Mặt trái của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự tăng trưởng mạnh của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đang tạo ra những tác động tiêu cực tới các nước khác trên thế giới.

Được hỗ trợ bởi các chính sách thuế thuận lợi và các trợ cấp, ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã chứng kiến ​​​​sự tăng trưởng nhanh chóng trên toàn cầu kể từ năm 2022. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng sự tăng trưởng này mang đến những lo ngại đáng kể, bao gồm việc trốn thuế, bán phá giá sản phẩm và vấn đề với bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, trong quý đầu tiên năm nay, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc lên tới 577,6 tỷ CNY (nhân dân tệ) (81,27 tỷ USD), tăng trưởng 9,6%. Xuất khẩu đạt 448 tỷ CNY (63,03 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 129,6 tỷ CNY (18,23 tỷ USD).

Năm 2023, thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, với tổng lượng xuất khẩu vượt 1,8 nghìn tỷ CNY (250 tỷ USD), tăng trưởng 19,6%.

Tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quóc đưa tin thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn “tăng trưởng nhanh”, giúp cho việc “mua bán toàn cầu” trở nên dễ dàng hơn.

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng toàn cầu, thúc đẩy sự gia tăng mua sắm trực tuyến và thương mại điện tử xuyên biên giới B2C. Các nền tảng của Trung Quốc như AliExpress, Shein và Temu đã mở rộng đáng kể. Sau năm 2022, nhiều công ty thương mại điện tử Trung Quốc, bao gồm các thương hiệu địa phương và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã thâm nhập thị trường quốc tế, tận dụng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng toàn cầu.

Ưu đãi và lỗ hổng

Sự tăng trưởng nhanh chóng này phần lớn có được là nhờ sự hỗ trợ chính sách nhằm thúc đẩy thương mại xuất khẩu. Bắc Kinh đã liên tục đưa ra các ưu đãi về thuế, trợ cấp và nới lỏng các yêu cầu hành chính để hỗ trợ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Kể từ năm 2014, thương mại điện tử xuyên biên giới đã được đưa vào Báo cáo Công tác Chính phủ của Thủ tướng Trung Quốc trong 11 năm liên tiếp, được coi là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng ngoại thương. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, chính quyền Trung Quốc đã thành lập 165 khu vực thí điểm toàn diện về thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong các khu vực thí điểm này, hàng xuất khẩu bán lẻ thương mại điện tử được hưởng các khoản trợ cấp của chính phủ như giảm thuế.

Nhà kinh tế Davy J. Wong nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng mặc dù hầu hết các quốc gia đều đưa ra một số ưu đãi và trợ cấp xuất khẩu ở một mức độ nào đó, nhưng thông lệ quốc tế là những ưu đãi này không được gây tổn hại đến lợi ích của các nước tiếp nhận hàng xuất khẩu.

Ông Wong tin rằng “các hành vi của Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc và tinh thần cạnh tranh quốc tế công bằng và thường dẫn đến các lệnh trừng phạt từ các quốc gia bị ảnh hưởng”.

Theo Cục Thuế Thượng Hải, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu chính sách giảm thuế xuất khẩu ngay từ năm 1985 để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nước ngoài bằng cách loại bỏ việc đánh thuế hai lần đối với hàng hóa xuất khẩu. Theo bài báo của China Briefing, là một tạp chí của một công ty tư vấn đầu tư nước ngoài, thông qua nhiều cải cách thuế, Bắc Kinh đã sửa đổi chính sách giảm thuế để cho phép đánh mức thuế bằng 0 đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu với một số ngoại lệ hạn chế bắt đầu từ ngày 20/3/2020.

Ông Wong còn tuyên bố thêm rằng các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc cũng khai thác những lỗ hổng như quy tắc về lượng hàng hóa không đáng kể của Hoa Kỳ, vốn miễn thuế cho hàng nhập khẩu có giá trị dưới 800 USD. Ông cáo buộc rằng các công ty này chia các lô hàng thành các gói nhỏ hơn với giá chỉ còn 3,99 USD hoặc 4,99 USD, và các công ty này khiến thị trường Hoa Kỳ tràn ngập với hàng hóa giá rẻ. “Cách làm này không chỉ giúp lách thuế mà còn làm suy yếu thị trường địa phương đối với các hàng hóa nhỏ và sản phẩm công nghiệp nhẹ ở phương Tây, gây ra những tác động tàn khốc mà không đóng góp vào doanh thu thuế địa phương”.

