Thượng nghị sĩ nêu quan ngại trước kế hoạch IPO của Shein tại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một thượng nghĩ sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại về các vấn đề liên quan tới kế hoạch IPO của Shein và mối quan hệ của công ty này với chính quyền Bắc Kinh. Hoạt động kinh doanh đáng ngờ của nhà bán lẻ thời trang trực tuyến ngày càng bị chú ý sát sao hơn trong những năm gần đây.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa - Florida) đang kêu gọi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) yêu cầu công ty Shein do Trung Quốc hậu thuẫn phải tiết lộ một cách toàn diện về bản chất hoạt động kinh doanh của mình và “rủi ro khi kinh doanh” ở Trung Quốc. Thượng nghị sĩ kêu gọi người đứng đầu SEC ngăn chặn việc chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của công ty tại New York nếu công ty thời trang không thực hiện được các yêu cầu trên để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Mỹ.

Trong một bức thư đề ngày 15/2 gửi Chủ tịch SEC Gary Gensler, ông Rubio nêu lên mối lo ngại về việc gần đây Shein đã tiếp cận các cơ quan quản lý Trung Quốc để xin phê duyệt đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Ông Rubio viết: “Sự hợp tác của Shein với các nhà quản lý Trung Quốc làm dấy lên nghi ngờ nghiêm trọng liên quan tới việc hồ sơ IPO của họ là đầy đủ và chính xác”. “Chính những cơ quan quản lý đó đã ra lệnh cho các công ty Trung Quốc lừa dối chính quyền và nhà đầu tư Mỹ về những rủi ro khi kinh doanh tại CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa]”.

Thượng nghị sĩ nêu quan ngại trước kế hoạch IPO của Shein tại Mỹ
Nhà kho của Shein vào ngày 29/11/2023 tại Whitestown, Indiana, Mỹ. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Shein là gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến thời trang nhanh chuyên vận chuyển sản phẩm trực tiếp đến khách hàng với mức giá thấp đáng kể. Nó phụ thuộc vào hàng nghìn nhà cung cấp tại trung tâm dệt may của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Bức thư được đưa ra khi hoạt động kinh doanh đáng ngờ của nhà bán lẻ thời trang trực tuyến ngày càng bị chú ý sát sao hơn trong những năm gần đây. Năm ngoái, một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ cũng đã gửi thư tới SEC để thúc giục cơ quan chứng khoán kiểm tra công ty được Trung Quốc hậu thuẫn trước cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ trong quá trình sản xuất.

Trong thư, ông Rubio lưu ý rằng Shein tự thể hiện mình là một công ty “toàn cầu” có trụ sở chính tại Singapore, nhưng trên thực tế, nó được thành lập và có “mạng lưới nhà máy khổng lồ” ở Trung Quốc.

Ông Rubio cũng nêu quan ngại về các quy định mới từ cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Những quy định này cho phép Bắc Kinh xem xét kỹ lưỡng các hoạt động niêm yết ở nước ngoài và ngăn chặn các hoạt động chào bán cổ phiếu có thể gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia của chế độ.

Các quy định cấm các công ty Trung Quốc muốn IPO ở nước ngoài đưa ra những tuyên bố về những thiếu sót và vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc, môi trường kinh doanh cũng như các chính sách của Bắc Kinh, cùng những hạn chế khác. Theo Reuters, vào tháng 5/2023, Bắc Kinh cũng yêu cầu các công ty luật hạ thấp rủi ro liên quan đến Trung Quốc trong các hồ sơ IPO ở nước ngoài.

Một bài báo năm 2022 của Bloomberg cho biết Shein bị cáo buộc đã sử dụng nguồn bông từ lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương. Mỹ cấm nhập khẩu bông từ Tân Cương vì “những hành vi ngược đãi khủng khiếp” đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Một báo cáo từ Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc năm ngoái đã tiết lộ các hoạt động liên quan của Shein, bao gồm lao động cưỡng bức, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và khai thác lỗ hổng thương mại.

Thượng nghị sĩ nêu quan ngại trước kế hoạch IPO của Shein tại Mỹ
Một người đàn ông đang lau cửa sổ của phòng trưng bày dài hạn đầu tiên của gã khổng lồ thời trang nhanh trực tuyến Trung Quốc Shein ở Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 10/11/2022. (Ảnh: Richard A. Brooks/AFP qua Getty Images)

Khai thác lỗ hổng thương mại

Theo một số chính trị gia và nhà phân tích, chìa khóa thành công của Shein nằm ở một quy định miễn trừ thương mại ít được biết đến được gọi là quy tắc tối thiểu (de minimis rule - các quy tắc đối với các lượng hàng hóa nhỏ dưới mức tối thiểu). Sự miễn trừ thương mại này của Mỹ cho phép nhà bán lẻ trực tuyến vận chuyển các gói hàng nhỏ trị giá từ 800 USD trở xuống trực tiếp cho người mua hàng mà không phải trả thuế. Việc miễn trừ cho phép các trang web bán hàng Trung Quốc giá rẻ trốn hàng triệu USD tiền thuế và phí, cũng như né tránh các quy định cấm lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng sản phẩm tiêu dùng.

