Trung Quốc mưu tính gì với trái phiếu siêu dài hạn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc phát hành trái phiếu chính phủ siêu dài hạn được cho là để duy trì hoạt động của chính quyền địa phương tại Trung Quốc. Liệu Bắc Kinh có còn mưu tính gì khác?

Bộ Tài chính Trung Quốc vào ngày 13/5 đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn bắt đầu từ năm nay, với lượng phát hành ban đầu là 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (138 tỷ USD). Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng lượng tiền này sẽ giải quyết những khó khăn tài chính của chính quyền địa phương và đảm bảo chi tiêu cho họ.

Trái phiếu chính phủ siêu dài hạn của năm nay có kỳ hạn 20, 30 và 50 năm. Trong “Lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 3, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố rằng những trái phiếu như vậy sẽ được phát hành hàng năm trong vài năm, nhấn mạnh thời hạn trả nợ dài chưa từng có tới 50 năm.

“Lưỡng hội” là kỳ họp hàng năm tại Bắc Kinh, nơi các đại biểu do ĐCSTQ bổ nhiệm từ nhiều tỉnh khác nhau của Trung Quốc tập trung lại để họp như một phần của quốc hội ĐCSTQ.

Duy trì hoạt động của chính quyền địa phương

Nhà kinh tế học Trung Quốc Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) làm việc tại Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ CNY sẽ không có tác động đáng kể đến tình hình kinh tế tồi tệ của Trung Quốc. Ông cho rằng mục đích chính của việc phát hành số trái phiếu này là nhằm duy trì các hoạt động vận hành cơ bản của chính quyền địa phương.

Ông nói: “Tốc độ suy thoái kinh tế của Trung Quốc nhanh đến mức đáng kinh ngạc”. “Các biện pháp khác nhau trong hai đến ba năm qua đã không cải thiện được tình hình. Từ trung ương đến địa phương, nguồn thu gần như cạn kiệt, nhất là đối với chính quyền địa phương, nơi tiền bán đất chiếm tới 30-40% tổng thu. Với bong bóng bất động sản vỡ, nhiều chính quyền địa phương thậm chí không thể trả lương [cho nhân viên chính phủ]. Việc phát hành trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ CNY chủ yếu là để trả lương”.

Ông Mike Sun, chiến lược gia đầu tư Bắc Mỹ, cũng đặt câu hỏi liệu việc phát hành trái phiếu có kích thích nền kinh tế hay không. Ông nói với The Epoch Times: “Việc phát hành trái phiếu siêu dài hạn 20, 30 hoặc thậm chí 50 năm là điều chưa từng có. Trong vài năm tới, đây sẽ trở thành hỗ trợ tài chính cho hoạt động của chính quyền địa phương, khiến việc phát hành trái phiếu siêu dài hạn trở thành một điều bình thường”.

Ông Sun giải thích rằng kể từ chính sách cải cách nhà ở của ĐCSTQ vào năm 1999, nguồn thu chính của chính quyền địa phương là bán đất, được gọi là nguồn tài chính từ đất đai. Nguồn tài chính đất đai kết thúc khi lĩnh vực bất động sản rơi vào tình trạng hỗn loạn, để lại thâm hụt lớn trong thu và chi của chính quyền địa phương. Giờ đây, họ phải dựa vào việc phát hành nợ để duy trì hoạt động của chính quyền địa phương và sự phụ thuộc này có thể sẽ tiếp tục trong vài năm.

Liên quan đến việc phát hành trái phiếu siêu dài, Nhật báo Kinh tế, một tờ báo nhà nước của ĐCSTQ ngày 13/5 đã đăng một bài viết cho rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là nhu cầu không đủ, áp lực đáng kể đối với hoạt động kinh doanh và vô số rủi ro ở những lĩnh vực trọng điểm. Bài viết nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng đầy đủ và hiệu quả các công cụ chính sách, đặc biệt là việc phát hành sớm trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn.

Bài báo cũng thừa nhận, nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách đáng kể. Nó tuyên bố rằng để đảm bảo tài trợ kịp thời và đầy đủ cho “sinh kế, tiền lương và hoạt động cơ bản” ở cấp chính quyền địa phương, chính quyền trung ương sẽ chuyển vốn từ trái phiếu siêu dài hạn cho chính quyền địa phương.

Trung Quốc mưu tính gì với trái phiếu siêu dài hạn?
Một người đi bộ đi ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở trung tâm Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 9/8/2007. (Ảnh: Teh Eng Koon/AFP qua Getty Images)

Chiến lược câu giờ

Loại trái phiếu có kỳ hạn siêu dài với thời gian trả nợ lên tới 50 năm đã thu hút được sự quan tâm đáng kể của giới chuyên gia. Nhà kinh tế học người Mỹ Davy Jun Huang nói với The Epoch Times rằng nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc là rất lớn, tạo ra tình trạng khó khăn tài chính chưa từng có. Ông giải thích, ĐCSTQ nhắm mục tiêu sử dụng trái phiếu siêu dài hạn như một chiến lược câu giờ để khiến công chúng Trung Quốc tham gia trang trải khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương.

