Tác dụng bất ngờ của thiền đối với bệnh ung thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ung thư đến giờ vẫn là một căn bệnh nan y, gây ra nhiều tổn thương nặng nề cho người bệnh. Việc điều trị hiện nay chủ yếu tập trung vào các tổn thương mà ung thư gây ra cho thân thể. Nhưng bất kỳ ai từng chiến đấu với ung thư cũng sẽ nói với bạn rằng, những nỗi đau tinh thần cũng có thể gây nhức nhối không kém. Thay đổi tâm trí thông qua thực hành thiền định có hiệu quả bất ngờ đối với bệnh nhân ung thư.

Từ ngày đầu tiên bạn nghe thấy bác sĩ thông báo “Bạn bị ung thư”, thế giới của bạn đột nhiên bị đảo lộn. Chỉ trong vài phút, tâm trí bạn chạy đua để hiểu tác động của những từ bạn vừa nghe. Và trong nhiều ngày sau đó cùng vô số đêm dài mất ngủ, hàng nghìn suy nghĩ có thể đến rồi đi, cùng với một loạt cảm xúc dồn dập như sóng thần ập đến.

“Làm ơn, hãy đưa tôi thoát khỏi những cảm xúc của tình yêu và niềm vui” - chưa từng có ai nói như vậy. Có rất nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể gắn liền với những cảm xúc tích cực. Cũng tương tự như thế với những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo lắng và căng thẳng. Và dù tích cực hay tiêu cực, cảm xúc đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình trạng sức khỏe của chúng ta.

Cảm xúc giải phóng hóa chất khắp cơ thể

Theo quan điểm khoa học, cảm xúc được tạo thành từ các chất hóa học và là kết quả trực tiếp của những suy nghĩ.

Đôi khi cảm xúc cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những gì đang diễn ra bên trong chúng ta mà có thể chúng ta đã không ý thức được. Và điều đó có thể cho chúng ta cơ hội để làm gì đó với chúng.

Không ai muốn trở nên vô cảm, vì cảm xúc làm phong phú thêm kinh nghiệm sống của chúng ta. Nếu chú ý đến cảm xúc của mình, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cách cơ thể đang diễn giải những trải nghiệm mà chúng ta phải đối mặt. Điều đó có thể để lại tác động lâu dài đến sức khỏe của chúng ta.

Khi xảy ra sự mất cân bằng kéo dài của những cảm xúc tiêu cực, cơ thể chúng ta có thể trở nên quá tải và phản ứng theo cách tiêu cực. Nói cách khác, cảm xúc tiêu cực nhiều có thể dẫn đến nhiều phản ứng hóa học mà theo thời gian có thể gây tổn hại cho cơ thể vật chất.

Một trong những cảm xúc rõ ràng và dễ nhận biết nhất là cảm xúc sợ hãi. Sợ hãi là một phản ứng sinh tồn. Và nỗi sợ hãi rất dễ nhận biết. Nỗi sợ hãi bắt đầu khi bạn nhận thấy (trong tâm trí) một mối đe dọa. Để cơ thể bạn xử lý mối đe dọa được nhận thức, vô số phản ứng sinh lý xảy ra trong vòng một phần nghìn giây:

  • Hạch hạnh nhân (não giữa của bạn) bắt đầu hoạt động, cảnh báo hệ thống thần kinh của bạn bằng một cảnh báo khẩn cấp toàn diện;
  • Cortisol, adrenaline và các hormone gây căng thẳng khác ngay lập tức được giải phóng vào cơ thể bạn;
  • Nhịp tim của bạn tăng lên;
  • Huyết áp của bạn tăng lên;
  • Bạn thở nhanh hơn;
  • Và tin hay không thì tùy, dòng máu của bạn sẽ thay đổi hướng - nó chảy ra khỏi tim và đến tứ chi của bạn đề phòng trường hợp bạn cần chạy nhanh để thoát khỏi kẻ thù.

Nói cách khác, cơ thể bạn đang tự chuẩn bị cho chiến đấu hoặc bỏ chạy. Nó đang làm những gì nó được thiết kế để làm.

Cảm giác sợ hãi luôn thường trực đối với bệnh nhân ung thư và nó có thể tiếp diễn trong thời gian dài. Chán nản là một cảm xúc khác mà bệnh nhân ung thư thường trải qua. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI), cứ 3 bệnh nhân ung thư thì có 1 người rơi vào trạng thái đau khổ. Bệnh nhân ung thư vú có tỷ lệ cao nhất với 42%; 41% ở bệnh nhân ung thư đầu và cổ.

Cũng theo NCI, 25% những người sống sót sau ung thư trải qua các triệu chứng trầm cảm, 45% trải qua lo lắng và nhiều người trải qua các triệu chứng PTSD. Đáng buồn thay, những người sống sót sau ung thư có khả năng tự tử cao gấp đôi.

Xoay ngược tình thế với những cảm xúc tiêu cực

Vậy làm thế nào để chúng ta đối phó với những cảm xúc này, vốn là phản ứng rất thực đối với mối đe dọa về thể chất mà chúng ta phải đối mặt - mối đe dọa của bệnh ung thư. Trong một nghiên cứu đáng chú ý được báo cáo trên Tạp chí Điều dưỡng Ung thư Lâm sàng, việc giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm đã được chứng minh là một biện pháp can thiệp hiệu quả cho những người sống sót sau ung thư vú.

