Nguyên nhân nào gây hôi miệng? Vị thuốc Bắc giúp khử mùi hôi miệng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôi miệng là trong hơi thở có mùi khó chịu phát ra từ miệng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự tự tin mà còn có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa các cá nhân. Nguyên nhân gây hôi miệng là khác nhau, cách khắc phục cũng khác nhau, bài viết này sẽ giới thiệu một số phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp bạn giảm và loại bỏ hôi miệng, để bạn dần dần có được hơi thở thơm tho.

Tự kiểm tra chứng hôi miệng trong 10 giây

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, khoảng 50% người Mỹ trưởng thành bị hôi miệng. Theo Học viện Nha khoa Tổng quát (Academy of General Dentistry), hơn 80 triệu người bị hôi miệng mãn tính. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng mình bị hôi miệng cho đến khi được người khác chỉ ra.

Trước hết, bạn có thể tự kiểm tra xem mình có bị hôi miệng hay không bằng 2 phương pháp đơn giản sau đây:

Cách 1: Ngửi hơi thở

Bạn có thể dùng hai tay để che miệng và mũi, rồi thở ra bằng miệng và dùng mũi ngửi xem có mùi khó chịu hay không. Nếu có mùi hôi, bạn có thể tìm đến bác sĩ càng sớm càng tốt để giúp cải thiện tình hình.

Cách 2: Ngửi mùi nước bọt

Liếm phần giữa lưỡi vào cổ tay, để khoảng 10 giây sau đó ngửi, nếu bạn cảm thấy có mùi hôi, rất có thể bạn cũng bị hôi miệng.

Nhiều người không biết mình bị hôi miệng cho đến khi được người khác chỉ ra. (Nick Freund/Fotolia)

4 nguyên nhân gây hôi miệng liên quan đến bệnh nội tạng

Có rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng, nói chung khoảng 90% nguyên nhân gây hôi miệng là do các vấn đề bên trong miệng, trong khi chỉ có 10% là do các vấn đề bên ngoài miệng.

Theo một báo cáo được đăng trên “Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng” (International Journal of Environmental Research and Public Health) năm 2022, hầu hết các trường hợp hôi miệng là do vệ sinh răng miệng kém, viêm nha chu và rêu lưỡi, trong khi các trường hợp hôi miệng còn lại là do các bệnh liên quan đến tai mũi họng và đường tiêu hóa hoặc các vấn đề về nội tiết. Các nguyên nhân gây hôi miệng cụ thể như sau:

  1. Hàm lượng sulphur càng cao mùi càng hôi

Nguyên nhân chính gây hôi miệng là vấn đề vệ sinh răng miệng. Nếu không súc miệng và đánh răng sau bữa ăn, sẽ có cặn thức ăn và sulfur (lưu huỳnh) dễ bay hơi do cặn thức ăn sinh ra trong miệng, dễ gây hôi miệng.

Tôi đã từng thảo luận vấn đề này với một chuyên gia hóa sinh, ông ấy nói rằng có người đã làm một thí nghiệm và phát hiện ra rằng "sulphur " trong một số phân tử là nguyên nhân chính gây ra mùi của phân tử, qua biến đổi hóa học để loại bỏ nguyên tử lưu huỳnh khỏi phân tử và thay thế bằng nguyên tử oxy thì không còn mùi hôi nữa.

Do đó, hàm lượng lưu huỳnh trong thực phẩm giàu protein như cá, trứng, sữa, phô mai, v.v. mà chúng ta thường ăn, sẽ có mùi càng nặng. Ngoài ra, còn có các loại thực phẩm có hàm lượng sulfur cao hơn như tỏi tây, hành tây, tỏi, v.v.

  1. Thức đêm, nóng giận, hỏa khí trong người quá mạnh dẫn đến hôi miệng

Thức khuya là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây hôi miệng. Thức khuya sẽ khiến cơ thể sinh ra hỏa khí, mà Đông y gọi là “hư hỏa”, hư chính là thân thể suy yếu, hỏa chính là thân thể có nhiệt.

Ngoài ra, khi con người nóng giận hoặc phát cáu sẽ gây ra chứng “can hỏa” khiến miệng cảm thấy đắng, chỉ cần cảm thấy trong miệng có chút vị đắng thì rất có thể đã bị can hỏa. Vì vậy, hãy cố gắng chú ý để không nổi giận và nên uống nhiều nước.

  1. Bệnh răng miệng gây hôi miệng

Các bệnh về răng miệng như nha chu, sâu răng, viêm loét miệng, viêm niêm mạc miệng, tổn thương nướu răng và các bệnh răng miệng khác đều có thể gây ra tình trạng hôi miệng nghiêm trọng. Khi răng của bệnh nhân nha chu lung lay sẽ ngửi thấy mùi rất hôi.

