Kiến trúc xưa dùng gỗ nhiều tại sao ít bị hỏa hoạn hơn ngày nay? Trí tuệ phòng cháy của người xưa trong thiết kế kiến ​​trúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các tòa nhà thời cổ đại chủ yếu là cấu trúc bằng gỗ, dễ xảy ra hỏa hoạn, một khi ngọn lửa bùng phát trong một tòa nhà bằng gỗ, ngôi nhà sẽ bị phá hủy ngay lập tức, đồng thời cũng gây ra thương vong và thiệt hại về tài sản. Vậy người xưa đã phòng chống hỏa hoạn như thế nào?

"Tả Truyện" có ghi lại: "Mùa xuân năm thứ chín, triều Tống xảy ra tai họa. Lạc Hỷ làm quan Tư thành cai quản chính sự. Ông cử Bá Thị làm quan Tư lý, để phòng khi lửa đến ông cho tháo dỡ những túp lều nhỏ, sơn những ngôi nhà lớn, chuẩn bị bình đựng nước, trữ nước, tích đất bùn, đi tuần tra khắp thành, tu bổ phòng trú ẩn, vạch đường dẫn cứu hỏa”.

Có thể thấy, người xưa có cả một bộ kinh nghiệm phòng cháy chữa cháy rất phong phú và rất sớm. Vào thời nhà Thanh, các Thuỷ Long cục cũng được thành lập để quy hoạch hệ thống phòng cháy chữa cháy thành đô. Thuỷ Long cục tương tự như đội cứu hỏa ngày nay, họ đã có dụng cụ chữa cháy. Thuỷ Long cục được sắp xếp nhân sự với sự phân công và vai trò rõ ràng. Công tác chữa cháy nhân tạo đã khá thuần thục.

Về các biện pháp phòng cháy chữa cháy của các tòa nhà cổ, chúng ta có thể xem xét nó ở hai phương diện sau:

Quy hoạch bố trí công trình hợp lý

Theo ghi chép của thư tịch cổ, nhiều vụ hỏa hoạn liên tục gây ra những phản ứng nghiêm trọng do nhà ở quá gần nhau, nhà cửa xây dựng lộn xộn, lối đi không đủ rộng rãi. Tất cả chỉ là vấn đề bố cục chung của khu phức hợp. Trên cơ sở không ngừng tổng kết các nguyên nhân gây ra hỏa hoạn, người dân Trung Hoa cổ đại đã dần dần tính đến quy hoạch xây dựng theo nhóm: chia phân khu, mở đường dẫn lửa, bố trí đường cứu hỏa, mở rộng ô thoáng trong quảng trường, phủ xanh, đào mương… và các biện pháp phòng chống cháy nổ như đào giếng chìm.

"Tống sử - Thiện Tuấn truyện"cũng đề cập: “Đào các con mương và tạo các con đường dẫn lửa, để tránh những họa hoạn sau này”. Đây là tất cả các ví dụ về cách ngăn chặn hỏa hoạn từ cách bố trí của khu phức hợp tòa nhà.

Ngõ và giếng cứu hỏa (Ảnh: qua Aboluowang)

“Tây Hồ du giám chí” của Điền Nhữ Thành triều Minh có ghi chép: "Thời Chí Nguyên (Hốt Tất Liệt), những ngôi nhà dân ở hai bên đã bị xâm lấn cấp độ nhẹ, tuy thế nhưng không ai dám xây dựng cổng vươn qua phố".

Cuốn sách này cũng giải thích lý do: "Thành Hàng Châu nhiều hỏa hoạn, biển hiệu cổng vòm vươn qua phố nên ngọn lửa ngày càng dễ cháy, bằng gỗ nên dễ cháy, nếu làm bằng đá thì người ta sợ sập, sẽ không dám vào cứu".

Giải thích rằng cổng vòm băng qua đường, khi đám cháy bùng lên bên đường, nó sẽ đóng vai trò gây ra hỏa hoạn, khi hỏa hoạn rất dễ sập xuống gây thương tích cho người dân, gây cản trở cho công tác chữa cháy, vì vậy ở Hàng Châu từ thời nhà Nguyên đến nay vẫn không có cổng vòm nào được xây dựng.

