Phương pháp điều trị tổng thể cho bệnh viêm âm đạo tái phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phụ nữ bị viêm âm đạo tái phát có thể có những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, lo lắng và trầm cảm. Dù đã được điều trị khỏi, nhưng những triệu chứng khó chịu của căn bệnh này vẫn thường tái phát ở đa số phụ nữ trong vòng 6 tháng.

Viêm âm đạo là một bệnh lý phổ biến, thường diễn ra trong thời gian ngắn, có thể điều trị được và hiện đang ảnh hưởng đến hơn ba triệu phụ nữ Mỹ mỗi năm. Mặc dù đây là bệnh "thường gặp", nhưng những triệu chứng khó chịu của viêm âm đạo như tiết dịch, ngứa và đau có thể gây ra lo lắng cho nhiều chị em phụ nữ.

Bác sĩ Aimée Gould Shunney, một bác sĩ trị liệu tự nhiên tích hợp chuyên về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, đã gặp những bệnh nhân tái phát tình trạng viêm âm đạo hàng chục lần mỗi năm. Bác sĩ Shunney nhận thấy những bệnh nhân này thường đã quá mệt mỏi khi phải uống thuốc thường xuyên và đa số đều mong muốn giải quyết căn nguyên của bệnh.

Bác sĩ Shunney nói: "Hầu hết các bác sĩ không sử dụng những thuật ngữ như mất cân bằng vi sinh âm đạo, mất cân bằng pH. Chúng ta vẫn nói với bệnh nhân rằng họ đang bị nhiễm trùng, và dừng cuộc thảo luận tại đây. Thật ra, đây là cách tiếp cận cũ”.

Nhiễm trùng âm đạo tái phát thường bị mang tiếng xấu là "bị lây bệnh", nhưng thực tế ngay cả những phụ nữ không quan hệ tình dục hoặc những phụ nữ chung thủy một vợ một chồng vẫn thường xuyên gặp phải tình trạng này. Các nhà nghiên cứu đã giải thích được nguyên nhân của nhiều trường hợp viêm âm đạo, tuy nhiên một số trường hợp vẫn chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng. Bên dưới sự kín đáo, những kiến thức mới về căn bệnh viêm âm đạo đang dần được hé mở. Mặc dù đây là một bệnh lý có thể chữa khỏi nhưng không phải tất cả các bệnh nhân đều được chữa khỏi hoàn toàn.

Viêm âm đạo là một thuật ngữ chung dùng để mô tả các tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo. Mặc dù có nhiều loại viêm âm đạo khác nhau, nhưng ba loại phổ biến nhất là: viêm âm đạo do vi khuẩn (bacterial vaginosis - BV), nấm âm đạo (candidiasis) và nhiễm trùng âm đạo do ký sinh trùng Trichomonas (trichomoniasis). Tất cả các loại viêm âm đạo này đều xảy ra do sự mất cân bằng trong hệ vi khuẩn (flora) có mặt tự nhiên trong âm đạo.

Bác sĩ Shunney nói: 'Liệu chúng ta có thể cứ mãi điều trị bằng kháng sinh và thuốc chống nấm cho bệnh nhân mà không đặt câu hỏi liệu có vấn đề gì khác cần xem xét hay không? Đặc biệt trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn thực ra không phải là một tình trạng nhiễm trùng. Đó là tình trạng mất cân bằng vi khuẩn (dysbiosis) trong âm đạo'."

Ở một số phụ nữ, sự thay đổi dịch tiết âm đạo và mùi hôi là dấu hiệu cảnh báo sự mất cân bằng trong cơ thể. Nhưng một số triệu chứng khác như độ pH cao và tế bào bị vi khuẩn bao phủ lại âm thầm xảy ra. Ngoài ra, tình trạng nhiễm nấm Candida có thể kéo dài mà không làm thay đổi độ pH khiến nhiều phụ nữ không có triệu chứng, tạo ra nguy cơ cho bản thân và người khác. Phụ nữ bị viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hơn và có nguy cơ gặp biến chứng trong thai kỳ và phẫu thuật phụ khoa cao hơn.

Viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) có thể gây đau, ngứa và khó điều trị. Nhiều phụ nữ thường âm thầm tìm đến các sản phẩm khác nhau để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, hầu hết những sản phẩm này chỉ giúp che giấu triệu chứng hoặc thậm chí còn có thể làm nặng thêm triệu chứng. Nước thụt rửa âm đạo, kem có mùi thơm và các thành phần hóa học trong nhiều sản phẩm vệ sinh phụ nữ có thể làm nặng thêm tình trạng mất cân bằng pH âm đạo và khiến các triệu chứng càng kéo dài hơn.

