Sụp đổ BĐS đe dọa hệ thống tài chính của Trung Quốc như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự sụp đổ bất động sản (BĐS) và cuộc siêu khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương khiến Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính.

Sau 2 năm diễn ra cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn hơn đang rình rập ở đất nước này. Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong gần đây đã cảnh báo rằng Trung Quốc phải ngăn chặn những rủi ro mang tính hệ thống trong khu vực tài chính.

Nhà kinh tế học Trung Quốc Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) làm việc tại Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lo lắng vì mức độ nghiêm trọng của tình hình kinh tế đã vượt xa cái gọi là rủi ro tài chính hệ thống.

“Bây giờ nó là một sự sụp đổ tài chính”, ông nói. “Sự sụp đổ của hệ thống tài chính gắn liền với sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản đang sắp xảy ra”.

Rủi ro hệ thống

Vào ngày 21/5, ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị toàn quốc với các cơ quan quản lý tài chính địa phương của Trung Quốc. Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Trung ương của ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng đất nước này cần “duy trì vững chắc điểm mấu chốt trong việc ngăn ngừa rủi ro tài chính hệ thống”.

Ông Hà cảnh báo cần phải đề phòng chặt chẽ trước 3 rủi ro lớn: rủi ro khủng hoảng bất động sản, rủi ro nợ chính quyền địa phương và rủi ro từ các tổ chức tài chính vừa và nhỏ tại địa phương.

Theo báo cáo mới nhất của China Index Academy, từ tháng 1 đến tháng 4, tổng doanh số bán bất động sản thương mại mới xây dựng đạt 290 triệu mét vuông, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị bán hàng là 2,8 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (386,6 tỷ USD), giảm 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 4, doanh số bán hàng là 671,2 tỷ CNY (92,7 tỷ USD), giảm 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy trong tháng 4, sự sụt giảm giá bán bất động sản nhà ở thương mại ở nhiều thành phố khác nhau tiếp tục tăng khi so sánh theo năm và theo tháng. Trong số 70 thành phố lớn và vừa, chỉ có 6 thành phố, bao gồm Thượng Hải, có giá nhà mới tăng khi tính theo tháng, ít hơn 5 thành phố so với tháng 3. Số thành phố có giá giảm so với tháng trước tăng thêm 7, lên tới 64 thành phố.

Ảnh hưởng đến doanh thu tài khoá

Dữ liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc cho thấy từ tháng 1 đến tháng 4, doanh thu thuế của Trung Quốc là 6,6938 nghìn tỷ CNY (916,9 tỷ USD), giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nguồn thu ngân sách, thu nhập từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước liên quan đến bất động sản là 1,0536 nghìn tỷ CNY (145,9 tỷ USD), giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Lý cho biết trong những năm gần đây, “chính quyền địa phương Trung Quốc đã đầu tư số tiền lớn vào bất động sản” thông qua các nền tảng tài chính. “Trong cuộc khủng hoảng bất động sản, những khoản nợ khổng lồ bị bỏ lại, ước tính khoảng 60 nghìn tỷ CNY (8,3 nghìn tỷ USD), 90 nghìn tỷ CNY (12,5 nghìn tỷ USD), hoặc thậm chí gần 100 nghìn tỷ CNY (14 nghìn tỷ USD). Chính quyền địa phương không thể trả những khoản nợ quy mô lớn như vậy và nhiều chính quyền hiện đang nợ lương, công chức phải đối mặt với việc bị cắt lương”, ông Lý giải thích.

Sụp đổ BĐS đe dọa hệ thống tài chính của Trung Quốc như thế nào?
Các tòa nhà đang được xây dựng gần tòa nhà văn phòng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Trùng Khánh, Trung Quốc, vào ngày 29/9/2007. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Rủi ro đối với các tổ chức tài chính vừa và nhỏ

Liên quan đến rủi ro đối với các tổ chức tài chính vừa và nhỏ, ông Lý đề cập đến sự cố ngân hàng nông thôn Hà Nam gần đây ở Trung Quốc, liên quan đến khoản tiết kiệm trọn đời của 400.000 khách hàng, tổng trị giá 40 tỷ CNY (5,5 tỷ USD), với việc khách hàng đột nhiên không thể tiếp cận những khoản tiết kiệm này. Các cuộc biểu tình của khách hàng ngân hàng đã vấp phải sự đàn áp tàn bạo của chính quyền Trung Quốc. Có khoảng 4.000 ngân hàng vừa và nhỏ như vậy ở Trung Quốc, và chẳng bao lâu nữa các ngân hàng này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chuyên gia cố vấn đầu tư Bắc Mỹ Mike Sun nói với The Epoch Times: “Cuộc khủng hoảng ngân hàng [của Trung Quốc] thường đi từ các ngân hàng nông thôn đến các ngân hàng vừa và nhỏ ở địa phương, sau đó đến các ngân hàng cổ phần và cuối cùng là các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước. Để tránh khủng hoảng, các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước đã bắt đầu phát hành trái phiếu để bổ sung vốn trong năm nay và gần đây họ đã bắt đầu phát hành các trái phiếu ‘Tổng năng lực hấp thụ tổn thất’ (TLAC)”.

