Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn xương sọ não tử vong và bàn về vấn nạn bạo lực học đường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên quan đến bệnh nhân N.H.Đ (14 tuổi, thường trú ở quận Long Biên), người bị hành hung dẫn đến chấn thương sọ não, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nam sinh này đã không qua khỏi. Nam sinh này đã tử vong trưa 21/5 sau hơn hai tháng điều trị.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn xương sọ não tử vong

"Tình trạng diễn biến nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, hôn mê sâu, tử vong trưa nay", TS.BS Phan Hữu Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Nam sinh lớp 8 mất sau một ngày được chuyển từ Bệnh viện tỉnh Phú Thọ đến Viện Nhi. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương đã hội chẩn chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Phẫu thuật thần kinh, Hồi sức ngoại khoa và đồng nghiệp ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức để đưa ra phương án điều trị tích cực. Các bác sĩ đã thống nhất các biện pháp điều trị hồi sức tích cực như thở máy, hỗ trợ tuần hoàn, lọc máu, kháng sinh, các biện pháp hỗ trợ chức năng các cơ quan. Tuy nhiên mọi nỗ lực vẫn không thể cứu được bé, bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong vào hồi 12:35 ngày 21/05.

Nam sinh này sống ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Chiều 17/3, cậu bé đánh nhau với một bạn 12 tuổi do mâu thuẫn khi chơi bóng rổ. Bạn 12 tuổi gọi anh trai 16 tuổi đến, đánh nam sinh lớp 8 dẫn đến tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đức Giang, sau đó chuyển tới Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội với chẩn đoán chấn thương sọ não nặng.

10 ngày sau, gia đình đưa nam sinh về Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ điều trị trong tình trạng hôn mê sâu, không có phản xạ ánh sáng, thở hoàn toàn bằng máy, suy đa tạng, rối loạn đông máu. Ngày 31/3, bệnh nhân đã có phản xạ khi được tác động, chuyển biến tích cực, song vẫn khó lường. Ngày 20/5, tình trạng diễn tiến nặng, em được chuyển về Bệnh viện nhi Trung Ương.

Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án để điều tra. Tối 27/3, nhà chức trách đã khởi tố bị can, tạm giam Trương Văn Minh, học sinh lớp 10, để điều tra về tội Cố ý gây thương tích.

Vấn nạn bạo lực học đường

Trong xã hội ngày nay, bạo lực học đường là một vấn nạn không chỉ ảnh hưởng đến nền giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của học sinh. Bạo lực học đường bao gồm các hình thức như: Bạo lực thể chất (đánh đập, xô xát,...), bạo lực tinh thần (chửi rủa, xúc phạm, khinh miệt, cô lập,...), bạo lực tình dục (sàm sỡ, quấy rối, xâm hại,...), bạo lực trên mạng xã hội (đăng tải thông tin sai sự thật, phỉ báng, dọa nạt,...).

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành hiện tượng gây nhức nhối đối với ngành giáo dục và toàn xã hội. Bạo lực học đường đã trở thành điểm nóng đáng được quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà trường, và cùng là nỗi trăn trở của toàn xã hội.

Dựa theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (trung bình khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Điều đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội.

Những số liệu đó đã trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và toàn xã hội, từ đó cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Hậu quả đáng báo động của vấn nạn bạo lực học đường

- Gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác lẫn tinh thần.

- Đã có không ít vụ bạo lực học đường đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội, để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho gia đình.

- Đối với những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ, các em thường cảm thấy bị tổn thương, cô lập, chán nản, lo âu, suy sụp… . Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, nghiêm trọng hơn là không thể tập trung vào học hành.

- Kể cả những em chỉ chứng kiến chứ không tham gia cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến những cảnh bạo lực sẽ khiến các em cảm thấy sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành người có hành vi bạo lực trong tương lai.

- Những hậu quả do hành vi bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc, học tập cũng như tương lai của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời.

- Sự căng thẳng quá mức về mặt tâm lý có thể buộc học sinh thôi học, hoặc cũng có thể vì gây ra hành vi bạo lực mà học sinh phải nhận kỷ luật đuổi học. Vì lý do đó, tương lai của các em rẽ sang một bước ngoặt khác không mấy khả quan.

- Những đứa trẻ có hành vi bạo lực từ khi còn nhỏ, khi lớn lên chúng có thể sẽ mắc phải những tội ác nhiều hơn những đứa trẻ khác.

- Không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng, đảo lộn.

- Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến bản thân các nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng, bất an luôn bao trùm.

- Những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em mình đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lành mạnh.

- Ảnh hưởng đến những nét văn hóa truyền thống cổ xưa, những chuẩn mực đạo đức quý giá: Hiện nay còn có những học trò ngang nhiên cãi lại thầy, cô giáo; con cái cãi lại bố mẹ.

- Chính những hành vi bạo lực học đường đã làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động.

Biện pháp chống bạo lực học đường

  1. Đối với cá nhân học sinh

– Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo, thân thiện với bạn bè xung quanh.

– Chấp hành tốt nội quy ở trường lớp.

– Tránh xa bạo lực và nói không với hành vi bạo lực.

– Nếu thấy hiện tượng bạo lực thì cần phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lý.

– Học cách kiềm chế cảm xúc của bản thân.

– Tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện do nhà trường tổ chức, nhằm tăng tính hướng thiện trong con người các em.

  1. Đối với nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục

– Tích cực hoàn thiện và đưa bộ môn dạy kỹ năng sống vào trong nhà trường.

– Tổ chức các hoạt động sân trường, hoàn động tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân.

– Đưa ra các quy định phù hợp và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra hành vi bạo lực; cần có có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân của các vụ bạo lực.

– Tổ chức tuyên truyền tác hại và cách phòng tránh bạo lực học đường đối với giáo viên và học sinh.

– Phối hợp với gia đình và cơ quan đoàn thể trên địa bàn xã trong công cuộc phòng tránh bạo lực học đường.

  1. Đối với giáo viên

– Thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của các em học sinh trong lớp mình, tham gia giảng dạy các em về kỹ năng sống.

– Có biện pháp can thiệp và giáo dục kịp thời đối với những học sinh có nguy cơ dẫn đến bạo lực.

– Tích cực tổ chức các hoạt động sân trường, hoạt động tập thể trong giờ hoặc trong tiết sinh hoạt nhằm gắn kết và gia tăng tình cảm của các em học sinh trong tập thể lớp và ở trường.

– Tạo môi trường học tập và giảng dạy lành mạnh.

– Phối hợp với gia đình và nhà trường để quan tâm, hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của học sinh.

  1. Đối với gia đình

– Bố mẹ cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, quan tâm và yêu thương cho con cái.

– Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học.

Gia Hân tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn xương sọ não tử vong và bàn về vấn nạn bạo lực học đường