Vai trò của độ pH

pH là một thước đo độ axit, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng vệ của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Mỗi loại vi sinh vật lại có một môi trường sống lý tưởng với độ pH khác nhau. Một số loại vi sinh vật phát triển mạnh, ngược lại một số loại khác có thể bị tiêu diệt tùy thuộc vào độ pH của môi trường. Do đó, độ pH âm đạo được xem là một thước đo của sức khỏe, thường là dấu hiệu cảnh báo sự gia tăng của vi khuẩn và nấm men có hại.

Bác sĩ thường đo độ pH kết hợp với thăm khám lâm sàng để chẩn đoán chính xác cho phụ nữ. Tuy nhiên sự phát triển của các que thử pH tại nhà đã giúp chị em phụ nữ có thể chủ động theo dõi sức khỏe của chính mình. Độ pH âm đạo dễ thay đổi, không chỉ trong suốt cuộc sống của người phụ nữ mà còn lên xuống theo ba giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Hiểu được những yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ pH và học cách theo dõi thước đo này có thể giúp các chị em phụ nữ chủ động hơn, đặc biệt khi có các các yếu tố nguy cơ.

Độ pH được đo trên thang điểm từ 0 đến 14, với 0 là axit mạnh nhất và 7 là mức trung tính. Độ pH âm đạo bình thường ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường có tính axit nhẹ, dao động từ 3,8 đến 5,0. Ngoại trừ trường hợp phụ nữ đã mãn kinh thì độ pH cao có thể cho thấy sự có mặt của mầm bệnh. Gia tăng độ pH có thể là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại hoặc nguyên nhân thường gặp hơn là do thiếu hụt estrogen, lượng hormone này giảm dần khi phụ nữ mãn kinh.

Bác sĩ phụ khoa Anna Cabeca, một chuyên gia được ba hội đồng chuyên môn chứng nhận, chia sẻ: 'Độ pH tự nhiên của âm đạo vốn mang tính axit. Môi trường axit sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại, ngăn chặn vi khuẩn và tinh trùng xâm nhập vào tử cung.'

Dịch tiết âm đạo là một chất lỏng mỏng, trong suốt đóng vai trò như một rào cản bảo vệ âm đạo khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn có hại vào cơ thể. Độ pH của dịch tiết âm đạo được đo ở lớp chất dịch này và chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố như:

Thuốc kháng sinh, phương pháp điều trị thường dùng trong trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn (BV), hoạt động bằng cơ chế tiêu diệt vi khuẩn có hại phát triển quá mức. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng loại bỏ cả những vi khuẩn có lợi giúp duy trì môi trường axit âm đạo. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh Truyền Nhiễm vào năm 2015 cho thấy kháng sinh làm thay đổi độ pH nhanh và mạnh. Kết quả là, các vi khuẩn gây bệnh BV thường xuất hiện trở lại ngay sau khi ngừng thuốc. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra khi phụ nữ ngừng sử dụng thuốc chống nấm để điều trị tình trạng nhiễm nấm. Đây là một trong những lý do khiến các nhà khoa học đang thực hiện một nghiên cứu, xác định xem việc điều trị cho cả bạn tình của những người phụ nữ viêm âm đạo do vi khuẩn tái phát có thể giúp cải thiện bệnh hay không.

Thụt rửa âm đạo, dường như là cách vệ sinh hợp lý, tuy nhiên thực ra phương pháp này sẽ rửa trôi dịch tiết âm đạo có vai trò bảo vệ, phá vỡ cân bằng của hệ vi sinh vật ở đây. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thụt rửa âm đạo làm tăng nguy cơ viêm âm đạo do vi khuẩn (BV), đồng thời có thể dẫn đến các biến chứng thai kỳ, ung thư cổ tử cung và bệnh lý viêm vùng chậu (PID) do vi khuẩn di chuyển lên đường sinh sản trên. PID có thể gây nhiễm trùng và sẹo ở vòi trứng, buồng trứng và niêm mạc tử cung, dẫn đến vô sinh, đau vùng chậu mãn tính, thai ngoài tử cung và các bệnh lý cần phẫu thuật khác. Một nghiên cứu gần đây trên Nature Microbiology đã nêu ra mối liên hệ giữa các hóa chất trong âm đạo, có thể là từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân với tình trạng sinh non tự nhiên ở phụ nữ mang thai.

Hoạt động tình dục - Tinh dịch có độ pH khoảng 8.0, cao hơn nhiều so với môi trường âm đạo lý tưởng (3.8-5.0). Do đó, quan hệ tình dục không an toàn có thể khiến môi trường âm đạo trở nên kiềm hơn, khiến phụ nữ dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Theo một nghiên cứu năm 2015 trên Tạp chí Bệnh Truyền Nhiễm, tình trạng pH cao này có thể kéo dài tới 10-14 giờ sau khi quan hệ.

