La Nina tiếp nối El Nino trong tháng 6: Việt Nam cần làm gì để chống lại bão lũ bất thường?

Giúp NTDVN sửa lỗi

El Nino đã làm nhiệt độ toàn cầu trong năm 2023 lên mức kỷ lục, nhưng dự kiến nó sẽ biến mất, và đối nghịch với nó, La Nina có thể sẽ xảy ra vào tháng 6.

El Nino là một hiện tượng khí hậu xảy ra khi lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương nóng lên dị thường. Hiện tại, nó vẫn chưa kết thúc, nhưng phần lớn các mô hình dự báo cho thấy nước biển ở khu vực Thái Bình Dương đang lạnh đi và hiện tượng El Nino sẽ kết thúc trong tháng 6.

Trung tâm dự báo khí hậu CPC thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) đã thông báo: "Chúng ta đang chia tay El Nino sau một năm chịu tác động mạnh từ hiện tượng này". Theo trung tâm này dự báo, khoảng 55% khả năng là sau El Nino, La Nina xuất hiện từ giữa năm nay.

La Nina gây ra hiện tượng cực đoan gì?

La Nina là một hiện tượng trái ngược lại với hiện tượng El Nino. Hiện tượng La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau, theo trang Wikipedia.

So với El Nino, La Nina được cho là sẽ ôn hòa hơn về mặt nhiệt độ, tức là có thể đem theo thời tiết mát mẻ hơn cho một số khu vực trên Trái đất. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại về La Nina chính là nó có thể gây mưa bão mạnh ở các vùng ven biển.

Trong lịch sử, hiện tượng La Nina từng gây ra cơn bão Mitch vào năm 1998, gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người từng trải qua đến tận ngày nay. Cơn bão đã khiến 22.000 người thiệt mạng và mất tích, 2,7 triệu người mất nhà cửa. Khả năng La Nina có thể xuất hiện vào cuối năm nay được các chuyên gia khí tượng nhìn nhận rất thận trọng.

Ông Alex Desrosiers - nghiên cứu sinh trường Đại học Colorado, Mỹ - cho rằng: "La Nina không bao giờ là tin tốt khi nói đến các mùa bão. Năm nay, tác động của La Nina còn được khuếch đại bởi nhiệt độ đại dương ấm hơn. Đây là điều đáng lo ngại. Những chỉ số này không hề tốt một chút nào.

Tôi hy vọng nếu những cơn bão lớn xảy ra thì nó sẽ không vào thẳng đất liền. Ví dụ như năm 2010, chúng ta cũng chứng kiến nước biển Đại Tây Dương ấm lên và hiện tượng La Nina. Năm đó, chúng ta đã có một mùa mưa bão dày đặc nhưng 5 cơn bão lớn của năm ấy không đổ bộ vào đất liền nên bây giờ không phải là lúc để hoảng sợ mà là lúc để chuẩn bị cho những khả năng bão có thể xảy ra".

La Nina ảnh hưởng đến Đông Nam Á như thế nào?

Hình thái thời tiết La Nina mang theo khí hậu mát dịu hơn, nhiều mưa hơn cũng có thể sẽ trở thành một lợi thế đối với một số khu vực trồng trọt, nông nghiệp. Ví dụ như khu vực Đông Nam Á.

Các chuyên gia cho rằng La Nina diễn ra vào nửa cuối năm nay khiến mưa nhiều hơn ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Australia.

Với Indonesia - quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, mùa khô năm nay sẽ ít khắc nghiệt hơn 2023 và vì thế việc quản lý phòng chống cháy rừng cũng như canh tác mùa màng sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên với Philippines, La Nina có thể gây mưa nhiều dẫn đến lũ lụt và đặc biệt là dự báo sẽ có nhiều trận bão hơn vào cuối năm.

La Nina gần đây nhất vào năm 2017 - 2018 đã mang lại lượng mưa có lợi cho các vùng sản xuất cọ của Indonesia và Malaysia, giúp hai nước này có sản lượng dầu cọ thô tăng cao. Điều tương tự cũng được dự báo cho năm nay.

Dự báo mùa bão lũ khốc liệt trong năm 2024

Dự báo mùa bão 2024 sẽ có số lượng cơn bão lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Ảnh: NOAA

Đại học Pennsylvania của Mỹ cho biết, dự kiến trong năm 2024 có từ 27 đến 39 cơn bão được đặt tên (sức gió đạt tối thiểu 62 km/h), với con số khả thi nhất là 33. Trong lịch sử, số lượng cơn bão được đặt tên nhiều nhất được ghi nhận là 30, vào năm 2020.

Trong khi đó, đại học bang Colorado dự báo có 23 cơn bão được đặt tên và 11 cơn bão cuồng phong (sức gió đạt tối thiểu 120 km/h), và AccuWeather nhận định mùa bão năm nay có từ 20-25 cơn bão được đặt tên.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết nhiệt độ bề mặt nước biển hiện đang cao hơn mức bình thường, điều này làm tăng cường độ các cơn bão.

Chuyên gia khí tượng thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam cho biết: Trạng thái khí quyển khi chuyển từ El Nino sang La Nina khi kết hợp cùng với biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan. Vì vậy, nửa cuối năm 2024 sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, giông lốc mưa đá hơn mức bình thường.

Chuyên gia này cho biết thêm, từ nay đến cuối năm Biển Đông sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão, trong đó có 5-7 cơn tác động trên đất liền.

Sẵn sàng đối phó với lũ lụt lớn

Ảnh minh hoạ chiếc thuyền của Noah cứu người khi Đại hồng thuỷ xảy ra: Pixabay

Tại miền Nam Trung Quốc, tình trạng lũ lụt đã đến sớm hơn dự kiến khi mưa dông từ giữa tháng 4 đã kéo theo cảnh báo mực nước tại một số sông lớn ở tỉnh Quảng Đông đạt mức "trăm năm có một". Các trận mưa lớn kéo theo lở đất đã làm ít nhất 4 người thiệt mạng, 10 người mất tích, hàng chục ngôi nhà bị đổ sập, hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường bị phong tỏa. Tình trạng tại Quảng Tây cũng trầm trọng không kém, mưa ngập ngang ngực.

Ông Mark Fletcher - Công ty tư vấn xây dựng Arup (Anh) - cho rằng: "Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều điều không chắc chắn về biến đổi khí hậu. Có lẽ đã đến lúc phải chuyển sang cấp độ tiếp theo, bao gồm các biện pháp phi công trình, chẳng hạn như hệ thống dự báo và cảnh báo sớm hiệu quả vào các nỗ lực chống lũ lụt đô thị thay vì chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng".

Các chuyên gia cho rằng điều cốt yếu là hệ thống thoát nước sẽ cần phải được cải thiện để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn khi biến đổi khí hậu gia tăng.

Thử lấy Hà Lan - quốc gia nằm dưới mực nước biển nhưng vẫn chống chọi rất tốt với tình trạng nước biển dâng - làm ví dụ. Ngoài hệ thống đê kè tại các cửa sông có thể đóng mở dễ dàng, còn cần đào nhiều các kênh rạch, sông nhỏ, hồ chứa nước chống ngập…, để đảm bảo điều tiết mực nước hợp lý. Các "khu vực xả nước" cũng được hình thành, đề phòng trường hợp nước sông dâng cao thì sẽ xả nước đảm bảo an toàn cho thành phố.

Theo VTV/laodong/doisongphapluat



BÀI CHỌN LỌC

La Nina tiếp nối El Nino trong tháng 6: Việt Nam cần làm gì để chống lại bão lũ bất thường?