Mảng tối Mặt trời rộng tới 800.000 km đang phun luồng gió cực nhanh về Trái Đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một lỗ đen khổng lồ đã mở ra trên bề mặt Mặt trời và đang phun ra những dòng bức xạ cực mạnh với tốc độ nhanh bất thường, được gọi là gió Mặt trời, ngay trên Trái đất. Các nhà khoa học cho biết kích thước và hướng của khoảng trống tạm thời, rộng hơn 60 lần Trái đất, là chưa từng có ở giai đoạn này của chu kỳ Mặt trời.

Mảng tối khổng lồ, được gọi là lỗ vành nhật hoa, hình thành gần xích đạo Mặt trời vào ngày 2/12 và đạt đến chiều rộng tối đa khoảng 800.000 km trong vòng 24 giờ, Spaceweather.com đưa tin. Kể từ ngày 4/12, mảng tối này đã hướng thẳng vào Trái đất.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), các lỗ vành nhật hoa xuất hiện khi từ trường trên Mặt trời đột ngột mở ra, khiến vật chất ở bề mặt phía trên của Mặt trời thoát ra và thành các cơn gió Mặt trời. Tương tự như các vết đen Mặt trời, các lỗ vành nhật hoa xuất hiện dưới dạng các mảng tối vì chúng mát hơn và có mật độ plasma thấp hơn xung quanh. Tuy nhiên không giống như các vết đen Mặt trời, các lỗ vành nhật hoa chỉ nhìn thấy dưới ánh sáng cực tím.

Theo NOAA, các luồng bức xạ từ các lỗ vành nhật hoa nhanh hơn nhiều so với gió Mặt trời thông thường và thường gây ra những sự xáo trộn trong lá chắn từ trường của Trái đất, được gọi là các cơn bão địa từ, theo NOAA. Lỗ vành nhật hoa gần đây, xuất hiện vào tháng 3, đã tạo ra cơn bão địa từ mạnh nhất tấn công Trái đất trong hơn sáu năm qua.

Các chuyên gia ban đầu dự đoán lỗ vành nhật hoa mới này có thể gây ra một cơn bão địa từ vừa phải (G2), có thể làm mất sóng vô tuyến và hiện tượng cực quang mạnh trong vài ngày tới. Tuy nhiên, gió Mặt trời yếu hơn dự kiến ​​nên cho đến nay cơn bão chỉ ở mức yếu (G1), theo Spaceweather.com. Nhưng cực quang vẫn có thể xảy ra.

Theo NOAA, không rõ lỗ vành nhật hoa này sẽ tồn tại bao lâu, nhưng các lỗ trước đây đã tồn tại lâu hơn chu kỳ tự quay của Mặt trời (27 ngày). Tuy nhiên, lỗ này sẽ sớm đi ra khỏi vị trí hướng vào Trái đất.

Hoạt động của Mặt trời đã tăng cường trong suốt cả năm nay khi ngôi sao chủ của chúng ta dần đạt đến đỉnh điểm bùng nổ trong chu kỳ khoảng 11 năm, được gọi là cực đại Mặt trời. Tuy nhiên, lỗ vành nhật hoa khổng lồ mới không được cho là một phần của sự gia tăng hoạt động Mặt trời.

Theo NOAA, các lỗ vành nhật hoa có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong suốt chu kỳ Mặt trời, và thực ra chúng phổ biến hơn trong thời kỳ Mặt trời đạt cực tiểu. Khi chúng xuất hiện trong thời kỳ Mặt trời đạt cực đại, chúng thường nằm gần các cực của Mặt trời chứ không phải gần xích đạo. Do đó, việc một lỗ lớn mở ra gần xích đạo khi cực đại Mặt trời đang đến gần như hiện nay vẫn là một điều bí ẩn.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, đã có nhiều dấu hiệu khác cho thấy Mặt trời đang hoạt động mạnh hơn.

Vào ngày 18/11, một "quần đảo” vết đen Mặt trời khổng lồ bao gồm ít nhất năm cụm vết đen khác nhau đã xuất hiện ở mặt nhìn thấy của Mặt trời và kể từ đó chúng đã tạo ra hàng chục cơn bão Mặt trời vào không gian. Vào ngày 25/11, một vụ phun trào nhật hoa (CME) - một đám mây plasma từ hóa chuyển động nhanh – đã va chạm vào Trái đất và gây ra cực quang màu cam hiếm gặp. Và vào ngày 28/11, một vết lóa Mặt trời "gần như cấp X" bắn ra từ Mặt trời và sinh ra một CME tấn công Trái đất và gây ra một cơn bão địa từ, làm các vĩ độ thấp hơn bừng sáng với cực quang.

Sự gia tăng gần đây về hoạt động của Mặt trời có thể là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang ở trên đỉnh cực đại của Mặt trời. Vào tháng 10, các nhà khoa học đã sửa đổi dự báo chu kỳ Mặt trời của họ và hiện dự đoán rằng cực đại Mặt trời có thể bắt đầu vào đầu năm 2024.

Theo Livescience



BÀI CHỌN LỌC

Mảng tối Mặt trời rộng tới 800.000 km đang phun luồng gió cực nhanh về Trái Đất