Kỳ quan kỹ thuật thế kỷ 20 - Điểm tham quan du lịch độc đáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tòa tháp cao sừng sững như lính gác đơn độc trên khung cảnh đại dương hùng vĩ. Từng có những con tàu từng neo đậu nơi đây để chờ giao hàng.

Cảng bỏ hoang này nằm trên bờ biển đá, là một kỳ quan kỹ thuật của thế kỷ 20 và là điểm tham quan du lịch với cảnh quan độc đáo. Cảng Flavia (Porto Flavia) nằm ở bờ biển tây nam của đảo Sardinia, đặc điểm nổi bật nhất của nó là một đường hầm dài 52 feet được xây dựng trên sóng biển. Đường hầm này từng là trung tâm khai thác mỏ, kéo dài từ bên tảng đá đến đỉnh vách đá.

Vào thời điểm đó, Cảng Flavia là một thành tựu tiên phong của ngành công nghiệp, nhưng ngày nay nó đã bị bỏ hoang và trở thành một điểm tham quan du lịch. Cách đây một thế kỷ, câu chuyện về Cảng Flavia chỉ xoay quanh việc làm sao để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí khai thác, chứ không phải là cảnh quan đại dương tuyệt đẹp như hiện nay.

Kể từ những năm 1600, khu vực Masua thuộc vùng của Sardinia, Ý đã được khai thác để lấy nhiên liệu, kim loại và khoáng sản, bao gồm than đá, kẽm, chì, lưu huỳnh, barit, bạc và các kim loại khác.

Đến những năm 1900, ngành khai thác mỏ thực sự bùng nổ. Việc khai thác quặng rất tốn công sức và tốn kém vì quặng phải được vận chuyển trong những chiếc giỏ đan bằng liễu gai đến các tàu Sardinia neo đậu tại Masua. Những con tàu này được gọi là bilancelle. Chúng được điều khiển bởi các thủy thủ từ đảo Carloforte, cách đó 19 dặm (30 km) về phía tây.

Cảng Flavia do kỹ sư Cesare Vecelli thiết kế, nằm nbờ biển Masua, Sardinia, Ý. (Shutterstock)

Công việc vận chuyển quặng bằng bilancelle rất vất vả và nguy hiểm. Những con tàu này có thể chở tới 30 tấn hàng, thường được chất đầy hàng và có nguy cơ chìm khi biển động, đặc biệt khi chở đầy kim loại chì. Sau khi hàng hóa đến đảo Carloforte, nếu thời tiết xấu, một con tàu có thể mất tới hai tháng để khởi hành đến các nhà máy đúc ở Pháp, Bỉ hoặc Đức.

Do đó, một công ty khai thác mỏ của Bỉ đã cố gắng tìm cách đẩy nhanh quá trình này. Vào năm 1922, công ty đã thuê kỹ sư Cesare Vecelli để nghiên cứu giải pháp. Trong số các phương pháp mới nhất, ông Vecelli đã khảo sát bờ biển đá Sardinia ở phía tây bắc Masua và phát hiện ra một nơi mà quặng có thể được chất trực tiếp lên tàu, tàu sẽ neo dọc theo các vách đá thẳng đứng. Nước biển ở đây đủ sâu để tàu không bị mắc cạn và nơi này sau này trở thành Cảng Flavia.

Quặng được vận chuyển đến một địa điểm trên đỉnh vách đá của Cảng Flavia, nơi có một lối vào dẫn đến đầu của hai đường hầm dài, một đường hầm nằm trên đường hầm kia, chạy song song theo chiều dọc 2000 feet (60 mét) ra biển. Thông qua hệ thống lưu trữ và vận chuyển, quặng đi qua vách đá và được trực tiếp nạp vào hầm hàng của tàu bên dưới.

Mặt trước của Cảng Flavia có tháp bê tông và các đường hầm hình vòm được xây dựng chủ yếu để trang trí. (Shutterstock)

Việc xây dựng cảng được hoàn thành trong hai năm ngắn ngủi từ năm 1922 đến năm 1924. Thành tựu này là nhờ một nhóm thợ mỏ chuyên leo núi và sử dụng thuốc nổ, họ đã phớt lờ các tiêu chuẩn an toàn để hoàn thành công việc với tốc độ nhanh chóng mặt. Điều đáng ngạc nhiên là không có trường hợp tử vong nào xảy ra, ít nhất là không có báo cáo nào về việc này. Việc thiếu nơi ẩn náu trong khi nổ mìn càng làm tăng thêm tính thách thức cho nhiệm vụ. Để giải quyết vấn đề này, họ đã đào các rãnh dọc theo đường hầm để tạo nơi ẩn nấp an toàn.