Kinh nguyệt - Máu kinh nguyệt có tính kiềm nhẹ, có thể làm tăng độ pH âm đạo. Phụ nữ và trẻ em gái có kinh nguyệt không đều thường có tình trạng rối loạn niêm mạc âm đạo hơn, khiến những đối tượng này dễ bị viêm âm đạo.

Lão hóa - Estrogen đóng vai trò tạo nên độ axit của dịch âm đạo, do đó, sự suy giảm estrogen là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ lớn tuổi dễ bị nhiễm trùng, trong đó bao gồm cả nhiễm trùng đường tiết niệu. Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh có độ pH âm đạo từ 6 đến 7,5. Khô âm đạo và đau khi giao hợp là dấu hiệu của sự thay đổi nội tiết tố khi nồng độ estrogen giảm xuống. Bác sĩ Shunney cho biết hầu hết phụ nữ đều sẽ cần tăng cường lượng estrogen âm đạo vào một thời điểm nào đó trong đời. Tuy nhiên, độ tuổi cần bổ sung khác nhau ở mỗi người.

Nhiễm trùng—Các tác nhân gây bệnh có thể làm cho môi trường âm đạo trở nên kiềm hơn. Đây là lý do tại sao cần kiểm tra độ pH âm đạo để đánh giá sức khỏe của hệ vi sinh vật tại vùng này. Hiện nay, có nhiều loại que thử pH giúp xác định tình trạng nhiễm trùng và thậm chí có thể gợi ý một loại nhiễm trùng cụ thể dựa trên độ pH, vì mỗi loại nhiễm trùng thường có dải pH khác nhau. Một bài báo trên tạp chí Diagnostics vào năm 2021 đã cung cấp cho chúng ta những thông tin chi tiết về phương pháp xét nghiệm này.

Xét nghiệm PH có thể không phải là một cách tiếp cận hoàn hảo—những phụ nữ bị nấm Candida albicans phát triển quá mức thường có độ pH âm đạo bình thường—nhưng nó có thể đặc biệt hữu ích trong việc theo dõi những người không có triệu chứng, bao gồm 20 đến 50% phụ nữ mắc bệnh trichomonas, bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Căn bệnh này khiến phụ nữ dễ mắc ung thư cổ tử cung, viêm vùng chậu và vô sinh. Phụ nữ mang thai nhiễm trichomonas có nguy cơ chuyển dạ sớm, vỡ nhau thai và sinh con nhẹ cân.

Những hiểu biết về hệ vi sinh vật âm đạo

Mặc dù hệ vi sinh vật âm đạo có thể thay đổi liên tục nhưng hệ vi sinh vật ở đây khác với sự phát triển đa dạng các loài vi khuẩn của hệ vi sinh vật đường ruột. Hệ vi sinh vật âm đạo khỏe mạnh cần sự phát triển chủ đạo của Lactobacillus, một chủng vi khuẩn có khả năng chống lại các vi khuẩn gây hại. Không giống với hệ vi sinh vật đường ruột, sự đa dạng vi khuẩn âm đạo sẽ gây hại cho sức khỏe của người phụ nữ.

Chủng vi khuẩn Gardnerella vaginalis được cho là nguyên nhân chính gây ra hầu hết các trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn (BV). Được đặt tên theo Hermann L. Garner vào năm 1955, chủng vi khuẩn này từng được xem là tác nhân gây nhiễm trùng, nhưng hiện nay phần lớn các chuyên gia cho rằng Gardnerella vaginalis là một phần của hệ vi sinh vật âm đạo khỏe mạnh. Khi chủng vi khuẩn này phát triển quá mức và trở thành loài chiếm ưu thế sẽ góp phần gây BV. Tuy nhiên, một số tài liệu cập nhật vào năm 2022 vẫn mô tả Gardnerella vaginalis là chủng vi khuẩn gây bệnh.

Bác sĩ Shunney giải thích: “Đó không phải là tình trạng nhiễm trùng do Gardnerella mà là hiện tượng vi khuẩn Gardnerella cùng các loại vi khuẩn khác phát triển quá mức, nhiều hơn mức bình thường ở âm đạo khỏe mạnh không triệu chứng. Gardnerella chỉ là một trong số nhiều loại vi khuẩn có thể tăng sinh quá mức khi môi trường âm đạo bị viêm nhiễm.”

