Thông điệp từ bức thư tuyệt mệnh của cậu bé 10 tuổi khiến nhiều bậc cha mẹ thức tỉnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới trong mắt trẻ thơ thật hồn nhiên vô tư, hạnh phúc của những đứa trẻ đôi khi khiến người lớn phải ghen tị. Tuy nhiên, có những đứa trẻ phải chịu đựng những áp lực rất lớn ngay trong độ tuổi đáng lẽ chúng nên được tận hưởng tuổi thơ của mình. Một tin tức đã từng gây bức xúc và xôn xao dư luận trong thời gian dài, kể về cậu bé 10 tuổi nhảy lầu tự tử, trong bức thư tuyệt mệnh cậu bé viết: "Xin hãy xử lý thi thể của cháu, đừng mang cháu trở về nhà".

Vốn dĩ đã từng là một đứa trẻ vui vẻ hiếu động, vì sao cậu bé lại chọn cách làm cực đoan như vậy? Hơn nữa, vì sao cậu bé lại có thái độ thù địch với chính gia đình của mình?

Hóa ra, cha mẹ của cậu bé đặt ra yêu cầu rất cao đối với thành tích học tập của cậu, họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học, tước đoạt sự tự do và thời gian vui chơi của cậu, điều này khiến cậu bé cảm thấy chán nản và vô cùng áp lực. Vì vậy, mỗi khi ở bên cạnh cha mẹ, cậu bé cảm thấy rất khó chịu, áp lực từ phía cha mẹ vô hình chung đã đẩy cậu bé vào con đường đáng tiếc như vậy.

1. Điều gì khiến con trẻ lựa chọn cái chết để thoát khỏi áp lực?

Nhiều người không khỏi thắc mắc, trong thời đại không phải lo cơm ăn áo mặc, vì sao trường hợp trẻ tự tử ngày càng nhiều? Tâm lý tự chống chọi với thất bại và khả năng chịu đựng áp lực của trẻ kém đến vậy sao? Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, tuy trẻ em được hưởng sự ổn định và hạnh phúc do thời kỳ hoà bình mang lại nhưng thực tế chúng chịu nhiều áp lực hơn trẻ em ngày xưa. Ngày càng nhiều các trường hợp trẻ em tự làm tổn thương bản thân, vậy điều gì đang ngăn cản chúng trở nên hạnh phúc?

Nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy tuyệt vọng và rơi vào bi kịch không phải từ một phương diện nào đó, mà là do tác động bởi rất nhiều phương diện, bao gồm xã hội, gia đình, trường lớp, các mối quan hệ,...

Đầu tiên, sự cạnh tranh xã hội không ngừng gia tăng, cha mẹ nào cũng muốn sau này con cái sẽ có một công việc tốt, do vậy họ không ngừng tạo áp lực lên chúng.

Cha mẹ nào cũng đều hy vọng con cái có thể tự lập, có cuộc sống hạnh phúc đồng thời có thể tạo ra nhiều giá trị xã hội trong tương lai. Vì vậy, việc cha mẹ so sánh thành tích của con trẻ với người khác cũng trở thành thói quen. Khi áp lực cạnh tranh ngày càng tăng đến với trẻ, thời gian vui chơi của chúng cũng bị rút ngắn lại, vào cuối tuần, thay vì có thời gian thư giãn, chúng lại phải tham gia những lớp học phụ đạo. Dưới áp lực học tập mật độ cao, trẻ khó có thể vui vẻ.

Thứ hai, thái độ và cảm xúc của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ

Một số cha mẹ thường quá khắt khe và có yêu cầu cao đối với con cái, họ không những yêu cầu con phải học giỏi mà còn phải xuất sắc cả về nhân cách lẫn học tập, không được phạm sai lầm. Phương pháp giáo dục 'thương cho voi cho rọt' cũng khiến nhiều phụ huynh dùng bạo lực khi dạy dỗ con, họ thường xuyên la mắng và dùng nhục hình để răn đe con, từ đó khiến những đứa trẻ cảm thấy áp lực và căng thẳng khi ở nhà. Qua thời gian dài chịu đựng, chúng thậm chí có thể nảy sinh những ý nghĩ cực đoan, dại dột.

Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, trẻ em có nhiều cách để tiếp cận nhiều nguồn thông tin đa dạng, chúng dễ dàng tiếp xúc và bắt chước một số hành vi sai trái. Đó là lý do tại sao có nhiều trường hợp trẻ em tự tử và tự làm tổn thương bản thân.

2. Mong ước đơn giản nhất của cha mẹ dành cho con mình lớn lên là gì?

Việc cha mẹ mong muốn con mình tiến bộ và thành công là điều tất nhiên và dễ hiểu, nhưng cha mẹ cần lưu ý không được lạm dụng và đừng để những kỳ vọng tốt đẹp dành cho con trở thành xiềng xích hạn chế hạnh phúc của con. Có rất nhiều bậc cha mẹ coi con mình như công cụ để thực hiện những ước mơ chưa thành, tàn nhẫn phá vỡ tuổi thơ được cho là hạnh phúc của con mình và buộc phải đi theo con đường do cha mẹ sắp đặt.