Gần đây, một số ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc lần đầu tiên đã bắt đầu phát hành một loại trái phiếu hấp thụ tổn thất đặc biệt nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính kiểu Lehman năm 2008.

Phát hành trái phiếu TLAC

Vào ngày 20/5, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã công bố phát hành trái phiếu TLAC trị giá 40 tỷ CNY (5,5 tỷ USD). Vào ngày 23/5, Ngân hàng Trung Quốc cũng đưa ra định giá trái phiếu TLAC trị giá 30 tỷ CNY (4,2 tỷ USD).

Trái phiếu TLAC nhằm giải quyết vấn đề các ngân hàng là “quá lớn để sụp đổ”. Vào năm 2015, Ủy ban ổn định tài chính (FSB) có trụ sở tại Thụy Sĩ đã đặt ra các yêu cầu về vốn TLAC đối với các ngân hàng quan trọng đối với hệ thống toàn cầu (G-SIB) để ngăn chặn khả năng những vụ phá sản của các ngân hàng lớn này có thể phát triển thành khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống.

Khi tổ chức phát hành gặp phải khủng hoảng lớn về hoạt động vận hành hoặc phá sản, trái phiếu có thể được ghi giảm hoặc chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu thông qua các cơ chế hợp đồng hoặc theo luật định. Điều này có thể dẫn đến việc ghi giảm một phần hoặc toàn bộ các khoản yêu cầu bồi thường của khách hàng, hủy bỏ lãi suất, chuyển đổi các khoản yêu cầu bồi thường thành vốn chủ sở hữu hoặc sửa đổi các điều khoản của trái phiếu như ngày đáo hạn, tiền lãi, ngày thanh toán lãi hoặc việc tạm dừng thanh toán lãi.

Ông Sun nói: “Họ (lãnh đạo ĐCSTQ) không muốn lặp lại vụ đổ vỡ bong bóng bất động sản của Nhật Bản”. “Ứng phó khủng hoảng ngắn hạn có thể dựa vào phát hành trái phiếu, nhưng trong trung và dài hạn vẫn phụ thuộc vào nhu cầu trong nước. Các biện pháp hiện tại chỉ trì hoãn cuộc khủng hoảng và không thể giải quyết được vấn đề cơ bản”.

Hai giải pháp

Trong 20 năm qua, bất động sản Trung Quốc và các ngành công nghiệp liên quan là nguồn đóng góp chính cho GDP của nước này, chiếm 25-30% GDP của Trung Quốc sau năm 2010. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng đầu tư bất động sản chiếm 13% GDP của Trung Quốc, và nếu tính cả các đầu vào của chuỗi cung ứng, ngành bất động sản chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc.

Ông Lý cho rằng chính quyền Trung Quốc đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để xử lý bong bóng bất động sản. Giờ đây, cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính do sự sụp đổ bất động sản và cuộc siêu khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương đang sắp xảy ra.

Tại thời điểm này, có thể có hai giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng đang cận kề.

“[Một giải pháp khả thi là] xóa nợ theo các quy trình thủ tục pháp lý, nhưng nó sẽ tác động rất lớn đến xã hội, có khả năng gây hoảng loạn trong xã hội. Đồng thời, chế độ ĐCSTQ và các nhà lãnh đạo của nó chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm và chế độ này sẽ mất đi tính hợp pháp”, ông nói. “[Một giải pháp khác là] dần dần sử dụng tín dụng chính phủ để bảo lãnh cho các tổ chức tài chính và chính quyền địa phương, nhưng điều này cũng có nghĩa là phải in tiền ồ ạt để giải quyết vấn đề nợ, dẫn đến siêu lạm phát nhanh chóng”.

Ông Lý tin rằng nền kinh tế đang suy giảm của Trung Quốc chắc chắn sẽ đe dọa đến sự cai trị độc tài của ĐCSTQ.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sụp đổ BĐS đe dọa hệ thống tài chính của Trung Quốc như thế nào?