Có nhiều chủng Lactobacillus. Ở âm đạo khỏe mạnh, chủng vi khuẩn chủ đạo thường là Lactobacillus crispatus. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy phụ nữ Mỹ gốc Phi và Mexico có nồng độ chủng vi khuẩn này thấp hơn, đồng thời tỉ lệ viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) ở những phụ nữ này cao hơn so với phụ nữ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha. Ngoài ra, độ pH âm đạo và hệ vi sinh vật của nhóm phụ nữ này cũng có xu hướng viêm nhiễm hơn.

Mặc dù nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ, phụ nữ da đen có nguy cơ mắc HIV cao gấp 20 lần so với phụ nữ da trắng, và tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) có thể làm tăng nguy cơ này thêm 60%. Một bài báo trên Tạp chí Miễn dịch Sinh sản Hoa Kỳ vào năm 2016 cho rằng mối liên hệ này là rất "đáng lo ngại", đồng thời chỉ ra các nguyên nhân có thể khác như nghèo đói, chế độ ăn uống, hút thuốc lá, nồng độ vitamin D và tỷ lệ bị tù giam cao hơn.

Phương pháp điều trị tổng thể

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) gợi ý cho chúng ta nhiều phương pháp phòng ngừa. Mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và hệ vi sinh vật âm đạo đã được chứng minh, ngoài ra còn có mối liên hệ giữa BV và tình trạng căng thẳng ảnh hưởng không nhỏ đến nhóm phụ nữ da đen. Một nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý Sinh học năm 2022 cho thấy việc phân biệt đối xử chủng tộc làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu và các dấu hiệu viêm nhiễm, trong đó bao gồm cả sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột.

Ngoài việc giảm căng thẳng, bác sĩ Cabeca cũng khuyên chúng ta sử dụng chế độ ăn lợi khuẩn, giàu chất xơ và các thực phẩm lên men. Đồng thời nên hạn chế lượng đường vì đường có thể làm tăng viêm nhiễm, đặc biệt đối với phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh.

Bác sĩ Shunney đã thành công khi sử dụng các sản phẩm có chứa axit lactic cho bệnh nhân, kể cả dưới dạng dung dịch rửa hoặc gel bôi. Lactobacillus sản sinh ra axit lactic, một chất hóa học giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại. Mặc dù tăng lượng axit lactic có thể là một giải pháp hợp lý, nhưng một bài tổng quan các nghiên cứu trên Plos One vào năm cho biết các nghiên cứu về vấn đề này vẫn chưa đưa ra kết luận rõ ràng.

Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều phụ nữ vẫn ưa chuộng các phương pháp tự nhiên như sử dụng tinh dầu oregano, chiết xuất tỏi hoặc hạt bưởi. Tuy nhiên, bác sĩ Shunney cho rằng những phương pháp này có cơ chế hoạt động tương tự kháng sinh, chỉ khắc phục tình trạng tạm thời mà không thể giải quyết tận gốc sự mất cân bằng hệ vi sinh vật.

Axit boric cũng là một lựa chọn để thay thế thuốc kháng sinh với các đặc tính sát trùng, kháng virus và chống nấm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng: chỉ sử dụng axit boric đặt âm đạo, tránh sử dụng đường uống vì không an toàn. Bạn có thể mua sản phẩm này trực tuyến hoặc nhận đơn thuốc từ bác sĩ. Nghiên cứu năm 2020 trên Tạp chí Hiệp hội Bệnh Truyền Dục Tình Dục Hoa Kỳ cho thấy axit boric dung nạp tốt, kể cả trong những trường hợp sử dụng lâu dài, có hiệu quả trong các trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn kháng kháng sinh.

Bên cạnh việc cải thiện chế độ ăn và sử dụng sản phẩm hỗ trợ, chị em phụ nữ có thể thử thêm một số thay đổi hành vi khác như tham gia các hoạt động giúp đổ mồ hôi: Xông hơi, tập thể dục, mặc quần áo và đồ lót kháng khuẩn do một số loại vải có thể giữ lại vi khuẩn.

Mặc dù những vấn đề vùng kín thường là lý do khiến các chị em phụ nữ đi khám bác sĩ, nhưng đôi khi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang mất cân bằng. Bác sĩ Shunney cho rằng, nhiều bệnh nhân sẽ thất vọng bởi vì giống như nhiều bệnh khác, chúng ta khó có thể điều trị khỏi tình trạng viêm âm đạo chỉ bằng cách uống một viên thuốc.

"Nhiều người nghĩ chỉ cần uống một viên thuốc là khỏi bệnh, nhưng hiếm khi câu chuyện đơn giản như vậy", bác sĩ Shunney chia sẻ. "Cơ thể mất cân bằng thường do nhiều yếu tố chồng chất gây ra. Những yếu tố này có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể".

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Tác giả: Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.



BÀI CHỌN LỌC

Phương pháp điều trị tổng thể cho bệnh viêm âm đạo tái phát