Diễn viên Trịnh Sảng chính là một ví dụ điển hình, cô chia sẻ bản thân buộc phải thực hiện ước mơ dang dở của mẹ mình. Khi mẹ cô còn trẻ, bà mơ ước trở thành diễn viên, nhưng ước mơ đó không thể thành hiện thực. Vì vậy, cô bé Trịnh Sảng ngày đó được mẹ gửi đến một trường múa ở xa quê để học, vì không có bố mẹ ở bên, cô thường bị bạo lực học đường vì giọng nói không chuẩn. Phương pháp giáo dục của bố mẹ cô cũng rất nghiêm khắc, mẹ cô thường truyền cho cô tư tưởng "nhất định phải cạnh tranh để được đứng đầu", thậm chí bà còn thường dùng thước để đánh vào tay cô.

Mặc dù hiện tại Trịnh Sảng đã trở thành diễn viên nổi tiếng trong làng giải trí, ước mơ của mẹ cô cuối cùng cũng đã thành hiện thực với con gái mình. Nhưng với tư cách là khán giả, họ khó có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của Trịnh Sảng với tư cách là một diễn viên. Dù có tính cách vô tư nhưng nội tâm mong manh và bất an vẫn có thể cảm nhận được trong mỗi cử động của cô.

Trong các gameshow truyền hình, cô thường từ chối giao tiếp với các diễn viên khác, khiến tiến độ diễn tập của nhóm liên tục bị trì hoãn; trên các chương trình du lịch, cô cũng hay xảy ra mâu thuẫn với các khách mời khác vì tính cách quá thẳng thắn; ngay cả trong tình yêu, cô cũng lo lắng về lợi ích và được mất, mối quan hệ nào cũng đầy lo âu, khó tránh khỏi kết cục không như ý muốn. Áp lực luôn đeo bám cô, khi cô được phỏng vấn trong một chương trình, cô cũng thừa nhận rằng cô chọn nghề diễn xuất dưới sự ảnh hưởng của mẹ, tính cách bản thân không phù hợp để ở lại làng giải trí.

Suy cho cùng, ước muốn đơn giản nhất mà cha mẹ dành cho con đó chính là nhìn thấy con mình khỏe mạnh, lớn lên hạnh phúc. Chỉ có con đường do chính mình lựa chọn mới có thể khiến trẻ hạnh phúc, chỉ có tuổi thơ hạnh phúc mới có thể đơm hoa kết trái bằng tình yêu thương và sự quan tâm. Những đứa trẻ bị bao vây bởi áp lực sẽ không thể sống hạnh phúc. Nếu con không hạnh phúc thì chẳng phải là đi ngược lại mong muốn ban đầu của cha mẹ sao?

3. Cách nuôi dạy trẻ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần

Việc quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ là rất quan trọng, vậy làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần?

  1. Tôn trọng quy luật phát triển của trẻ

Có câu nói 'dục tốc bất đạt', trong việc giáo dục con cái cũng vậy. Nhiều bậc cha mẹ thường lơ là quy luật phát triển của con cái, từ đó mù quáng hướng dẫn con phát triển theo hướng của mình, con trẻ lúc này cũng giống như những cây lúa bị nhổ bật gốc, chúng mỏng manh và dễ bị tổn thương. Những hành vi không tôn trọng quy luật khách quan của con trẻ bao gồm: Cho con tham gia quá nhiều lớp học thêm ngoài giờ học, giáo dục kiến thức sớm cho con, thường xuyên so sánh con với người khác,...

Cách tốt nhất chính là cha mẹ hãy buông bỏ nỗi lo lắng muốn con giành chiến thắng ngay từ vạch xuất phát và tôn trọng sự khác biệt ở con. Từ từ giáo dục con một cách lý trí, con bạn mới có thể bước đi vững vàng hơn.

  1. Chú ý đến việc giao tiếp tinh thần với trẻ

Đối xử bình đẳng và có sự giao tiếp tinh thần với trẻ, gần gũi với thế giới nội tâm của trẻ, hiểu được suy nghĩ của trẻ thì chúng ta mới có thể hiểu rõ hơn những vấn đề của trẻ, từ đó có thể kê đơn thuốc phù hợp để hướng dẫn trẻ theo con đường đúng đắn.

Việc mù quáng yêu cầu trẻ tiến bộ mà bỏ qua thế giới tinh thần của trẻ, áp lực và nỗi thống khổ trong lòng trẻ không cách nào giải tỏa, đó thường là nguyên nhân dẫn đến bi kịch.

  1. Dạy trẻ cách quản lý cảm xúc của mình

Trẻ cũng có những cảm xúc riêng của mình, thậm chí những cảm xúc tiêu cực chính là nguyên nhân dẫn đến những bi kịch không đáng có. Cha mẹ không thể lúc nào cũng bao bọc và che chở con, sẽ có những lúc áp lực và thất bại trong cuộc sống tác động đến tinh thần của trẻ.

Điều cha mẹ nên làm là hướng dẫn con kiềm chế cảm xúc một cách chính xác và cách để quản lý cảm xúc, không để con đưa ra những lựa chọn bốc đồng dưới ảnh hưởng nhất thời của cảm xúc. Thay vì những kiến ​​thức rập khuôn có thể giúp chúng học tốt hơn ở trường, điều trẻ cần hơn là khả năng xử lý căng thẳng và vượt qua thất bại một cách chính xác.

Theo Vương Hòa - Aboluowang
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thông điệp từ bức thư tuyệt mệnh của cậu bé 10 tuổi khiến nhiều bậc cha mẹ thức tỉnh