Shein và Temu - hai App mua sắm Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro bảo mật, Quốc hội Mỹ đang quan sát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Temu và Shein, hai ứng dụng (App) mua sắm đến từ Trung Quốc, đang được Quốc hội Hoa Kỳ chú ý nhiều hơn. Ngoài việc có lượt tải xuống tăng trưởng nhanh chóng, chúng cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật.

Đầu tháng 4, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc (USCC), cơ quan thường trực của Quốc hội Hoa Kỳ, chỉ ra trong một báo cáo rằng, Temu, Shein và các ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc có thể đang cưỡng bức lao động, khai thác lỗ hổng thương mại, gây rủi ro cho dữ liệu người dùng, vi phạm quy định mua sắm và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, v.v.

Nhà phân tích chính sách USCC Nicholas Kaufman nói rằng, sự thành công của hai ứng dụng này tại thị trường Mỹ đã khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử và công ty khởi nghiệp khác của Trung Quốc sao chép mô hình của họ. Điều này sẽ “đặt ra những rủi ro và thách thức đối với các quy định, luật pháp và các nguyên tắc tiếp cận thị trường của Hoa Kỳ”.

Làm thế nào mà các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc lại có thể bán hàng hóa với mức giá thấp như vậy tại Mỹ - thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới? Hiện nay, ngoại giới còn nắm được rất ít thông tin về tính minh bạch, chuỗi công nghiệp, cũng như các vấn đề khác của các công ty trên. Quốc hội Mỹ đang chú ý đến những rủi ro đằng sau mức giá rẻ này.

Bức ảnh này được chụp vào ngày 10/11/2022 ở Tokyo cho thấy một người đàn ông đang xem ứng dụng mua sắm Shein trên điện thoại di động. (RICHARD A. BROOKS/AFP via Getty Images)

Về Temu và Shein

Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thuộc Pinduoduo - một nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc. Temu bày bán hầu hết các loại hàng hóa, từ đồ gia dụng, quần áo cho đến sản phẩm điện tử... Nó đã nhanh chóng trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục mở rộng số lượng người dùng.

Temu đang sao chép mô hình của Pinduoduo tại Trung Quốc và phát triển thị trường tiêu dùng "chi phí thấp" tại Mỹ với tốc độ chóng mặt. Trong giai đoạn đầu ở Trung Quốc, Pinduoduo đã nhanh chóng thâm nhập thị trường mới bằng chiến lược “giá rẻ + trợ cấp”, sau đó “đốt tiền” vào quảng cáo tiếp thị để nâng cao độ nhận diện với người dùng.

Tuy nhiên, một số kênh truyền thông Mỹ đã tiết lộ rằng ứng dụng của Pinduoduo giám sát dữ liệu người dùng.

Các nhà nghiên cứu an ninh mạng phát hiện rằng, Pinduoduo có thể lách qua các cài đặt bảo mật trên thiết bị di động của người dùng để xem họ đang làm gì trên các ứng dụng khác, hoặc đọc tin nhắn của người dùng và thậm chí thay đổi cài đặt. Các nhà nghiên cứu không đề cập rằng liệu tình trạng tương tự có tồn tại ở ứng dụng Temu hay không.

Shein khởi đầu là kinh doanh quần áo thời trang nhanh, nhưng sau đó đã mở rộng sang các sản phẩm khác, chẳng hạn như đồ gia dụng. Shein làm việc với các nhà sản xuất và ủy quyền cho họ sản xuất hàng hóa của riêng mình.

Hai ứng dụng này thu hút sự chú ý và được sử dụng rộng rãi do có mức giá thấp.

Giá rẻ tới mức ‘quá tốt để trở thành sự thật’

Theo công ty phân tích Sensor Tower, trong vòng chưa đầy 4 tháng, Temu đã đạt được 10,8 triệu lượt cài đặt ở Mỹ, một thị trường vốn nổi tiếng khó tính, kể từ khi được ra mắt vào hồi tháng 9/2022. Cùng năm, nó cũng trở thành ứng dụng di động được tải xuống nhiều nhất từ ngày 1/11 đến ngày 14/12.

Vào Lễ tạ ơn năm 2022, bà Kathy Benetti ở Mỹ đã lần đầu tiên tải ứng dụng Temu về điện thoại và không hề có ý định vung tiền vào đây. Tuy nhiên sau khoảng 30 phút lướt ứng dụng, bà đã bị ấn tượng mạnh bởi mức giá rẻ đến khó tin.