Trong thư, ông Rubio cũng yêu cầu người đứng đầu SEC thừa nhận rằng hoạt động kinh doanh của Shein “dựa vào việc khai thác mục nhập tối thiểu”.

Ông Rubio đưa ra đề xuất luật cấm các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng quyền miễn trừ.

Năm ngoái, Hạ nghị sĩ Mike Gallagher (Cộng hòa - Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Hạ nghị sĩ James Comer (Cộng hòa - Kentucky), Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm Giải trình của Hạ viện, đã yêu cầu Tổng Giám đốc Bưu điện Mỹ Louis DeJoy cung cấp “tài liệu, thông tin và dữ liệu” liên quan đến các chuyến hàng thương mại điện tử từ Trung Quốc đến Mỹ.

Shein cũng phải đối mặt với các vụ kiện từ các đối thủ cạnh tranh và nhà thiết kế vì cáo buộc vi phạm bản quyền. Vào tháng 7/2023, ba nhà thiết kế đã cáo buộc Shein có hoạt động lừa đảo và sao chép tác phẩm của họ mà không được phép “để thu được lợi nhuận tài chính lớn”. Vào tháng 7/2023, nhà bán lẻ điện tử Temu của Trung Quốc đã kiện Shein, cáo buộc Shein có liên quan đến một “kế hoạch phản cạnh tranh” nhằm cản trở hoạt động kinh doanh của Temu. Tháng trước, nhà bán lẻ Nhật Bản Uniqlo đã kiện Shein vì cáo buộc sao chép bất hợp pháp sản phẩm đình đám của họ được gọi là “túi Mary Poppins”.

Các nhà quan sát cũng kêu gọi lệnh cấm Shein ở Mỹ với cáo buộc hoạt động kinh doanh một cách không công bằng và bất hợp pháp cũng như gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ.

Thượng nghị sĩ nêu quan ngại trước kế hoạch IPO của Shein tại Mỹ
Một công nhân may quần áo tại một xưởng may cung ứng cho SHEIN, một công ty thương mại điện tử thời trang nhanh xuyên biên giới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào ngày 18/07/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Chuyến đi ‘thực tế’ tới Shein bị chỉ trích dữ dội

Vào giữa năm ngoái, một nhóm những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực thời trang Mỹ đã bị chỉ trích vì đã viết lại cảm nhận sau khi tham gia một chuyến đi được tài trợ để tham quan một trong những nhà máy của gã khổng lồ thời trang nhanh Shein tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Theo nhiều bài đăng trên mạng xã hội, những người có ảnh hưởng - Dani Carbonari, Destene Sudduth, Aujené, Fernanda Stephany Campuzano, Kenya Freeman và Marina Saavedra - đã bay đến Trung Quốc trong một chuyến tham quan do Shein tài trợ.

Trước đó, gã khổng lồ quần áo này đã nhiều lần bị rà soát liên quan tới các cáo buộc về vi phạm nhân quyền, các hành vi sử dụng lao động phi đạo đức và việc đánh cắp các thiết kế. Shein đã gọi những người có ảnh hưởng là “đối tác” và “nhà thiết kế” trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Theo các video được cả công ty và những người có ảnh hưởng chia sẻ trên Twitter và Instagram, những người phụ nữ đã có thể xem cách các sản phẩm của Shein được thiết kế, sản xuất và đóng gói khi họ đến thăm nhà máy.

Trong một video, bà Carbonari, người tự mô tả mình là một “nhà hoạt động vì lòng tin”, nói rằng bà ấy rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng nhà máy sử dụng ít nhân lực và thiên về “công nghệ và tự động hóa”.

“Bây giờ tôi có thể về nhà, cảm thấy yên tâm và tin tưởng vào mối quan hệ đối tác của mình với Shein, làm việc cho Shein và là khách hàng của Shein, đồng thời tôi cảm thấy thoải mái khi truyền bá thông điệp đó đến cộng đồng của mình cũng như gia đình và bạn bè của mình”, bà nói.

Trong cùng một video, bà Sudduth nói rằng bà ấy rất thích đến thăm nhà máy và có trải nghiệm “thực tế”. Bà ấy nói: “Nó không giống với việc chúng tôi chỉ có hình ảnh và video về những nhà kho hoặc cơ sở này, mà chúng tôi đã thực sự ở đó".

Trong một video khác, được bà Carbonari chia sẻ trên tài khoản Instagram cá nhân nhưng sau đó đã bị xóa, bà ấy nói rằng bà ấy coi mình là một “nhà báo điều tra” và rằng bà ấy đã nói chuyện với một công nhân nhà máy Shein, người đã khẳng định rằng đã “rất ngạc nhiên trước tất cả những tin đồn đã được lan truyền ở Mỹ".