Ông nói thêm: “Trong năm 2018 và 2019, trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc tăng lên, họ đã sử dụng những phương pháp này và nhiều khoản trợ cấp khác nhau để thâm nhập thị trường Mỹ và né tránh các rào cản thuế quan”.

Nhà kinh tế Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) cho biết, sau sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc, giá trị bất động sản đã giảm mạnh, khiến tài sản của người dân bình thường sụt giảm nhanh chóng. Trong tình hình này, Bắc Kinh cần tìm ra những chiến lược thay thế. Một cơ hội đáng chú ý là nắm bắt thị trường quốc tế và xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa trong nước sang nhiều nơi trên thế giới.

Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, tin rằng: “Vấn đề dư thừa công suất đối với các mặt hàng nhỏ không nghiêm trọng đến vậy, và tác động của nó là tương đối nhỏ. Tuy nhiên, vấn đề trở nên rất nghiêm trọng với tình trạng dư thừa công suất lớn hơn, chẳng hạn như trong lĩnh vực ô-tô và xe điện, do khoản đầu tư ban đầu đáng kể và quy mô sản xuất lớn”.

“Có thể nói đó là một biện pháp tự cứu mình trong tuyệt vọng, nhưng trên thực tế, đó là thu lợi nhuận dựa trên thiệt hại của người khác. Bằng cách xuất khẩu thất nghiệp sang các nước khác, họ đang làm hại người khác trong khi chỉ tập trung vào việc kiếm tiền cho bản thân”, ông Tạ khẳng định thêm.

Mặt trái của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc
Ứng dụng Shein trên App Store được phản chiếu trên logo Temu, ở Washington DC, Mỹ, vào ngày 23/2/2023. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP qua Getty Images)

Xâm phạm quyền riêng tư

Temu, một nền tảng thương mại điện tử do Trung Quốc hậu thuẫn, đứng đầu danh sách các ứng dụng và trò chơi được tải xuống nhiều nhất trong số các ứng dụng iPhone miễn phí vào năm 2023, hứa hẹn với người dùng “Mua sắm như một tỷ phú”. Nền tảng này phải đối mặt với hai vụ kiện tập thể cáo buộc ứng dụng cài “phần mềm gián điệp và phần mềm độc hại vào điện thoại của người dùng để thu thập thông tin cá nhân nhạy cảm”, cho phép Temu truy cập vào “thực sự là mọi thứ trên điện thoại của bạn”.

Trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, Temu phủ nhận các cáo buộc, khẳng định rằng “bảo vệ quyền riêng tư là một trong những giá trị cốt lõi của Temu”, theo CBS News.

Ông Lý tin rằng mặc dù bảo vệ thông tin cá nhân là một thông lệ bình thường, nhưng ĐCSTQ “truy cập thường xuyên và không hạn chế vào thông tin của người khác mà không có bất kỳ sự giám sát nào”.

Ông Wong cáo buộc các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc luôn âm thầm thu thập dữ liệu người dùng. “Một thực tế không thể chối cãi là một lượng lớn dữ liệu lớn của Trung Quốc đã bị thu thập, lạm dụng và bán theo cách bất chấp mọi giới hạn, quy định hoặc nhận thức pháp lý, xâm phạm quyền riêng tư của người dùng”.

Năm 2017, Luật Tình báo Trung Quốc quy định rằng “bất kỳ tổ chức và công dân nào cũng phải trợ giúp, hỗ trợ và hợp tác với công tác tình báo quốc gia theo luật pháp”. Vào ngày 26/4/2023, bản sửa đổi mới nhất của Luật Chống gián điệp của Trung Quốc đã mở rộng quyền hạn của nhân viên an ninh quốc gia để “xem xét và truy xuất dữ liệu, triệu tập các cá nhân và hỏi về thông tin tài sản” đối với những người bị nghi ngờ là gián điệp. Luật cũng yêu cầu bất kỳ công dân và tổ chức nào của Trung Quốc, chẳng hạn như các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, viễn thông và Internet, phải “cung cấp sự hỗ trợ và trợ giúp cần thiết”.

Ông Wong tin rằng các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc sẽ còn hành xử trái đạo đức nhiều hơn nữa với người phương Tây. “Những nền tảng này chắc chắn sẽ làm tổn hại đến tính bảo mật dữ liệu của một số lượng lớn người dùng châu Âu và Mỹ bằng cách rò rỉ, lạm dụng và bán thông tin cá nhân và thông tin ngân hàng cụ thể, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của cư dân châu Âu và Mỹ và tất nhiên, cũng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia".

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mặt trái của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc