Tắm mùa đông: Những điều cần lưu ý

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tắm vào mùa đông chắc chắn không phải là điều mà ai cũng muốn. Thời tiết lạnh khiến chúng ta tốn nhiều thời gian để chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng mới bước vào phòng tắm, nhưng khi cảm nhận được làn nước ấm áp thì lại thoải mái đến mức không muốn ra ngoài. Tuy nhiên, mùa đông tắm thật sự quá lạnh, thật sự có cần tắm hàng ngày không?

Mùa đông nên tắm bao lâu một lần là tốt nhất?

Tần suất tắm phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích của từng cá nhân. Nhìn chung, bạn có thể tắm cách 2-3 ngày một lần.

Mục đích chính của tắm là giữ cho da sạch sẽ và khỏe mạnh. Tuy nhiên, tình trạng da lại liên quan mật thiết đến lối sống, tình trạng sức khỏe, sở thích cá nhân thậm chí là văn hóa địa phương của mỗi người.

Có người trong công việc dễ làm bẩn da, có người vận động nhiều, có người hay ra mồ hôi, họ có xu hướng tắm hàng ngày để giữ làn da sạch sẽ và thoải mái. Còn những người không ra nhiều mồ hôi, vận động ít, thì lối sống này không cần tắm thường xuyên, có thể tắm cách ngày hoặc lâu hơn.

Tắm quá thường xuyên, đặc biệt là cách tắm sai, thực sự tiềm ẩn một số rủi ro, chẳng hạn như làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da, gây khô da và ngứa, nghiêm trọng hơn có thể nổi mề đay.

Tắm mùa đông cần lưu ý những gì?

1. Chọn nhiệt độ nước phù hợp

Nhìn chung, lời khuyên là "nên tắm ấm chứ không tắm nóng". Nói cách khác, lựa chọn tốt nhất cho da là nước ấm chứ không phải nước nóng.

Nước nóng có một số tác hại nhất định, có thể làm mất lớp bảo vệ tự nhiên của da, dẫn đến khô da và ngứa. Ngoài ra, nước quá nóng cũng có nguy cơ bỏng da - không phải chỉ nước sôi mới có thể bỏng da, nước nóng tiếp xúc với da trong thời gian dài cũng có thể gây "bỏng nhiệt độ thấp".

Nhiệt độ nước tắm có thể được xác định theo nhiệt độ cơ thể, nếu là mùa hè, có thể thấp hơn nhiệt độ cơ thể, nếu là mùa đông thì hơi cao hơn. Cụ thể, nhiệt độ nước khoảng 38 ~ 40℃ sẽ phù hợp hơn, 42℃ trở lên thì được coi là hơi nóng.

Tuy nhiên, điều này không phải là tuyệt đối, chỉ phù hợp với hầu hết mọi người, bởi vì:

  • Nếu là tắm bồn, phần lớn cơ thể sẽ ngâm trong nước, nhiệt độ giảm một chút cũng thấy ấm áp;
  • Nếu tắm vòi sen, đặc biệt là khi phòng tắm rất lạnh, nước ấm từ vòi sen phun ra sẽ giảm nhiệt độ khá nhanh sau đó, cần điều chỉnh mức nhiệt cao hơn một chút để cảm thấy thoải mái.
  • Ngoài ra, cảm nhận nhiệt độ của mỗi người rất khác nhau, có người cảm thấy nóng ở mức nhiệt này, nhưng có người lại cảm thấy lạnh tới mức nổi da gà với cùng mức nhiệt đó.

2. Sử dụng sản phẩm tắm phù hợp

Khi tắm, bạn nên kết hợp với những gì? Là sữa và muối, hay ngải cứu, đinh hương, kim ngân hoa?

Thực ra không cần phức tạp như vậy!

Hãy nhớ một câu: Chỉ cần sử dụng sản phẩm tắm dịu nhẹ là được, phổ biến nhất là sữa tắm, đặc biệt là các sản phẩm có tính axit yếu. Vì bản thân da cũng có tính axit nhẹ nên loại sản phẩm này dịu nhẹ hơn với da, ít gây kích ứng và ít gây ra các vấn đề về da hơn.

