Ngày càng nhiều người Trung Quốc định cư ở Thái Lan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba năm phong tỏa, kiểm soát dịch bệnh đã khiến nền kinh tế Trung Quốc không ngừng lao dốc, môi trường việc làm ngày một tồi tệ, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc chạy khỏi Trung Quốc và chọn định cư ở nước ngoài. Chiang Mai ở Thái Lan, nơi có vật giá thấp, đang là sự lựa chọn hàng đầu của người Trung Quốc.

Tại sao nhiều người Trung Quốc chọn di cư sang Thái Lan?

Cô Connie Chen, 26 tuổi, vốn là nhân viên một ngân hàng ở Thượng Hải, có công việc ổn định với mức lương cao. Tuy nhiên, sau khi trải qua thời kỳ phong tỏa ở Thượng Hải, cộng với nền kinh tế suy thoái ở Trung Quốc, cô đã cảm thấy mịt mờ về tương lai của mình.

Cô Chen nói với AFP rằng để thay đổi tình trạng hiện tại, cô và chồng đã nộp đơn xin visa du học một năm ở Thái Lan và chính thức chuyển đến Chiang Mai, Thái Lan vào tháng 5 năm nay.

So với các nước châu Âu và châu Mỹ, Thái Lan cung cấp nhiều loại thị thực dài hạn khác nhau hơn, bao gồm cả các khóa học ngôn ngữ một năm với chi phí chỉ từ 700 USD đến 1.800 USD (khoảng 17 - 44 triệu VND).

Chiang Mai là thành phố lớn thứ hai ở Thái Lan, với vật giá rẻ và nhịp sống chậm. Vợ chồng cô Chen hiện dựa vào tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống nhưng họ đã quyết định rằng sẽ không về Trung Quốc nữa mà ở lại định cư dài hạn.

Cô Chen nói: “Ở bên ngoài [Trung Quốc] có rất nhiều cơ hội, tôi đã cảm thấy được hy vọng”.

Kể từ đầu năm nay, số lượt tìm kiếm cụm từ "di dân" trên ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc đã tăng vọt, từng đạt 510 triệu lượt tìm kiếm trên một ngày vào hồi tháng 10. Tới cuối tháng 10, chỉ trong một ngày đã có hơn 300.000 lượt tìm kiếm cụm từ "di dân Thái Lan".

Anh Doãn Văn Huy (Yin Wenhui), 31 tuổi, đã ở lại Chiang Mai trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Anh Doãn không muốn trở về Trung Quốc, không muốn phải đối mặt với áp lực công việc từ gia đình và bạn bè nên đã cùng bạn mở một khách sạn ở Chiang Mai.

Mỗi ngày anh Doãn đều đến phòng tập gym, tự nấu ăn và học chơi guitar. Tuy nhiên, nhịp sống chậm ở Chiang Mai khiến anh Doãn cảm thấy hơi buồn chán và muốn đến một đất nước phát triển hơn, "văn hóa, công việc và tiền lương ở nơi đó đều tốt hơn ở Trung Quốc hay Chiang Mai".

Nhiều gia đình Trung Quốc có con nhỏ cũng chọn định cư ở Thái Lan. Họ mua nhà đẹp, cho con học trường quốc tế ở Thái Lan rồi cả nhà cùng định cư tại đây.

Reuters từng đưa tin, đại lý bất động sản Thái Lan Owen Zhu cho biết, trước đây người Trung Quốc chủ yếu mua nhà để đầu tư nhưng "sau dịch bệnh, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Hầu hết người Trung Quốc chọn mua căn hộ cao cấp để ở".

Ông Zhu cho biết, nhiều khách hàng Trung Quốc hy vọng mua được một căn hộ cao cấp trị giá 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 6,7 tỷ VND) ở Bangkok, trong khi đó số tiền này chỉ có thể mua được một căn nhà thô sơ ở các đô thị loại I của Trung Quốc với vị trí có thể không đẹp lắm. “Vì vậy, một số người sẽ bán nhà ở Trung Quốc và mua bất động sản ở đây (Thái Lan) để nghỉ hưu”.

Reuters cho rằng, động cơ mua bất động sản ở nước ngoài của những người Trung Quốc này không chỉ là hy vọng có được một nơi an toàn để trú ẩn trong trường hợp xảy ra dịch bệnh tương tự, mà còn đến từ cảm giác bất an trước những rủi ro kinh tế trong nước Trung Quốc.

Ngoài Thái Lan, các nước khác ở gần Trung Quốc cũng được nhắm tới

Sau khi dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, người dân Trung Quốc cũng lục tục chạy ra nước ngoài. Ngoài Thái Lan, các nước khác ở gần Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia cũng được người Trung Quốc nhắm tới.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc, trong 5 năm qua (từ năm 2018 - 2022), đã có 1.799 người nước ngoài được phê chuẩn nhập cư theo diện đầu tư, trong đó có 1.274 người là người Trung Quốc, chiếm 70,8%.

Vào ngày 29/6 năm nay, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ban hành “Phương án cải thiện chế độ di dân đầu tư phúc lợi công cộng”. Theo đó, để có được tư cách thường trú và cư trú vĩnh viễn ở Hàn Quốc, người nước ngoài phải đầu tư một khoản cao gấp 2 đến 3 lần so với mức quy định cũ.

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc di cư sang Nhật Bản. Theo dữ liệu do Cơ quan Dịch vụ Di trú Nhật Bản công bố, tính đến cuối năm 2022, số lượng người nước ngoài sống ở Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt 3 triệu người, lập mức kỷ lục mới. Trong đó, số người đến từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 760.000 người.

Người Trung Quốc sẵn sàng bộ hành qua rừng rậm Nam Mỹ để tới nước Mỹ tự do

Ngoài ra, một lượng lớn người Trung Quốc cũng đang đổ vào Mỹ thông qua phương thức “bộ hành” nguy hiểm. Theo dữ liệu từ Sở Di trú Panama, số lượng người di dân Trung Quốc đi xuyên qua "Darién Gap" (khu rừng đầm lầy nguy hiểm nằm trên biên giới của Panama và Colombia) mỗi tháng đã tăng dần trong năm nay, từ 913 người trong tháng Một lên 2.588 người trong tháng Chín.

Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 15.567 người Trung Quốc đăng ký vượt rừng với cơ quan quản lý di trú Panama, đây là nhóm lớn thứ tư sau nhóm người Venezuela, Ecuador và Haiti. Qua so sánh có thể thấy, trong năm 2022 đã có 2.005 người Trung Quốc đi xuyên rừng để hướng tới Mỹ, trong khi từ năm 2010 - 2021 chỉ có tổng cộng 376 người.

Có rất nhiều người Trung Quốc thực hiện cuộc bộ hành xuyên rừng này đã lên mạng nói với giới truyền thông rằng, họ bị chính quyền Trung Quốc bức hại, gây áp lực, bị mất tự do và không có cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình, nên đã liều lĩnh tháo chạy khỏi Trung Quốc với hy vọng bắt đầu một cuộc sống mới ở nước Mỹ tự do.

Ông Hạng Tiêu (Xiang Biao), nhà nhân loại học xã hội tại Viện Nhân loại học xã hội Max Planck ở Đức, nói với AFP rằng người Trung Quốc ngày nay đã khác với trước kia, họ hoàn toàn muốn rời bỏ quê hương, họ không tìm kiếm sự phát tài ở nước ngoài mà muốn có được một cuộc sống đàng hoàng, có thể diện và tôn nghiêm hơn.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngày càng nhiều người Trung Quốc định cư ở Thái Lan