Chánh niệm chỉ đơn giản là một thực hành sử dụng các bài tập thiền định, hướng sự chú ý để giảm thiểu căng thẳng và nâng cao nhận thức về hiện tại.

Mục tiêu của chánh niệm là cố gắng thoát khỏi niềm tin, suy nghĩ hoặc cảm xúc, thay vào đó tập trung vào thời điểm hiện tại. Nếu bạn có thể tách mình ra khỏi những suy nghĩ và cảm xúc mà bạn đang trải qua, bạn có thể khám phá ra một sức mạnh mà bạn chưa từng biết.

Trong một nghiên cứu có tên Bằng chứng về Vai trò của Chánh niệm trong Ung thư: Lợi ích và Kỹ thuật được công bố trên tạp chí Cureus, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tác động của các kỹ thuật chánh niệm khác nhau đối với bệnh nhân ung thư. Kết luận của họ như sau:

  • Rối loạn giấc ngủ liên quan đến ung thư: Kết quả cho thấy tình trạng mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác thường gặp ở bệnh nhân ung thư giảm đáng kể.
  • Xạ trị: Những người tích cực thực hành giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) đã trải qua sự cải thiện đáng kể so với những người không thực hành kỹ thuật này.
  • Chánh niệm và Phản ứng Miễn dịch: Các tế bào T của những người tham gia MBSR dễ dàng được kích hoạt hơn. Tế bào T là những anh hùng của hệ thống miễn dịch, có hiệu quả trong việc chống lại các tế bào ung thư và những kẻ xâm nhập không mong muốn khác.

Kỹ thuật MBSR

  • Thực hành Thiền Ngồi: Ngồi trong tư thế thoải mái và hướng toàn bộ sự chú ý của bạn vào cảm giác của hơi thở.
  • Thực hiện Quét cơ thể bên trong của riêng bạn: Tập trung nhận thức vào các bộ phận riêng lẻ trên cơ thể bạn.
  • Thực hành Không phán xét: Tập trung hoàn toàn vào bất cứ điều gì đang xảy ra tại thời điểm hiện tại, nhưng đừng phán xét nó.
  • Kiên nhẫn: Chấp nhận sự thật rằng các sự kiện diễn ra theo thời gian của chúng.
  • Phát triển tâm trí của người mới bắt đầu: Cố gắng xem mọi thứ như thể nó đang xảy ra lần đầu tiên.
  • Tin tưởng bản thân: Học cách tôn trọng cảm xúc của bạn hơn là kìm nén hoặc không tin tưởng chúng.
  • Tránh gắng sức quá mức: Thực hành không có mục tiêu nào khác ngoài thiền định, chấp nhận những suy nghĩ đến và đi.
  • Học cách Buông bỏ: Cố gắng không nắm giữ hoặc từ chối trải nghiệm của bạn.
  • Thực hành Tử tế: Thực hành tử tế và ấm áp khi đối mặt với những khó khăn trong khi tránh chỉ trích bản thân.
  • Phát triển trí tò mò bẩm sinh của bạn: Điều tra bất cứ điều gì xuất hiện trong trải nghiệm của bạn mà không cần phán đoán tự động.
  • Phát triển nghệ thuật chấp nhận: Thực hành tính khách quan khi bạn bình tĩnh xem xét mọi suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và niềm tin đến và đi trong tâm trí của bạn.

Thay đổi tâm trí của bạn thường không phải là một quá trình dễ dàng. Giống như cần có thời gian và nỗ lực để có được thân hình cân đối hơn, tâm trí cũng vậy. Nếu bạn đang phải đối mặt với một hoàn cảnh khắc nghiệt, như bị ung thư, nỗ lực đó đặc biệt đáng giá.

Bắt đầu bằng cách hướng tâm trí của bạn đến những suy nghĩ tích cực. Nó có thể cần một chút luyện tập bởi vì xu hướng tự nhiên là tâm trí bạn sẽ lang thang không kiểm soát. Khi bạn nhận thấy vấn đề này, hãy dừng lại, hít thở, tập trung và chuyển hướng suy nghĩ của bạn. Bạn hãy hình dung về một cơ thể khỏe mạnh hơn, một cơ thể không bị ung thư.

Để duy trì trạng thái tích cực nhất có thể, bạn có thể cần tách khỏi một số người nhất định và tìm những người có cùng chí hướng, những người đã khuyến khích và hiểu những gì bạn đang trải qua. Điều này giúp bạn tập trung vào những gì bạn cần để chiến thắng trong trận chiến với căn bệnh ung thư.

Tác giả: James Templeton - người thành lập Uni Key Health Systems vào năm 1992 và hiện tại là Templeton Wellness Foundation, nhằm giúp đỡ những người khác đạt được sức khỏe mà họ đang tìm kiếm.

Theo James Templeton - Theepochtimes

Minh Sang biên dịch

Lớp hướng dẫn thiền định online cho người mới bắt đầu miễn phí hàng tuần tại đây.



BÀI CHỌN LỌC

Tác dụng bất ngờ của thiền đối với bệnh ung thư