Vào thời cổ đại, rất nhiều tòa nhà được xây dựng ở những nơi có nước bao quanh, ngoài tác dụng chống trộm còn có chức năng phòng cháy chữa cháy. Làng Miêu thuộc Tân Kiều ở Quý Châu ngày nay là một ngôi làng còn sót lại nhiều vựa nước, những ngôi nhà ở đó có kết cấu bằng gỗ và các cột trụ nhà trên mặt nước, có chức năng phòng cháy chữa cháy vượt trội.

Kho thóc nổi - vựa lúa nổi của làng Miêu Tân Kiều. (Ảnh: qua Aboluowang)

Nói đến phòng cháy chữa cháy trong bố cục kiến ​​trúc, phải nhắc đến Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, hoàng cung đại diện cho tầng lớp trung lưu và cao cấp của hệ thống phong kiến.

Các tòa nhà chính có Tiền Tam Điện phía trước và Hậu Tam Cung phía sau đều có là sân độc lập riêng, các khoảng cách tránh hỏa hoạn nhất định được thiết lập, khoảng cách giữa các chính điện cũng được đảm bảo. Kết cấu hiên khá dài, xây hoàn toàn bằng gạch đá, để ngọn lửa không lan sang bên khác. Đông Tây Lục Cung cùng các nhóm kiến trúc độc lập khác đều có tường cao ngăn cách, tạo thành sân riêng, để nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ không thiêu rụi một khu vực rộng lớn.

Trong mỗi khu hành chính đều có đường cứu hỏa, các đường cứu hỏa được ngăn cách, không chỉ là vách ngăn chống cháy mà còn thuận tiện cho việc sơ tán và cứu nạn an toàn trong trường hợp hỏa hoạn.

Trong cung có mương, ao, giếng, bể chứa nước được đặt trước các tòa nhà chính và trong sân chính để chuẩn bị cho việc cấp nước và phòng cháy chữa cháy. Bên ngoài thành chính được bao quanh bởi các tường thành và cổng tháp cao để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng hỏa lực.

Về cách bố trí chung của các dinh thự, có thể thấy các tòa nhà dân cư cổ từ xưa được xây bằng gạch thời Hán, đồ dùng trong nhà là đồ gốm thời Hán, thời Minh và các bức tranh Đường và Tống, nhà bếp dễ bị cháy nên được bố trí ở một góc riêng biệt.

Những di sản còn lưu giữ đến hiện nay như nhà của đời Tống ở Triều Châu, Quảng Đông; và những ngôi nhà Khách Gia của người Hẹ ở Phúc Kiến và Quảng Đông còn tồn tại cho đến ngày nay, còn bếp phần lớn làm bằng đất nên không dễ bén lửa, đầu hồi nhà làm bằng gạch chịu lửa tốt, ngoài ra hẻm cứu hỏa với toà nhà chính được ngăn cách với nhau rõ ràng, hệ thống phòng chống cháy của tòa nhà có chức năng rõ ràng.

Vật liệu kiến trúc

Từ các tòa nhà riêng lẻ, người xưa thay thế vật liệu dễ cháy bằng vật liệu chịu lửa. Ví dụ, từ đầu thời Tây Chu, mái ngói đã được sử dụng, khả năng chống cháy và chịu nhiệt lửa được tăng cường đáng kể.

Thay thế các vật liệu xây nhà từ gỗ sang dùng gạch đá. Vào thời nhà Hán, con người đã có ý thức xây dựng những căn phòng bằng đá để tránh lửa.

Vào thời nhà Tấn và các triều đại Nam và Bắc triều, những ngôi chùa gỗ dần dần được thay thế bằng những ngôi chùa xây, chẳng hạn như chùa Song Biên ở Đăng Phong và triều đại Bắc Ngụy. Sau thời nhà Đường, chùa chủ yếu xây bằng gạch đá, và chùa gỗ ngày càng khan hiếm. Kinh nghiệm này được áp dụng vào các đồ dùng khác (như lan can, ghế phẳng, tường, v.v.) cũng ngày càng phong phú, đến thời nhà Tống, theo sách “Doanh tạo pháp thức” đã đưa việc dùng gạch đá vào xây dựng như một quy phạm.

