều người lao động ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tỏa đi bốn phương để bôn ba kiếm sống. Tuy nhiên, nhiều lao động ngoại tỉnh đang phải đối mặt với các vấn đề như khó tìm việc làm, liên tục bị khất lương… Rốt cuộc nên đi đâu về đâu, họ đang cảm thấy rất mịt mờ.

Một lao động ngoại tỉnh lấy bí danh là “Diệp Tử Nông” (Ye Zi Nong) đã nhận lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào hôm mùng 2 Tết (ngày 11/2). Khi được hỏi về dự định trong năm mới của mình, anh này trả lời: “Tôi cũng không biết phải làm gì?".

Anh Diệp Tử Nông năm nay 29 tuổi, đã từng làm việc ở các thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu trước Tết Nguyên đán. Bây giờ khi nói đến Quảng Châu, điều đầu tiên anh nghĩ đến là chi phí sinh hoạt cao: “Nếu về Quảng Châu, mỗi ngày đều phải chi tiêu, không chịu nổi nữa… Tôi không dám làm gì, động một cái là tốn tiền".

Mấy năm qua, anh Diệp Tử Nông đều làm lao động thời vụ trong ngành xây dựng, anh có bằng lái cần cẩu chuyên nghiệp. Tuy nhiên trong suốt năm ngoái, anh nhận thấy dù làm việc ở thành phố nào thì cũng rất khó tìm được việc làm. Tháng 12 năm ngoái, anh tìm được công việc phù hợp tại một công trường xây dựng bến tàu ở Quảng Châu, không ngờ mới vào làm được nửa tháng, anh đã được chứng kiến cảnh ​​​​một nhóm công nhân trên công trường bị nợ mấy tháng lương đang ẩu đả để đòi tiền lương.

Trước đó, bản thân anh Diệp Tử Nông đã bị nợ lương khi làm việc ở Thượng Hải, đúng hai tháng sau anh này mới nhận được số tiền mồ hôi xương máu của mình. Từ khi làm việc ở Quảng Châu vào tháng 12 năm ngoái cho đến ngày 1/2 năm nay, anh đã không nhận được đồng lương nào.

Theo anh Diệp Tử Nông, công trình họ đang thực hiện là dự án cơ sở hạ tầng của quốc gia, chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước. Vì chủ đầu tư chậm chi tiền nên các công ty cho thuê xe và công ty dịch vụ lao động đều không nhận được tiền. Khi đó, các lao động trên công trường đã tổ chức đình công để đòi lại tiền lương nhưng chỉ kéo dài nửa ngày. Cuối cùng, hai ngày trước Tết Nguyên đán (ngày 8/2), anh Diệp Tử Nông cũng nhận được tiền lương. Anh cho biết, lần này còn khá tốt, một số dự án anh từng làm trước đây đều bị nợ lương.

Một lao động ngoại tỉnh khác lấy bí danh là “Phải kiếm nhiều tiền” cho biết ông đã làm việc tại công trường được hai tháng và nhận được lương trước khi công trường bắt đầu nghỉ vào ngày 31/1, nhưng "lương thấp, chi tiêu lại cao, nên cũng chỉ đủ cơm ăn áo mặc thôi”.

Ông này cho biết ông sống cùng vợ, con gái và cha mẹ già ở Phúc Kiến. Trong hai năm qua, ông đã chứng kiến ​​các khu công nghiệp và cửa hàng xung quanh đóng cửa sập tiệm, “ngành bất động sản sống dở chết dở, dân số [quanh đây] ngày càng giảm”. Ông rất bi quan về tương lai và cho biết chỉ muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Ông hy vọng sau này có cơ hội rời khỏi Trung Quốc, đến sống ở các nước Âu - Mỹ, tốt nhất là có thể mang theo gia đình.

Nói về cuộc sống hiện tại, ông bày tỏ sự bất bình vì không chỉ có thu nhập thấp mà trước Tết Nguyên đán, đất rừng ở quê của ông còn bị người ta đào trộm than lộ thiên. Ông đã tìm đến chính quyền các cấp nhưng các quan chức vẫn không có động tĩnh gì, gia đình ông không còn nơi nào để đòi lại quyền lợi của mình.

Ông này nói: "Đất nước này thối rữa rồi. Con tôi ở trường mẫu giáo đã phải học Tư tưởng Tập Cận Bình, trẻ em ở Mỹ có phải học Tư tưởng Biden không?".

Khi nhắc đến việc đất rừng của mình bị trộm đào xới, ông lại liên tưởng đến nước Mỹ. Ông giận dữ nói: “Ở Hoa Kỳ, việc đào bới vào núi của người khác là hành vi tệ đến mức nào? Người Mỹ có thể nổ súng nếu tài sản của họ bị xâm chiếm. Sống ở Trung Quốc thì bị chèn ép đủ đường, không có pháp luật, không có tự do, không có nhân quyền".

Trên thực tế, trong những năm gần đây, người lao động ngoại tỉnh ở Trung Quốc ngày càng khó tìm được việc làm ở các thành phố và ngày càng nhiều người buộc phải trở về quê hương để kiếm sống. Ngay cả khi tìm được việc làm, họ vẫn thường phải đối mặt với tình cảnh bị nợ lương.

Có phương tiện truyền thông từng đưa tin rằng, đại đa số lao động ngoại tỉnh tại các công trường xây dựng trên khắp Trung Quốc đều không thể nhận được tiền lương hàng tháng, thậm chí chi phí sinh hoạt cơ bản từ 1.000 đến 2.000 nhân dân tệ (khoảng 3,4 - 6,8 triệu VND) mỗi tháng cũng không được cấp phát kịp thời.

Ngoài sự suy thoái trong ngành bất động sản gây ảnh hưởng đến việc trả lương cho người lao động, tình hình tài chính khó khăn của chính quyền các địa phương cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng nợ đọng lương ngày càng nghiêm trọng. Có không ít dự án mà chính quyền địa phương liên tục khất nợ, khiến cho các doanh nghiệp nhận thầu đã phải hoãn trả tiền cho các đối tác khác, cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất chính là các lao động ngoại tỉnh.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sau Tết, lao động ngoại tỉnh ở Trung Quốc không biết phải đi đâu về đâu