Thay đổi tính cách sau ghép tạng: Các tế bào sống đều có ‘bộ nhớ' và lưu trữ ký ức!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ý tưởng cho rằng trái tim chứa đựng ‘bản chất’ của một người có thể không chỉ là một khái niệm tâm linh. Một nghiên cứu gần đây cho biết các tế bào sống của tim và các mô tạng khác đều có ‘bộ nhớ' và lưu trữ ký ức.

Kể từ ca ghép tim người đầu tiên vào năm 1967, các bệnh nhân vẫn thường thông báo về một số thay đổi tính cách kỳ lạ của họ. Cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu để cố gắng giải thích hiện tượng này.

Các trường hợp thay đổi tính cách sau cấy ghép tim

Sau cuộc phẫu thuật cấy ghép tim, một số người nói rằng họ cảm thấy ít giống mình hơn và giống người hiến tặng hơn.

Ví dụ, một người phụ nữ được ghép tạng vào những năm 1990 cho biết đột nhiên nảy sinh tình yêu với âm nhạc sau khi nhận được trái tim của một nam nhạc sĩ trẻ. Cô nói: “Trước đây tôi chưa bao giờ có thể chơi đàn, nhưng sau khi cấy ghép, tôi bắt đầu yêu âm nhạc. Tôi cảm nhận được điều đó từ trong trái tim mình”.

Những người được cấy ghép tim khác cho biết họ đã phát triển những sở thích mới về thực phẩm, nghệ thuật, tình dục hoặc nghề nghiệp sau cuộc phẫu thuật. Một số thậm chí còn tuyên bố đã được cấy ghép "ký ức" mới.

Lấy trường hợp của một giáo sư đại học 56 tuổi (ẩn danh), người đã nhận được trái tim của một sĩ quan cảnh sát bị giết bởi một phát súng vào mặt. Vài tuần sau ca cấy ghép, vị giáo sư này cho biết ông bất chợt nhìn thấy: "Một tia sáng chiếu thẳng vào mặt tôi, mặt tôi trở nên nóng bừng, thực sự bị cháy".

Các trường hợp thay đổi tính cách sau cấy ghép các tạng khác

Gần đây, một nghiên cứu mới của Đại học Colorado (CU) được công bố trên Transplantology cho thấy, không chỉ việc cấy ghép tim mới có vẻ gây ra những thay đổi cơ bản như vậy đối với tính cách của người được nhận tạng.

Một cuộc khảo sát trực tuyến giữa 23 người nhận tim và 24 người nhận nội tạng khác cho thấy gần 90% đã trải qua những thay đổi về tính cách sau phẫu thuật cấy ghép, bất kể nội tạng họ nhận được là gì.

Hầu hết bệnh nhân trong nghiên cứu cho biết họ đã trải qua 4 lần cảm nhận được sự thay đổi tính cách trở lên và hầu hết những thay đổi này liên quan đến tính khí, cảm xúc, thức ăn, bản sắc, niềm tin tôn giáo/tâm linh hoặc ký ức.

Nghiên cứu của CU là một trong những nghiên cứu đầu tiên định lượng những thay đổi về tính cách xảy ra sau nhiều ca cấy ghép nội tạng. Các nghiên cứu trước đây có xu hướng tập trung vào việc cấy ghép tim.

Trong trường hợp ghép gan hoặc thận, bệnh nhân trong các nghiên cứu trước đây có xu hướng cho biết cảm giác căng thẳng, lo lắng, trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác thay đổi.

Giả thuyết ‘trí nhớ hệ thống’

Một số nhà nghiên cứu đã giải thích những khác biệt này bằng cách cho rằng có một "bộ não nhỏ trong trái tim". Tuy nhiên, những lời giải thích này không xem xét đến các cơ quan được cấy ghép khác, ngoài tim.

"Giả thuyết trí nhớ hệ thống" (systemic memory hypothesis) cho rằng tất cả các tế bào sống đều có "bộ nhớ" và người nhận cấy ghép tạng có thể cảm nhận được ký ức của người hiến tặng thông qua mô của họ. Có lẽ điều đó có nghĩa là 'ý thức về bản thân' của chúng ta được chứa đựng trong mọi tế bào của cơ thể của chúng ta.

Mặc dù các kết nối thần kinh của cơ quan cấy ghép bị cắt đứt nhưng các dây thần kinh vẫn có thể hoạt động bên trong cơ quan đó. Một số bằng chứng cho thấy các kết nối thần kinh có thể được phục hồi một phần một năm sau phẫu thuật cấy ghép.

Các nhà khoa học từng tìm thấy tế bào của người hiến tặng lưu hành trong cơ thể người nhận tạng khoảng hai năm sau khi cấy ghép.

Tiến sĩ Larry Dossey, cựu chánh văn phòng tại Bệnh viện Medical City Dallas và là biên tập viên của EXPLORE: The Journal of Science and Health, đưa ra một cách giải thích khác với giả thuyết về trí nhớ tế bào: đó có thể là vấn đề ý thức, không phải vấn đề về mô cơ thể.

Không chỉ có não và các tế bào thần kinh giữ lại trí nhớ. Chúng ta có thể có sáu cơ chế có thể được lưu trữ ký ức: trí nhớ biểu sinh, bộ nhớ DNA, bộ nhớ RNA, bộ nhớ protein, bộ nhớ thần kinh trong tim và bộ nhớ năng lượng.

Điều này có nhiều ý nghĩa đối với tương lai của khoa học sự sống. “Tuổi thọ, đường đời và các đặc điểm của tâm trí và tinh thần của mỗi người cuối cùng sẽ được xác định khi chúng ta có những cách nghiên cứu tốt hơn”, tiến sĩ Yuhong Dong - tác giả của bài báo Người nhận tạng cấy ghép biểu hiện tính cách của người hiến tạng, tại sao? trên trang The Epoch Times tại New York nói.

Theo ScienceAlert/TheEpochTimes

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Thay đổi tính cách sau ghép tạng: Các tế bào sống đều có ‘bộ nhớ' và lưu trữ ký ức!