Công trình xây dựng bắt đầu từ vách đá cao 121 feet (37 mét). Các công nhân sử dụng thuốc nổ và máy khoan để tạo ra đường hầm tầng trên, đây là nơi tiếp nhận quặng. Các đoàn tàu điện chạy bên trong đường hầm và vận chuyển quặng xuống đường hầm tầng dưới qua các hố chứa thẳng đứng.

Tiếp theo, họ sử dụng dây thừng để treo mình dọc theo vách đá và tiến hành nổ mìn và khoan đường hầm hạ tầng. Việc khai thác lần này được thực hiện theo hướng ngược lại, làm đất đá đào được đổ trực tiếp xuống dưới biển, giúp đẩy nhanh tốc độ thi công.

Cảnh bờ biển từ Port Flavia, Ý. (Shutterstock)
Một toa tàu điện cũ từng được sử dụng để khai thác quặng ở cảng Flavia của Ý. (Shutterstock)

Sau khi hoàn thành hai đường hầm, chúng được kết nối bởi chín kho chứa khổng lồ theo chiều dọc. Mỗi kho có đường kính từ 13 đến 26 feet (4 đến 8 mét) và cao 66 feet (20 mét). Việc xây dựng các kho này được thực hiện từ dưới lên trên, cho phép công nhân một lần nữa đổ đất đá xuống biển dễ dàng. Tuy nhiên, đây là một công việc vô cùng nguy hiểm.

Các kho chứa này nằm dọc theo hai bên đường hầm hạ tầng và tạo thành một lối đi trên đường hầm tầng trên. Phía trên là cửa nạp, nơi quặng được đổ xuống, và bên dưới là cửa dỡ, nơi quặng được vận chuyển bằng băng chuyền xuyên qua đường hầm.

Băng chuyền vận chuyển kim loại và khoáng sản đến cửa, nơi một con tàu sẽ chờ sẵn. Một băng chuyền co giãn thấp hơn sẽ đưa quặng từ vách đá qua khe hở rộng 52 feet (16 mét) và vào hầm tàu theo chiều thẳng đứng. Băng chuyền co giãn này được bọc thép để ngăn khoáng chất kẽm oxit bay theo gió. Nhờ vậy, cảng có thể vận chuyển 500 tấn quặng mỗi giờ cho mỗi tàu chờ.

Sau khi hoàn thành công trình, chủ sở hữu công ty khai thác mỏ đã cho xây dựng một tòa tháp và vòm bằng bê tông ở mặt trước, chủ yếu để trang trí hơn là dùng làm chức năng. Sau đó, nhà thiết kế Vecelli đã nhận được sự cho phép đặc biệt là đặt tên toàn bộ cảng là Porto Flavia, theo tên đứa con gái mới sinh của ông, như dòng chữ khắc trên đó thể hiện.

Nhìn từ trên cao xuống cảng Flavia, Ý. (Shutterstock)

Việc khai thác tại Cảng Flavia bắt đầu đã giúp giảm 70% chi phí sản xuất. Đây là một lợi ích lớn cho công ty khai thác mỏ. Tuy nhiên, điều này lại gây ra hậu quả tiêu cực cho các thủy thủ ở Carloforte, vì nhiều người đã mất việc làm, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.

Mức lương tại Cảng Flavia cao hơn so với ở mỏ và điều kiện làm việc cũng tốt hơn. Cảng được trang bị hệ thống khử bụi hiệu quả, thông gió tốt, ánh sáng tự nhiên và máy móc hiện đại. Tuy nhiên, cũng có một số tai nạn chết người đã xảy ra tại đây. Một nhóm có tên là Squadra della Morte (Biệt đội cảm tử) được giao nhiệm vụ nguy hiểm là vào kho chứa đồ, họ trói người bằng dây thừng và dùng cuốc, sào để loại bỏ quặng mắc kẹt trong tường đá.

Cùng với sự suy giảm của hoạt động khai thác mỏ địa phương, Cảng Flavia dần trở nên ít được sử dụng vào những năm 1960 và cuối cùng đóng cửa vào những năm 1990 khi hoạt động khai thác tại Masua hoàn toàn chấm dứt. Ngày nay, cảng khai thác mỏ độc đáo này với khung cảnh thiên nhiên ven biển rất ấn tượng đã trở thành di sản được UNESCO bảo vệ. Du khách có thể tham gia các chuyến tham quan có hướng dẫn viên để khám phá lịch sử công nghiệp và khai thác mỏ của khu vực, biến nơi đây thành một điểm nóng thu hút khách du lịch.

Mặt trước cảng Flavia (Shutterstock)

Theo Hàn Ngọc - Epoch Times tiếng Trung
Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ quan kỹ thuật thế kỷ 20 - Điểm tham quan du lịch độc đáo