Nhiều người trẻ dưới 18 tuổi mắc bệnh trĩ do ngồi lâu, dùng điện thoại liên tục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Hội nghị tập huấn chuyển giao kỹ thuật điều trị trĩ bằng sóng cao tần ngày 23/4, Phó giáo sư (PGS) - Tiến sĩ Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam, cho biết ngày càng có nhiều người Việt mắc bệnh trĩ và xu hướng này đang dần trẻ hoá.

Bệnh trĩ vốn thường gặp ở những người trên 30 tuổi, nhưng giờ đây đã có những người 17-18 tuổi, thậm chí 14-15 tuổi mắc trĩ. Nguyên nhân được cho là do sự thay đổi môi trường, thói quen ăn uống kém lành mạnh (nhiều đồ ăn nhanh, ăn đồ cay nóng…), sử dụng điện thoại nhiều, ngồi lâu, ít vận động, khiến đường đi của các chất thải trong cơ thể không theo chu trình…

PGS Cường cho biết hầu hết bệnh nhân trẻ tuổi bị trĩ đều sử dụng điện thoại rất nhiều, có trẻ mang điện thoại, ipad vào nhà vệ sinh ngồi cả tiếng.

Thống kê cho thấy, khoảng 30-40% người Việt mắc trĩ. Tuy nhiên, vì là vấn đề tế nhị, nên nhiều người vẫn ngại khám và tìm đến các biện pháp không chính thống, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng, từ đó làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, hoại tử, phải mổ cấp cứu ngay khi nhập viện.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, người dân tuyệt đối không được điều trị theo các phương pháp truyền miệng không chính thống trên mạng xã hội, ông Cường lưu ý.

Cũng theo PGS Cường, nếu bệnh nhân được điều trị sớm, chỉ cần dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi là có thể cải thiện tình trạng.

Tuy nhiên, để việc điều trị đem lại hiệu quả cao hơn, PGS Cường cho rằng sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại là liệu pháp tốt nhất. Hiện tại, phương pháp điều trị bệnh trĩ bằng sóng cao tần đã được áp dụng tại Việt Nam.

Trên thế giới, phương pháp này được dùng để điều trị nhiều loại bệnh như u gan, u thận, u phần mềm, u phổi, u xương, u tuyến giáp và u tuyến tiền liệt. Việc sử dụng sóng cao tần để điều trị bệnh trĩ có nhiều ưu điểm, bao gồm ít xâm lấn và can thiệp, giảm tác dụng không mong muốn, hạn chế đau đớn và tai biến, hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị trĩ giai đoạn nặng, hoặc đã từng điều trị nhiều phương pháp khác nhưng không hiệu quả, PGS Cường bổ sung thêm.

Bệnh trĩ là tình trạng các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn bị giãn quá mức. Các búi trĩ có thể gây ngứa, chảy máu và gây đau đớn.

Đây là tình trạng rất phổ biến, hình thành khi xảy ra hiện tượng căng giãn quá mức và sưng các tĩnh mạch ở phần thấp nhất của trực tràng và hậu môn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Nếu bệnh nhân có thể quan sát và sờ thấy búi trĩ xung quanh bên ngoài trực tràng, thì nó được gọi là trĩ ngoại. Ngược lại, nếu bệnh nhân không thể nhìn thấy các búi trĩ vì chúng ẩn bên trong trực tràng, thì được gọi là trĩ nội.

Để phòng ngừa bệnh trĩ, người dân cần thay đổi lối sống, tích cực vận động và ăn uống khoa học, lành mạnh hơn. Khi ngồi 30-60 phút, người dân nên đứng dậy đi lại từ 5-10 phút, điều này sẽ thúc đẩy máu đi khắp cơ thể.

Đối với chế độ ăn uống, cần ăn nhiều chất xơ, rau xanh và trái cây, hạn chế đồ cay nóng, uống đủ nước, giảm bia rượu và các chất kích thích. Ngoài ra, những người làm việc trí óc cần có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát căng thẳng, tránh thức khuya, duy trì vận động phù hợp.

PGS Cường nhấn mạnh rằng nếu một người cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, chảy máu và đau đớn khi đại tiện thì cần đi khám càng sớm càng tốt.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều người trẻ dưới 18 tuổi mắc bệnh trĩ do ngồi lâu, dùng điện thoại liên tục