Theo bà Carbonari, người công nhân nhà máy đã nói với bà ấy “một cách trung thực và xác thực” về “gia đình, lối sống, lộ trình đi làm, giờ giấc của bà ấy”.

Thượng nghị sĩ nêu quan ngại trước kế hoạch IPO của Shein tại Mỹ
Nhãn hiệu của công ty thương mại điện tử thời trang nhanh xuyên biên giới Shein tại một nhà máy may mặc ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào ngày 18/07/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

“Tôi nghĩ rằng bài học lớn nhất của tôi từ chuyến đi này là trở thành một người có suy nghĩ độc lập, tìm hiểu sự thật và nhìn nhận nó bằng chính đôi mắt của bạn. Có một câu chuyện được tuyên truyền cho chúng ta ở Mỹ”, bà ấy nói, thêm rằng chuyến đi một phần là để “tìm kiếm sự thật".

Bà Sudduth cho biết trong một video khác được đăng lên TikTok: “Tôi đã chờ đợi cơ sở này sẽ chật kín những người đang lao động một cách nặng nhọc, nhưng tôi thực sự ngạc nhiên một cách thú vị rằng hầu hết những thứ này đều là rô bốt". “Thành thật mà nói, mọi người chỉ làm việc như bình thường, như kiểu rất thoải mái, ngồi xuống, họ thậm chí còn không đổ mồ hôi”.

Bà ấy nói thêm rằng, hầu hết các nhân viên của Shein đã nói với bà ấy rằng họ làm việc từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều. và chỉ phải di chuyển “10 đến 15 phút” để đi làm mỗi ngày “giống như bình thường”.

Những người có ảnh hưởng khác nhấn mạnh trong các video khác nhau rằng các nhân viên nhà máy đang kiếm được mức lương xứng đáng cho công việc của họ và bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc về lao động trẻ em và điều kiện làm việc vô nhân đạo.

Các video khác cho thấy một số người có ảnh hưởng dường như bay đến Trung Quốc ở hạng thương gia cho chuyến đi và thưởng thức bữa tối kiểu tự chọn trước khi được đại diện của Shein chào đón tại sân bay với hoa và những món quà khác.

Một bài đăng khác của bà Campuzano cho thấy bà đã ở trong khách sạn Four Seasons ở Quảng Châu và tận hưởng dịch vụ mát-xa cùng bữa ăn 10 món.

Nhóm đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trên phương tiện truyền thông xã hội về chuyến đi được tài trợ đầy đủ. Một số người mô tả nó như là “tuyên truyền” của Trung Quốc.

Trước khi chuyến “đi thực tế" diễn ra, gã khổng lồ thời trang đã phải đối mặt với ngày càng nhiều sự kiểm tra sau một bộ phim tài liệu bí mật năm 2022 của Channel 4 của Vương quốc Anh. Bộ phim cho thấy các nhân viên nhà máy làm việc tới 18 giờ một ngày chỉ với một ngày nghỉ mỗi tháng và với thu nhập gần như không có gì.

Một báo cáo trước đó do Public Eye công bố vào năm 2021 cho thấy một số công nhân của Shein ở Quảng Châu đang làm việc trong các xưởng “không chính thức” không có lối thoát hiểm, có cửa sổ với rào chắn, đồng thời những người khác đang làm việc 75 giờ một tuần với một ngày nghỉ mỗi tháng, vi phạm của Bộ quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp của Shein và luật lao động Trung Quốc, nghiêm cấm rõ ràng các tuần làm việc hơn 44 giờ.

Những tin đồn về lao động trẻ em và lao động cưỡng bức cũng đã gây khó khăn cho công ty, với tập khách hàng ở Mỹ, Úc, châu Âu và Trung Đông. Công ty này cũng vướng vào nhiều vụ kiện bản quyền.

Sau phản ứng dữ dội, một trong những người có ảnh hưởng, bà Freeman, nói với CNN rằng bà ấy đã nhận được một lượng chỉ trích "chưa từng có" trên mạng, điều mà bà ấy nói đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cô ấy.

“Tôi thậm chí không thể truy cập Instagram vào ngày hôm qua”, nhà thiết kế làm việc tại Atlanta cho biết và nói thêm rằng bà ấy không chịu trách nhiệm về các hành vi của Shein.

Trong khi đó, bà Carbonari đã đăng một video dài 12 phút thừa nhận rằng bà ấy “đáng lẽ phải nghiên cứu thêm” trước khi chấp nhận chuyến đi miễn phí.

“[Shein] khiến tôi chú ý đến chuyến đi Trung Quốc này, và họ kiểu như nói rằng, 'Bạn biết đấy, chúng tôi biết tất cả những tin đồn này và tất cả những thứ đang diễn ra, và chúng tôi muốn chấm dứt nó'”, bà Carbonari nói trong video.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Thượng nghị sĩ nêu quan ngại trước kế hoạch IPO của Shein tại Mỹ