Sau đó, xuất hiện kết cấu hỗn hợp gạch và gỗ, chẳng hạn như kiểu phối của nhà ở Triều Châu, Quảng Đông, ngoại trừ kết cấu khung gỗ của đại sảnh, tường đầu hồi được dùng để chịu lực. Sau thời nhà Minh, các tòa nhà hoàn toàn bằng gạch - sảnh không xà gồ xuất hiện, chẳng hạn như chùa Liên Ứng ở Nam Kinh, chùa Vĩnh Tộ Thái Nguyên - Sơn Tây, sảnh không xà của chùa Vạn Cố ở núi Chung Điều tỉnh Sơn Tây , Cung điện Trai ở Bắc Kinh, v.v.

"Bồi" đó là một thực hành phòng cháy chữa cháy cổ xưa và quan trọng ở Trung Quốc. Cho đến nay, các tòa nhà ở một số nơi tại Thành Đô, Tứ Xuyên vẫn giữ tập quán "bồi đất" để phòng cháy, bịt kín và bảo vệ một số cột, dầm gỗ dễ bén lửa bằng bùn gân cỏ. Một số tòa nhà trang nhã ở phía nam, còn có thực hành dán gạch trên cánh cửa gỗ của cổng để đạt được hiệu quả chống cháy.

Một số công trình thiết kế phòng cháy chữa cháy

Tháp quan sát lửa

Tháp canh được xây dựng đặc biệt để theo dõi và quan sát ngọn lửa lần đầu tiên được nhìn thấy trong "Hồ Châu Ca" của Uông Nguyên Lượng thời kỳ Nam Tống: "Hoài Nam ngày càng xa và tiếng sóng nhỏ, nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy tháp canh ở Dương Châu."

Về tình hình cụ thể của tháp canh, bai hát "Đông Kinh mộng hoa lục" đã mô tả chi tiết:

"Có một tháp canh bằng gạch trên một nơi cao. Có những người ở tầng trên quan sát, và có một số quan phủ ở tầng dưới. Có nhiều hơn nữa hơn một trăm binh lính đóng quân, và có những công việc gia đình để chữa cháy, thùng, vòi phun, tấm gai, rìu, thang, nhánh dập lửa, dây thừng lớn, v.v. Hễ nơi nào còn lửa thì sẽ có binh mã vội vàng tới báo ngay."

Hình ảnh cụ thể của loại tháp canh này được phản ánh trong các bia ký khắc chữ thời Nam Tống như "Bản đồ thành phố của tỉnh Tĩnh Giang" và "Bản đồ thành phố Bình Giang".

Bức tường ngăn lửa

Muộn nhất là vào thời nhà Minh, các bức tường chống cháy, tường mái hiên và tường ngăn lửa đã xuất hiện trong các tòa nhà, phổ biến nhất ở các khu vực thành thị và nông thôn ở Nam Trung Quốc và Tây Nam Trung Quốc. Trong bức tường chống cháy ở ngoại ô Quảng Châu, các đầu hồi ở cả hai bên thường cao hơn mái nhà từ 3 đến 5 thước. Phào của tường mái hiên ở khu Triều Sán, Quảng Đông được làm bằng gạch, khi nhà trước và nhà sau bắt lửa, ngọn lửa từ phào vào nhà rất khó bắt lửa. Bức tường này cao hơn mái nhà từ 5 đến 6 thước, khi một nhà bắt lửa thì nhà bên kế bên khó bắt lửa, đây là những thiết kế kết cấu chống cháy đơn giản và hiệu quả.

Công nghệ phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà cổ xưa của Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu hiệu quả nhất định, nhưng do những hạn chế của điều kiện có trong thời xưa. Trên thực tế thời xưa có nhiều cách tâm linh để đối phó với lửa, nhưng trên trong bài viết này là một số cách thường được sử dụng hơn trong thực tế thời Trung Hoa cổ xưa.

Tống Vân - Aboluowang/ Nguồn: Lịch sử Baijiahui
Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kiến trúc xưa dùng gỗ nhiều tại sao ít bị hỏa hoạn hơn ngày nay? Trí tuệ phòng cháy của người xưa trong thiết kế kiến ​​trúc