Ông nói: “Con số chính xác về khoản nợ của chính quyền địa phương [Trung Quốc] là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ”. “Goldman Sachs ước tính nó ở mức hơn 90 nghìn tỷ CNY (12,5 nghìn tỷ USD), trong khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ước tính nó ở mức hơn 60 nghìn tỷ CNY (8,3 nghìn tỷ USD). ĐCSTQ tuyên bố nó nằm trong khoảng 30-40 nghìn tỷ CNY (4,2-5,5 nghìn tỷ USD)”.

Ông Huang đặt câu hỏi về khả năng trả nợ của chính quyền địa phương. Ông giải thích rằng hiện tại, khoản nợ khoảng 10-20 nghìn tỷ CNY (1,4-2,8 nghìn tỷ USD) cần được hoàn trả. Ông dự đoán rằng ĐCSTQ sẽ phát hành lượng trái phiếu khoảng 12 nghìn tỷ CNY (1,7 nghìn tỷ USD) hàng năm trong 5 năm để trả khoản nợ ước tính 60 nghìn tỷ CNY.

Theo ông Huang, trái phiếu có ít giá trị đầu tư do rủi ro lạm phát cao. Ông nói, so sánh sức mua của đồng CNY hay USD từ 50 năm trước và tại thời điểm hiện nay cho thấy sự khác biệt rõ ràng.

Lấy tiền từ người dân Trung Quốc

Lịch phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn năm nay như sau: Trái phiếu kỳ hạn 30 năm vào ngày 17/5, trái phiếu 20 năm vào ngày 24/5 và trái phiếu 50 năm vào ngày 14/6. Trái phiếu 20 năm sẽ được phát hành thành 3 đến 4 lô, trái phiếu kỳ hạn 30 năm chia thành 3 lô, mỗi lô 4 đợt phát hành và trái phiếu 50 năm chia thành 1 lô với 3 đợt phát hành.

Đáng chú ý, trái phiếu kỳ hạn 30 năm trị giá 600 tỷ CNY (83,03 tỷ USD) sẽ được phát hành từ ngày 17/5 đến ngày 15/11, mất khoảng 6 tháng cho 12 đợt phát hành.

Ông Lý cho biết 600 tỷ CNY chiếm một phần lớn trong trái phiếu siêu dài hạn của năm nay, với thời gian phát hành kéo dài nhằm giảm thiểu tác động đến tính thanh khoản thị trường và dần dần dàn trải chi phí ra công chúng.

“Dữ liệu ngân hàng Trung Quốc cho thấy tổng số tiền gửi cá nhân gần 150 nghìn tỷ CNY (20,8 nghìn tỷ USD). ĐCSTQ khẩn thiết muốn công chúng mua những trái phiếu này. Nếu doanh số bán hàng kém, họ có thể biến chúng thành ‘trái phiếu yêu nước’, buộc người dân, doanh nghiệp và những người giàu có phải mua chúng”, ông nói thêm.

Theo báo cáo của ngân hàng trung ương Trung Quốc trong quý I năm 2024, dư nợ cho vay của Trung Quốc là gần 250 nghìn tỷ CNY (24,6 nghìn tỷ USD), với số tiền gửi gần 300 nghìn tỷ CNY (41,52 USD). Tính đến cuối tháng 3, trong tổng số tiền gửi, hộ gia đình chiếm 49%, doanh nghiệp 27% và chính phủ 14%, so với mức trước đại dịch năm 2019 với mức thay đổi tương ứng là +7,1%, -4,2% và - 3,3%.

Báo cáo cũng ghi nhận xu hướng ngày càng tăng cao của tiền gửi có kỳ hạn cố định so với tiền gửi vãng lai, với tỷ lệ thay đổi từ mức 6:4 trong năm 2017 thành mức chia 7:3 hiện nay, cho thấy mức tiêu dùng hộ gia đình và nhu cầu tổng thể vẫn chưa đủ đáp ứng, với tiền gửi chủ yếu vẫn nằm trong khu vực hộ gia đình mà không chuyển sang chi tiêu.

Ông Lý cho biết ĐCSTQ hy vọng công chúng Trung Quốc sẽ sử dụng số tiền tiết kiệm chưa tiêu của mình để mua trái phiếu, phù hợp với ý định đầu tư hoặc giảm nợ của chế độ. Tuy nhiên, trong tình hình bất ổn chính trị và kinh tế hiện nay, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 20, 30 hoặc thậm chí 50 năm cho thấy ĐCSTQ không có ý định trả nợ gốc. Cũng không có gì đảm bảo rằng chế độ sẽ tồn tại ổn định trong thời gian này.

Ông Huang cảnh báo rằng việc quảng bá loại trái phiếu siêu dài hạn này có thể không được thị trường đón nhận tích cực. Nếu thị trường phản ứng thờ ơ, ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể phải can thiệp, về cơ bản là in thêm tiền, điều này có thể làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực đối với đồng CNY và có khả năng dẫn đến siêu lạm phát.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc mưu tính gì với trái phiếu siêu dài hạn?