  1. Mùi khác nhau cảnh báo các vấn đề ở cơ quan nội tạng khác nhau

Chứng hôi miệng do nguyên nhân ngoài khoang miệng có thể liên quan đến phủ tạng. Phủ tạng có vấn đề cũng có thể gây ra một số mùi hôi, trong chữa bệnh của Đông y, chỉ cần ngửi mùi trên cơ thể bệnh nhân là có thể biết người đó đang mắc bệnh gì. Ví dụ, bệnh gan thường tạo ra mùi tanh, bệnh tim sẽ có mùi khét, bệnh lá lách có mùi ngọt nhẹ, bệnh phổi có mùi tanh hôi, bệnh thận có mùi hôi thối. Theo kinh nghiệm lâm sàng của bản thân tôi, khi một bệnh nhân có thấy mùi amoniac, anh ta có thể bị nhiễm độc niệu.

Ngoài ra, theo quan điểm của y học phương Tây, nếu bạn ngửi thấy mùi chua thì đó có thể là bệnh viêm dạ dày cấp tính hoặc mãn tính, hoặc loét dạ dày tá tràng; nếu bạn ngửi thấy mùi trứng gà thối hay mùi trứng vịt thối thì có thể là dạ dày bị tắc nghẽn hoặc ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Vì vậy, ngay khi phát hiện mình bị hôi miệng, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân thực sự và tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị cụ thể, tránh những hậu quả về sau.

Tuyệt chiêu Đông y ứng phó với chứng hôi miệng

1.Ngậm "Bạch đậu khấu" giúp hơi thở thơm mát

Một số người dựa vào kẹo cao su để loại bỏ mùi đặc biệt trong miệng, nhưng nhược điểm là kẹo cao su nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ làm cho axit dạ dày tiết ra quá nhiều. Xin giới thiệu bài thuốc Đông y chữa hôi miệng đơn giản mà hiệu quả tới mọi người.

Có một vị thuốc Đông y gọi là bạch đậu khấu có tác dụng làm thơm mát và làm ấm dạ dày, có thể mua ở các hiệu thuốc bắc. Bạn có thể ngậm một ít bạch đậu khấu nhỏ trong miệng vào buổi sáng, trưa và tối, có thể giúp làm giảm hoặc loại bỏ chứng hôi miệng.

Bạch đậu khấu (Annmell_sun/Shutterstock)
  1. "Trà kim ngân hoa bạch đậu khấu" làm giảm hoặc loại bỏ hôi miệng

Cho 10g bạch đậu khấu, 20g kim ngân hoa và thêm một ít lá trà vào bình giữ nhiệt, thêm nước sôi và đậy nắp lại, chờ một lúc là có thể uống, chứng hôi miệng có thể giảm hoặc biến mất.

  1. Lá trà: loại bỏ hôi miệng

Nếu trước khi có cuộc hẹn, bạn vừa ăn hành, tỏi hoặc các loại đồ ăn khác, bạn có thể nhai vài lá trà trong miệng, như vậy có thể tạm thời loại bỏ mùi hôi miệng.

  1. Cần tây: giảm mùi hôi của thịt

Nếu bạn vừa ăn thịt mà quên đánh răng, trong miệng có mùi hôi của thịt, ngoài việc nhai lá trà, bạn cũng có thể nhai một mẩu cần tây sống trong miệng để cải thiện hơi thở.

  1. Vỏ sầu riêng: khử mùi sầu riêng

Sau khi ăn sầu riêng trong miệng sẽ còn mùi vị. Bạn có thể lấy vỏ sầu riêng cho vào một ít nước, rồi lấy nước này uống hoặc súc miệng để giảm bớt mùi sầu riêng. Rửa tay bằng nước với vỏ sầu riêng cũng có thể khử sạch mùi sầu riêng trên tay.

Những thực phẩm nên tránh khi bị hôi miệng

  1. Ăn ít thức ăn dễ gây nóng

Thức ăn dễ gây nóng bao gồm các đồ ăn chiên, rán, xào, còn cả bánh quy, đậu phộng… cũng như những thức ăn gây nóng khác. Ăn ít thức ăn cay, hăng như hành, gừng, tỏi và cà ri.

  1. Nên ăn nhạt trong chế độ ăn uống hàng ngày

Để tránh hơi thở nặng mùi, nên thực hiện chế độ ăn nhạt hàng ngày như ăn các món hấp, chần hoặc các món trộn. Bạn cũng có thể chọn ăn mướp đắng, măng tre, bầu bí và các loại thực phẩm có tính giải nhiệt khác.

  1. Uống nhiều nước sau khi uống cà phê

Ngoài ra, khi bạn uống quá nhiều cà phê, lượng nước bọt sẽ bị giảm đi và mùi vị khó chịu trong miệng trở nên mạnh hơn. Vì vậy nên uống nhiều nước sau khi uống cà phê, như vậy có thể giảm đáng kể mùi hôi miệng.

Theo Bác sĩ Đông y Hồ Nãi Văn / Vương Hạ - Epochtimes

Đức Nhã biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân nào gây hôi miệng? Vị thuốc Bắc giúp khử mùi hôi miệng