Nếu là những sản phẩm khác, chẳng hạn như xà phòng thông thường, vì là sản phẩm kiềm, có tính bazơ, mặc dù có khả năng làm sạch mạnh, nhưng sử dụng lâu dài, thường xuyên dễ gây tổn thương đến hàng rào bảo vệ của da, dẫn đến khô da hoặc ngứa.

Đặc biệt, nếu trong gia đình có người gặp vấn đề về da, chẳng hạn như da khô, chàm, viêm da dị ứng, bệnh dày sừng nang lông, bệnh vẩy nến, tất cả đều không nên dùng xà phòng, thay vào đó hãy sử dụng sữa tắm dịu nhẹ.

3. Có nên chà xát khi tắm?

Bạn có thể làm điều này, nhưng chà xát nhiều sẽ khiến cơ thể bị tổn thương.

Thỉnh thoảng chà xát cũng không sao, chúng ta đều biết rằng khi tắm sẽ bong ra rất nhiều ghét. Chúng được trộn lẫn với da chết, dầu, bụi và mồ hôi, và phần lớn là chất thải từ bề mặt da.

Dữ liệu cho thấy trong hàng tỷ tế bào da của con người, cứ mỗi giờ có từ 30.000 đến 40.000 tế bào da bong tróc, trong vòng 24 giờ sẽ mất gần một triệu tế bào da, chúng chính là những tế bào chết mà chúng ta nhìn thấy.

Vì vậy, không có hại gì khi thỉnh thoảng chà xát. Vậy tại sao cọ xát mạnh lại làm tổn thương cơ thể?

Thực ra, cọ xát quá mức có thể gây ra những tác hại nhất định:

  • Tần suất ma sát cơ học thường xuyên sẽ gây tổn thương nhẹ cho da, dễ dẫn đến viêm nang lông, tức là nhiễm trùng vi khuẩn ở nang lông;
  • Nếu chà xát ở phòng tắm công cộng, những tổn thương này sẽ khiến da dễ bị lây nhiễm các bệnh khác, chẳng hạn như mụn cóc;
  • Ma sát làm tổn thương hàng rào vật lý của da, chà xát quá nhiều còn làm tổn thương hàng rào hóa học của da (lớp màng lipid), dẫn đến khô da, ngứa, eczema, v.v.;
  • Nếu ma sát thường xuyên ở những vị trí cố định, có thể xuất hiện da thô ráp, dày lên và sẫm màu ở những vùng da cục bộ.

4. Thời gian tắm phù hợp

Thời gian tắm không nên quá dài, nhất là đối với những người tắm thường xuyên. Nếu nhanh thì bằng thời gian của một bài hát (5 phút), nếu chậm thì dài gần bằng hai bài hát (10 phút). Nếu bạn tắm quá lâu thì rất không nên, thậm chí bạn chỉ tắm khoảng 15-20 phút cũng không tốt.

Điều này là do thời gian tắm quá dài, sẽ gây ra "hydrat hóa quá mức" cho làn da, nghĩa là da tiếp xúc với độ ẩm trong thời gian dài, hấp thụ quá nhiều nước. Sau đó, chức năng hàng rào bảo vệ trên da sẽ giảm xuống, nguy cơ bị khô và ngứa ngược lại càng lớn.

Để da giữ được độ ẩm, điều quan trọng không phải là tiếp xúc với nước trong thời gian dài, mà là sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm để giảm thiểu mất nước. Trong trường hợp bạn tắm lâu hoặc tắm xong, da bị khô căng, thì sau khi lau khô nước, bạn nên thoa lại kem dưỡng ẩm, bất kể là kem dưỡng da hay sữa dưỡng thể, đều có tác dụng.

Theo Wang He - Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch

Bài chọn lọc


BÀI CHỌN LỌC

Tắm mùa đông: Những điều cần lưu ý