Cuối cùng, bà đã “chốt đơn” với 14 mặt hàng có tổng trị giá 90 USD (hơn 2 triệu VND). Bà lấy ví dụ, một chiếc áo len có giá chỉ 10 USD (hơn 230 nghìn VND) hay một chiếc áo khoác cũng chỉ 15 USD (hơn 350 nghìn VND). Vài ngày sau đó, bà đã quay lại để mua sắm cho dịp Giáng sinh, lần này bà chi 223 USD (5,2 triệu VND) cho 34 món đồ.

Ông Michael Felice, đối tác liên kết trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và công nghệ của Kearney - một công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ, nhắc nhở người tiêu dùng trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng, khi bạn thấy một mức giá tốt tới mức khó tin, bạn phải tự hỏi xem có phải nó quá tốt để trở thành sự thật không?

Ông nói, đối với mỗi một công ty thương mại điện tử xuyên biên giới, tính minh bạch và có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm ngày càng trở nên quan trọng.

Một chiếc điện thoại di động hiển thị giao diện ứng dụng Temu. (CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Mỹ chú ý đến vấn đề bảo mật dữ liệu

Các thành viên của Quốc hội Mỹ cũng đã bắt đầu chú ý đến hai ứng dụng này. Vào tháng 3, các thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã đưa ra luật nhằm trao cho chính phủ các quyền mới, bao gồm lệnh cấm các nhà sản xuất phần mềm mà có quan hệ với nước ngoài.

Theo CNN, ông Sheng Lu, Giáo sư nghiên cứu về ngành dệt may toàn cầu tại Đại học Delaware, cho rằng khó có thể nói hai công ty này không liên quan gì đến Trung Quốc, bất kể là từ phương diện lịch sử hay nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm của họ.

Ông Lu cho rằng, Temu và Shein có thể tiềm ẩn vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu, đây cũng là mối quan tâm của các nghị sĩ Hoa Kỳ. Ông cho biết, Temu và Shein hiện đã lớn mạnh tới mức có sức ảnh hưởng và có thể thu thập dữ liệu người dùng, "điều này sẽ khiến các công ty này trở thành một chủ đề nhạy cảm tiềm tàng".

Một vấn đề khác là, nhiều sản phẩm của Temu và Shein được coi là hàng "dùng một lần" vì chúng có chất lượng kém. Chúng dễ bị người dùng vứt bỏ sau khi chưa dùng được bao lâu.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), mỗi năm, ngành công nghiệp thời trang tạo ra 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, nó nhiều hơn lượng khí thải của tất cả các chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại. Cuối cùng, khoảng 85% quần áo đều bị chôn lấp hoặc thiêu đốt ở bãi rác.

Ảnh chụp vào ngày 18/7/2022 ở Quảng Châu, Trung Quốc. Các công nhân đang may quần áo trong một nhà máy cung cấp hàng hóa cho trang thương mại điện tử thời trang nhanh Shein. (Jade Gao/AFP via Getty Images)

Vấn đề chuỗi cung ứng: Bông Tân Cương, lao động bị buộc tăng ca

Vào tháng 2, các thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã gửi thư cho Shein để gây áp lực cho công ty và kêu gọi minh bạch hơn về chuỗi cung ứng. Các thượng nghị sĩ lo ngại rằng quần áo do công ty này sản xuất có thể chứa bông Tân Cương - nguyên liệu bị cấm ở Hoa Kỳ.

Do chính sách diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu bông có xuất xứ từ Tân Cương do nghi ngờ người Hồi giáo ở đây bị cưỡng ép phải trồng, hái và gia công bông.

Một báo cáo trước đây của Bloomberg cho thấy, hai cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm vào năm 2022 cho thấy quần áo mà Shein bán sang Hoa Kỳ được làm từ bông Tân Cương.

Temu không phải đối mặt với những vấn đề như Shein. Mặc dù vậy, vào năm 2021, có thông tin rằng một nhân viên làm tại công ty chị em của nó là Pinduoduo đã tử vong do làm việc quá sức.

Vào tháng 12/2022, một bộ phim tài liệu trên Kênh 4 của BBC cũng cáo buộc, công nhân tại hai nhà máy ở Trung Quốc của Shein bị bóc lột sức lao động và phải làm việc 18 giờ một ngày.

Trong khi Shein cho biết điều kiện lao động của công nhân Trung Quốc đã được cải thiện, Giáo sư Sheng Lu của Đại học Delaware lại bác bỏ điều đó. Ông nói: "Điều kiện làm việc của nhân viên Shein vẫn là một hộp đen, Shein nên minh bạch hơn về điều kiện làm việc tại nhà máy và phúc lợi của người lao động".

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Shein và Temu - hai App mua sắm Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro bảo mật, Quốc hội Mỹ đang quan sát